bởi MeoLucSac

2
1
4442 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3


Thấy tôi đáp lại bà ấy hớn hở hẳn: “Tao cũng là người đã mất mà, sao mày toàn bênh người ngoài vậy?”


Tôi vắt khô cây lau sàn trên tay rồi bắt đầu lau sàn, nói khẽ: “Thì bà cũng có thua thiệt người ta đâu, tôi cũng làm y chang mà!” 


Nói xong mẹ tôi rơi vào trầm lặng, hiếm khi đối diện với tôi mà bà lại không nói gì thế này làm tôi thấy thiếu thiếu. Nhưng thôi cũng kệ, tôi vẫn chưa tin cái tôi nhìn thấy là ma đâu. 


Sàn được tôi lau kĩ đến nỗi bước đi cũng phát ra tiếng rít chói tai. Lau xong sàn tôi chuyển qua lâu mấy cái bàn inox đặt xác người mất. 


“Bộ… ngày nào mày cũng phải làm mấy việc này hả?”


Hồi tôi bỏ việc ở xưởng cơ khí để xin vào làm nhân viên nhà xác mẹ còn chẳng thèm nghe mà mắng chửi tôi xối xả. Hình như kể từ lúc tôi đi làm ở đây vận may trong mấy sòng bài của bà tụt dốc không phanh hay sao mà hở tí là bắt tôi nghỉ việc, đừng lây sự xui xẻo cho bà. 


Hình như nhân viên nhà xác nào cũng vậy, ai cũng cho rằng chúng tôi là những kẻ quái gở không bình thường mới chọn gắn bó ở đây, mê tín hơn thì họ cho rằng chúng tôi mang theo oán hận và sự lưu luyến của người đã khuất nên không dám tiếp xúc. Tôi từng nghe một đồng nghiệp cũ phàn nàn rằng ước gì gia đình của những người chết không lành lặn sẽ cảm thấy biết ơn vì nhân viên nhà xác chúng tôi trao trả họ về vòng tay gia đình trong dáng vẻ nguyên vẹn nhất, nhưng thay vì biết ơn hay cảm nhận được công sức của chúng tôi bỏ ra, họ thường sợ hãi và tránh xa chúng tôi hơn. Những ai để ý đến phản ứng của người nhà thì sẽ sớm bỏ nghề, bởi nhân viên nhà xác phải làm bằng cái tâm để người đã khuất yên nghỉ được thanh thản. Chú Hoàng luôn bảo chúng tôi làm nghề này thì đừng mong cầu gì, chỉ cần người mất được thanh thản thì chúng tôi có thể yên lòng rồi. So với nỗi đau mất đi người thân yêu thì cái nhìn không mấy thiện cảm chúng tôi nhận lại có là gì chứ. 


“Mày không sợ hả Triệu?” 


Có, tôi sợ chứ, sợ ai đó hỏi nhân viên nhà xác chúng tôi sẽ làm những gì. Những ngày đầu tiên đi làm chẳng khác nào cực hình đối với tôi, trực suốt mười tiếng đồng hồ vì thiếu nhân lực, phải ăn vội hộp cơm vì sợ đang ăn thì có người mất, về nhà là những trận nôn ọe và mất ngủ vì ám ảnh. Tôi vẫn còn nhớ cái xác đầu tiên tôi phải tự tay trang điểm rồi khâm liệm trong ca trực là một cô bé mới bảy tuổi chết đuối được tìm thấy sau ba mươi bảy giờ mất tích. Sau khi bên pháp y khám nghiệm thì cô bé được chuyển đến nhà xác để làm những bước cuối cùng trước khi mai táng. Làn da cô bé ấy tái nhợt một màu trắng đục ngả về xanh giống như lớp trang điểm của mấy con ma nữ trên phim, phần tiếp xúc với ánh sáng đã chuyển sang màu lục và nâu, cơ thể phình to, biểu bì tay và chân đã bong ra từng mảng, đó là chưa kể đến cái mùi tôi chưa từng được ngửi qua từ một người đã mất nào trước đây. Nghe bảo khi nhân viên pháp y di chuyển cái xác đã có những âm thanh phát ra làm tôi rợn hết cả người mà tay chân luống cuống, loay hoay mãi mới khâm liệm xong làm xém trễ giờ tốt để cử hành tang lễ. 


“Mày bơ tao thiệt đó hả?”


