bởi Robe

293
18
3935 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1 - Tuổi Thơ


Phần dẫn truyện

An bước lên ghế và rồi bước một chân lên lan can. Nhìn những bóng người nhỏ xíu như ngón tay phía dưới sân anh biết là mình đang ở một tầng rất cao của một  tòa nhà nào đó. Chỉ một bước nữa thôi là mọi thứ đau khổ trong anh sẽ chấm dứt, sẽ không còn những đêm mất ngủ, sẽ không còn áp lực về tiền bạc, sẽ không còn phải nghe những cuộc điện thoại và nhận những tin nhắn đe dọa, sẽ không còn lo lắng về quá khứ hay tương lai gì nữa, anh sẽ được gặp mẹ. Vậy mà trước đây anh luôn nghĩ những người tự tử là ngu ngốc, là bồng bột, là phụ công cha mẹ. Anh bước chân còn lại lên cái lan can  rộng chừng 20 xen-ti-mét. Dòng chữ trong một cuốn sách nào đó An đã từng đọc hiện lên trước mắt "Khi bạn muốn bỏ cuộc hãy nghĩ tới lý do khiến bạn đã bắt đầu". An nghĩ thầm, mình đã bắt đầu cuộc sống này như thế nào nhỉ?


Phần mở đầu

Chương 1: Tuổi thơ những năm đầu thập niên 80

An giậm mạnh chân xuống đất, cả thân hình bé nhỏ lao lên không trung, nó đang bay và cảm giác đó thì không gì sung sướng hơn. Trong tích tắc nó đã vượt qua những nóc nhà rêu phong cổ kính và ra tới cánh đồng lúa trải dài phía dưới. Cảm thấy như mình đang bay rất cao vì nó nghe có tiếng máy bay đang bay rất gần, giống tiếng máy bay trực thăng lâu lâu bay qua làng. Và trong khi nó còn đang phân vân là làm thế nào để bay thấp xuống thì ngay phía trước một chiếc trực thăng đang đâm bổ về phía nó. 

An choàng tỉnh dậy nên may mắn thoát khỏi cú đâm trực diện đó, nhưng điều không may là nó đang không bay mà chỉ đang nằm trên giường với chiếc chiếu bóng nhẫy mồ hôi. Nó cũng hiểu ra tại sao trong giấc mơ nó lại nghe thấy tiếng máy bay trực thăng rồi, bên cạnh là bố An đang ngáy khò khò, tiếng ngáy với nhiều cung điệu và âm bậc trầm bổng rất lạ, nó cứ thắc mắc là tại sao khi bố nó thức nó nói bố ngáy thử thì bố nó lại không thể tạo ra những âm thanh như vậy. Tối qua nó được nghe bác Ẩn, người được coi là có kiến thức và văn mình nhất làng kể về câu chuyện ở nước nào đó mới sản xuất ra được bộ phim với nhân vật Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông và có khả năng bay lượn như chim, vì vậy nó đã có giấc mơ kỳ lạ vừa rồi

- Lại tụ tập đi phá làng phá xóm hả? 

Tiếng quát của ông nội An phía ngoài sân mới thực sự đưa nó ra khỏi hẳn giấc mơ tuyệt vời cũng như tiếng ngáy của bố. An chợt nhớ ra rằng trưa nay có hẹn với mấy đứa trong xóm vì có một sự việc. Đúng như ông của An vừa quát, An và mấy đứa cùng xóm hay tụ tập nhau vào buổi trưa với các trò chơi hoặc quậy phá quen thuộc của bọn con nít nông thôn trong những buổi trưa hè. Nhưng hôm nay thì không, chúng nó tụ tập để bàn luận về một sự kiện vô cùng quan trọng của buổi tối ngày mai. Chẳng riêng gì bọn trẻ háo hức chờ đợi sự kiện đó mà ngay cả người lớn cũng bàn luận sôi nổi ở mọi nơi. An và đám  con nít trong xóm chuẩn bị đón một thứ được coi như khởi đầu cho nền văn minh nhân loại. Có thể các nơi khác trên cái quả đất này đều đã biết đến từ lâu nhưng ở làng của An những năm đầu của thập niên 80 này thì khác, gần như các gia đình còn đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm đủ ba bữa cơm mỗi ngày chứ có mấy ai biết đến thứ giải trí xa xỉ kia.

