bởi Mỹ Diệu

72
3
1809 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2.1: Lời nói dối chân thành


“Nghĩ gì mà thơ thẩn dữ vậy mày? Chả nhẽ mới lên mà tương tư anh nào sao? Tao thấy nghi lắm.”

Loan cười đùa. Nó đâu biết tâm trí tôi giờ đây tràn ngập kí ức tuổi thơ của ba đứa. Hà đi bên tôi, hai mắt nó cứ liếc qua liếc lại. Nó dường như cảm thấy thành thị giống như một giấc mơ đẹp, nơi mà con người ta có đủ điều kiện vật chất để sống cuộc sống tiện nghi. Nó từng bảo với tôi rằng:

"Ước gì ngày xưa, tao cũng như Loan được sinh ra ở thành phố, có khi bây giờ tao không khổ như này mày nhỉ? Tao sẽ có đủ điều kiện để đưa má vào bệnh viện tốt nhất mà chữa trị, chứ không phải tận mắt nhìn má tạm biệt tao như thế. My à! Tao khổ lắm. Tao không rõ tại sao chúng ta lại sinh ở đây cơ chứ? Nơi đây cứ giống vùng đất hoang tàn, mọi người sống vật vờ trước cái ranh giới của sự sống và cái chết."

Nó nhìn tôi, nước mắt chảy dài. Nén cảm xúc, nó ôm chầm lấy tôi. Tôi vẫn nhớ in những ngày tháng kinh khủng đó lần lượt đến với tôi và Hà. Chúng tôi đều như đứa trẻ dại khờ, cố đi tìm cho mình chân trời mơ ước giữa nơi đây. Có lúc tôi cảm thấy mình như ngừng thở, tim thắt nghẹn lại, không muốn níu lấy sự sống hiện tại này nữa. Tôi muốn rời xa, đi tới nơi không có ai cả, chỉ có mình tôi và cô đơn. Dù tôi biết mẹ từng bảo cô đơn là nỗi sợ lớn nhất mà con người ta phải chịu đựng. Tôi biết chứ, nhưng nếu đổi lại tôi hay một ai khác, họ cũng sẽ làm giống tôi thôi. Sống trong những nơi mà mỗi sáng thức giấc ánh mặt trời như lạnh dần, khi tình yêu thương của con người chỉ là đóa hoa đã tàn trước khi xuân đến. Tôi thở dài, hướng mắt nhìn về phía xa chân trời. 

"Giá mà tao gặp được tình yêu thì tốt? Tao như này, có mà chẳng có ai thương nữa cơ?"

Tôi ghẹo Loan, lấy tay quệt nhẹ đi giọt nước mắt vừa rơi. Tôi muốn bản thân mình mạnh mẽ và có thể tiếp tục sống tốt cuộc đời này, dù nó có tồi tệ tới cỡ nào đi chăng nữa? Hoa mùa đông tàn rồi, thì ít ra cây vẫn còn sống, tiếp tục sinh trưởng vào những mùa tới. Người thương của tôi đều dần rời bỏ tôi đi, nhưng Hà vẫn chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Cứ nhìn nó từng bước từng bước chống lại số phận nghiệt ngã mà cuộc đời ban tặng, tôi càng phải trân quý tuổi trẻ của mình hơn cũng như yêu quý Hà nhiều hơn. 

Nắm chặt lấy tay Hà, tôi tiếp tục bước đi trên con đường Sài Gòn. Thấy Loan nhìn ganh tỵ với tình cảm này, tôi cười tươi. Chạy đến bên Loan, ôm trầm lấy nó như cố tỏ ra sự nhớ thương bao lâu này dành cho nó rất nhiều. 

"Sau này chúng ta lại có thể tiếp tục những câu chuyện tuổi thơ ở thành phố mới rồi. Tuy giờ chúng ta đều đã hai mấy cả rồi, nhưng tao biết chúng ta vẫn rất xinh đẹp và chúng ta luôn sống vì chính mình. Sài Gòn đẹp thật đấy! Mày sống ở đây lâu vậy, có phải nên dẫn đường chỉ cho tụi này rồi không?"

