bởi Mỹ Diệu

66
3
1632 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2.4: Lời nói dối chân thành


Ba đứa cầm ly cả lên.

 Đứa thì có trong tay một thứ uống ngon nhất miền nam, ly chè bưởi với những tép bưởi được chọn lựa từ quả bưởi Tân Triều ngon nhất, cho đến khâu chuẩn bị đậu xanh và nấu sao cho vị đắng của vỏ không làm mất đi vị ngọt ngon mát của chè. Nhớ hồi cha tôi công tác ngoài thành phố về, ông mang về rổ bưởi, mười quả da căng xanh mọng trông thích cả mắt. Những chiều đến mẹ tôi đều lấy một quả ra để nấu chè bưởi, bố ngồi dưới nhà hút thuốc, khói bay vô phòng làm tôi ho sặc sụa, bố có thói quen vừa uống nước vừa rít một hơi dài mỗi khi chiều đến. Cứ hễ thấy má gọt bưởi chuẩn bị cho món đặc biệt tối nay, bố cứ phải dặn đi dặn lại má tôi phải gọt vỏ cho thật kĩ, hết cả lớp da xanh, rồi rửa thật kĩ với nước muối, đậu xanh thì phải ngâm vào đêm tối hôm trước hoặc hôm kia thì mới tróc hết lớp vỏ, có vậy chè bưởi mới thơm ngon theo đúng dân Nam nấu. Tôi ngồi trong phòng với ngổn ngang đống bài tập thầy Bỉnh giao, nhà lúc đó khá hơn được chút do bố đi làm xa kiếm nhiều hơn nên được đi học chữ, không phải nghe lỏm nữa. Lớp thầy Bỉnh năm đó rất đông khoảng mười đứa nên thầy quyết định sẽ dạy miễn phí cho cả trẻ em nghèo. Năm ấy tôi lên bảy, năm duy nhất còn nghe thấy thầy giảng bài cho trẻ nhỏ trước khi trở về với thú vui câu cá mỗi sáng sớm ở con sông giữa làng nối liền hai tỉnh với nhau. Mái tóc bạc trắng của thầy cùng với những con chữ đã trở thành miền kí ức đẹp trong niềm thương nhớ một xóm Mít hoang sơ, nghèo đói nhưng rất đầy tình thương. Nhìn ly chè mà lòng phơi phới trở lại sau bao ngày tôi mệt mỏi, ngắm nhìn Hà với đôi mắt long lanh, ăn ké một miếng chè bưởi của nó, tận hưởng trọn dư âm của miền kí ức đang trôi về.

Chúng tôi vô trong Nam làm chắc cũng tầm hai năm, chưa được dịp thưởng thức món ngon trong đây, nên chọn ngay hai món được Loan giới thiệu khét tiếng đặc sản Nam Bộ với chè bưởi của Hà và món chè hạt sen Long Nhãn của tôi. Ngay từ cái tên tôi đã yêu rồi. Nhớ hồi xưa đi học mê nhất câu ca dao mà người ta hay hát khi làm ruộng

“ Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá chen bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Hạt sen trắng ngần, được loại bỏ đi tâm sen (phần xanh nhất mà đắng nhất) được nấu nhừ dưới cái thời tiết sương phủ kín quanh nhà, nhiệt độ tầm hai mươi bốn, hai lăm độ, cùng với những long nhãn làm tăng độ ngọt, sự thanh mát cho nước. Múc lên một miếng bỏ vào miệng ngậm lại, hương thơm ngọt ngào và dịu dàng của sen thấm vào đầu lưỡi làm tôi tê tái một hồi, cái cảm giác này như đứng giữa vùng trời toàn sen đang đến kì nở rộ. Quả là miền Nam khéo léo, cũng không kém miền Bắc với đủ thứ đặc sản khiến kẻ xa lạ chốn mới đến chân ướt chân ráo cũng mê mẩn, bỏ chút hồn và tình yêu ở lại thành phố này. Mới đầu đặt chân đất Sài Gòn tôi chẳng có chút cảm tình, còn giận dỗi ghét bỏ nó, vừa đông đúc chật chội, ai ai cũng chỉ chăm chú cho bản thân mình. Sống ở căn trọ nhỏ ngay chốn trung tâm thành phố tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng rao đêm, một món ăn quen thuộc của xứ quê. Ở đây tôi nhớ mùi hương thơm lúa chín, những đàn cò trắng bảy thẳng tắp trên cánh đồng, nhớ mùi áo ướt đẫm mồ hôi của mẹ sau khi làm ruộng về, những chiếc áo màu nâu được may vá tạm vài chỗ, so với mọi thứ ở chốn này đều khiến tôi lạ mắt, chán ngắt và chỉ muốn quay về quê hương mà sống. Vậy mà gần hai năm tôi sống ở cái chốn xa lạ này chưa về thăm mẹ bao giờ, cũng chỉ gửi thư về đó một lần còn lại chỉ tạt ghé bưu điện gửi tiền cho mẹ xong về phòng ngủ luôn, chẳng quan tâm gì chuyện ngoài đó ra sao. Tâm trí tôi sẽ mệt mỏi mỗi khi nhớ về vùng quê tươi đẹp ấy, mong nó chôn vùi trong mớ kỉ niệm của chính mình, chả muốn đụng lại cũng chẳng muốn nhớ về nữa. Sống quen nơi đây, dần dần nụ cười cũng dần thay bằng cái thở dài. Công việc của tôi cũng chả ra gì, làm tới tận khuya đêm mới về, tiền thì ít mà ăn chửi thì nhiều, khách như thượng đế không tiếp được thì bị đuổi.

