Chương 2-1: Ngô đồng
Khi mũi thuyền lướt chậm chạp trôi đến ngã ba sông Châu, con mắt nhìn của Mục Huyền như không tài nào dứt ra được khỏi cây cổ thụ mọc trên bờ. Chàng đưa tay cuộn cao mành trúc che khung cửa sổ mà hướng về phía tán cây xum xuê đứng sừng sững, vươn tán rộng án ngữ cả một góc trời. Trận rét mướt của tháng Ba kéo mây đen giăng kín vòm cao xanh, rồi nổi gió mà giũ mưa lạnh rải khắp vùng Đọi Sơn. Cổ thụ hiện lên giữa một dải cỏ cây lẫn làng mạc bị sương trắng xóa nhòa. Chàng không nhìn được ra tán cây có màu xanh thẫm hay xanh tươi mơn mởn, cũng chẳng rõ có bông hoa nào đương bung nở trên tán đấy hay không. Chàng chỉ thấy dáng dấp của cái cây ấy vươn cao, xòe rộng ra mọi hướng nom tựa như cánh chim giương lên ngông nghênh giữa nền mây xám ngoét. Đấy là cây gì? Mục Huyền hỏi anh hầu đang đứng mài mực cho chàng. Người hầu ngẩng đầu ngó ra ngoài khung cửa rồi lại cúi đầu tiếp tục miết nhẹ thoi mực xuống lòng nghiên ngọc. Anh ta tỉ mẩn với cái chất đen đặc đang hòa dần vào nước, miệng se sẽ đáp bằng giọng nghiêm cẩn. Xa quá, nhìn bằng mắt thường không đoán được. Mục Huyền tiu nghỉu, chàng đành bóng cổ thụ trôi dần qua mà quay về thư án. Mực đã mài xong, giấy bút đã bày sẵn, bên góc tả có bày thêm một tờ sớ dễ là của quan tri huyện dâng lên. Theo lệ thường, chàng đọc sớ trước. Đúng thật của quan tri huyện. Nét bút cũng khá, chàng tán thưởng, trong lòng khoan khoái mà đưa mắt lướt dọc từng hàng chữ tấu trình những sự cắt đặt của dân chúng ở xứ này cho cái lễ tịch điền sắp đến vào dăm hôm nữa. Kể từ cuối tháng Chạp, dân vùng này đã kháo nhau về cái lễ to mà sang tháng Ba năm nay đất ấy được hưởng. Vụ chiêm năm trước, khoảnh ruộng làng Đọi nhận khoán từ cửa quan gặt về hai bông lúa ba nhành vàng ruộm. Quản giáp đem trình lên thánh thượng, người cho đấy là điềm lành nên hạ chỉ chọn ruộng ở Đọi Sơn làm lễ tịch điền năm nay. Dễ phải đến cả gần chục niên thánh thượng ngự giá về Bố Hải Khẩu, mãi đến giờ vùng này mới được hưởng phúc phần ấy. Dân cả một huyện Duy Tiên nhận chiếu thì mừng, nhưng mừng rồi lại đâm lo, sợ không làm được tươm tất như người ta. Vậy là họ bận bịu sắm sửa từ tận trong năm. Mục Huyền khẽ cười, chàng lấy làm thương cho cái mối lo âu chân chất dân quê này nhưng cũng thấy đẹp lòng trước sự sốt sắng công việc như thế. Hẵng còn thiếu trâu cày, chàng chau mày khi đọc đến đây. Làng đã phân phó nhà nuôi trâu, có điều ngày hăm chín tháng trước nó lại lăn đùng ra chết rét, người nhà chủ trâu đang chạy vạy khắp nơi tìm cho được một ông trâu thế vào. Viên quan sợ bị khép tội cũng không dám giấu chuyện tày đình như thế, mới dâng sớ thỉnh ý của chàng. Mục Huyền thả tờ sớ xuống mặt bàn, chàng nghĩ một lúc mới nhấc bút thảo mấy chữ cho viên quan, dặn dò sớm lo liệu việc tìm trâu, chớ chùng chình thêm kẻo lại đến tai thánh