bởi Valerie

7
0
2199 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4


Những ngày sau đó cũng chỉ có bà ngoại chăm lo cho Kiều ở bệnh viện, cha cô tới thăm được vài hôm, nói được vài lời quan tâm con gái. Ông là người không biết thể hiện tình cảm qua lời nói, hành động thì cũng rất vụng về. Vì sau lầm trước kia mà giờ đối với cách hành xử của vợ chỉ đành ngấm ngầm chấp thuận. Có lẽ vì bình thường cha luôn im lặng nên Kiều cho rằng cha và mẹ đều giống nhau. Còn mẹ cô thì chẳng thấy mặt mũi đâu hết, dường như đã quên đi sự tồn tại của đứa con gái này. Nhiều người biết chuyện, đều lắc đầu và tự hỏi sao trên đời này lại có loại cha mẹ vô tâm đến thế. Những lúc thế nay mới thật thấm thía cái câu “người thân còn chẳng bằng người dưng nước lã.” Trong cô ngập tràn nỗi tuyệt vọng nên giờ cũng chẳng mong đợi gì ở cha mẹ nữa. Hi vọng nhiều, thế rồi thứ nhận được vẫn luôn là sự thất vọng.

Thấy cháu gái bị đối xử bất công, bị ghẻ lạnh trong chính mái ấm của mình, bà ngoại không sao chấp nhận được. Nhưng giờ nói gì cũng vô ích, con gái, con rể nào để lời bà vào tai. Nói hoài cũng nản, nên bà cụ quyết định dẫn cháu gái về quê sống với mình. Cuộc sống dưới quê tuy còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém hơn thành phố nhưng ít ra cháu gái bà sẽ không phải chịu cảnh bị cha mẹ hắt hủi nữa.

Một tuần sau Kiều được xuất viện. Cô không về nhà với bố mẹ nữa mà theo bà ngoại về quê. Trước khi đi cô phải làm mấy thủ tục chuyển trường trước, vì dù có ở đâu thì cô vẫn cần phải đi học.

“Mày đi đi và nhớ đừng quay lại đây nữa!” Đó là lời duy nhất mà mẹ cô nói vào cái này mà cô thu dọn quần áo theo bà về quê. Vốn dĩ sự xuất hiện của cô trong nhà đâu quan trọng, nên đi hay ở nào ảnh hưởng tới ai. Cô nghĩ thế và mang theo đống hành lý và trái tim ngổn ngang vết thương rời khỏi nơi từng là “nhà”.

Trước khi đi cô đến gặp bà của Như, nói lời tạm biệt với bà cụ. Hiện tại bà cũng chỉ có một mình, nhà cửa lãnh lẽo hiu quạnh, nhìn khung cảnh này mà lòng xót xa khôn nguôi. Đã tuổi xế chiều, ấy vậy mà không có lấy một đứa con hay cháu bên cạnh bầu bạn. Bà cụ vẫn tỏ ra lạc quan, nhưng trên đôi mặt hiện rõ vẻ xót đau không nói nên lời. Ai mà ngờ được đứa cháu gái mà bà cụ yêu quý đã chẳng còn trên đời nữa.

Kiều nhìn di ảnh bạn thân, nước mắt trào dâng. Cô tự nhủ từ giờ mình sẽ sống tốt, sống thay cả phần đời của bạn nữa.

“Bà, bà nhớ giữ gìn sức khỏe nhé! Từ giờ cháu không thể thường xuyên qua thăm bà nữa.”

“Ừm. Con cũng phải giữ gìn sức khỏe đấy nhé!”

Bà cụ nhìn chân của Kiều, cũng đã nghe qua chuyện cô gặp tai nạn và nằm viện, không khỏi thở dài.

“Dạ. Con biết rồi.”

Kiều mang theo nỗi đau xé lòng tạm biệt bà ngoại của người bạn thân nhất với mình. Cô bước chân đi, chốc chốc lại ngoảnh đầu ra sau vẻ không nỡ.

“Như, tạm biệt!” Cô thì thào.

Lần này về quê sống với bà ngoại của mình, không biết đến lúc nào mới quay lại thành phố. Có lẽ là sau khi cô tốt nghiệp cấp ba, hoặc là năm năm hay mười năm sau, chuyện tương lai khó mà nói trước được. Cô cùng bà ngoại lên chiếc xe đò, băng qua con đường dài để bắt đầu một cuộc sống mới.

Khung cảnh dưới quê rất đẹp, rất bình lặng, thật sự thích hợp dành cho những người đang cần được chữa lành như Kiều.

“Người bạn đó của cháu đã ra đi như vậy đấy!”

Cô tâm sự với bà ngoại của mình, kể cho bà nghe những chuyện đã xảy ra trong thời gian gần đây. Bà cụ đau lòng, ôm cháu gái:

“Tội nghiệp cháu gái của bà.”

