bởi MeoLucSac

2
1
4144 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4


“Đâu rồi, đâu rồi!” 


Tôi cố tìm lại bản ghi chép về cái chết của mẹ trong phòng lưu trữ. 


Dòng lưu ý hôm đó đã ghi cái gì?


Tôi thật sự không nhớ nổi nữa, những kí ức của ngày hôm đó như bị xóa đi và che lấp bằng những chuyện vui vẻ gần đây. 


Tim của tôi đập loạn xạ, tay và mắt không ngừng hoạt động để tìm cho ra bản ghi chép hôm đó. Mùi của giấy và bụi xộc thẳng vào mũi tôi khiến nó nghẹt đi. Mồ hôi tay tôi vã ra nhiều đến mức tôi phải chùi thẳng vào quần. Hết hộc giấy này rồi đến hộc giấy khác, chả biết là bản ghi chép đó đã bị mang đi bỏ chưa mà tôi vẫn cứ tìm trong vô vọng. 


Một giọng nói quen thuộc, mang đầy vẻ đượm buồn, nghẹn ngào vang lên: “Triệu, mày đừng có tìm nữa!” 


Người mất có liên quan đến chất trong danh mục cấm, đã được lấy mẫu để xét nghiệm. 


Đúng, chính nó, chính là dòng lưu ý hôm đó. Trong đầu tôi vang lên đủ thứ tạp âm rồi bị ù đi, bàn tay run lên liên hồi: “Mẹ… mẹ…” 


Lúc này bà ấy chỉ lí nhí nói: “Xin lỗi!” 


Tôi bần thần một lúc lâu rồi tỏ ra bình thản như chẳng có chuyện gì, sắc mặt thì cứng đờ, gượng gạo. 


Bà ấy cũng không nói gì thêm, giá mà bà cho tôi một lời giải thích rõ ràng hơn là một lời xin lỗi vô nghĩa.


Chẳng biết tôi suy nghĩ trong đầu mà lại rút điện thoại ra để gọi cho Chung, sau một hồi chuông vang dài cuối cùng nó cũng bắt máy. Một giọng nói uể oải vang lên trong bầu không khí nặng nề này: “Alo gì mà mới ba giờ sáng đã gọi tao vậy?”


Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói: “Mày lên trực cho tao được không?”


“Hả… ờ… được… đợi xíu đi!” 


Câu “đợi xíu” này của Chung chắc phải hơn bốn giờ nó mới đến đây mất. Cái thằng lề mề thành thói như nó hiếm khi mà tranh thủ đến ngay sau khi được nhờ lắm. Tôi cũng quen rồi, nhưng giờ lòng tôi lại nóng như lửa đốt. 


Mẹ cứ lơ lửng xung quanh tôi mà chẳng nói chẳng rằng gì, giống như một đứa trẻ lấy đồ của người lớn để chơi đồ hàng xong bị la mắng mà không hiểu vì sao, chúng nó biết mình phải hứng chịu cơn thịnh nộ sắp bộc phát, có đứa sẽ khóc rống lên vì không được chơi tiếp, cũng có đứa sẽ biết lỗi mà không biết phải làm sao. Mẹ tôi đang chờ tôi nói gì đó. Nhưng đây là nhà xác, nơi làm việc của tôi, không phải phiên tòa tình thân giải quyết khúc mắc hiểu lầm. 


Chung đến nhanh hơn tôi tưởng. Vừa mở cửa vào, nó đã hỏi: “Sao mày kêu tao đến sớm vậy?”


Tôi chỉ đáp lại qua loa rằng mình mệt, chuyển ca cho Chung rồi sau đó là dọn đồ đạc của mình để về nhà. Tôi đã trực cho nó không dưới mười đầu ngón tay nên lần này bị gọi đến nó không khó chịu gì mấy, trái lại là vẻ thoải mái trên gương mặt và bảo tôi nếu mệt quá thì xin nghỉ một hôm. 


Đoạn đường quen thuộc đã chạy trên xiếc xe cà tàng này suốt hơn mười năm giờ lại khiến tôi có cảm giác nó dài đến mức chạy mãi không đến được nhà của mình. Dường như trong vô thức tôi đã chạy vượt quá tốc độ quy định và đặt cược cả tính mạng của mình cho chiếc xe sắp lìa đời này. 


Trời vẫn chưa sáng như khu nhà tôi đã sáng đèn, những cô dì chú bác tuổi xế chiều đã bắt đầu tập thể dục. Thấy tôi, họ đều đồng loạt nép vào hai bên tường để né, rồi lại tiếp tục buổi tập của mình. 