My vỗ tay đồng ý:

"Phải đó, đừng có mà bảo với tụi này lại không biết Sài Gòn có gì đó nha! Tao là tao giận đấy."

Nắng đổ xuống đất tạo nên những cái bóng với hình thù kì lạ. Loan thích thú chỉ và khoe mình cao hơn chúng tôi so với trước kia. Tôi cãi lại, My can ngăn hai đứa. Chúng tôi cứ thế mà đùa vui thích thú giữa đường phố khi mà ai cũng đang tấp nập tìm những nơi trú chân để tránh cái thời tiết gắt gỏng này. Chúng tôi dừng chân ở một trạm buýt ven đường. Đứa nào đứa nấy mồ hôi nhãi nhệ, ngồi xuống vừa thở vừa cười. Loan đột nhiên nhìn chằm chằm, hỏi:

"Mà sao tự dưng nay mày với con Hà đột nhiên lên Sài Gòn thế, mà hai đứa bây lên trễ quá, tao chờ chúng mày chắc sắp lấy chồng luôn rồi nè."

Hà khúc khích cười, vỗ vai Loan tỏ vẻ trách hờn:

"Ờ đợi mày về mà mày nào có về. Người ta gọi là đi xa quá quên cả quê quên cả bạn bè. Đợi mày về thăm tụi tao, chắc hai đứa tao phải mọc râu trắng tóc bạc phơ như bụt trong Tấm Cám rồi, lại còn bày đặt hờn giận tao."

Nghe vậy, tôi liếc Loan:

"Con Hà nói đúng đấy, chúng ta chắc già rồi mới thấy con Loan nó dẫn con về thăm chúng ta."

Loan cúi đầu, phụng phịu không nói được câu gì. Tôi quay người lại, bàn tay lướt qua bụi hoa giấy đang mọc trên những thanh rào chắn ngay bên trái của trạm xe. Tôi ngắm nhìn hoa giấy rất lâu, có lẽ trong tôi nhớ lại cái thời xuân xanh lúc trước, lúc mà chúng tôi quen nhau rồi chơi thân từ sau cái chuyện phát hiện ra quyển bí kíp của Hà. Hóa ra nó chẳng có quyển sách gì cả, chỉ là nó thương mấy đứa trẻ nghèo của xóm tôi. Đám nhóc đó là lũ trẻ không cha không mẹ, di tản từ hồi chiến tranh miền Nam xuống miền Bắc nên bị thất lạc. Tụi nó là dân thành thị với đủ chiêu trò đố vui, toàn từ người khác xung quanh đố xong không giải được nên học thuộc như lưu trữ một vốn kiến thức cho mình. Ngộ cái con Hà nó cũng không biết câu trả lời nên mới dám thách đố chúng tôi, thành ra nó mới có nhiều bánh kẹo sau mỗi câu đố cho dù kết quả vẫn không ai giải ra được. Nghĩ thì cũng hơi ganh tỵ với Hà nhưng tôi cho rằng nó rất tốt bụng lại còn thông minh, tuy hơi xảo trá trong việc chơi đố với người khác là không đúng nhưng nó cũng đâu có giữ riêng phần bánh hay quà thu lợi sau mỗi câu đố cho riêng mình, còn chia đều cho từng đứa nhỏ ở đây. Tôi với Loan từ nửa thấy tức giận sang cảm thông rồi khi bắt gặp cảnh ấy tự dưng trong lòng cũng chẳng ham hố phần thưởng hay tính tới chuyện trêu trọc nó nữa, mà lại thấy ngưỡng mộ nó hẳn. Thời đó nhà nó cũng nghèo như tụi nó mà đã nghĩ ra cách để giúp đỡ, khiến người khác vui. Nhìn lại bản thân tôi thấy hổ thẹn vì bao năm bám áo mẹ mè nheo chỉ để miếng bánh, quả bong bóng, còn cãi ngang mẹ để trốn đi chơi trưa nắng chả làm được việc gì lên hồn cả.