Sau vài ngày về quê, cuối cùng Kiều cũng kể ra những điều sâu thẳm nhất trong cõi lòng cho bà ngoại nghe, từng chút từng chút một rời khỏi vùng tối của mình. Tình yêu thương của bà ngoại, quả nhiên là liều thuốc tốt để chữa lành vết thương lòng của cô. Tháng ngày sau dù chưa biết sẽ xảy ra những chuyện gì, nhưng tin rằng nếu bà vẫn còn đây thì cuộc sống của cô vẫn sẽ còn ánh sáng.

Kiều ngồi trên chiếc võng, ánh mắt nhìn về phía cánh đồng xa xăm. Những vết thương từ vụ tại nạn đã dần lành lại, nhưng vết thương trong lòng thì đến khi nào mới lành hẳn. Những ngày này, cô dường như đang dần tìm lại sự bình yên sau những ngày sóng dữ càn quấy trong lòng.

“Cháu đang suy nghĩ gì vậy?” Một chất giọng hiền từ vang lên tại, Kiều khẽ nhoẻn miệng cười.

“Dạ không có gì.”

Bà ngoại ngồi cạnh Kiều trên chiếc võng, sau đó đưa tay lên đầu cô, nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc đen óng. Bao yêu thương, bao sự ấm áp qua đó nhẹ nhàng lan toả vào trái tim. Bất giác những cơn đau nhói trong lòng trở nên dịu hẳn đi. Có lẽ đối với cô chỉ khi ở bên bà ngoại mới cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu, tình cảm gia đình. Trước kia chỉ vì mình là con gái mà Kiều lúc nào cũng bị chính ba mẹ ruột hắt hủi, đến mức cô từng có suy nghĩ rằng mình không phải là con ruột của ba mẹ.

Kiều tựa đầu lên vai bà, tận hưởng cảm giác ấm áp mà trước kia bản thân chưa từng cảm nhận được.

Giây sau có một giọng nói truyền đến, Kiều ngẩng đầu lên, đập vào mắt cô là hình bóng của một cậu trai trẻ tầm mười lăm, mười sáu tuổi. Cô ngồi thẳng lên, dùng ánh mắt chứa đựng sự tò mò nhìn cậu.

“Khang đấy à!” Bà ngoại lên tiếng.

“Dạ! Nãy con mới bắt được mấy con rô đồng nên đưa cho bà.” Cậu cười, một nụ cười thật rạng rỡ.

“Bà cảm ơn! Chờ bà một lát bà vào nhà lấy chút tiền...”

“Thôi thôi bà ơi.” Khang vội ngăn lại. Bình thường bà đã giúp đỡ cậu và em gái rất nhiều nên mỗi khi bắt được tôm cá đều qua biếu bà chút ít, chứ chả phải vì dăm ba đồng bạc.

Kiều không biết cậu bạn này là ai, có quan hệ gì với bà ngoại, cô đưa đưa ánh mắt tò mò nhìn bà ngoại như đang dò hỏi cậu trai trước mặt kia là ai. Bà ngoại như hiểu ý, nói:

“Khang con bác Năm cuối xóm đó con. Con còn nhớ chứ, hồi nhỏ hai đứa cũng đã từng gặp nhau rồi đấy!”

Nghe vậy Kiều bắt đầu lục lọi trong ký ức của mình xem có nhớ cậu trai trẻ tên Khang này không, nhưng dường như vì đã quá lâu không gặp lại nên cô chẳng còn nhớ gì nữa. Cô lắc đầu, gương mặt thoáng hiện vẻ buồn bã.

“Nếu không nhớ thì làm quen lại từ đầu vậy.”

Khang bỗng lên tiếng, từ lúc nào cậu đã chỉ còn cách Kiều và bà ngoại vài bước chân.

Kiều ngẩng đầu đưa mắt lên nhìn Khang, ngây ngốc giây lát rồi mới gật đầu. Khang cười cười, bước tới trước mặt cô.

“Chào cậu, tớ là Khang. Tớ sẽ rất vui nếu được làm bạn với cậu.”

Kiều gật đầu, nhỏ giọng nói:

“Tớ là Kiều.”

“Ừm.”

Ngỡ đâu Khang sẽ nán lại nói thêm điều gì, nhưng nhà còn có đứa em cần phải chăm nên chưa gì đã phải ra về. Nhìn bóng lưng của cậu, bà ngoại bỗng thở dài một tiếng. Kiều quay qua nhìn bà, những nếp nhăn hiện rõ trên gương mặt và dường như trong bà có những nỗi niềm khó nói.

“Tối nay mình ăn canh chua cá rô đồng nha.

Kiều gật đầu: “Dạ!”

