23
3
2262 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2 - End


Cấp ba tôi và Gia Huy không phải là học cùng một lớp. 


Tôi học chuyên Văn còn cậu ấy lại là chuyên Lý. Điểm chung duy nhất của chúng tôi là cùng màu áo đồng phục và cùng tòa nhà dạy học. 


Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Gia Huy là hôm tôi phải đến phòng giáo viên để lấy đề cương ôn tập cho lớp. Hôm ấy trời mưa rất to, tòa nhà giáo viên và tòa nhà dạy học cách nhau rất xa nên tôi chẳng thể nào liều mạng ôm theo túi tài liệu mà chạy về được. 


Bên ngoài trời mưa, bên trong phòng thí nghiệm Vật Lý là hình ảnh thiếu niên áo sơ mi trắng sạch sẽ yên tĩnh tính lại số liệu thí nghiệm. 


Có lẽ Gia Huy không biết, hôm ấy đã có một thiếu nữ phải lòng cậu. 


***


“Mày… dạo này sống như thế nào?” 


Tôi thật sự rất khinh bỉ bản thân mình, rõ ràng học chuyên Văn ba năm sau lên Đại học cũng là chuyên ngành báo chí vậy mà bây giờ đứng trước Gia Huy tôi như mất đi khả năng ngôn ngữ. 


“Dạo này mày vẫn còn thích trà đào như trước phải không?” Gia Huy đột nhiên quay sang nhìn tôi, đáp lại câu hỏi của tôi lại là một câu hỏi chẳng liên quan chút nào. 


Tôi nắm chặt dây túi, cố gắng để mình bình tĩnh: “Thỉnh thoảng vẫn uống.” 


Không phải là thỉnh thoảng, mà là mỗi lần gọi nước tôi nhất định đều sẽ gọi trà đào. Tôi từng nhiều lần tự nói, tôi chọn trà đào không phải vì thói quen cũ mà chỉ là trà đào là món đồ uống ngon. Vậy mà hôm nay chỉ với một câu nói của Gia Huy đã trực tiếp lột đi lớp mặt nạ mà tôi che dấu bấy lâu nay. 


“Mày có quen với nhịp sống của Sài Gòn không?” Gia Huy lần nữa làm chủ cuộc trò chuyện. 


“Vẫn khá tốt. Học kỳ đầu tiên tao còn không dám tự mình ra đường cơ đấy nhưng mà bây giờ tao có thể lượn lờ từ quận này sang quận kia rồi…” Tôi vui vẻ kể cho cậu ấy nghe cuộc sống ở nơi Sài Gòn ồn ào của mình. 


Gia Huy không đáp lời, cậu ấy chỉ lẳng lặng đứng bên cạnh lắng nghe. Nói được quá nửa tôi mới chợt nhận ra bản thân đã nhiều lời. Tôi cố gắng tươi cười, hỏi sang chuyện khác: “À, Hà Nội vào hạ rồi đúng không?” 


“Nếu như sợ bị lạc thì mày cứ đi xe bus hay grab đi.”


“Bây giờ tao quen đường rồi…”


“Không phải tuần trước mày vừa đi lạc từ quận Một sang tận Phú Nhuận hay sao?” Gia Huy đột nhiên quay sang nhìn tôi, cau mày. 


Tôi cũng bất ngờ nhìn cậu ấy, chuyện này tại sao Gia Huy biết được?


“Tao thấy mày đăng status…” Dường như đọc được suy nghĩ, Gia Huy bối rối nhìn tôi.  


Lần này người bất ngờ đổi lại là tôi: “Không phải mày không dùng Facebook nữa rồi sao?” 


“Không phải tao không dùng Facebook, đợt thi trung học phổ thông quốc gia xong thì tài khoản Facebook của tao cũng bị khóa. Sau này phải chuyển ra Hà Nội, nhịp sống ngoài đấy làm tao không thích nghi được…” Gia Huy hít sâu rồi quay sang nhìn tôi, nói tiếp: “Tài khoản đấy không có bật trạng thái hoạt động.”


Tôi sửng sốt nhìn cậu ấy. 


Trách là trách tôi, suốt thời gian qua chưa bao giờ chủ động nhắn tin vào tài khoản đấy. Tôi lại luôn mặc định,  không có chấm xanh đồng nghĩa với việc không còn sử dụng nữa. 


Cậu ấy dừng lại một lúc rồi lại nhìn tôi: “Tao cũng không có ý soi mói cuộc sống của mày…” 


Tôi ngước mắt nhìn Gia Huy, tim bất giác đập nhanh vài nhịp, bàn tay nắm dây túi cũng níu chặt hơn. Hết thảy những điều này đều đang phản ánh sự bối rối của chủ nhân nó. 


“Tao hiểu mà.” Tôi khó khăn nhả chữ. 


Sau ba năm, lần gặp lại ngày hôm nay giữa chúng tôi có được tính là duyên phận không? Và kết quả nào cho cuộc tình đã “cũ” của tôi và Gia Huy đây? 


Ngoài trời vẫn mưa, mối tình đầu của tôi đứng đấy. 