Gần nhà An có một khu đất rộng lớn với hàng rào bao quanh. Bên trong là những dãy nhà ngói cấp 4 rất dài và chia thành nhiều phòng. Một cái sân chung có diện tích cả mấy trăm mét vuông là nơi chứa gạch đá, xi măng... đó là một cơ quan nhà nước mà mọi người ở quê An hay gọi là Công Trình. Trong cái công trình đó có rất nhiều thứ mà tụi con nít như An thèm thuồng, nhất là mấy cây dâu da, một loại cây có quả to bằng đốt ngón tay, khi xanh thì ăn rất chua và chát, thực ra cũng chẳng nhiều người chịu được vị chua của nó nhưng khi chín thì nó có thêm chút vị ngọt. Mặc dù có cả một đống rào bằng gai xung quanh mấy gốc cây đó cộng với sự tận tụy coi sóc của bác bảo vệ già nhưng cũng chẳng có quả nào tồn tại trên cây được tới lúc chín. An thì chẳng thèm thuồng gì loại trái cây đó vì nó vừa chẳng ngon lành gì vừa phải tham gia chạy ma-ra-tông nếu bị phát hiện khi đang hái trộm, ấy là chưa kể bị người ta tới tận nhà méc với bố mẹ. Ở trong công trình đó An chỉ thích đến gần cái cửa sổ phòng cô Vân, phòng cô đánh máy chữ, không biết vì An thấy cô giỏi nên cô trở nên đẹp hay là cô đẹp thật nhưng dù sao thì việc nó muốn tới gần cái cửa sổ đó không phải vì vẻ đẹp của cô đánh máy mà thứ nó muốn duy nhất là những tờ giấy than, một loại giấy kỳ lạ với An vì nó có thể in lại mọi hình vẽ khi kê nó trên tờ giấy trắng, mặc dù khi nhận được những tờ giấy than từ cô Vân thì chúng cũng chẳng còn nguyên vẹn mà nó đã chi chít những ô chữ, những con số màu trắng trên đó rồi. An không hiểu tại sao người ta lại giỏi như vậy khi có thể làm ra được những thứ như cái máy đánh chữ này, và hôm nay nó và bọn con nít sẽ còn ngạc nhiên hơn về một phát minh của nhân loại. Hôm qua có người ở Công Trình tiết lộ cho bố thằng Khanh biết là 2 ngày nữa sẽ có một thứ gọi là Tivi được đưa về. Thế là tin đó nhanh chóng lan đi khắp làng và ai cũng nói về nó giống như kiểu ngày nay người ta hay bàn về trận chung kết của bóng đá Việt Nam. 

Thằng An không rõ là những người lớn ở quê nó đã có mấy người biết về cái gọi là tivi? Còn nó và bọn bạn thì hoàn toàn mù tịt về cái danh từ đó. Nó nghe người lớn nói là trong cái tivi đó chứa được tất cả mọi thứ. Nhưng nó cũng như cả bọn con nít không thể hình dung nổi là cái tivi nó phải to như thế nào mới có thể làm điều đó. 

An dụi mắt cho tỉnh hẳn và nghĩ thầm, chắc tụi nó đang chờ mình ở ngoài. Nó nhẹ nhàng bước xuống giường để ra cái cửa phía trái nhà do cửa trước ông nó đang ngồi soi gương nhổ tóc sâu. Nhẹ nhàng kéo cái chốt ngang cửa để tránh đánh thức bố, vì bố mà dậy là chắc chắn nó phải quay trở lại giường. Còn nếu đã thoát ra khỏi nhà rồi thì khi trở về hình phạt nặng nhất cũng chỉ là bị quát mấy câu. Bố nó chẳng đánh nó bao giờ. 

