159
33
1499 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Về quê


Mặc dù chuyện mà bản thân vừa trải qua hết sức kỳ lạ, Mỹ Yên vẫn chắp tay cảm tạ vì bản thân còn có cơ hội lần hai. 

Vì trần đời có ai không muốn sống? Những người chọn cái chết không phải cũng là vì khao khát "sống" hay sao? 

Chính bởi lẽ ấy, Mỹ Yên nói với bản thân mình:

- Kiếp này phải sống thật tốt.

Nhớ lại mẹ nói ông ngoại ngã bệnh. Mắt Mỹ Yên bỗng nhòe nước. Kiếp trước, ông ra đi vào giữa tháng Mười. Thời gian của ông sắp hết rồi. 

Lau nước mắt còn đang chảy xuống, Mỹ Yên chạy vội vào phòng ngủ, xếp quần áo vào vali. Đỡ chiếc vali lớn từ trên tủ quần áo xuống, Mỹ Yên xếp gọn đồ dùng cá nhân vào. Kiếp trước vì lo chuyện việc làm, cô không về thăm ngoại thường xuyên. Cũng không kịp gặp mặt ông lần cuối. Kiếp này, cô muốn ở lại chăm sóc ông trong thời gian còn lại. 

Thu xếp hết nửa tiếng, Mỹ Yên khóa kín các cửa, xốc lại chiếc balo trên vai và đẩy vali, bắt xe ra bến xe miền Tây. 

Cô chưa gọi điện cho cha mẹ, và cũng không có ý định sẽ báo. Vì cô sợ ba mẹ sẽ ngăn cản. Kỳ lạ nhỉ? Về thăm người ông đang bệnh mà lại bị cản ư? 

Phải, thật đấy. Bởi kiếp trước cha mẹ cô nói, cô vừa ra trường, nên đi tìm việc làm. Hơn nữa ông lớn tuổi, bệnh đôi chút cũng là chuyện bình thường. Cha mẹ cô về thăm ông là được. Mỹ Yên lúc ấy không dám cãi lời thế nên ở lại thành phố.

Thế nhưng Mỹ Yên lúc này đã lên xe đi về quê. Nhìn từng dãy nhà cao tầng bị bỏ lại phía sau, Mỹ Yên thầm nghĩ mình cũng nên bỏ những ưu phiền kia ở lại. Chiếc xe khách lọc cọc ngã đây nghiêng đó, chồng chềnh đưa cô vào giấc ngủ.

***

Sau bảy tiếng, Mỹ Yên về tới quê. Hơn ba giờ chiều, nắng rơi ra từ những tầng mây, vỡ vụn nằm trên những con đường đầy sỏi đá. Mỹ Yên kéo vali đứng sát vào đường, đợi một chuyến phà ngang. (1)

Đợi chừng năm phút, chiếc phà lớn như chiếc ghe chở máy cày dừng lại bến. Mỹ Yên khó nhọc kéo vali xuống. Một chiếc vỉ sắt hạ xuống, nối liền bến và chiếc phà. Xe con từ dưới phà nối đuôi nhau chạy lên, rồi xe từ trên đường lớn lại chạy xuống phà. Thấy không còn xe, Mỹ Yên mới bắt đầu đi xuống vỉ. 

Hôm nay cô mang cao gót. Lúc sáng đi vội quá, cô xỏ luôn đôi cao gót nằm cạnh cửa đi. Lúc này bước xuống, cô thấy hơi sợ.

Đang loay hoay, một cánh tay hiện lên trước mắt cô.

- Để chú xách phụ cho. - Người đàn ông nói.

- Dạ? - Mỹ Yên ngước mắt lên nhìn. Bắt gặp gương mặt phúc hậu ấy, cô vội đáp. - À, dạ, dạ con cảm ơn chú!

Thấy một người đã yên ổn, chủ phà bắt đầu khởi động, cho phà chạy đi. 

Một cô gái tầm mười tám, mười chín tuổi, đầu đội nón lá, tay cầm xấp tiền lẻ bắt đầu đi thu phí. Người đi bộ một ngàn đồng, đi xe hai ngàn đồng, học sinh thì miễn phí. Lúc Mỹ Yên loay hoay mở balo tìm túi tiền, ông chú lúc nãy đã nói:

- Để chú trả cho. 

- Dạ thôi ạ. Để con trả cho chú.

Ông chú cười khà khà nói:

- Có bao nhiêu tiền đâu. 

Thấy vậy, Mỹ Yên ngại ngùng gật đầu cảm ơn chú lần nữa.

- Cha mẹ con là ai đấy? Đi học về hả?

- Dạ, con là... cháu ông Ba Sò ạ. Con từ thành phố về.

Ở quê cô có một thói quen lạ, giới thiệu bản thân thì cứ chêm tên ông bà hay cha mẹ vào, thế thì ai cũng biết. 

- À. Con về thăm ổng (2) hả? Ổng đang bệnh mà.

- Dạ. - Mỹ Yên buồn bã đáp.

Thấy phà đã sắp tới bến, cô cúi đầu tạm biệt chú, kéo vali chuẩn bị đi lên. Thế mà phà dừng, cô mới thấy chú cháu lên cùng một bến. Cô lên bến. Kéo vali đứng sát vào lề, móc điện thoại ra tính nhờ cha ra đón.