Suốt những năm qua, tôi luôn khao khát được gặp Gia Huy dù là một lần. Tôi luôn tự nhủ với chính mình rằng: Khi gặp lại nhất định phải bày ra dáng vẻ tốt nhất, hỏi Gia Huy có muốn tiếp tục đoạn tình cảm năm ấy không. 


Vậy mà giờ đây khi đã thật sự gặp lại nhau thì muôn ngàn lời muốn nói đều không thể nào cất lời. 


Trong khi tôi vẫn đang bối rối thì bên kia dãy hành lang tôi đã nghe được tiếng nói quen thuộc của Khả Hân: “Minh Nguyệt ơi, tạnh mưa rồi, mẹ mày vừa gọi bảo tao với mày về nhà ăn cơm…” 


Cả tôi và Gia Huy đều giật mình, chúng tôi cùng quay lại nhìn gương mặt tươi cười của Khả Hân. 


Nếu tôi bối rối về cả ngôn từ và hành động thì Gia Huy lại thoải mái hơn rất nhiều. 


Cậu ấy nhìn tôi, hỏi: “Khi nào mày trở lại Sài Gòn thế?”


“Cuối tuần này.” Tôi đáp. 


Tuần này đã là kỳ nghỉ dài nhất trong suốt quãng thời gian qua của tôi rồi. Nếu tôi còn không trở lại Sài Gòn chị leader ở chỗ tôi đang làm việc nhất định sẽ thẳng tay tặng cho tôi một vé “thất nghiệp” mất. 


Gia Huy không nhìn tôi nữa, mà ngước nhìn cơn mưa nhỏ dần bên ngoài, cậu ấy nói: “Hôm nào chúng ta cùng đi ăn đi. Bạn gái tao cũng rất muốn gặp mày.” 


Bạn gái tao cũng rất muốn gặp mày. 


Khoảnh khắc Gia Huy đề nghị chúng tôi đi ăn cùng nhau, tôi đã vui biết bao thì đến khi cậu ấy nói nửa câu sau tôi cứ như từ trên ngọn núi cao trực tiếp ngã xuống. 


Tôi cúi mặt không nhìn cậu ấy, đáp: “Được.” 


Cố gắng không cho nước mắt lăn khỏi khóe mắt, nặng ra nụ cười thật tươi, ngước lên nhìn Gia Huy: “Tao đi trước nhé!” 


Gia Huy mỉm cười: “Được, hẹn gặp lại!” 


Tôi không đáp lời cậu ấy nữa, chỉ đưa tay vẫy sau đó dứt khoát quay lưng đi về phía Khả Hân đang chờ mình. 


***


Khi tôi và nó về đến nhà thì đã thấy mẹ bày cả bàn đồ ăn chờ bọn tôi về. 


Khả Hân gặp mẹ tôi thì khỏi cần phải nói, nhìn cảnh hai người câu được câu không gọi mẹ xưng con mà tôi đau cả đầu. Nhiều khi tôi thật sự hoài nghi về việc tôi hay là nó mới là con ruột của mẹ nữa. 


Ăn cơm xong, Khả Hân lại bắt đầu tra hỏi về cuộc trò chuyện của tôi và Gia Huy lúc trưa. 


Tôi đem hết kể lại với nó: “Mày nói xem, bao nhiêu năm qua…” 


Khả Hân dang tay ôm lấy tôi, nhẹ nhàng vỗ lưng: “Minh Nguyệt này, mày có bao giờ thấy phép toán của không nhân với một số mà bằng chính nó chưa?” 


Tôi lắc đầu. 


Làm gì có chuyện không nhân với một số mà bằng chính nó? 


Không nhân với bất cứ số nào cũng luôn nhận lại kết quả là không. 


“Từ khi mày và Gia Huy chia tay thì mày cũng nên biết rằng phép toán của tụi mày định sẵn đã bằng không rồi.” 


Khả Hân đưa cho tôi tờ khăn giấy, chậm rãi nói tiếp: “Sài Gòn và Hà Nội không chỉ là hai thành phố, mà là hai văn hóa hai phong cách hoàn toàn khác nhau. Nếu Sài Gòn năng động và trẻ trung thì Hà Nội lại dịu dàng và trầm lắng hơn rất nhiều. Thêm việc mày và cậu ấy gần như không liên lạc với nhau trong suốt ngần ấy thời gian, liệu Gia Huy có thể chấp nhận một Minh Nguyệt của hiện tại hay là mày có thể chấp nhận được một Võ Gia Huy của hiện tại không?” 


Thấy tôi im lặng Minh Nguyệt tiếp tục cất lời: “Bây giờ mày thấy rồi đấy, Minh Nguyệt ơi, cho dù mày vẫn đứng một chỗ đợi cậu ấy quay lại thì lấy cái gì chắc rằng Gia Huy cũng đứng đấy chờ mày?” 


“Đôi khi chúng ta phải buông bỏ một gốc cây nhỏ thì mới biết được khu rừng đẹp đẽ đến nhường nào.”