Giờ thì tụi nó đã tụ tập đông đủ dưới gốc cây gạo đầu làng. Đầu làng của An là cây cầu bắc qua sông Láng, cây cầu với ba trụ đỡ bằng đá đã tồn tại từ rất lâu, hai thành cầu thì chỗ còn chỗ mất, là nơi bọn trẻ hay làm điểm tập kết tắm sông vào những buổi trưa và cũng là nơi tụ tập của đám thanh niên vào buổi tối. Đầu cầu bên này là 3 cây gạo rất lớn thân nó xù xì toàn gai, nghe ông nội kể thì những cây gạo này đã tồn tại từ thời chiến tranh và đến bây giờ nó như biểu tượng của cái làng nơi An sinh sống. Riêng với gia đình An thì nó là cái mốc để hướng dẫn bất cứ ai đến nhà nó chơi. Đang là mùa hè hoa gạo nở rộ và đỏ chói, cái nóng mùa hè với ánh mặt trời chói trang chẳng có nghĩa lý gì với bọn con nít. Sáu đứa với độ tuổi từ 6 đến 9 với các trang phục quen thuộc là quần đùi áo thun màu cháo lòng nhàu nát. An, Khanh và Thịnh đều 6 tuổi và năm nay sẽ vào lớp một. Thằng Mật 8 tuổi nhưng cũng mới chỉ đang học lớp 1. Còn lại Giang và Dương đều 9 tuổi đã học lớp 2 và năm nay sẽ vào lớp 3.  Tất cả đều xưng mày tao mà chẳng quan tâm đến tuổi tác. Đứa nào muốn làm anh thì hãy đi khỏi làng một vài năm và khi trở về sẽ được gọi là anh, tất nhiên là phải hơn tuổi nữa. Chứ cứ ở làng với nhau từ lúc tắm truồng thế này thì gọi nhau là thằng hết. 

An có nước da khá trắng và chiều cao tầm đứa trẻ 8 tuổi. Ai cũng gọi nó là An Cồ, nghe bố nó nói là trước khi mang bầu nó mẹ nó được chích mấy mũi thuốc bổ gì đó của Pháp nên giờ nó lớn con, chẳng biết điều đó có đúng không nhưng cứ cho là vậy đi. Nó để tóc dài theo kiểu ít được cắt tỉa ngoại trừ phía trước là được cắt ngang, dạng mái ngố. Câu chuyện được bắt đầu ngay khi sáu đứa ngồi bệt xuống đất dưới gốc gạo.

- Sao mày lại ngủ trưa? Đã hẹn rồi mà.

Thằng Dương hỏi với vẻ trách móc.

- Tao đâu có ngủ. Bố tao bắt tao phải ngủ nên tao chỉ giả bộ đi nằm để chờ ổng ngủ rồi mới đi được.

An chống chế, nó cũng định khoe về giấc mơ của nó nhưng làm thế thì khác nào thừa nhận nó đã ngủ. Mà giả dụ cái máy bay không đâm vào nó lúc đó thì chắc giờ này nó vẫn đang ngủ thật. 

- Tao cũng bị mẹ bắt ngủ,

Giang nói chen vào

- Nhưng do tao hứa với bả chiều nay sẽ kiếm một thúng than để nấu bếp, với lại tao cũng hứa không tắm sông, không bẻ  trái cây trộm vân vân và vân vân

Thằng Khanh chen vào với câu chuyện không đầu mà đáng lẽ là chủ đề chính của buổi hôm nay.

- Bố tao nói mai công trình sẽ đưa tivi về đó. Bố tao nói ở trong cái tivi có thể nhốt cả một con voi cơ, mà con voi còn sống.

Khanh nói với vẻ hãnh diện. Nó vừa nói vừa hua hua cái que trên tay như đang đuổi ruổi.

