bởi Valerie

1
0
2023 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3


Trong Kiều bây giờ như có một con quỷ thôi thúc cô buông bỏ mọi thứ, từ bỏ nơi này. Bản thân cô bây giờ như đánh mất hết lý trí, đầu óc không còn nghĩ ngợi được gì nữa. Đôi chân cứ bước đi trong vô định, không biết rồi sẽ dừng ở đâu. Cô thấy trái tim mình như đang chết đi, chết trong sự thờ ơ trong sự lạnh nhạt của cha mẹ. Người ta hay nói “cha mẹ nào mà chẳng thương con cái”, có lẽ đúng, chỉ là không đúng trong trường hợp của cô.

Tâm hồn như đã bị bóng đêm bao phủ, không còn có lấy một tia sáng nào. Những tia hi vọng nhỏ bé về một gia đình ấm êm, một hạnh phúc nho nhỏ, một tình thương yêu từ cha mẹ đã hoàn toàn dập tắt. Dù có chuyện gì xảy ra, người sai vẫn luôn luôn là cô. Nhớ năm nào em trai nghịch ngợm làm lỡ bình hoa, người phải chịu phạt vẫn là cô. Thậm chí dù cô có phơi xác ở xó xỉnh nào cha mẹ vẫn sẽ không mảy may quan tâm.

Bất giác Kiều thèm thuồng cái chết đến lạ kỳ. Cô chết rồi bọn họ liệu có đau lòng không? Trên con đường vắng vẻ, những chiếc xe lưu thông đã thưa dần đi. Những căn nhà bên đường đã đóng kín cửa, chỉ còn lại ánh đèn lờ mờ hắt ra từ những cây đèn đường. Phía xa là một quán nhậu, nơi duy nhất vẫn còn mở cửa.

Kiều lặng người, chậm rãi bước trên đường. Gió đêm xua cơn lạnh về, khiến thân thể cô có chút run rẩy. Cô đặt chân xuống lòng đường để bước sang bên kia. Bỗng một tiếng rít vang lên, rầm một cái, dòng máu đỏ tràn xuống nền đường lạnh giá. Thân thể nằm giữa lòng đường, hai mắt đã nhắm nghiền.

“Thật tốt! Cuối cùng cũng được giải thoát.”

Bên tai Kiều vang lên tiếng xe cứu thương, trong mơ hồ cô như nhìn thấy Như đang mỉm cười với mình.

“Như...” Cô lớn tiếng gọi. Như như nghe thấy giọng nói của cô, cậu nheo mắt lại, nụ cười vẫn hiện lên trên môi.

“Kiều à... Sao cậu lại ở đây? Cậu mau về đi! Cha mẹ cậu sẽ lo lắm đấy.”

“Không... Tớ không muốn về. Ở nhà không ai thương tớ cả. Như, cậu cho tớ theo với!

Như dần biến mất theo luồng ánh sáng. Kiều chạy theo định níu lại nhưng đối phương đã biến mất trước khi cô kịp tới. Như cũng bỏ cô mà đi rồi! Cảm giác lạnh lẽo cùng sự cô đơn tột độ khiến cô gục ngã. Cô ôm mặt khóc nức nở, nhưng mãi vẫn không có ai đến bên cạnh an ủi.

Bỗng một giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên bên tai cô, cùng với đó là giọng nói dịu dàng.

“Cháu gái của bà, đừng khóc nữa! Có bà ở đây rồi!”

Ngay lúc này Kiều cảm giác như có vài tia nắng chạm khẽ vào trái tim mình, mang theo sự ấm áp ngọt ngào. Đã lâu lắm rồi cô mới có cảm giác này. Đúng rồi! Cô còn có bà ngoại của mình mà. Từ bé bà đã luôn là người yêu thương cô nhất. Chỉ là cô rất ít được về quê gặp bà. Mấy năm gần đây xảy ra nhiều chuyện, cô cũng không thường xuyên gọi điện về cho bà như trước kia nữa.

Kiều tỉnh giấc sau một cơn mơ dài. Đôi mắt nhìn thẳng lên trần nhà, bất giác trong lòng lại dâng lên cảm giác sợ hãi. Bên cạnh không có ai, cũng không có tiếng người nói chuyện. Thứ vang lên bên tai chỉ là âm thanh của chất lỏng đang theo dây dẫn truyền vào mạch máu cô.