“Đi thôi tao dẫn tụi mày đi chơi một chỗ rất vui Sài Gòn."

“Đi đâu cũng được nhưng phải trước năm giờ nha mày. Tao với con Hà còn đi làm thêm tối nữa.”

Tôi buột miệng nói, thật ra hôm nay không có ca làm thêm nào cả (nếu công việc của tôi thế giới ngoài kia xem đó là làm thêm thì cũng có thể, nhưng thường ít ai coi việc tôi làm ở trong nơi đó gọi là làm thêm cả). Lòng hơi ngượng ngùng, khoảng cách ấy khiến tôi chợt khựng lại. Nhìn Loan toát lên vẻ sang trọng, học thức, trông lại bản thân quần áo cũ mặc hai năm rồi chưa đổi, có công việc tồi tàn chẳng đáng để đem ra cho người ta tán thưởng.

Loan ngơ mặt, nhìn chúng tôi một lát rồi hỏi:

“Mới vào Sài Gòn mà đã tìm được việc rồi sao? Giỏi thật đấy!!!”

Hà liếc nhìn tôi một cái. Dường như nó hiểu bụng tôi đang suy nghĩ về điều gì. Nó cùng tôi trải qua bao nhiêu chuyện, nếm trải bao khổ ở đời nên đôi khi chúng tôi chẳng nói câu gì, chỉ vài tín hiệu là hiểu ngay ý nhau. Lòng tôi hơi buồn, chuyện cũ lại ùa về trong suy nghĩ, mà chắc gì đã xem là chuyện cũ có khi đó là cả cuộc đời tôi vậy, được an bài sẵn là “số khổ”. Nhưng đứng trước con người này, dù là bạn thân của tôi từ nhỏ, tôi cũng chả muốn kể chuyện của mình ra, sợ nói ra người ta xa lánh mình mà càng sợ hơn người ta xem thường mình, thương hại cái thân kiếp lềnh bềnh này của tôi. Tôi giờ chỉ như kiếp bèo trôi lênh đênh giữa sông nước, không nơi nương tựa, chốn dung thân. Thôi kiếp người vốn vậy, vài năm nữa rồi biết đâu cơ may nó cũng đến, còn giờ gió chiều nào theo chiều ấy vậy. Tôi thoáng mơ tưởng về điều gì đó tươi đẹp hơn trong tương lai. Vì cái tương lai ấy mà tôi phải lao lực mỗi ngày để mà sống tốt hơn. Tôi im lặng, xong nghĩ cái sự im lặng của bản thân là một thứ tồi, ích kỉ, có thể phá đám đi cái bầu không khí vui vẻ giữa ba đứa sau bao năm gặp lại. Ngay đến cả Hà, nó còn chưa thở dài lần nào, mà tôi thì cứ được tý là lại liếm môi, vuốt khuôn mặt rồi thở dài, lảm nhảm một mình, trông không khác gì một người thiếu phép lịch sự. Để đáp lại tình cảm bạn bè bấy nhiêu năm nó còn giữ, tôi quyết định giấu kín chuyện của bản thân, nói dối qua loa cho qua chuyện:

“À bà dì tao ở dưới quê, bảo là trên Sài Gòn có công ty XXX may mới mở đang tuyển nhân viên số lượng lớn mà không cần trình độ, nên giới thiệu với mẹ tao. Nghe xong tao với Hà mới lên đây làm chung, cho đỡ cái kiếp cày giữa trưa bao năm như mẹ tao.”

Loan gật gù, cái đầu nó nghiêng vẹo về một phía. Nó nắm lấy tay chúng tôi đi hết những con đường dài, bảo muốn dẫn chúng tôi tới một nơi rất đẹp mà cả hai đứa chúng tôi cần phải biết đến khi đặt chân tới Sài Gòn.