- Cái đó tao biết thừa, vì ông tao bảo ông tao đã được xem tivi từ lâu rồi. Nó còn chứa được cả cánh đồng và dòng sông mà tivi cũng chẳng bị ướt.

Một đứa trong đám con nít khoe khoang.

Riêng An thì chẳng có ý kiến gì về điều đó cả. Nhà An chỉ có một thứ duy nhất để giải trí đó là cái đài cát sét của ông nội to bằng bàn tay chạy bằng pin. Cái đài đó nói rất nhiều điều. Nhưng An chẳng quan tâm đến những loại tin tức đó. Nó chỉ thắc mắc tại sao trong đó lại có người nói chuyện? Trong khi chưa có câu trả lời cho sự kỳ diệu của cái radio đó thì bây giờ lại đến cái gọi là tivi này.

Nó không thể hình dung ra cái tivi như thế nào mà nó cũng chẳng có cơ hội để hỏi bố mẹ vì Bố nó thì đi bán muối hạt, mẹ nó thì hầu hết thời gian ở ngoài đồng ruộng. À, sao nó không hỏi ông nó nhỉ? Nếu hỏi ông nội thì chắc chắn tầm hiểu biết về cái tivi của nó sẽ ăn đứt mấy đứa kia, vì ông nội An đã có một thời làm thông dịch cho người Pháp cơ mà, mà người Pháp thì mặc dù họ ác do sang cướp nước Việt Nam thật đấy nhưng máy bay họ có nhiều vậy thì chắc chắn họ có tivi, mà nếu họ có tivi thì hiển nhiên ông nội cũng đã từng được xem ké. Nhưng mà cần gì phải hỏi, tối mai thôi là nó sẽ trở thành một trong những người đầu tiên của làng nó biết cái tivi là cái gì. 

Mày có biết cái tivi như thế nào không? Một đứa quay sang hỏi An và cắt ngang dòng suy nghĩ của nó.

- Tao chẳng biết nhưng tao nghĩ nó phải cao hơn một người lớn vì như vậy người ta mới đứng vào đó được. 

An vừa nói vừa đăm chiêu kiểu một người đang cố hình dung ra một thứ mà họ mới được nghe miêu tả. Nó cho rằng cái tivi sẽ có một cái chân thật chắc chắn to và dài bằng mấy cái bàn vì nếu không vậy thì khi con người bước đi trong đó cái tivi có thể bị rung và đổ. 

Câu chuyện về cái tivi đang tiếp diễn thì chúng đang dở dang thì phải nhường địa bàn cho các anh lớn hơn chơi Khăng. Đó là một trò chơi khá nguy hiểm nên tầm tuổi của An chưa chơi được. Nhóm của An thường chỉ đứng xem ké các trò chơi của các anh lớn, lâu lâu còn được giao nhiệm vụ ôm quần áo nếu các anh ấy tắm sông. Bị giành mất địa bàn, thằng Giang lên tiếng

Hay tụi mình ra bãi lau chơi trốn tìm đi. 

Cả bọn đồng ý và kéo nhau ra bãi lau gần sông Hồng. 

Sông hồng đoạn chảy qua làng quê An có chiều ngang rất rộng. Và hầu như không ai có can đảm bơi qua dù là mùa nước cạn. Bây giờ mới là đầu mùa hè nên chưa có lũ, nước rất trong và mát. Bọn con nít như An thì không đứa nào là không biết bơi nhưng cũng không dám tắm ở sông Hồng. Chúng thường tắm ở ao nhà hoặc trong sông Láng. Thường thì An và năm đứa bạn chỉ chơi trận giả trong đám cỏ lau hoặc tha thẩn ở bờ đê bắt cào cào và chơi chọi cỏ gà. Mùa lũ thì chúng thường có thêm chiến lợi phẩm là những quả gỗ ở trên rừng theo lũ trôi về dạt vào bờ đê. Đôi khi may mắn thì chúng nhặt được những chiếc phao bị rơi ra từ lưới đánh cá của ngư dân. Những chiếc phao màu đỏ hoặc vàng to gần bằng quả chuối, được bọn trẻ đem về buộc vào một cây gậy bất kỳ và thế là chúng đã biến những cây gậy tầm thường đó thành thứ mà chúng coi như những thanh gươm quý. 

