Chương 3: Cửa hàng đồ bơi
Thảo như một cái máy truyền đạt tin tức cho mẹ tôi. Mọi hoạt động hầu hết của tôi ở trường đều được nó khai quật lên hết. Cuộc trò chuyện vẫn sẽ còn tiếp diễn nếu ba tôi không về tới nhà. Mẹ tôi vừa thấy ba đã vội đứng dậy chuẩn bị đồ ăn. Ba tôi cứ như cái đồng hồ báo thức bữa trưa ý. Cứ ba về, tôi sẽ được ăn.
Có lần ba về trước tôi, mẹ không thèm đợi mà dọn cơm ăn trước luôn. Tôi hỏi, sao mẹ không đợi con, mẹ bảo, lớn rồi thì tự làm mà ăn. Tôi hỏi, con không thích ăn canh mướp đắng sao hôm nào mẹ cũng nấu thế, mẹ bảo, ba con thích ăn. Từ đó trở đi, tôi không tị nạnh với ba thêm lần nào nữa.
Thảo giúp mẹ bày thức ăn, còn tôi giúp ba lên phòng cất đồ, sẵn gọi anh trai xuống ăn và thay luôn bộ đồ ở nhà.
Nhìn bàn ăn toàn là món ba thích tôi cũng không thấy lạ. May thay, khẩu vị của ba và tôi giống nhau nên chẳng có gì khó khăn, chỉ tội nghiệp anh trai tôi, nhiều lúc toàn lủi thủi ăn rau muống luộc.
"Hôm qua nhỏ Hương có ở nhà không? Cô gọi mãi mà không thấy bốc máy."
"Nhỏ Hương" mà mẹ nhắc tới là mẹ của Thảo.
Thảo mất cha khi còn học cấp 1, nó sống một mình với cô Hương. Cô đang làm trưởng phòng ở công ty lớn trên tỉnh. Do tính chất công việc nên cô hiếm khi ở nhà. Tận sâu trong đáy lòng, tôi rất ngưỡng mộ cô Hương, một người phụ nữ kiên cường, độc lập và tài giỏi.
"Mẹ dạo này nhiều dự án, được ngày nghỉ nên mẹ ngủ nguyên ngày luôn." Thảo vừa gắp miếng sườn non vừa tiếp chuyện.
"Thế à?" Mẹ ngưng một lát rồi nói tiếp, "Con nhớ dặn mẹ là hai tuần nữa là sinh nhật cô nha, kêu nó nhất định phải để trống buổi tối hôm đó, không thì cô lên đốt sạch cái công ty nó."
Mẹ hổ báo như vậy, ai dám cản. Cô Hương hôm đó mà bận, mẹ không đốt công ty thì cũng lên làm loạn cho coi.
Khác với tôi và Thảo, cả mẹ và cô Hương đều báo như nhau, mỗi lần ngồi nghe hai người kể về chiến tích khi xưa là mỗi lần tôi và Thảo hoảng hồn.
Mẹ tôi khi xưa có lần bị cô Hiệu trưởng chê bai là viết mấy tiểu thuyết rẻ tiền, thế là với đầu óc nhanh nhạy của cô Hương cả hai kết hợp với nhau giấu sổ đầu bài của toàn trường, mãi tới tận hai tuần sau mới phát hiện ra, kết cục cả hai đều bị đuổi ra khỏi trường. Hai người về kể vừa cười nắc nẻ.
Cô Hương còn nói: "Ai biểu bà cô đó dám chê truyện của bé yêu chị viết chi."
Hai người phụ nữ U40 cứ cười đùa trêu chọc nhau như con nít. Mẹ tôi chính là bị cả ba và cô Hương chiều quá sinh hư. Giờ đụng phải chuyện gì không nhõng nhẽo ba, thì cũng alô cô Hương.
***
Vẫn như thường lệ, ăn xong tôi và Thảo dọn chén bát để rửa. Do buổi chiều được nghỉ nên vừa dọn xong chúng tôi liền chạy lên phòng nằm nghỉ. Tôi đoán chắc nó sẽ ở đây tới tối luôn đây.
"Chiều về phải mua đồ bơi nữa. Chán quá đi!"
Thảo nó lăn lộn trên giường, than thở về tiết bơi sắp tới của nó. Trường tôi lớp 10 sang học kỳ II sẽ học bơi. Thầy Hiệu trưởng với châm ngôn "Dân miền biển thì phải biết bơi, nhất là học sinh trường THPT Long Vũ này, ra trường đều phải có kỹ năng bơi!" khuyến khích đám học sinh của mình trở thành những tay bơi chuyên nghiệp. Nghĩ về tương lai, tôi thở dài một cái. Tôi ghét bơi. Nhưng dù có ghét thì tôi vẫn phải học nó thôi.
Chiều đó, tôi và Thảo xách xe đi mua đồ bơi ngay tiệm mà thầy dạy thể dục cũng như dạy bơi mở. Tôi thầm cảm thán rằng thầy thật biết cách kinh doanh.
Dường như tất cả học sinh đều mua đồ hết rồi, bây giờ chỉ còn mỗi hai chúng tôi ở đây, cửa tiệm vắng hoe, không một bóng người.
Thảo la lên: "Có khách! Có khách!"
Tôi tập trung lựa đồ, thấy bộ nào cũng như nhau nên tùy ý lấy đại bộ cùng kích cỡ thêm cái kính bơi rồi đặt trên quầy tính tiền. Giờ chỉ cần đợi Thảo thôi. Con này không hiểu nó lựa kiểu gì mà lâu kinh khủng. Không phải tất cả đồ ở đây đều giống nhau cả sao. Vì sao lại mất công lựa chọn như vậy.
"Ủa, Thảo!?"
Đang ung dung ngắm Thảo lựa đồ thì có giọng nói phát ra sau lưng, cả tôi và nó bất giác quay đầu ra sau.
Đằng sau lưng tôi không biết từ bao giờ xuất hiệu hai dáng người. Cậu bạn đầu tiên tiến tới chúng tôi có làn da ngăm, mái tóc húi cua cắt ngắn nên tôi nhìn thấy rõ chiếc khuyên nhỏ phía bên tai trái kia. Người còn lại thì trái ngược lại, cậu bạn có làn da sáng, mái tóc cắt ngắn gọn gàng cùng đôi mắt một mí quen mắt.
Hắn ta làm gì ở đây?