Thưởng thức chè đúng là khoái khẩu của tôi, nó khiến tôi cảm thấy khỏe khoắn trong người, những chuyện buồn cũng dần lui bớt, chút nữa khi ăn xong về cũng có thể ngủ một giấc thật ngon, yêu đời hơn một chút.

Khác hẳn với tôi và Hà, Loan lại tìm về cho mình hương vị của quê nhà cũ, nơi trẻ con náo nức thi nhau đố vui, chơi nhảy lò cò, leo cây, tranh nhau từng miếng bánh, cái kẹo. Nó gọi cho mình một ly chè thập cẩm theo đúng kiểu miền Bắc, hai mắt nó sáng lóng lánh khi nhìn thấy ly chè được đưa lên. Tôi dường như thấy rõ trong đôi mắt kia chính là nỗi thèm thuồng nhớ quê của người con xa quê lâu năm, nay mới được trở về, ôm trọn cái tình cũ, mùi vị mộc mạc của quê hương. Người Bắc tính tiết kiệm, mỗi lần nấu chè là xem trong nhà mình còn bao nhiêu cái có thể nấu chung thành ra món này quan sát từ trên xuống dưới với nhiều nguyên liệu nhất nào là đậu đỏ, đậu xanh, dừa nạo khô, khoai môn, lạc rang, những thạch đủ màu sắc hình vuông hình tròn ngộ ngĩnh. Nhìn cái ly ấy chỉ cao từng ấy mà ẩn chưa biết bao điều lý thú trong sự tích bà từng kể cho tôi nghe vì sao lại ra đời món chè đó.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua ở làng nọ rất thích ăn đậu đỏ, bèn mở cuộc thi cho dân chúng thi trổ tài xem có bao nhiêu món ngon có thể chế biến từ đậu đỏ. Có người làm xôi với gạo nếp nấu chung với đậu đỏ đặt tên là “Xôi đậu đỏ”, kẻ khác thấy vậy cũng bắt chước theo nấu gà hầm đậu đỏ ăn kèm với thứ xôi kì lạ ấy. Cô gái trẻ xinh nhất vùng ấy âm thầm tương tư hoàng tử từ khi chàng đi qua làng và đỡ cô té khi cô trượt chân ở bên bờ đê. Tình cảm ấy vun vén mãi đến giờ, người hoàng tử ấy đã trở thành vua, cô gái bèn tham gia thi thử mong sao mình thắng cuộc để có thể thổ lộ tâm tình với người thầm thương bao năm trời. Sau khi quan sát thấy người đàn ông nấu gà đậu đỏ, nước vừa ngọt vừa thơm vừa đậm đà nên quyết định cũng làm một món thức uống để ăn kèm với món ngon ấy. Nhà nàng trồng đậu xanh, độ ấy đúng mùa, nàng bèn ra hái hạt về bỏ rổ ngâm nửa ngày, rồi mua một bao đậu đỏ và rồi nấu chung với nhau. Đang nấu nàng ngó trông ra ngoài cửa thấy quê hương nàng đẹp và gần gũi, như tấm chân tình yêu thật lòng nàng dành cho người hoàng tử năm ấy, nàng bèn hái trái dứa từ trên cao xuống, đổ nước vào nồi, còn phần cùi cạo mỏng ra rồi bỏ chung vào. Nàng ấy đã giành được giải nhất trong cuộc thi và được vua cử vào cung nấu cho vua ăn, và từ đó hai người bén duyên và sống trọn mai sau”.

Có lẽ chính vì vậy “đậu đỏ” ở quê tôi được xem là biểu tượng của tình yêu. Tôi ngầm hiểu ra sâu ý của con bạn thân mình, hóa ra nó đang tương tư anh chàng nào đó hay chăng, một chàng trai đất xa lạ, có thể anh ta cùng quê với nó và có khi cả hai đứa nó đều mê đậu đỏ. Tôi mỉm cười ngắm xung quanh rồi âm thầm chúc phúc cho nó với người tình trong mộng, nếu mà lỡ nó chưa có ai thì hy vọng ba tháng sau tròn hai mươi nó cũng gặp được ý trung nhân, người có thể yêu thương và chăm sóc cho nó cả đời. Đậu đỏ là chuyện tương tư, là yêu kẻ không yêu mình, ngày đêm trộm nhớ sợ người đi mất, là chuyện se duyên nhưng chỉ một người cầm chỉ, là tình yêu không hồi đáp luôn vô vọng, thế nhưng đời này ta vẫn cứ ăn đậu đỏ như một thú vui. Vì ta hiểu rằng đời chẳng dài quá lâu, thương trộm ai đó cũng chỉ vẻn kiếp này mà thôi, hà cớ tiếc chi.