Nhưng để nấu món này không thể thiếu bông súng được, mà vừa hay sáng đi chợ bà ngoại mua được chút ít. Còn về đậu bắp, cà chua, ớt sừng,... thật may vì trong vườn có trồng. Kiều chủ động hái đậu bắp, hái cà chua với các loại rau trong vườn dù chân vẫn còn bó bột và phải chống nạng để đi. Bà ngoại không cho nhưng cô vẫn cố chấp, bảo là có như vậy thì chân mới mau khỏi được. Bà cụ nghe xong cười cười, chịu thua đứa cháu gái này của mình. Và trong lúc Kiều đi hái mớ rau thì bản thân cũng không hề rảnh tay, nấu canh chua cá rô đồng thì dĩ nhiên là cần phải sơ chế cá rồi, vậy nên việc này sẽ thuộc về bà. Cá, rau các loại lẫn các gia vị cần thiết đều đã chuẩn bị đầy đủ, đó cũng là lúc bà ngoại bắt tay chuẩn bị làm bữa tối.

Ở quê, bà ngoại không nấu ăn bằng bếp ga hay bếp điện, bao năm bà vẫn trung thành với bếp củi. Căn bếp được dựng tách biệt với nhà ở, chủ yếu được làm bằng tre và mái thì được lớp bằng lá dừa nên mát lắm. Ở nhà Kiều vẫn luôn phải lo chuyện nấu ăn dọn dẹp, nên mấy việc bếp núc chẳng lạ lẫm gì với cô. Nhưng chỉ khi về quê ngoại, cô mới được nấu nướng theo cách dân dã như nấu bắp bếp củi thế này.

Cuộc sống chốn thôn quê, không xô bồ ồn ã, bình dị mà ấm áp. Kiều thích một cuộc sống như vậy, cô chỉ ước giá như có thể sống ở đây đến hết đời.

Trong lúc bà ngoại nấu nồi canh chua cá lóc thì Kiều tranh thủ thổi cơm. Đáng lẽ ra phải thổi cơm từ sớm, nhưng hai bà cháu mải nói chuyện nên quên mất. Đến giờ bà ngoại vẫn dùng nồi gang để nấu cơm, bà bảo cơm nấu bằng thứ nồi này ăn mới ngon. Mà cái nồi cơm này của bà tuổi đời cũng phải lâu lắm rồi, thân nồi đen hết cả lên dù rằng bà luôn chà rửa thật kỹ.

Sau khi cơm chín, canh chua cá rô đồng cũng được bắc xuống khỏi bếp. Trời tối dần, bữa tối cứ thế được bắt đầu. Cơm canh trông có vẻ đạm bạc mà ăn vào lại ngon đến lạ lùng. Ngày trước cứ mỗi bữa ăn Kiều đều nghe giọng mẹ ra rả bên tai, dù đồ ăn trước mặt ngon đến mấy cũng chẳng nuốt trôi.

Trời tối hẳn, bữa tối kết thúc. Dọn dẹp, rửa chén bát xong hai bà cháu ngồi trên chiếc chõng tre đặt bên hiên nhà hóng mát. Trăng đã lên từ lúc nào, trời đêm nay cũng đầy sao. Gió hiu hiu thổi, thoang thoảng dâng hương thơm ngát từ cánh đồng phía xa. Kiều ngửa mặt lên trời ngắm sao, ngắm trăng. Lúc này bà ngoại bắt đầu kể chuyện về Khang, ban đầu Kiều không để ý lắm, nhưng rồi sự tò mò khiến cô chăm chú lắng tai nghe.

“Thằng bé đấy số nó khổ lắm. Mẹ mất sớm, để lại ba cha con sống với nhau. Mà con em còn bị bại não, có đi đứng được gì đâu, ăn uống tắm rửa đều cần người lo. Con cha nó, sau khi vợ mất tinh thần sa sút hẳn, suốt ngày rượu bia. Cứ mở bắt cái là tìm tới rượu à. Nên là có mình thằng Khang gồng gánh gia đình. Thằng nhỏ học giỏi lắm, nhưng giỏi thì có ích gì, sau vì hoàn cảnh cũng phải bỏ học.”

Giọng bà ngoại đều đều, chậm rãi. Kiều lắng nghe mà không nói gì, nhưng câu chuyện về Khang như in sâu vào trong tâm trí cô.

Trăng lên đến đỉnh đầu, Kiều và ngoại đi vào trong nhà ngủ. Hai bà cháu ngủ chung giường, trông có vẻ hơi chật chội nhưng vẫn đủ chỗ cho cả hai cùng nằm. Bà ngoại mắc mùng xong thì tắt đèn, nhưng trong nhà vẫn không quá tối vì có ánh trăng ngoài kia hắt vào. Để có thể sớm chìm vào giấc ngủ Kiều nằm đếm cừu. Mi mắt dần trĩu xuống và rồi những con cừu bỗng xuất hiện kéo cô đến vùng đất của những giấc mơ.