Bây giờ tôi không chắc quyết định đáp lại của mình là đúng hay sai. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, tôi lại mặc kệ bà ấy mà tiếp tục công việc của mình. 


Mẹ con tôi thật ra là những cá thể đáng thương trong suy nghĩ phiến diện của riêng mình. Giống như bà ấy luôn than thân trách phận vì cuộc hôn nhân oan nghiệp, còn tôi thì luôn cho rằng bà chính là gánh nặng khiến tôi không thể có được một tương lai tốt đẹp. 


Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bà giấu hết giấy tờ tùy thân của tôi để tôi không nhập học kịp thời gian quy định nên lỡ mất con đường đại học. Có lẽ lúc tôi chọn bỏ cơ khí để xin làm nhân viên nhà xác là vì bản thân mang trong mình chút thù hằn cá nhân, muốn trả thù bà bằng cách không cho bà một cuộc sống tốt đẹp, phải chui rút trong căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. 


Thật ra mấy năm nay tôi cũng có để dành tiền cho riêng mình ấy chứ, chừng đó có thể xây một căn nhà khang trang và mua một cái xe xịn sò hơn rồi nhưng tôi quyết giấu và gửi tiết kiệm trong một ngân hàng. Một là sợ mẹ lấy hết để đổ vào cờ bạc, hai là vì tôi nghĩ bản thân vẫn cần tích góp thêm, chắc là tới khi nào mẹ tôi không còn sức để lân la từ sòng bài này sang sòng bài nọ là đủ để xây nhà, mua xe và mang bà đi bệnh viện bất cứ lúc nào cần. Lúc để dành tiền tôi suy nghĩ đơn giản là thế, nào ngờ ông trời lại không thuận theo dự tính của tôi. 


“Ê Triệu, chừng nào mày tan làm? Ghé chợ mua tao bó nhang tốt đi, nhang kia tao không thích!” 


“Có là được rồi!”


Bà ta lại nhẹ giọng như hồi xin tiền tôi đi đánh bài: “Mua rồi tao không làm phiền mày nữa!”


Tôi nhìn thẳng vào mẹ để ép bà ấy nói ra suy nghĩ thật trong lòng. 


“Ờm… thì… coi như tao đòi hỏi tí!”


Tôi cười khẽ. Hình như lâu rồi tôi chưa từng cười một cách tự nhiên như vậy. 


Nhưng tôi không đáp lại bà, ở nơi này có camera giám sát, nếu như quản lí nhìn thấy tôi nói chuyện một mình như vậy sẽ cho rằng tôi có vấn đề mất. 


Chiếc đồng hồ trên tường điểm đúng bốn giờ năm mươi lăm, thường thì giờ này thằng Chung nó đã đến và chuẩn bị chuyển ca rồi. Ngẫm nghĩ một chút rồi tôi mang cây lau sàn đi cất, dù sao cái thằng ấy đến muộn cũng không phải chuyện gì lạ, với cũng chưa đến ca nó thì đến sớm làm gì. 


Loay hoay mãi cũng thấy thằng Chung đến, tôi chuyển ca với nó rồi đi về nhà. 


Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại ghé tiệm tạp hóa mua bó nhang đắt nhất để đem về thắp cho mẹ. 


Bầu trời hôm nay trong lành đến lạ, bình thường tôi chẳng để ý đến trời đẹp hay xấu bởi mỗi ngày trôi qua đều tẻ nhạt y nhau. 


Tôi ghé chợ xã như một thói quen, nếu là trước đây tôi ghé chợ là để trả nợ cho mẹ thì giờ khác rồi, tôi ghé để mua đồ cúng cho bà. Mua một kí táo mật và quýt đường từ sạp của cô ba xong tôi về thẳng nhà chứ không ghé đâu nữa. 


Cái lẩu dê nguội ngắt được tôi lấy xuống, thay vào đó là táo và quýt tôi đã mua. 


Mẹ tôi tò mò hỏi: “Ê Triệu, táo gì mà nhìn ngon dữ vậy mạy?” 


“Táo mật, mắc lắm đó, ăn được thì lấy đi!”


“Đù, bộ không có tao mày mua đồ sang vậy hả?” 


Tôi khui bó nhang mới ra rồi thắp lên: “Tôi mà mua cho tôi thì mấy trái táo đó không trưng lên bàn thờ đâu!”


Nói xong tôi mang cái lẩu đó đổ bỏ. 