***


Năm đó tôi và Gia Huy ở bên nhau cũng không mấy người biết được. Không phải chúng tôi không công khai, nhưng mà là theo kiểu: Không công khai, không che giấu. 


Chúng tôi biết nhau từ lớp Mười, đến mười bốn tháng hai năm lớp Mười một thì chính thức xác nhận bên nhau. 


Đến học kỳ II lớp Mười hai thì chúng tôi đã lựa chọn dừng lại. 


Không phải vì cậu ấy phản bội tôi, càng không phải vì tôi phản bội cậu ấy. 


Mà là vì tôi không nỡ nhìn Gia Huy chịu áp lực từ gia đình được nữa. 


Năm lớp Mười hai, mẹ cậu ấy phát hiện ra việc tôi và Gia Huy ở bên nhau. Những ngày sau đó thật sự là chuỗi ngày khủng khiếp với tôi và cả cậu ấy. Mẹ cậu ấy vô cùng phản đối chuyện chúng tôi bên nhau, bà ấy tịch thu điện thoại của Gia Huy, tự mình đưa rước việc đi lại thậm chí là đến tìm gặp tôi để nói chuyện. 


Nhìn kết quả thi thử của Gia Huy không ngừng biến đổi như đồ thị hàm số tôi thật sự không còn lựa chọn nào khác là đưa ra quyết định dừng lại. Năm ấy chúng tôi chia tay trong hòa bình. 


Mùa thi tốt nghiệp khép lại, cậu ấy thuận lợi đỗ vào NEU như mong ước của mẹ mình, còn tôi thì thiếu đúng không phẩy bốn điểm mà phải lại lựa chọn Khoa học và xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh thay cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội. 


Chúng tôi cứ như thế mà bước vào cuộc sống Đại học. 


***


Ba năm qua tôi luôn nuôi hy vọng rằng khi bản thân trở nên rực rỡ hơn, thì mẹ cậu ấy sẽ không phản đối chuyện tình cảm của bọn tôi nữa, khi ấy chúng tôi nhất định sẽ hạnh phúc.


Vậy mà giờ đây, tất cả chỉ là suy nghĩ đơn phương từ chính mình, dường như từ rất lâu Gia Huy đã không còn nhớ gì đến đoạn tình cảm đã từng bỏ lỡ của chúng tôi năm ấy. 


Viễn cảnh hạnh phúc được tôi vô số lần tưởng tượng ra bây giờ đã hoàn toàn tan biến. 


Đưa tay lau đi giọt nước mắt cuối cùng trên má, tôi đưa mắt ngước nhìn chậu sen đá trên bàn học. Gia Huy đã có hạnh phúc riêng của mình, mà tôi cũng không thể sống mãi trong quá khứ. 


Có lẽ đúng như Khả Hân đã nói, bọn tôi ngay từ khi chia tay đã là phép toán sai. 


Tôi đứng dậy bước đến chậu sen đá quen thuộc, ngắm nghía một lúc rất lâu. Từ dưới bàn lấy ra thùng giấy to, đã được chính tôi dán lại cẩn thận trước ngày lên Sài Gòn cách đây hơn ba năm. 


Ảnh chụp cùng trong hội trại hai mươi sáu tháng Ba, móc khóa đôi do chính tay tôi làm, những lá thư Gia Huy hồi âm cho tôi khi cậu ấy biết rằng tôi đã viết cho cậu ấy đủ một trăm bức thư trước khi tỏ tình… Và cả hộp chứa đầy ngôi sao nhiều màu đã được tôi cẩn thận gấp trong suốt khoảng thời gian bọn tôi chia tay, ngày ấy tôi còn ngây thơ nghĩ rằng khi gặp lại ở Hà Nội tôi nhất định sẽ đem theo nó đến tìm Gia Huy. 


Ba năm sau, hộp ngôi sao này vẫn không được gửi đi. Đáng lẽ ra tôi phải sớm nhận ra ngay từ đầu phép toán của tôi và cậu ấy đã sai. Đáng lẽ tôi không nên hy vọng để rồi bây giờ một mình ôm lấy thất vọng như thế này. 


Bỏ mọi thứ vào lại chiếc thùng nhỏ cùng với chậu sen đá xanh tốt, tôi đứng dậy mặc thêm áo khoác kéo theo vali xuống nhà. 


Giờ này ba mẹ đều đã đi làm, lão anh cũng không có nhà. Đêm qua tôi đã nói với ba mẹ về việc mình trở về Sài Gòn sớm hơn dự kiến vài ngày, mọi người cũng đã quá quen với việc tôi bận rộn nên chẳng ai nói gì. 


[Minh Nguyệt: Mẹ ơi, khi nào mẹ dọn phòng đem thùng giấy ở trên bàn đi bỏ hộ con nhé!] 


Tôi không định bỏ đi nhưng tôi sợ rằng nếu như hôm nay có chút đồ này tôi còn không vứt được thì sau này tôi phải làm sao đây? 


Đôi khi vứt bỏ chính là cho mình một lối đi mới, một cuộc sống mới.