152
27
1636 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Người thân


Không có ý định sẽ ở cùng cha mẹ tại nhà cũ, Mỹ Yên kéo vali vào nhà ông bà ngoại. 

- Ông ngoại đâu rồi ngoại hen? 

- Ổng đi chơi. Hơi đâu mà bây kiếm.

Mỹ Yên mỉm cười, theo chân ngoại vào nhà.

Bước vào nhà, một luồng khí mát mẻ phả vào mặt, sướng rơn cả người. Nhà ngoại chẳng lắp điều hòa, chỉ có cửa sổ mở tung ra đón gió. Từng cơn, từng cơn gió nhẹ nhàng vỗ về khuôn mặt của kẻ đã mệt mỏi vì bôn ba đường dài. 

Vừa bước vào nhà ngoại sẽ thấy ngay một bàn gỗ thật to ở giữa nhà. Kiểu bàn dài, chân cao, được lau chùi bóng lưỡng, đứng bệ vệ trên những tấm gạch tàu. Trên bàn đặt một hộp tròn, không biết bên trong là gì. Một vỏ dừa khô sạch sẽ bày ở bên cạnh. Mỹ Yên biết bên trong vỏ dừa đã được khoét rỗng, bình trà được để vào đó để giữ ấm. Sau bàn ghế là một tủ thờ cao, bên trên đặt di ảnh của tổ tiên. Cạnh tủ thờ có một cửa nhỏ, khu vực bên trong là buồng ngủ, phân làm hai buồng. Ở vách bên trái nhà lớn có cửa nhỏ thông với nhà sau, để nấu nướng, tắm giặt,... Bên tay phải phòng khách đặt một cái phản lớn. Bốn vách nhà đều dựng gỗ. Mùi gỗ thơm như có như không, vấn vít nơi cánh mũi. 

- Đi ra chái bếp rửa mặt đi.

Mỹ Yên hồi thần trong tiếng kêu của ngoại. Cô vội đáp lời rồi lật đật chạy ra rửa mặt. 

Ở sàn nước, ngoại đã lót gạch tàu rồi. Bên trên đặt một hàng lu, cái nào cũng đầy nước và được đậy kín. Mỹ Yên mở nắp lu ở ngoài cùng, lấy thau múc nước ra, rửa mặt và tay sạch sẽ. 

- A! Mát quá! - Cô reo lên. 

Ở quê ngoại, mọi cảnh đều như xứ sở thần tiên. Đối diện, cách sàn nước khoảng hai mươi mét, cánh đồng lúa xanh mơn mởn dập dìu trong gió. Từng bông nặng trĩu quơ quơ chiếc lá mềm như muốn đón chào người bạn tới từ phương xa. Mỹ Yên lặng lẽ nhìn, chợt bỗng thấy lòng bình yên hơn bao giờ hết.

Khi quay trở lại nhà trước lần nữa, ông ngoại cô đã về. Ông bệnh, ừ thì bệnh. Nhưng ông không chịu nằm yên một chỗ. Ông thích đi. Đi chỗ này chỗ kia, sang nhà này ngồi một chút, sang nhà kia xem một chút. Mỹ Yên thấy ông về, chạy vọt ra reo lên:

- Ông ngoại! Ông ngoại! 

- Úi! - Ông bật thốt. - Về khi nào? 

Mỹ Yên chạy tới ôm ông.

- Con vừa về ạ. Ông ngoại bệnh sao không ở nhà nằm?

- Ôi, bệnh tật gì. - Ông xua tay. - Về mấy ngày? Sao không về chung với cha mẹ bây?

Ông vừa đi vừa hỏi.

- Con ở đây với ngoại mãi được không? - Mỹ Yên bông đùa.

- Cha bây! - Ông cười ha hả. - Ở thì ở. Ở chắc tao đuổi mày đi đấy?

- Ha ha. Con biết ông ngoại thương con nhất!

Mỹ Yên dụi đầu vào vai ông. Khóe mắt cay cay. Là ông ngoại, ông bằng da bằng thịt. Là người mà cô vẫn luôn mong nhớ kiếp trước. 

Dù không biết sống lại thế này có phải là chuyện tà ma hay ảnh hưởng như thế nào đến cô trong tương lai, Mỹ Yên vẫn thật tâm cảm tạ vì cô còn được sống. Bởi đôi khi được sống, được ở bên cạnh người thân yêu của mình đã là điều hạnh phúc. Huống hồ gì "tương lai" kia chỉ diễn ra với tiền đề là người ta còn được "sống".

Thấy cháu nhìn mình cười, mắt lại đỏ hoe, ông ngoại cô cũng hơi nghèn nghẹn. Ông quát:

- Đi vô. Kêu bà ngoại bây dọn cơm ăn đi. Sáng giờ đi có đói không?

- Dạ không đói, con có ăn trên xe rồi.

Ông gật đầu, chắp hai tay sau lưng, thong thả bước vào nhà.

Chiều đó, Mỹ Yên vui vẻ ăn cơm với ông bà. Dọn dẹp xong hết, Mỹ Yên lấy điện thoại ra gọi cho mẹ cô. Bên kia bắt máy rất nhanh, Mỹ Yên nghe thấy tiếng mẹ cô:

- Mẹ nghe.

- Mẹ ơi, con về quê rồi. Con đang ở nhà ông bà ạ.

- Cái gì? - Bà Dung lớn giọng hỏi. - Con về khi nào? Sao không nói cho mẹ biết?

- Con... về hôm nay ạ.

- Sao con về mà không nói? - Mẹ cô gằn giọng.

- Con... con lo cho ông ngoại quá. Nên...

