3
2
1410 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

CHƯƠNG 2: CUỘC SỐNG CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC NĂM CUỐI



Tết luôn là những ngày làm người ta mong chờ nhất, cảm thấy thời gian dài nhất nhưng cũng trôi nhanh nhất. Nhân công lao động khổ sai Hướng Thanh Mai đã thoát khỏi công việc tưới cây từ ngày hai mươi chín, từ đó cô chỉ nằm ườn trên giường trúc cắn hạt dưa, lướt Tiktok. Đến cả tế tổ dòng chính cũng vì "Dì Nguyệt" đến thăm mà không đi. Nhưng mà những ngày vui vẻ ăn và ngủ như heo của cô chỉ kéo dài được một tuần. Chiều mùng tám tháng giêng cô đã phải bịn rịn rời khỏi chiếc giường để sắp xếp đồ quay về thành phố hoàn thành nghĩa vụ của sinh viên đại học năm tốt.

Hướng Thanh Mai nhấc lên đặt xuống mấy món đồ, ô mai cô cũng muốn, đậu nành rang muối rất ngon, bánh tét ba nhân bà nội gói nhất định phải mang... Đồ ăn ngon thì quá nhiều mà vali của cô thì rất nhỏ. Sâu lười Thanh Mai chỉ muốn nhét gọn mọi thứ vào chiếc vali kéo, cô rất không thích chuyện phải mang vác bưng bê lỉnh kỉnh trên xe khách đường dài. Không chờ cô phiền não vì sắp xếp đồ xong, ông nội Hướng đã gõ ba tong lộp cộp vào cửa gọi cô ra sân. Ông chỉ vào chậu Bạt Phong Hồi Đầu mà mình rất yêu quý và bảo cô:

-        Mang giúp ông chậu cây nàu cho bà Hà.

-        Bà Hà nào ạ? Hướng Thanh Mai ngơ ngác.

-        Bà Hà Thùy Anh đến nhà mình hôm 27 Tết - ông nội dí ba tong vào trán cô nói - bà ấy không tiện chân cẳng nên con tới địa chỉ này gọi cho cậu trai đi cùng hôm bữa khiêng cây vào.

-        Ông nội, nhưng mà cây to như thế....

-        To thì sao, con cũng không phải khiêng. Lúc lên xe có ba con, lúc xuống xe thì gọi thằng nhóc kia tới khiêng. Nhưng con phải đi cùng nó, giao tận tay cho bà Hà.

-        Nhưng mà...

-        Có còn muốn tiền sinh hoạt không?

Ông nội Hướng liếc cô rồi nhét thẳng tờ giấy ghi địa chỉ vào tay cô.

Hướng Thanh Mai ngơ ngác gật đầu, ngơ ngác nhận tờ giấy ghi địa chỉ của ông nội đưa. Sau chục ngày làm bạn với mứt, hạt dưa và bánh chưng cô đã quên béng anh chàng điển trai gặp hôm hai bảy Tết. Cho đến khi ông nội nở nụ cười rất nguy hiểm bảo mang theo một chậu Mai Chiếu Thủy gửi đến chỗ anh ta.

Để cho một cô gái tuổi hoa mơn mởn ôm chậu cây to hơn thân người chen chúc gần 200km xe đò chuyển cho người quen. Chuyện ác liệt như vậy cũng chỉ có ông nội cô mới sẵn sàng thực hiện mà không hề nhíu mày. Hướng Thanh Mai thở dài chọc chọc ngón tay vào cái cây được mua hẳn một vé xe khách riêng ngay bên cạnh mình. Mọi phản kháng là vô hiệu, thế nên dù vạn lần không muốn Thanh Mai cũng phải tiếp nhận. Không những tiếp nhận mà còn phải cung phụng nâng niu từng nhánh lá. Nếu cái cây có chút xước xát thì cô bị mắng là chuyện nhỏ, cắt sinh hoạt phí mới là chuyện lớn. Ôi, cuộc sống khổ ải của những kẻ phụ thuộc kinh tế! Ông nội cứ chờ đấy, chỉ cần thực tập ngon lành, đi làm có tiền cô còn lâu mới khúm núm run rẩy chuyển cây thay ông. Mai quý bạc tỷ gì đó cứ để xe hàng đường dài đưa đi.

Mang cây quý của ông nội đến địa chỉ đã định, gọi cho người cần gặp đến cuộc thứ ba mới bắt máy. Anh ta thờ ơ:

-        Cô cứ để ở cổng.

Thanh Mai trả lời rụt rè:

-        Cây này rất quý.

-        Tôi biết. Cổng có camera, 10 phút nữa sẽ có người ra bê vào.