Thấy vậy, mẹ tôi lại lên tiếng: “Bộ mày không ăn hả?”


“Không, đồ để ngoài gần mười tiếng ai mà dám ăn!” 


Tôi dần thoải mái đáp lời bà ấy, trong vô thức, tôi cứ ngỡ bà ấy đang còn sống và vụ tai nạn giao thông đó chỉ là một cơn ác mộng của tôi. Nhưng thực tế thường không giống như những câu chuyện kì ảo về cải tử hoàn sinh, tôi buộc mình phải chấp nhận mình đang trông thấy mẹ trong lốt hồn ma này. 


Tôi pha cho mình một ly sữa đặc quậy lòng đỏ trứng rồi uống một cách ngon lành. 


“Cái đó có ngon lành gì đâu mà mày uống hoài vậy?” 


“Hồi đó bà cũng hay pha cái này cho tôi uống mà!”


Sữa đặc vốn là xa xỉ phẩm thời đó, trẻ con mà có cốc sữa đặc pha loãng để uống những hôm đau bệnh thôi là đã mừng đến chẳng muốn khỏe lại để được uống tiếp rồi. Tuy cha không quan tâm nhưng được cái mẹ con tôi vẫn được tiếp xúc với những món đắt đỏ và sữa đặc cũng là một trong số đó. Lúc mình năm hay sáu tuổi tôi cũng chẳng nhớ rõ, trong một lần tôi than đói mẹ đã pha cho tôi một cốc sữa đặc quậy với lòng đỏ trứng, mặc dù vẻ mặc không mấy dễ chịu nhưng cốc sữa hôm đó thật sự rất ngon. Mà giờ muốn uống lại thì tôi phải tự pha, chứ mẹ mất rồi chẳng lẽ đòi bà đội mồ lên pha cho tôi uống rồi đắp mộ lại.


Tôi hít lấy hít để cái hương thơm ngọt trong không khí, rồi đi rửa ly. Bà ấy cũng đi theo tôi càm ràm rằng sao lại không trò chuyện với bà. Mới hứa ở nhà xác là mua nhang xịn là không làm phiền nữa mà giờ lại quên rồi, y hệt như trước đây, được cái không đòi tiền để đi đánh bài nữa làm tôi yên tâm hẳn. 


“Mẹ, mẹ là ma thiệt hả?” 


Bà đang bay lơ lửng bên dĩa táo mật nghe thấy tôi hỏi thì đáp lại ngay: “Chứ mày muốn tao làm gì này mới tin tao là ma? Hay tao đi giựt con lô chiều nay cho mày trúng độc đắc ha!” 


“Cái đó thì khỏi!” 


“Yên tâm đi, tao hành mày tí là tao đi đầu thai à, tao sợ báo mộng sợ như vụ cái lẩu nên hiện lên cho chắc ăn!” 


Tôi không hiểu nên hỏi: “Mẹ muốn chắc cái gì?”


“Tao định kêu mày đốt tao vài tỉ để tao hối lộ diêm vương cho kiếp sau tao bớt khổ ấy mà!” 


Nghe vậy tôi bật cười: “Bộ mẹ quên sao mẹ bị xe tông hả?”


Nhắc lại cái bà ta sượng mặt ngay. Hôm ấy công an ập vào ổ bài bạc đó bất ngờ, ai nấy đều vắt chân lên cổ mà chạy chứ để bị tóm là khổ, bà thì tuổi cao sức yếu làm sao mà trốn lại được mấy anh tất xanh được rèn luyện bài bản nên chỉ biết cắm đầu cắm cổ mà chạy ra lộ lớn, một chiếc xe tải chạy quá tốc độ quy định không phản ứng kịp mà tông trúng, còn lê bà đi một đoạn xa. Thành ra xác của bà khi đến nhà xác lại thê thảm đến vậy. 


Thấy ánh mắt chứa đầy sự châm chọc của tôi, bà lại đánh trống lảng: “Tao chờ mày lấy vợ rồi đi đâu thai!” 


“Ai mà dám lấy tôi chứ!” 


