bởi Mỹ Diệu

68
3
1317 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2.2: Lời nói dối chân thành


Đi một đoạn đường dài, Loan reo lên một tiếng rồi kéo tay chúng tôi đi băng qua đường dừng trước một quán nước nhỏ ven đường. Bà cụ đang loay hoay xếp bàn ghế sao cho ngay ngắn, phân vân nên đặt chỗ nào thì bớt nắng có bóng râm. Cạnh đó là một cái gánh với hai cái thúng chứa đầy những hộp đủ hình dạng khác nhau, kế bên có một cái mẹt đang đậy nắp kín. Hương thơm lan tỏa thu hút cả ánh nhìn của tôi với Hà, định đập vai Loan ghé vào đây ăn món gì ủng hộ bà thì thấy nó chạy lại gần bà rồi cười:

“Chè dì Sáu đây mấy đứa ơi”

 

Bà cụ nhìn Loan, mặt cười tươi, những nếp nhăn nheo kéo theo, khiến khuôn mặt co rúm lại thành chỗ. Tóc bà đã điểm bạc nửa đầu, răng đen,miệng đang nhai trầu, nhìn bà suýt nữa thì tôi lại chào ngoại. Tôi nhớ ngoại tôi nhiều lắm, từ hồi ngoại đi cùng với má, đã không còn ai ôm ấp đứa cháu này ngủ mỗi đêm, gãi lưng và hát ru cho nó ngủ. Chợt tôi ngân một hơi dài, nước mắt chảy ra làm lèm nhèm đôi mắt

“Điệp ơi…”

Khúc tân cổ ngoại hát tôi nghe mỗi khi tôi bị mẹ la vì tội đi chơi, khi đêm trời trở nắng gắt oi bức tôi không ngủ được, là bài hát hay nhất mà tôi được nghe. Phải chăng chuyện tình của Lan và Điệp khi ấy trở thành món quà duy nhất sau bao năm qua, dù đến chốn nao nghe ai hát tôi cũng nhớ về ngoại? Nhìn thẳng vào đôi mắt của người phụ nữ ấy với dáng lưng còng, gầy nhom đang đi từng bước chậm chạp lại gần, hai mắt tôi rưng rưng, lòng nhói đau lại,

“Không biết ở nơi xa đó, ngoại còn nhớ cháu không, ngoại đang làm gì đó có nghe thấy cháu hát cho ngoại nghe không? Cháu giận mình khi ngoại còn ở bên cứ nũng nịu bắt ngoại ca cho nghe, ca hết đêm lại tới ngày, rồi ca cho cả má nghe nữa, giận má bảo thương ngoại hơn. Cháu chưa hát ngoại nghe bao giờ ngoại nhỉ? Nhưng cháu vẫn yêu ngoại nhất”.

Thấy tôi khóc, Hà sững người. Nó chạy đến ôm chặt lấy tôi. Mắt nó nhìn tôi ấm áp, làm tôi phì ra cười. Con quỷ này cũng biết lựa chỗ ghẹo mình vui thật đấy chứ.

“Còn cười được hả, tự dưng cái khóc mày”.

“Tao nhớ ngoại quá”.

Bà cụ xoa đầu Loan rồi đi lại chỗ bọn tôi. Bà nhìn tôi chằm chằm, đưa tay lên cầm lấy tay tôi.

“Ngoại cháu sẽ nhớ cháu lắm cháu yêu à”.

Tôi cười vụng về gật đầu liên tục cảm ơn bà.

“Nay con Loan dẫn bạn tới ăn ủng hộ bà đó hả”.

Loan nghe thấy tiếng bà gọi, chạy lại đỡ bà ngồi vào ghế.

“Dạ, bà làm cho tụi cháu ba ly chè nghen bà. Con như cũ ạ, một ly chè thập cẩm. Còn hai đứa này thì?”

Hà với tôi đồng thanh đáp

“Chè hạt sen long nhãn và chè bưởi ạ”.

“Ngồi cả đấy đi, tý có liền.”