“Cạch” một tiếng, cảnh cửa mở ra. Kiều nghiêng đầu sang một bên để xem ai đang bước vào.

“Kiều... Kiều.... Con tỉnh rồi!” Người bước vào chính là bà ngoại của Kiều. Thấy cô tỉnh lại, trên nét mặt bà tràn ngập sự vui mừng. “Bác sĩ, bác sĩ... Cháu tôi tỉnh rổi!”

Lát sau các y bác sĩ đã có mặt để kiểm tra tình hình rồi nói: “Tình hình con bé đã ổn định! Không lâu nữa có thể cho xuất viện. Còn về cái chân bị gãy, sẽ sớm lành lại thôi. Nhưng mà nhớ đừng để cháu nó chạy nhảy vận động nhiều.”

“Cảm ơn! Cảm ơn bác sĩ nhiều!”

Bà cụ rơm rớm nước mắt, bắt đầu hồi tưởng lại mọi chuyện. Tối qua Kiều gọi điện cho bà nói những lời rất kì lạ, sợ cháu gái có chuyện gì nên sáng ra đã bắt xe khách lên thành phố. Nào ngờ đến nơi thì hay tin cô đang ở bệnh viện do tối qua gặp tai nạn giao thông.

Bác sĩ đi ra khỏi phòng bệnh, trước khi đi có nói lát nữa sẽ vào để kiểm tra tiếp. Bà cụ cảm ơn rối rít, sau đó lại ngồi nhìn Kiều nằm im lìm trên giường bệnh, gương mặt bơ phờ chẳng có lấy nổi chút sức sống. Cháu gái thành ra như vậy này bà cụ đau lòng khôn xiết.

Lúc sau bà Lan và ông Lâm đi vào. Kiều móng chờ họ cô đã rất mong có một cái ôm hay ít nhất là vẻ mặt lo lắng đối với đứa con vừa mới trải qua cơn thập tử nhất sinh này. Cô vẫn muốn tin trong họ còn chút tình thương với con gái, khi con gặp chuyện vẫn hốt hoảng lo lắng như bao cha mẹ khác. Nhưng không, ngay khi mới đặt chân vào phòng bệnh, bà Lệ đã ném vào người Kiều một tia nhìn lạnh buốt và chẳng tiếc buông lời cay đắng.

“Mày cố tình phải không? Cố tình đi khỏi nhà rồi bị xe đụng để bọn tao tốn một mớ tiền. Mày nghĩ nuôi mấy dễ lắm à! Biết thế này tao đã không sinh mày ra rồi.” Bà Lan nói với giọng điệu chua ngoa. Còn ông Lâm, ông không nói bất cứ lời nào. Chỉ lẳng lặng đứng nhìn, không biết giờ đây đang nghĩ những gì.

Kiều thấy cổ họng mình đắng ngắt, vừa nghe những lời này nước mắt không cầm được mà rơi xuống. Cô nức nở khóc trên giường, hận rằng tại sao bản thân lại không chết đi. Chết rồi có phải là tốt hơn không? Hận rằng tại sao mình lại được sinh ra trên cõi đời này, để rồi nhận lại sự ghét bỏ từ chính cha mẹ ruột.

“Cháu ngoan! Đừng khóc nữa!” Bà ngoại dùng bàn tay nhăn nheo của mình lau đi những giọt nước mắt trên gương mặt đứa cháu tội nghiệp của mình. Lòng bà thấy đau đớn vô cùng, thật không hiểu sao mình lại có đứa con gái cay nghiệt đến thế này. Kiều cũng là con mà nó do dứt ruột đẻ ra mà sao có thể ác với con bé đến vậy. Sống gần hết nửa đời người, không ngờ lại phải chứng kiến chuyện đau lòng thế này.

“Lại còn khóc. Tao nói oan lắm à...”

“Mày im đi! Con bé đã thế này mày còn chưa thấy vừa lòng à. Rồi Kiều nó có phải là con gái do mày dứt ruột đẻ ra không thế! Hổ dữ còn không ăn thịt con. Mày thì sao nào? Mày nói những lời đó không thấy cắn rứt lương tâm của mình à?”

Bà cụ nghe mà tức anh ách cái lồng ngực. Than ôi sao người ta lại có thể ghét bỏ chính con ruột của mình như thế! Thà con rơi con rớt thì bà cụ còn hiểu chút, đằng này là máu mủ ruột thịt chính mình đẻ ra. Đời người lắm chuyện oan trái, nhưng dù thế nào cũng khó mà chấp nhận được sự đắng cay này.