Cuối cùng cũng về đến, tôi tắt máy xe rồi mở cửa bước vào nhà, cái túi trên lưng tôi như quả tạ khổng lồ đè nặng xuống còn chân thì tê lạnh đến mức không nhấc nổi. 


Mở cửa, vào, rồi đóng, một loạt thao tác tôi làm nhanh gấp đôi bình thường.


Lần này mẹ không cần nhang khói gì vẫn xuất hiện trước mặt tôi một cách rõ ràng. Vẻ mặt bà tràn đầy sự ân hận, dường như bí mật bà dấu tôi còn nhiều hơn cả những tật xấu của bà. 


“Mẹ, mẹ giấu tôi chuyện gì?”


“Cái… cái tủ…”


Tôi gằn giọng hỏi: “Cái tủ gì?”


“Cái tủ dưới gầm vạc… trong… trong… trong đó có tiền…”


Tiền gì thì tôi không biết, chỉ biết là bản thân đang sắp khai phá được một bí mật của me sau khi bà qua đời thì thôi. 


Tôi trườn xuống lôi cái tủ gỗ mình đã không sử dụng đến từ lâu. Nhưng nó bám ít bụi hơn so với mấy món đồ linh tinh khác nên tôi biết chắc bình thường mẹ hay cố trườn xuống đây lắm. 


Tôi hít phải không ít bụi nên đâm ra khó chịu, ôm cái hộp nặng trịch đó lên vạc rồi hỏi: “Đây, cái này đúng không?”


“Ờ… ờ… mẹ có tích góp chút tiền…” 


Tôi cắt ngang: “Kiếm ở đâu ra?”


“Tiền… tiền là…”


Tôi đập mạnh tay lên cái tủ: “Tôi hỏi là kiểm ở đâu ra?”


Cú đập của tôi không biết là mạnh đến mức nào mà khiến cả cánh cửa tủ bung ra mà chẳng cần chìa khóa, chắc là nó đã cũ nên bị tác động mạnh tí là hư ngay. 


Từng xấp tiền chẵn lẻ khác nhau tràn ra khỏi tủ, nếu như đặt mình trong trường hợp chẳng biết gì thì có lẽ tôi đang vui đến nhảy cẫng lên vì hóa ra mẹ cũng để dành tiền cho tôi mà không nướng hết vào bài bạc, nhưng dòng lưu ý kia cứ hiện đi hiện lại nhắc nhở tôi những đồng tiền này có chết cũng không được xài. 


Bà ấy thấy sắc mặt tôi tái đi thì cúi gằm mặt không nói gì, khiến tôi càng điên tiết hơn: “Mẹ nói cái gì đi chứ?”


“Thì… thì tao thiếu nợ tụi thằng Bảy Khùng… cái… cái tụi nó bảo… bảo… bảo tao đi đưa mấy cái… cái bọc đen gì đó cho người ta rồi xóa nợ dần… cái dần tụi… tụi nó cho tao tiền mà… mà tao sợ đánh… đánh nữa thì thua sạch nên… nên đi giao cái bọc đó cho tụi… tụi nó xong để… để dành tiền…” 


Chỉ có điều bà không ngờ rằng cái bọc ni-lông đen mà mình hay đưa cho người ta là chất cấm, còn bà là đồng lõa, mãi đến khi biết thì đã quá muộn. 


Tôi hít một hơi thật sâu, tránh để bản thân giận quá mất khôn: “Sao mẹ không nói?”


Mẹ tôi lí nhí: “Nói gì?”


“Sao mẹ không nói cho tôi biết ngay từ đầu chứ?”


Tôi muốn trách bà sao lại quay về để ban cho tôi những tháng ngày vui vẻ rồi lại dập tắt đi nó. Cảm giác như cả tháng qua chỉ là một giấc mơ đẹp mà não đánh lừa tôi để rồi vào một đêm yên chí an giấc thì một cơn ác mộng kinh hoàng đột kích bất ngờ khiến tôi không dám ngủ lại. 


“Mẹ nói đi chứ! Làm ơn đi… làm ơn… đừng im lặng nữa… làm ơn!”