Chúng tôi chọn đại cái bàn trong góc kế cây phượng. Đợt này đang độ hè, phượng đỏ rực cháy bỏng, tụi học sinh nghỉ hè ngủ phè phỡn ở nhà. Cũng thời điểm này con người ta thích những thức uống nhiều hơn là đồ ăn, đặc biệt là những quán chè vệ đường như này. Nó như một làn gió đặc trưng cho nền ẩm thực chỉ riêng đất Việt Nam này có, trời nắng gắt có ngay bát chè trước mặt để ăn thì đúng là “ngon hết sảy”. Tận hưởng dòng nước mát lạnh thơm mùi sữa cùng ăn với các thức quả trong chè từ hạt sen, bưởi, táo đỏ rồi đậu phộng… đủ khiến một người giận dữ cũng hóa dịu dàng, một kẻ đang buồn cũng thấy yêu đời hơn chút. Bởi nói theo cách ngọt ngào “Muốn qua được tình yêu thì con đường đầu tiên phải đi qua đó chính là dạ dày”. Các con đường thành phố hôm nay im lặng vắng vẻ, vài chiếc xe ô tô đậu vội bên lề để tránh cái nắng.

Loan mở đầu cuộc trò chuyện bằng những câu giới thiệu về quán chè nơi đây, chốn mà nó xem là thiên đường của Sài Gòn. Cách nó nói chuyện đầy tự tin với vẻ mặt háu thắng của một kẻ sành ăn đang chỉ dẫn cho người đi tìm những quán ngon nhất trên đời. Trong cách nói ấy ánh lên một tình yêu rất bình dị và gần gũi của cô gái đất Sài Gòn này say mê với món chè đơn giản của bà cụ, tôi cứ ngỡ món ăn dân quê này ở thành thị đông đúc này người ta đã bỏ quên lãng đi. Tưởng đâu thói quen nghiện chè này cũng dần bị sự đô thị hóa thịnh vượng làm cho mờ đi. Đâu đây tôi nghe người ta học tiếng anh nói bô ba bô lô, ít thấy ai nói tiếng mẹ đẻ nữa mà cứ nói bằng tiếng ngoại. Đi đến đâu mà gặp phải người Việt nói tiếng Việt chuẩn là tôi phải đứng tần ngần lại, sợ mình nghe lộn. Hà cũng nói với tôi rằng khi thế giới phát triển, con người ta dần quên đi cái gốc gác của bản thân. Ở quê tôi có người từ thành phố trở về giọng không còn nghe rõ nữa, nó cứ lái lái cái tiếng đâu khó nghe, thi thoảng cứ “okay”, rồi “yes”. Mãi cho tới khi tôi vô đây sống được hai năm thì mới hiểu đó có nghĩa là “được” hoặc là đồng ý chấp nhận cái gì đó. Nghĩ lên thành phố cũng thích thật vì được hiểu biết vài cái mới, nửa cũng chả ưa cái thành phố này, toàn ngửi khói bụi xe cộ, đất chật người đông, toàn tranh giành nhau từng thứ một.

Hà ngồi chăm chú nghe Loan kể, Loan nói, còn tôi thì tâm hồn cứ thả hồn theo mây, cứ lâu lâu lại chộp lấy vài câu để hù chúng nó là có nghe.

“Tụi mày biết không nơi duy nhất tao cảm thấy bình yên và tuyệt vời chính là góc này. Khi tao buồn tao sẽ đến đây để ngắm những đám mây bồng bềnh trên bầu trời, đàn chim bồ câu sẽ xà xuống mặt đường và tao có thể cho chúng ít hạt ăn. Ở Hồ Chí Minh người ta có thể tìm thấy bất kì chốn xa hoa vui chơi ở mọi nơi, tất cả những tòa nhà to vĩ đại nhưng tìm đâu được chốn bình yên nhà cửa vắng vẻ có thể ung dung tự tại ngắm thành phố như đây được chứ?

Nói chứ không phải khen dì Sáu nha, tính dì ấy thân thiện lại còn vui vẻ nữa, tao mê giọng dì ấy ca để mua vui cho khách rồi những ly chè ngon mà dì làm, nào là chè chuối, chè bưởi rồi chè thập cẩm, có cả chè hạnh phúc nữa đó nha”.

(chè hạnh phúc là món được kết hợp giữa chè thập cẩm thêm phần ăn kèm là thạch, rau câu, mang đậm hương vị kết hợp Nam Bắc, nó tượng trưng cho sự nối liền giữa miền Bắc và miền Nam sau khi giải phóng hoàn thành đất nước. Cách nấu ra món ăn độc lạ này không biết truyền từ ai ra, chỉ khi biết tới nó, tôi đã trở thành một tín đồ của chè)