- Nhưng con phải gọi báo cho cha mẹ biết sớm chứ! - Bà cắt ngang. - Con đi một mình, nguy hiểm biết bao nhiêu!

Mỹ Yên cười khổ. Có lẽ mẹ lo lắng cho cô. Nhưng thật lạ quá, cô... không thấy vui vẻ gì cả. Ngược lại, Mỹ Yên cảm thấy áp lực, thấy mình như bị kiểm soát. Từ nhỏ đến lớn, cha mẹ luôn quy hoạch mọi thứ cho cuộc đời của cô. Cô chưa bao giờ có thể tự mình đưa ra lựa chọn cả. 

- Mẹ ơi, con lớn rồi mà...

- Được rồi. Cha mẹ sẽ lại nhà ngoại liền. Mẹ tắt máy đây.

Dứt lời mẹ cô tắt máy, Mỹ Yên nhìn màn hình thở dài. 

Chừng năm phút sau, cha mẹ cô tới. Trước tiên, hai người hỏi thăm ông ngoại cô vài câu, sau đó lại quay sang Mỹ Yên.

- Khi nào con về? Ngày mốt nhé? Ngày mốt về với cha mẹ luôn. - Bà Dung ra chiều đã quyết định.

Mỹ Yên không vội trả lời, cô nhìn sang ông bà. Rõ ràng, có chút gì đó tiếc nuối và buồn bã vừa nhuốm lên ánh mắt ông bà. Lòng Mỹ Yên nặng nề, cô lắc đầu:

- Con muốn ở chăm ông bà ngoại một thời gian.

- Còn công việc của con? Con nên có trách nhiệm của một người trưởng thành chứ? - Cha cô nói.

- Con sẽ xin nghỉ việc. 

- Cái gì? - Cha mẹ cô gần như cùng lúc hỏi.

- Con cảm thấy... không thích công ty này...

Bà ngoại nhìn cô lo lắng:

- Vậy thì xin chỗ khác làm. Con đừng nản chí.

- Mẹ đừng chiều con bé. - Cha cô nói. - Chỗ này tốt biết bao nhiêu, lúc trước nó làm nhiệt tình như vậy. Tự dưng nói không thích. 

Nói rồi lại quay sang hỏi Mỹ Yên:

– Con lại giở chứng gì rồi?

Đấy, cô đã biết ngay kết quả sẽ thế này mà...

- Con không giở chứng. Con sẽ xin nghỉ việc. - Hiếm thấy, lần này thái độ Mỹ Yên cứng rắn đến lạ. Có loại cảm giác nếu như cha mẹ không đồng ý thì cô sẽ ở đây mãi luôn vậy.

- Con... Con... - Bà Dung chỉ vào cô. Tức giận, nói không tròn lời.

- Thôi. - Ông ngoại cô lên tiếng. - Nó nói không thích thì cứ cho nó ở đây, chơi ít hôm lại về tìm việc khác. 

- Cha! - Mẹ cô reo lên.

- Được rồi. Hai đứa bây về đi. Để nó ở đây, tao coi chừng.

Ông đứng dậy, quơ tay ra hiệu cha mẹ đi về. 

Thấy cửa nhà đóng lại, cha mẹ Mỹ Yên tức tối quay về nhà cũ. 

Đằng này, thấy hai người họ đã về, ông ngoại ra hiệu cho Mỹ Yên ngồi xuống bàn rồi hỏi:

- Bây muốn nghỉ việc thật đấy à? Nghe cha mẹ bây bảo lương cao lắm mà?

- Ngoại ơi! - Mắt Mỹ Yên cay xè. - Con thấy mệt lắm.

Hai đời, lần đầu tiên cô dám nói với người khác: cô đang mệt lắm. Vì cô biết, chẳng mấy ai thật tâm động viên nếu cô gặp chuyện khó khăn. Có khi chuyện buồn của cô lại thành trò đùa của người khác không chừng. Cô lại càng không dám nói với ba mẹ, sợ rằng họ lại bảo cô cố lên. Cố lên, phấn đấu lên, nỗ lực lên… họ luôn khuyên cô như vậy. Nhưng phải "cố lên" đến khi nào đây? Rõ ràng cô vẫn chưa từng ngừng cố gắng còn gì?

Thế nhưng đứng trước ông bà - những người thật sự yêu thương cô - cô mới được là chính bản thân mình.

Bà ngoại ôm lấy cô từ đằng sau. Nhẹ giọng an ủi:

- Thôi con, khóc lại nghẹt mũi khó chịu.

Ông ngoại ngồi nhìn cô, mắt chan chứa yêu thương.

- Nghỉ thì nghỉ. Không tìm được việc thì ông ngoại nuôi bây. Ông bây cũng có chút của mà.

Mỹ Yên bật cười. Nhưng rồi cô lại khóc. Không còn là uất ức, tủi hổ nữa mà là hạnh phúc cùng đau khổ vì tương lai phía trước của ông cô. 

Tiếng khóc trong buổi chiều êm nghe lại thêm rõ ràng. Để cô khóc đã đời rồi, bà ngoại mới nhẹ giọng:

- Đi rửa mặt, tắm rửa đi. Hôm nay ngủ sớm, kẻo mai dậy lại mệt lã người.

Mỹ Yên vâng lời gật đầu, bắt đầu lấy quần áo đi tắm rửa. 

Tối đó, cô ngủ cùng bà ngoại trong buồng, ông ngoại ngủ ở bên ngoài. Vốn định sẽ trò chuyện cùng bà thật nhiều, nhưng rồi chẳng biết, Mỹ Yên chìm vào giấc ngủ tự lúc nào.