Con sông Láng nối với sông Hồng tạo thành cái vòng xung quanh ngôi làng An sống, sông cung cấp nước và phù sa màu mỡ cho việc tưới tiêu nhưng cũng là thứ đe dọa đến sự an toàn của các gia đình vào mùa lũ. Trong tất cả các trò chơi ngày hè có lẽ trò tắm sông là vui và ít để lại bằng chứng nhất khi về nhà. Vì đứa nào can đảm thì cứ lột phăng cả quần và áo vứt trên bờ rồi lao xuống nước, hoặc ngại ngùng lắm thì mặc mỗi cái quần đùi mà tắm. Điều kiện là đừng để nó tuột mất trong lúc đang đùa giỡn dưới nước, còn khi đã lên bờ thì quần hay tóc cũng sẽ nhanh chóng khô đi và chẳng còn bằng chứng nào là mới tắm sông. Ấy là chúng cho là việc nó như thế chứ chẳng biết người lớn có thông minh hơn để nhận ra dấu hiệu của các cu cậu mới tắm sông hay không. 

Cả bọn đang tha thẩn đi bộ ra bờ đê thì thằng Mật như nhớ ra điều gì la toáng lên.

- Ê tụi mày, có muốn đi phá tổ ong không? Tao biết một chỗ có tổ ong lớn cực.

Chẳng hiểu sao bố mẹ nó lại đặt cho cái tên là Mật? Nhưng quả là cái tên của nó vô cùng phù hợp với làn da và tính cách của nó. Mặc dù lớn hơn An một tuổi  như đã nói ở trên nhưng thằng Mật cũng chỉ cao ngang với An, thậm chí còn thấp hơn một chút. Làn da của nó đen sạm, thực ra thì bọn con nít ở quê An chẳng có đứa nào trắng nổi vào mùa hè khi mà mọi hoạt động đều diễn ra ngoài trời dưới ánh nắng gay gắt. Nhưng thằng Mật thì nó không những đen mà còn hơn thế nữa, cũng chẳng biết miêu tả màu đen đó như thế nào, có thể là đen xám hoặc đen nâu gì đó, trong khi cái tóc nó cần đen thì không đen mà lại ngả vàng như màu râu ngô. Còn tính nó thì khi nói cái gì cũng cứ nửa kín nửa hở vẻ bí mật như cái tên của nó. 

- Ở đâu? Ở đâu?

Cả bọn nhao lên với vẻ vô cùng háo hức. 

Nhưng không biết hôm nay ông Quỳnh có nhà không nữa.

thằng Mật trả lời với mức độ nhiệt huyết đã giảm hẳn.

- Mày khùng hả?

một đứa trong bọn chen vào

- Ổng ở nhà hay không thì liên quan gì đến tổ ong của mày?

- Mày ngu lắm, tại cái tổ ong nằm ở ngay dưới mái nhà phía sau nhà ổng, hôm rồi ổng nhờ bố tao qua cưa cái cây gì đó sau vườn, tao có đi theo và vô tình phát hiện ra dưới mái nhà sau cái tổ ong lớn lắm.

- Thì cứ đến đó đi rồi tính.

thằng Giang chen vào.

Thế là cả bọn sáu đứa hướng về khu vườn nhà ông Quỳnh, vừa đi vừa chuẩn bị khí giới để sẵn sàng chiến đấu với cái tổ ong kia. 

 Loại ong mà thằng Mật nói đến là loại ong khá nguy hiểm cho trẻ em, nói như vậy để độc giả hiểu được mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến mà chúng sắp sửa đương đầu. 