“Mày muốn tao nói cái gì đây? Cả đời tao… cả đời tao…”


Bà dường như muốn than thân trách phận cái gì đó nhưng nghẹn lại không nói thành lời. Giờ bà chỉ là một hồn ma trong suốt nên tôi có thể nhìn thấy được những gì ở đằng sau. Đó là một tấm gương đã cũ vì không tìm được chỗ để nên tôi để nó dựa tạm vào tường, chắc cũng đâu đó vài năm rồi. Mặt gương phản chiếu rõ những nếp nhăn trên gương mặt tôi, làn da không rám nắng như những người cùng tuổi nhưng lại nhợt nhạt không có chút sức sống nào, thân hình cũng gầy, không có cái bụng bia như mấy người tầm tuổi hay đi lảng vảng trước mặt mẹ, mái tóc đã bạc hết hai bên khiến tôi dù chỉ mới ba mươi sau đã trông không khác gì người cùng tuổi với chú Hoàng, một người đàn ông đã gần sáu mươi.


Có lẽ đây là lần đầu tiên mẹ nhìn tôi trực diện thế này. Người ta thường hay nói gừng càng già càng cay ấy vậy mà bà lại chẳng giấu được mấy cái biểu cảm lo lắng, hoảng loạn, buồn bã sinh động trên mặt mình. 


“Mẹ, rốt cuộc là… mẹ giấu số tiền này để làm gì?”


Bà ấy nói như sắp khóc: “Tao… tao… tao chỉ muốn để lại cho mày một ít để lỡ đau ốm gì còn có tiền thuốc thang… tao… tao có ngờ đâu…”


Tôi lắc đầu, ngả người xuống vạc nhắm mắt lại, mặc cho mẹ nói gì thì nói. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người tự tin rằng bản thân có thể dự đoán được tương lai và rồi tương lai mà họ vẻ ra trong thực tế nó lại ngắn ngủi đến đau lòng. Có lẽ mẹ tôi cũng nằm trong số những người tự tin với cái ý nghĩ chắc gì người xấu số là tao để rồi phải nằm trên bàn inox trong nhà xác còn sớm hơn cả dự tính của bản thân. 


Tôi chất vấn bà: “Bà cầm tiền trên tay mà không thấy tội lỗi sao?”


Trái tim tôi như có con dao đang cứa ra trăm ngàn mảnh, miệng thì đắng chát, có cảm giác như không trụ vững một chút nữa thôi thì tôi sẽ bật khóc ngay lập tức. 


“Mày đừng có nói nữa!” 


“Không nói thì sao được? Bà biết mấy đồng tiền này là phạm pháp không? Lỡ sau này bị gì còn có tiền thuốc thang? Ha… Bà muốn sống trên mạng của người ta à? Bà biết ma túy nó có hại thế nào không? Vừa mới ban nãy tôi đã khâm liệm cho một người chết vì nó đấy! Nguyên người chỉ còn da bọc xương, mắt lồi má hóp, chết vì sốc ma túy, cả cơ thể bốc ra cái mùi kinh khủng như cả tuần chưa tắm đến mức tôi đã mang anh ta đi tắm thơm nhưng vẫn không bớt được cái mùi đó đấy!”


“Nhưng mà hồi đầu tao thật sự không biết đó là ma túy!


“Vậy sau khi biết rồi mà bà vẫn làm?”


“Tao sợ tụi nó thủ tiêu, được chưa? Tao sợ không làm cho tụi nó nữa tụi nó sẽ giết tao! Từ lúc biết cái bọc đó là ma túy tao chỉ sợ đang giao thì công an sẽ ập vô, tao phải đi tù!” 


“Bà chỉ cần tố cáo bọn nó lên công an là được mà?”


“Mày nói nghe dễ quá sao không vác cái hộp gỗ đó lên đồn xong bảo mẹ mày bị tụi thằng Bảy Khùng bắt giao ma túy cho bạn nó đi! Kêu công an còng đầu tụi nó, bắt hết mấy con nợ như tao nè!” 


“Bà có thể nói với tôi mà?” 


“Tao đang nói với mày đó! Mày chưa bao giờ đứng về phe tao, lúc nào mày cũng cho là tao sai, tao đã nói với mày là tao bị ép nhưng từ nãy giờ mày chỉ coi tao như người có tội! Mày lấy cái quyền gì chất vấn? Nói với mày giải quyết được gì sao? Một thằng tối ở nhà xác sáng thì nằm ì ở nhà như mày thì làm được gì chứ?”


Từng câu hỏi của mẹ như xát muối vào tim tôi. Bà ấy nói đúng, tôi chẳng làm được gì cả. 