thượng. Vừa đưa bút, chàng vừa hỏi anh hầu Thận đang đứng nghiêm cẩn ở mé bên hữu án thư về viên quan. Thận theo hầu chàng đã được chục năm, sau khi chàng nhận sắc phong, trở thành Đông Cung hoàng thái tử Duệ Văn, anh ta cũng nhận lĩnh cái chức cận hầu, làm tai mắt nghe ngóng thay chàng từng chuyện lớn nhỏ trong ngoài cung Long Đức. Trước lúc chàng phụng mệnh đến Đọi Sơn đốc thúc kẻ dưới sắm sửa cho lễ tịch điền, Thận đã dâng lên độ mươi cái tên của quan viên vùng này. Ai là hạng nhiệm tử (1), ai thăng tiến nhờ tài thi thố, anh đều bẩm lên rành rọt. Nghe chàng hỏi, Thận nhẩm lại trong đầu, đoạn chắp tay thưa viên quan ấy đỗ kỳ thi năm Kiến Hưng thứ mười chín, mới ngoài hăm lăm, từ lúc nhậm chức vẫn chưa có điều tiếng gì. Chân mày của Mục Huyền chỉ hơi nhướn lên rồi lại dãn ra như cũ. Lời anh hầu tả cũng chẳng khác mấy hình dung trong đầu chàng. Viên quan cũng là tay có tài, tính tình ngay thẳng. Chàng hỏi thêm về thân thế, anh hầu lại nhắc đến nhà thượng thư bộ hộ, Lý Khiêm. Ra là học trò của Châu Giang phu tử, nghe đến đây nét mặt Mục Huyền lộ rõ ý mừng. Chàng đoán nếu lễ này thành thì ắt viên quan trẻ tuổi cũng sẽ sớm được triệu lên kinh phụng mệnh. Đột nhiên, án thư và cả ghế chàng ngồi rung lên, rồi cả khoang thuyền chao đảo. Phía bên ngoài vọng vào tiếng phu thuyền hò nhau vững tay chèo vượt qua xoáy nước dữ. Cả con thuyền lắc lư thêm một hồi theo từng đợt, nước bị khua loạn thành sóng vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Mục Huyền ngồi trong khoang, chàng sốt ruột mỗi bận nghe tiếng phu thuyền hò lấy sức để đẩy được mái gỗ. Cuộc vật lộn giữa đám phu với xoáy dữ nơi lòng sông giằng co quần thảo dễ đến nửa tuần hương, lúc dòng nước phẳng lặng trở lại, chàng bước đến gần khung cửa, mắt dõi nhìn về phía bờ kè đá xanh ở sát bờ. Từ đằng xa, những chiếc lọng che, cờ phướng đã được giương cao. Cả đoàn người ngựa quần là áo lượt đội mưa bụi chờ đón rước hoàng thái tử. Các quan viên đứng chỉnh tề chắp tay vái vọng lại mũi thuyền của chàng, lui về phía sau lưng họ là các cao niên, xa thêm một đoạn độ vài chục trượng nữa, lính canh chặn bước, dân chúng trong vùng đứng dàn thành hàng, chen chúc nhau cố rướn người lên, đưa mắt nhìn vượt ra con thuyền đang chậm rãi tiến lại gần. Ai nấy đều ngóng được xem tận mắt dung mạo trữ quân, trẻ con thì reo hò, người lớn lại rủ rỉ những chuyện nghe phong thanh.
"Chúng thần cung nghênh điện hạ giá đáo." Mũi thuyền còn cách bờ độ trăm trượng, quan viên cả chục miệng như một. Giọng bái lễ nghiêm cẩn, dõng dạc vang vọng át cả tiếng gió thổi tựa hồ khiến người ta dù muốn hay không đều phải khom người khiêm cung mà giữ lễ. Dân chúng đang chen lấn, trước cảnh tượng uy nghi ấy cũng chẳng ai bảo ai đều cúi đầu chắp tay vái chào, dẫu hoàng thái tử chỉ mới đặt chân lên tấm ván gỗ bắc vắt vào bờ.