Nghe những lời này của mẹ, bà Lan đột nhiên câm nín, nhưng giây sau lại tiếp lời, cãi lại chính mẹ ruột của mình chem chẻm.

“Mẹ thì biết cái gì. Nuôi nó được tích sự gì đâu mà không được chửi.”

Bà cụ run bần bật như tàu lá chuối, tức tới nỗi huyết áp tăng lên vùn vụt.

“Mày... Mày nói thế mà được à?”

Hai mẹ con nói qua nói lại một hồi, chẳng tiếc dùng lời lẽ cay độc nhất ném vào nhau. Vốn là nơi để cứu chữa bệnh, thế mà lúc này nhìn vào người ta ngỡ như mình đang lạc giữa chợ, lạc giữa những con buôn đang chửi bới nhau vì dăm ba chuyện tranh giành khách hàng. Là mẹ con với nhau, nhưng trông có khác nào kẻ thù với nhau không. Càng nói càng hăng, rồi chẳng còn ai kiểm soát được lời nói của mình nữa.

Bác sĩ đi vào phòng, đằng sau còn có vài thực tập sinh đi theo. Thấy cảnh chửi nhau om sòm mà nhíu mày, ông hắng giọng một tiếng. Ông Lâm vội khều vai vợ, ý bảo bà dừng lại. Nhưng bà Lệ đang chửi hăng nào để ý trời đất là gì, cũng không hay biết trong phòng bệnh từ lúc nào đã có mặt bác sĩ.

“Được rồi mẹ dẫn nó về mà nuôi đi! Tôi là tôi chả cần cái đứa con gái này đâu.”

“Đây là cái chợ à? Không thấy bệnh nhân cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng hay sao mà chửi nhau loạn hết cả lên thế.” Tức mình, bác sĩ quát. Bao năm làm nghề, cũng chẳng phải lần đầu tiên gặp cảnh người nhà bệnh nhân chửi loạn lên trong bệnh viện. Thế mà khi gặp cảnh vừa rồi ông phải lắc đầu bất lực, nhịn không được mà lớn tiếng.

Đến lúc này bà Lệ mới chịu ngậm miệng mình lại. Bà kéo ông Lâm đi ra ngoài, nán thêm có khi lại nóng máu mà chửi thêm nữa.

Ánh mắt bà cụ hiện lên nỗi đau xót, cổ bà nghẹn lại, lồng ngực bà nhói lên. Rõ ràng bà cũng nuôi dạy con cái tử tế mà sao lại thành ra như thế này, sao lại có đứa con gái sống theo tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Kiều vẫn còn khóc nức nở. Những vết thương sâu thẳm trong lòng như thể đang lan rộng ra. Chúng không những chưa lành mà còn đang dần mưng mủ, ngày ngày hút cạn sinh khí trong cô.

“Đừng khóc nữa! Đừng khóc nữa! Có ngoại đây rồi!” Bà cụ an ủi. Bàn tay già nua run rẩy lau đi nước mắt trên gương mặt của cháu gái.

Bác sĩ thở dài, mấy cô cậu thực tập sinh theo sau vẫn chưa hết bàng hoàng. Bọn họ đều cảm thấy xót thương thay cho phận đứa con bị cha mẹ hắt hủi và ghét bỏ. Bác sĩ tới bên giường bệnh, đo huyết áp cho Kiều. Sau khi đọc các thông số thì mấy thực tập sinh theo sau liền ghi ghi chép chép. Trước khi đi ông dặn Kiều nghỉ ngơi cho thật tốt, đôi chân bị gãy sẽ sớm ngày khỏi lại thôi.

Bà ngoại nghe vậy, rối rít cảm ơn. Thật may là các y bác sĩ trong bệnh viện đều rất tốt, đều tận tình chăm sóc bệnh chân. Kiều vốn rất ghét bệnh viện, nhưng bây giờ cô lại thấy ở đây còn thoải mái hơn ở nhà. Không phải nhìn thấy gương mặt cau có khó chịu hay lời trách móc mắng chửi từ mẹ, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. Có người biết được hoàn cảnh của cô mà nổi lòng thương cảm, họ sẽ tìm cách để trò chuyện, kể về mấy thứ cô chẳng hiểu, nhưng cô vẫn sẽ ngồi lắng nghe và đáp lại họ bằng một nụ cười.