“Bà đi đi!”


“Mày nói cái gì?”


“Tôi bảo là bà đi đi, đi tới cái kiếp sau mà bà mong muốn ấy, đừng ở lại để khổ thêm nữa!” 


Tôi không nói là đừng ở lại làm khổ tôi, thay vào đó là đừng ở lại để khổ thêm nữa. Tôi biết, bà ấy nếu nghe được vế đầu sẽ ôm theo nỗi bứt rứt không thể nào siêu thoát được, đó còn hơn là một nỗi đau đối với cá nhân tôi, người luôn hy vọng bà sẽ có một kiếp sống tốt hơn.


“Mày thật sự… mày thật sự không muốn nhìn thấy tao nữa sao?”


Tôi không biết nữa, nhìn thấy thì trong lòng sẽ mang theo một mớ cảm xúc rối bời còn không thấy thì sẽ lo lắng đến mức hoảng loạn. Không biết nếu đặt người có kinh nghiệm sống phong phú như chú Hoàng hay người có nhiều mối quan hệ thân thuộc như Chung sẽ quyết định như thế nào nếu đứng ở đây.


Bây giờ, thời thế đã đảo chiều, người im lặng là tôi còn người muốn tôi nói là mẹ.


Bà ấy thấy tôi đứng như trời chồng không nói gì, liền quát lớn: “Được rồi, tao đi là vừa lòng hả dạ mày rồi chứ gì?”


Nói xong, bà biến đi đâu mất tiêu, dư ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy là nét mặt trống rỗng của mẹ, như cảm xúc của bà đã khô héo sau trận cãi vã không đến được đâu với thằng con trai trời đánh này của mình. 


Tại sao tôi lại to tiếng với bà chứ? Chỉ cần lắng nghe một chút thôi là được rồi sao?


Tôi không còn một chút tâm trạng nào để đi làm nên gọi điện xin nghỉ luôn một tuần để bình tâm lại. Cuộc gọi hỏi thăm từ chú Hoàng vừa kết thúc tôi liền nằm ườn ra vạc mà suy nghĩ về cái hộp tiền của mẹ.


Cuối cùng, tôi mang nó đến đồn công an. Khi người ta hỏi vì sao tôi nghi số tiền này là phạm pháp, tôi đã dựa vào những chuyện có thật và những chi tiết tôi tự nghĩ ra để bịa ra một câu chuyện mà tôi tự nhận thấy là không có một kẽ hở nào: “Tôi là nhân viên nhà đại thể của bệnh viện tỉnh, hôm mẹ tôi bị tai nạn giao thông tôi đang trực giúp đồng nghiệp của mình vì anh ấy có việc riêng, khi nhận báo cáo về mẹ tôi được bên cơ quan chức năng với bệnh viện tôi để ý thấy có dòng lưu ý hơi lạ, cụ thể là gì thì tôi không nhớ nhưng mà đại loại là mẹ tôi có liên quan đến chất cấm, đã được đưa đi xét nghiệm máu. Gần đến bốn mươi chín ngày của mẹ rồi nên tôi xin nghỉ để dọn dẹp nhà cửa thì thấy cái hộp gỗ này hơi lạ, bị bỏ dưới gầm vạc lâu mà nó nặng trịch nên tôi tìm cách mở ra thì thấy tiền bên trong. Mà đó giờ mẹ tôi có kiếm gì làm đâu, hồi đó thì đi đánh bài suốt ngày sống nhờ vào tiền mà lúc cha tôi chết ông bà nội cho, mấy tháng trước khi bà chết bà mới hay xin tiền tôi đánh bài mà tôi không cho, tiền đi chợ tôi cũng cắt bớt, thành ra mẹ tôi hay nợ mấy cô ở chợ đủ thứ tiền nên làm gì bà có tiền để dành nhiều cỡ này. Nên tôi nghi tiền này là tiền phi pháp nên mới mang cho mấy anh!”


Thấy tôi cũng thành thật khai báo nên người ta cũng không làm khó dễ gì, chỉ hỏi tôi có biết mẹ tôi đánh bài ở đâu không.


“Cái này tôi cũng không rành, tôi hay trực đêm ở nhà đại thể, sáng về cũng chỉ có ngủ… à… à hình như có lần tôi nghe mấy cô hàng xóm bảo thấy mẹ tôi đến chỗ của thằng Bảy Khùng gì đó, họ còn kêu tôi ngăn mẹ đừng giao du với tụi đó nữa!”