Khi Mục Huyền bước lên bậc thang đá, người hầu dắt đến một con ngựa đẹp mã đã đóng yên sẵn. Quan tri châu đứng đầu lộ Hải Thanh là Phan Bình chắp tay, mở lời thỉnh chàng cưỡi ngựa về đình nghỉ ngơi. Các quan ở Đọi Sơn không đem võng đến rước vì vướng đường trơn lại gặp khi mưa bụi rét lạnh. Chàng nhìn gấu áo lấm bùn non còn chưa khô của họ, đoạn phẩy tay ra hiệu xá tội, không để tâm chuyện đi ngựa hay ngồi võng. Dẫu sao cũng chỉ là quãng đường đi từ bến ngự về đình làng Đọi Sơn, bớt rườm rà đến đâu hay đến nấy. Đợi cho quan binh và Ngự Long quân chỉnh đốn lại hàng ngũ, quất roi dẹp đường, chàng lên ngựa, còn Thận hô to truyền lệnh khởi giá. Con ngựa hí lên một tiếng, cả đoàn người nhất tề cất bước. Ngày hôm ấy và vào sáng hôm sau nữa, những ai chầu chực ở bến ngự, khi về đến làng hay lúc họp chợ, đều kháo nhau rằng trữ quân là trang nam tử tuấn tú, đức độ hiếm có. Tiếng lành đồn xa, kẻ chưa lén thấy được tướng mạo của chàng, cả lũ trẻ con nghịch ngợm ham vui, đều lũ lượt kéo nhau đến đình làng. Họ ngấp nghé quanh những bức tường chỉ vừa cao ngang đầu người lớn, hoặc lớn mật hơn thì trèo lên cây cao để nhìn cho rõ thái tử từ kinh thành ngự giá về làng này nom ra làm sao. Ngự Long quân và cả binh lính của lộ Hải Thanh cũng vì thế mà tuần tra, canh gác nghiêm ngặt bất kể ngày đêm. Cứ độ nửa canh giờ, họ lại bắt được một kẻ dân đen to gan mon men đến gần gian nhà mà Mục Huyền trú tạm trong mấy ngày chuẩn bị lễ lạt. Mỗi bận như thế, quan binh đều theo lệnh xử nghiêm, nọc cổ ra đánh trượng. Sang đến chiều ngày thứ ba, đình làng cũng thôi cảnh nhốn nháo mà khôi phục được cảnh uy nghi. Quan lại ở Đọi Sơn và cả lộ Hải Thanh suốt những ngày ấy nếu không về cửa đình đợi lệnh thì tỏa đi khắp chốn đôn đốc dân làng thiết lễ, quét dọn, cắm cờ từ đình ra đến tận bến ngự. Mục Huyền không bước khỏi ngưỡng cửa, nhưng chỉ trừ lúc dùng thiện hay đi ngủ, chàng mới được nghỉ ngơi. Mỗi ngày, từ lúc sáng sớm, quan tri huyện Duy Tiên là Chu Cao Mân đều đặn đưa đến tấu sớ, thỉnh ý từ việc nhỏ nhặt nhất. Viên quan trẻ tuổi ra vào phụng lệnh cần mẫn tận lúc xế tà.
"Ông Mân này, trâu lễ đã tìm mua lại được chưa?" Mục Huyền ngồi sau thư án, chàng nhìn vị quan tri huyện cẩn trọng xếp sớ tấu thành thếp và hỏi.
"Bẩm điện hạ, nhờ điện hạ chỉ dạy, làng đã cắt cử người sang bên Mai Xá hỏi mua trâu. Độ tối mai là họ về đến." Nét mặt Chu Cao Mân tươi tỉnh hơn, giọng nghe như mang vài phần hàm ơn. Sao mà không ơn cho được? Ngày thường làm mất trâu đã thành chuyện lớn, huống hồ là mất trâu lễ. Chàng thương cho dân làng mới đánh liều tâu lên thái tử, may mà thái tử không trách tội.
Bấy giờ đã sang giờ Mão. Các cao niên trong làng dẫn theo vài thanh niên đội mâm đến dâng cơm cho Mục Huyền. Đồ ăn thức uống mười món một mâm, đầy đủ rượu thịt. Họ sắp xếp bày biện ở gian lớn bên ngoài, trên sập gỗ kê sẵn, xong xuôi mới bẩm lên Thận để thỉnh chàng ra dùng thiện. Chu Cao Mân nghe tiếng người hầu vọng vào từ ngoài cửa, tựa như mới nhớ ra trời đã về cuối chiều. Chàng toan chắp tay bái biệt xin lui.
"Nào cần vội thế. Ông cứ ở lại đây, ta sai người hầu dọn cho một mâm rượu thịt. Ăn uống no nê rồi hẵng về. Xem như ta thưởng công cho ông." Mục Huyền hẵng còn đang nhai dở miếng trầu, chàng nhổ bã vào ống, đoạn lấy khăn lau khóe miệng và nói.
Chu Cao Mân còn ngần ngừ, thì người hầu đã biết ý mà sửa soạn, loáng cái đã xong mâm bát. Vị quan chẳng còn biết từ chối thế nào, đành thuận theo mà ngồi xuống chiếu hoa. Ăn xong cơm, chàng lại được hầu chè nước cho thái tử.
"Ông Mân này, ta thấy ông làm việc cẩn trọng như vậy là tốt lắm." Mục Huyền khen ngợi, chàng ra hiệu để Thận đưa cho Huy Mân một chén nước chè xanh.
"Bẩm điện hạ, tôi ăn lộc vua thì phải làm tròn bổn phận. Đấy là lẽ thường tình." Vị quan nhận chén nước, lại cúi người tạ ơn.
"Ta có nghe ông không phải người ở Đọi Sơn." Thái tử nói tiếp.