Sau khi đầu dây bên kia cúp máy cô gọi lại cho ông nội tố khổ:

-        Ông, người ta vốn không cần. Cây bạc tỉ của ông người ta bảo con đặt ở góc đường đấy.

-        Thì con cứ để đấy như người ta dặn là được.

-        Con để thật đấy, mặc kệ Bạt Phong Hồi Đầu của ông.

-        Ừ, về đi.

Ông nội Hướng trả lời rồi tắt máy cái rụp. Thanh Mai bĩu môi, chủ nghĩa tư bản vạn ác. Tiếc tiền thuê dịch vụ chuyên nghiệp chuyển cây, bắt cô ôm lên xe khách đường dài thế mà còn tỏ ra không sợ mất cây. Vừa rủa thầm trong lòng vừa ngồi vỗ muỗi đến tận nửa tiếng sau Thanh Mai cũng chờ được người dọn cây. Ông chú bưng cây liên tục xin lỗi vì kẹt xe không kịp về đúng giờ. Thanh Mai cũng chẳng biết trách móc thế nào nên cười bẽn lẽn rồi gọi taxi về kẻo kí túc xá đóng cửa.

------

Trằn trằn trọc trọc chuyển cây, thay vì hai giờ chiều tới nơi thì gần mười giờ đêm Thanh Mai mới về tới kí túc xá. Chưa kịp thở dốc bạn cùng phòng của cô đã ném một quả bom khủng bố hơn vào mặt:

-        Có thông báo giảng viên hướng dẫn rồi, nhóm thực tập cũng bị chia lại. Mai lười lần này cậu thảm, Diệt Tuyệt Sư Thái hướng dẫn chính cậu cùng với Oanh Oanh.

-        Cái gì? Cô Diệu Nguyệt hướng dẫn mình á? Ôi, không thể nào! Mình đăng ký với thầy Đình Hiếu mà.

-        Thầy Đình Hiếu nhà cậu xin nghỉ dẫn dắt thực tập một kỳ để kết hôn.

-        Ôi, còn kịp xin đổi người không?

Thanh Mai ôm tim chịu đựng hai tin tức lớn đả kích, idol của cô lấy vợ rồi, bản thân còn phải thực tập dưới trướng của giảng viên khó tính nhất khoa.

-        Muộn! Ngày mai bắt đầu thực tập, ai bảo cậu lười, ngày mùng 6 khoa đã tập trung, mùng 10 cậu mới đến. Đã thế còn không thèm xem mail chung của cả lớp.

Câu nói cuối cùng của Lý Nhu như cọng rơm cuối đè chết con lạc đà. Thanh Mai ngã xuống giường với tư thế trọng thương, máu phun ba thước. Số cô thật khổ. Thực tập với ai cũng được, thế mà lại gặp Diệt Tuyệt Sư Thái, khủng bố hơn cô còn chung nhóm với bệnh mỹ nhân Oanh Oanh nổi tiếng toàn trường.

Nếu nói thực tập với cô Diệu Nguyệt thì cũng thôi đi, biệt danh Diệt Tuyệt Sư Thái chỉ là sinh viên gọi vui vì hai cái tên đọc lên na ná nhau, hơn nữa cô rất kỹ tính, yêu cầu mọi sinh viên phải đạt kết quả ưu trong thực tập. Nếu chỉ khá nghĩa là không qua. Nhưng chung nhóm với Oanh Oanh thì...

Thanh Mai cảm thấy một lời khó nói hết về người bạn này. Lúc nào cũng mang bộ dáng bệnh mỹ nhân, như chiếc lá cuối cùng, một cơn gió thổi là bay. Khi cô ấy trễ hạn bài tập, làm sai mà bị bạn trách móc thì sẽ hướng đôi mắt tròn đẫm lệ mông lung về phía bạn: "xin lỗi cậu, tất cả là do mình quá kém cỏi". Thế nhưng cô ấy lại không bao giờ chọn những việc dễ để làm. Ví dụ như ngay từ đầu Oanh Oanh đã xin thực tập với cô Diệu Nguyệt, vì chỉ cần là sinh viên do cô Nguyệt hướng dẫn chắc chắn sẽ tốt nghiệp loại giỏi. Tức là ngay từ đầu Oanh Oanh đã có ý nghĩ dựa vào bạn cùng nhóm để cầm kết quả thực tập loại ưu. Ôi, cuộc sống! Một con sâu lười như cô chuẩn bị dựa vào Lý Nhu để bình an qua cửa thực tập, giờ lại thành người gánh team rồi?

Cuộc sống của sinh viên năm cuối ấy mà, tựu chung lại là bị gia đình áp bức, nhà trường thúc giục và những bài tập nối tiếp nhau không dứt đè đầu ép cổ.