Vừa nghe thấy cái tên Bảy Khùng, mấy anh trong đồn liền dồn ánh mắt về phía tôi, nhưng không phải là nghi ngờ mà hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện cái hộp tiền vừa bịa ra kia và nâng cao cảnh giác.


Tôi không thể nói là mẹ hiện hồn về để nói hay thấy mẹ báo mộng cho mới biết. Trong thời đại đề cao khoa học hơn những chuyện tâm linh thì chuyện của tôi mà khai thật ra ai cũng bảo là tôi bị khùng chứ chẳng tin đâu. Vậy nên tôi đành phải nói ra một vài chuyện có cơ sở để bịa còn lại phải trông cậy vào sự tinh tường của các đồng chí áo xanh này. 


Sau một hồi trao đổi thì tôi cũng ra về.


Mốt là ngày bốn mươi chín của mẹ rồi, không biết là bà ấy đang làm gì nữa.


Nghĩ đến thế, tôi lại tự giễu mình. Chính tôi là người bảo bà ấy đi, giờ lại muốn biết bà ấy đang làm gì, nghe có khác gì đang tự vả vào mặt mình không chứ. 


Tôi bắt đầu lên kế hoạch đi chợ và mời thầy về cúng. Mấy nhà ở chỗ tôi ít ai mời thầy mà thường là tự làm nhưng tôi nghĩ bản thân thường phải tiếp xúc với người đã khuất, đích thân làm lễ có khi lại không hay. Chú Hoàng nghe tôi hỏi về chuyện cúng bái thì giới thiệu cho tôi một ông thầy trông có vẻ uy tín nhưng hơi ít nói, lúc trao đổi về chuyện cúng bái thì ông ấy cũng chỉ ậm ừ tỏ vẻ như mình đã hiểu.


Cuối cùng cũng đến bốn mươi chín ngày của mẹ, tôi bưng mâm đồ cúng gồm xôi trắng, chả chay, chè trôi nước, cơm hạt sen và trái cây lên rồi để cho thầy làm lễ. 


Hôm nay tôi mặc một chiếc áo xám và quần jean đen, khi thầy bắt đầu tụng kinh, đầu óc tôi trống rỗng và chỉ hy vọng rằng kiếp sau của mẹ sẽ không vật vã với những sai lầm như kiếp này nữa. Cúng ở ngoài bia mộ cũng không có gì quá đặc sắc, chỉ có bó hoa cúc, giỏ trái cây rồi mấy đồ để đốt như giấy tiền vàng bạc với quần áo giấy.


Thú thật là tôi khá lóng ngóng, nếu không có thầy cúng giúp đỡ thì bốn mươi chín ngày đã đổ sông đổ biển rồi. 


Xong xuôi thì tôi cũng tiễn ông thầy ấy về, còn bản thân tôi thì muốn nhanh chóng quay về nhịp sống trước đây nên đã tổng vệ sinh nhà cửa để xóa bớt đi hình bóng của mẹ. 


Cái ghế đẩu mẹ hay ngồi vắt chân chờ tôi về đột nhiên gãy rụng khi tôi vừa cầm lên. Cơn ớn lạnh quen thuộc xung quanh nhà làm cảm xúc của tôi vui buồn lẫn lộn. 


“Là mẹ sao?”


“Sao mẹ còn chưa đi nữa?”


“Mẹ muốn nói gì thì xuất hiện đi!”


Trái với suy nghĩ mình sẽ trông thấy được mẹ trong hình dạng hồn ma trước đây, lần này, tôi chỉ được nghe thấy giọng của bà ấy: “Triệu, ở lại mạnh giỏi nghen mày, tao đi rồi không có ai làm mày giận nữa đâu!” 


Bà ấy chỉ nói vậy rồi biến mất. Tôi có thể cảm nhận được đây là lần cuối mình có thể nghe thấy giọng của bà. Cảm giác mất mát này rõ ràng đến nỗi nước mắt của tôi rơi lúc nào chẳng biết. 


“Khoan đã… tôi… tôi còn chưa kịp hỏi… năm đó… năm đó sao bà lại giấu giấy tờ của tôi… còn… còn nữa… bà thiếu nợ hồi nào tôi cũng chưa biết… đừng đi… đừng đi mà…” 


Tôi biết, sự níu kéo của mình chỉ là chiếc lá khô nhỏ xíu rụng xuống từ một cây cổ thụ, mãi mãi không thế nào lay chuyển được đất trời mà chi lay động được những hạt bụi li ti. Sinh lão bệnh tử, bánh xe luân hồi vốn không phải điều mà tôi có thể ngăn chặn chỉ bằng cảm xúc cá nhân. Có lẽ mẹ tôi cũng biết điều rõ điều đó, và cũng giống như tôi, bà không dám đối mặt mà chỉ chần chừ cho qua như chẳng biết chuyện gì.