- Về với chú. Chú cho quá giang. (3)

- Có... có phiền chú không ạ?

Chú ấy xua tay:

- Ôi, phiền gì. Nhà chú sát bên nhà ông Ba Sò. Lên đi con.

Chú ngồi trên chiếc xe dream, ra hiệu cô đưa vali cho chú.

Mỹ Yên ngại ngùng đội nón bảo hiểm, để vali lên trước rồi trèo lên yên xe.

Thấy cô ngồi chắc, chú bắt đầu đề xe chạy đi.

Xe chạy trên đường làng, không rộng, nhưng rất mát mẻ. Bên trái đường xe chạy là một bờ sông dài, trên mặt sông thấp thoáng từng đám lục bình xanh xanh tím tím. Bên kia sông cũng san sát nhà như bên này sông. Có nhà lợp mái ngói đỏ tươi, có nhà lợp mái lá vàng ươm. 

Trước những ngôi nhà ấy tuyệt không thấy bờ rào đổ xi măng hay găm mũi giáo nhọn. Nhà nào cũng mở cửa mà chẳng thấy ai trông. 

Hoa dại bên đường tươi mát, xanh xanh đỏ đỏ nhìn cực kì vui mắt. 

Mỹ Yên hết nhìn Đông rồi lại nhìn Tây, cô nói:

- Quê mình đẹp quá chú nhỉ?

- Ha ha. - Chú bật cười. - Chứ sao. Quê mình nhìn chỗ nào cũng đẹp. Con ở đây có lâu không? Ở lâu đi. Chú bảo thằng An dẫn con đi ngó. Đầm sen nhà chú đang nở rộ lắm. Con mà thấy chắc không nỡ bước đi ấy.

- Thế ạ? - Mỹ Yên cười đáp. - Thế thì con phải xem qua mới được.

- Ừ ừ. Phải xem chứ. - Chú cười ngắc ngứ. - Mà con tên gì?

- Con tên Yên, Mỹ Yên ạ.

- Ừ. Tên đẹp. Chú tên Sáu Tèo. Con gọi chú là chú Sáu cho giống người ta.

- Dạ! Chú Sáu.

Dọc đường cô và chú Sáu nói chuyện rôm rả. Cảnh vật bên đường lướt qua mắt cô. Cảnh nào cũng đẹp đẽ, bình dị khiến người ta nao nao muốn sống ở nơi đây mãi.

***

Xe chạy mười lăm phút, nhà ngoại cô hiện ra trước mắt. Cô xuống xe, tháo nón bảo hiểm, lấy chiếc vali rồi cúi đầu cảm ơn chú Sáu lần nữa. Lại hẹn hôm nào sang nhà chú chơi, chú mới vui vẻ quay xe về nhà.

Mỹ Yên sửa sang quần áo, đứng nhìn căn nhà thân quen ấy. Nước mắt lại ùa ra.

Nhà ngoại cô là một căn nhà đã có tuổi, nhà rất lớn, dựng hoàn toàn bằng gỗ và lợp ngói. Trước nhà là một mảnh đất rất rộng. Ngoại làm một lối đi, lát đá tảng lớn dẫn từ tít ngoài đường xe chạy vào tới cửa nhà. Hai bên đường đá trồng đủ loại rau. Nhìn xanh mơn mởn. 

Nhưng không có tâm tình ngắm cảnh quá lâu, Mỹ Yên kéo vali đi vào nhà. Vừa đi vừa gọi:

- Ngoại ơi! Cháu cưng về rồi đây!

Gọi mấy tiếng, cô thấy bà ngoại lật đật chạy ra từ trái bếp. 

- Ý mèn ơi. (4) Con Yên nó về. 

Bà chạy vọt ra ngoài, chùi hai tay qua loa trên tấm áo bà ba bạc màu. Bà tới gần, Mỹ Yên thấy mắt bà đỏ hoe:

- Sao hông (5) về chung với cha mẹ con. Mày đi mình ên (6) vậy người ta gạt bán đi rồi sao biết đường mà kiếm?

- Ngoại này! - Mỹ Yên ôm lưng bà. - Con lớn rồi mà.

- Đi. Đi vô nhà đi con. Ngồi xe chắc mệt dữ rồi hả?

- Con không có mệt. 

Mỹ Yên đi vào nhà cùng bà.

- Mà cha mẹ con đâu rồi ngoại?

- Ở nhà mày chứ đâu! Tao kêu nó ở đây mà nó nói muốn về coi nhà cửa sao rồi.

Mỹ Yên gật đầu. Gia đình cô cũng có một căn nhà ở quê. Lớn chừng bằng nhà của ngoại vậy. Nhưng quanh năm suốt tháng chẳng có ai sinh sống, đoán chừng là bụi bặm đã bám đầy rồi.

***

Góc chú thích:

(1) Phà: là một phương tiện vận chuyển ở miền sông nước. Nguồn ảnh: Bnews.vn 

(2) Ổng: ông ấy.

(3) Quá giang: cho đi nhờ.

(4) Ý mèn ơi: diễn tả sự ngạc nhiên.

(5) Hông: không.

(6) Đi mình ên: đi một mình.