Đây là loài ong không giống như ong mật, vùng quê nơi An sống chỉ gọi chung là ong vì ở quê An hồi đó không biết và cũng không có ong mật. Có lẽ đó là ong bắp cày, chúng làm tổ ở bất cứ đâu và có khả năng tấn công bất cứ ai dám chạm đến tổ của chúng. Riêng đối với con người thì điểm đầu tiên chúng nhắm đến là mắt và hầu như tụi trẻ con không đứa nào không bị đốt ít nhất một lần. Vết đốt thường trên mí mắt và sưng phồng, đau rát trong nhiều ngày. Mục đích phá tổ ong của bọn trẻ tất nhiên phần lớn mang tính giải trí nhưng ngoài ra thì có chiến lợi phẩm là nhộng. Ong mật thì sử dụng tổ của mình để chứa mật nhưng loại ong mà thằng Mật đang nói tới thì chúng dùng để chứa nhộng - tức là ong non - một tổ ong lớn có thể có cả trăm những lỗ nhỏ xíu như đầu đũa và mỗi lỗ đó chứa một con nhộng. Bọn trẻ thường lấy nhộng cuốn với lá gừng nướng lên thì ăn ngon không gì sánh bằng, ấy là ngon với lứa tuổi của thằng An và những thằng bạn nối khố thời đó thôi. Nhưng hậu quả thì ít nhất một vài đứa sẽ vác cái mắt sưng húp đến lớp mấy ngày. Có một cách khác là hun khói để đuổi ong đi rồi lấy tổ nhưng gần như không bao giờ bọn của An dám làm điều đó khi cái tổ nằm trên mái nhà ai đó. Vì hầu hết là nhà mái rạ hoặc nhà mái ngói với phần xương là tre luồng.  Cũng có thể dùng hương (cách gọi nhang của người miền Bắc) để cắm gần tổ ong để xua chúng đi. Nhưng như thế thì tốn cả một bó hương mà không cẩn thận thì khi thấy động đám ong sẽ tự ăn hết nhộng. Việc ong thợ ăn hết nhộng là do bọn con nít đoán thế vì nếu thời gian phá kéo dài quá 30 phút thì cái tổ còn lại sẽ là những cái lỗ rỗng. Còn việc chúng ăn con hay tha đi nơi khác thì chẳng đứa nào trong đám của An dám khẳng định.  

Quay trở lại việc trang bị vũ khí chiến đấu của An và nhóm bạn. Vũ khí đơn giản và nhất chính là cái áo đang mặc. Chì cần cởi ra, biến chúng thành vũ khí với cách khua loạn xạ miễn sao ong không đến gần mình được. Nhưng vũ khí thông dụng thường là một túm lá buộc ở đầu một cái que như kiểu đập ruồi. Và một cái tối quan trọng là một cái móc, thông thường là một cành cây có cái ngạnh để móc sao cho tổ ong rơi xuống, vì khi tổ đã rơi thì bọn ong sẽ bỏ đi chứ không bám theo nữa, mặc dù có thể ngay ngày hôm sau chúng lại xây dựng lại một tổ mới ngay tại vị trí cái tổ cũ mà chẳng cần quan tâm xem có bị phá nữa hay không. Nghe có vẻ chúng là một lũ ngốc nhưng xét cho cùng ở điểm này chúng cũng giống con người, sau những vụ thiên tai đặc biệt như là động đất, sóng thần con người lại cũng làm điều tương tự với hy vọng sẽ không có việc đó tái diện tại cùng nơi đây, cái mà con người hay gọi là tái thiết. Có lẽ bầy ong cũng chẳng biết có sự tồn tại của An và bọn trẻ hoặc chúng cũng trông chờ là tương lai bọn trẻ này sẽ thành người lớn và sẽ không còn phá chúng nữa. Chúng có biết đâu sẽ lại có một đám con nít khác ra đời và tất nhiên chúng cũng có chung sở thích không ngủ trưa.