Rất nhiều năm về sau, khi vừa tròn sáu mươi lắm tuổi tôi đã xin nghỉ ở nhà xác vì không còn sức để gánh trên vai áp lực công việc. Thằng Chung thì thức thời hơn tôi, nó đã xin nghỉ từ lâu và bắt đầu kinh doanh quán cơm bình dân với vợ, con của nó giờ cũng đã khôn lớn hết rồi, mấy hôm trước tôi còn nhận được tấm thiệp mời dự đám cưới của thằng lớn nhà nó nữa. Chú Hoàng thì tôi không rõ lắm, sau khi ngã gãy tay vì trượt chân ở cầu thang nhà xác thì con chú đã nhất quyết đưa cả chú và cô đi lên thành phố sống cùng, từ đó tôi chẳng biết được tin tức nào nữa cả. Nhà xác cũng đón nhận thêm những nhân viên mới, cũng có người này người nọ như tôi phải nói thật lòng rằng mình không quan tâm lắm đến đám nhóc đó. Đứa thì thất nghiệp nên xin vào, đứa thì lại cãi vã với gia đình nên vào làm cho họ tức đến từ mặt. Mỗi người một lí do, không ai giống ai, cũng như khi có đứa hỏi sao tôi không lập gia đình thì tôi chỉ trả lời ngắn gọn là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. 


Tôi sợ cái cảnh ly biệt người thân đến mức dù cho ai khuyên tôi nên kiếm một người vợ bay nhận đứa con nuôi để hủ hỉ tuổi già tôi đều gạt phăng đi ngay lập tức hoặc cười xòa cho qua. 


Vào một buổi chạng vạng nắng ửng đỏ đổ nhẹ xuống từng mộ phần trong nghĩa trang, tôi ôm theo bó hoa huệ trắng và ít nhang quế đến thăm mộ mẹ. Tiếng bước chân loạt xoạt đánh tan sự tĩnh lặng vốn có ở nơi đây thành công thu hút được con mèo tam thể hoang gần đó lấy hết can đảm để đi ra nhìn. Tôi nhìn thấy, chắc hẳn nó đang ước gì đồ tôi mang đến cúng sẽ ăn được và khi tôi quay lưng trở về nó sẽ được bữa no bụng. 


Tiếc thật, làm nó hụt hẫng rồi, mèo thì sao ăn được hoa và nhang chứ. 


Thắp nhang xong, tôi đi nhanh về hướng con mèo ấy. Chẳng biết có phải càng về già tình thương càng dâng cao hay không mà tôi lại thương nó vô cùng. Trong một thoáng mềm lòng tôi đã vì sự dễ gần của nó đánh lừa và bằng lòng mang con mèo chưa đến hai cân ấy về nhà nuôi dưỡng. 


Nuôi mèo khó hơn tôi tưởng, nhất là mèo hoang đã lớn, quen thuộc với cuộc sống hoang dã. Dù có đôi lúc bực mình nhưng phải công nhận từ khi nuôi mèo cuộc sống của tôi tràn đầy màu sắc hơn. 


Căn nhà mới xây của tôi chẳng biết từ bao giờ đã có một góc là lãnh địa của Nho, tên của con mèo tam thể đó. Tôi dần dần làm quen với việc cuộc sống của mình lại gắn bó với một sinh mạng nào đó, cũng như chấp nhận rằng Nho có thể rời bỏ tôi bất kì lúc nào vì tuổi thọ của mèo chỉ kéo dài khoảng mười tám năm. 


Tôi không sợ nó rời bỏ tôi, mà là tôi rời bỏ nó. Là một cựu nhân viên nhà xác, tôi biết mạng sống của con người luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, không cẩn thận hay tay bay vạ gió một tí là sẽ lìa đời ngay. Vậy nên tôi sợ con mèo này phải chịu cảnh chia cắt. 


Nho thấy tôi có chút trầm mặc liền chạy đến dụi đầu vào chân tôi như muốn an ủi, tôi cũng cười xoa đầu nó như đáp lại.


– End – 


Truyện cùng tác giả