"Thưa vâng, tôi là người Bố Hải Khẩu, chỉ có gia đình nhà vợ là người ở đây." Chu Cao Mân thật thà.
"Ra vậy." Mục Huyền gật gù. Kỳ thực chàng còn biết nhà vợ của Chu Cao Mân là họ hàng của Châu Giang phu tử. Nếu thuộc phường khôn ranh, chắc anh ta đã biết phu tử từng dạy dỗ chàng, thầy trò đều nghĩa nặng tình thâm, chỉ cần nhắc đến ông ấy thì ắt chàng sẽ lưu tâm mà ưu ái đôi phần. Thế nhưng Cao Mân lại không làm vậy, anh ta buột miệng trả lời nhưng ý tứ nhã nhặn vừa vặn. Hẳn là thường ngày cũng hiếm khi dựa dẫm vào thanh thế của nhà vợ. Chàng nhìn viên quan trẻ tuổi bằng con mắt hảo cảm. "Ngày mai dễ là được ngày nắng ráo, ta muốn đi thăm ruộng, ông làm quan quản xứ này, cũng nên đi cùng để ta tiện bề hỏi han đôi điều."
"Bẩm điện hạ, tôi xin vâng." Vị quan điềm tĩnh đáp.
Mục Huyền lại nhấp một ngụm nước chè. Chàng còn định hỏi Chu Cao Mân về Châu Giang phu tử, nhưng còn chưa kịp mở lời, phía ngoài sân đình vẳng vào tiếng quan binh thét đuổi người. Sân đình rộng, chỉ nghe độc một tiếng quát tháo, dọa dẫm. Chu Cao Mân bồn chồn nhìn ra ngoài khoảng sân vàng ánh đuốc, vị quan sợ là dân làng lại bày ra sự gì phạm thượng. Mục Huyền ngồi trên sập gỗ, nét mặt chàng bình thản, tay chàng mở cơi trầu, nhặt miếng cau bổ sẵn rồi tự quệt vôi, cuộn lá mà bỏ vào miệng. Thận đứng hầu bên cạnh, biết ý bèn ra ngoài xem xét. Lát sau, anh hầu đi vào, dắt theo sau là một thiếu nữ vận áo nâu, tay khoác nải. Cả Mục Huyền lẫn Chu Cao Mân đều lấy làm ngạc nhiên. Người thiếu nữ tỏ ra dạn dĩ, nàng tự dừng bước ở ngay khung cửa và nhìn thẳng về phía sập. Mục Huyền nhai trầu, hơi hăng nồng xộc lên mũi, vị cay the chát ám nơi lưỡi lẫn vòm họng, dưới ánh nến, chàng cũng nhìn cô nàng. Chàng không quen biết nàng ta, có điều khuôn mặt tròn đầy đặn, cặp mày rậm kia vẻ như rất chàng đã gặp ở đâu. Một nét nhang nhác hay thấp thoáng nào đấy, mờ nhạt nhưng thân thuộc với chàng. Thận bước đến bên cạnh, anh ta hạ giọng thì thào với chàng. Còn Chu Cao Mân đột nhiên lại nhìn cả chàng lẫn người thiếu nữ đầy hiếu kỳ, ánh mắt phảng phất ý soi mói, dè bỉu. Đang lúc tối trời, lại có cô con gái xúng xính xiêm áo tìm đến tận đây đòi gặp cho kỳ được hoàng.thái tử, dám là chuyện ong bướm lắm. Nếu giả mà có điều phi lễ như thế thật, thì những kính phục chàng dành cho trữ quân suốt mấy ngày qua sẽ tan thành mây khói. Viên quan đứng như trời trồng ở một góc chờ xem. Thế nhưng, nàng thiếu nữ không khóc lóc đòi nợ phong lưu, mà chỉ nhìn hoàng thái tử trân trối. Chu Cao Mân nhận ra nét mặt nàng ta vẻ như xúc động lắm, môi mím nhẹ, còn mắt mang ánh nước, giống như lúc người ta hội ngộ với cố nhân, tuyệt không mang chút lả lơi gió trăng nào.
"Thận này, ngươi cử lấy vài người, hộ tống ông Mân đây về đến nhà. Trời cũng tối lắm rồi." Mục Huyền lên tiếng, chàng lờ đi không đả động đến nàng thiếu nữ kia.
Chu Cao Mân dẫu hẵng chưa thỏa hiếu kỳ, nhưng nghe vậy cũng hiểu ý hoàng thái tử muốn tiễn khách. Chàng chắp tay vái chào rồi chậm chạp lui ra ngoài, đi theo anh hầu.