Nói rồi tôi quay sang làm việc nhà chứ chẳng để tâm đến bà ấy nữa. Dù gì lúc còn sống cũng chẳng mấy khi đụng mặt nhau nên chủ đề chung của mẹ và tôi chỉ còn tiền lương hàng tháng. Không biết trong lòng bà ấy mỗi lần đổ máu vào những ván bài có nhớ đến chuyện tôi năm nay đã ba mươi sáu tuổi và cần lập một gia đình riêng cho mình hay không. Trong kí ức tôi chỉ có gương mặt dữ tợn và những tiếng chửi rủa của bà, những lần bà quan tâm đến tôi còn ít hơn số ngón trên hai bàn tay. Có lẽ hổ dữ không ăn thịt con, bằng chứng là bà đã không bỏ mặc tôi sau khi cha mất, còn lại chắc là nỗi hận thù dành cho cái tình yêu bị sét đánh tan mất màu hồng trong lòng bà.


“Phải chi năm đó tao gả đại cho thằng nào trong xóm thì có khi giờ cũng được bầy con cháu đủ nếp đủ tẻ!” 


Bà lại bắt đầu than thở về mấy quyết định sai lầm của mình nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng hơn, lâu lắm rồi tôi và mẹ mới có dịp nói nhiều như vậy. 


Tôi làm xong việc nhà là đánh một giấc đến chiều, mặc kệ hồn ma cứ bay kế bên lảm nhảm. 


“Triệu, cúng tao mấy cái hột vịt lộn đi, thèm quá!” 


“Cúng tao ly sữa quậy lòng đỏ với!”


“Đốt tao vài trăm tỉ để tao có tiền hối hộ người dưới này đi mày!”


Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua, cũng còn khoảng một tuần nữa là đến bốn mươi chín ngày của mẹ rồi ấy chứ. Tính đi tính lại tôi quyết đi chỉ cúng một mâm cơm chay nhỏ chứ không mời thêm ai đến vì dù sao mẹ con tôi cũng chẳng có họ hàng thân thích gì. Bà ấy bay lơ lửng bên cạnh cũng đồng thuận, mà thái đội bà ấy lạ lắm. 


Càng gần đến bốn mươi chín ngày của mình, mẹ tôi lại càng trầm mặc hơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy khó hiểu, trong phút chốc, tôi chợt nhận ra rằng mình đã hoàn toàn tin hồn ma của mẹ là thật chứ không phải mình tưởng tượng ra.


Tôi cắm cây nhang lên lư hương rồi quay sang hỏi: “Bộ có chuyện gì à?”


Bà ấy có vẻ chột dạ, quay ngoắt đi rồi đánh trống lảng: “Sao mày không lo soạn đồ đi làm rồi đi?”


Tôi giơ cái túi của mình lên: “Xong rồi!” 


“Rồi sao mày không đi làm đi?” 


“Rốt cuộc là có chuyện gì? Mẹ muốn ăn cái gì tôi cúng nè?” 


“Không cần!” 


Nói xong bà biến đi đâu mất tiêu, tôi cũng không nói gì bởi chắc mẩm rằng thế nào bà cũng xuất hiện ở nhà xác mà thôi. 


Ấy vậy mà khi đến nhà xác, bà lại không hiện ra để dọa tôi nhưng mọi hôm. Cái góc bình thường bà hay nhìn tôi làm việc cũng không có.


Tôi bất chợt hoảng hốt mà quay sang hỏi chú Hoàng: “Ủa mẹ con đâu chú?” 


Nghe vậy, chú Hoàng đang lau cái bàn inox vừa dùng để trang điểm người mất tái xanh mặt ngay lập tức, môi mẩy lắp bắp nói: “Mày… mày… mày khùng hả Triệu? Bà Hương bả mất lâu rồi!” 


Biết là mình nói hớ nên tôi vội sửa lời: “À… à con xin lỗi… con chưa tỉnh ngủ nên ăn nói tào lao ấy mà!”


“Cái thằng… lần sau đừng có dọa tao biết chưa!” 


Chú Hoàng chuyển ca trực cho tôi xong rồi cũng về. Không biết có phải do tôi nhạy cảm hay không mà tự nhiên tôi cảm thấy bước chân chú nhanh hơn mọi ngày, đế giày của chú ma sát với sàn gạch của dãy hành lang dồn dập liên tục khiến tôi cảm thấy mình cũng sắp sợ hãi giống chú. 


Tim của tôi đập lên liên hồi, không phải sợ người mất hiện hồn về dọa mà là sợ mẹ không từ mà biệt. 


Tôi vỗ mạnh vào mặt mình rồi tự trấn an: “Không sao, không sao hết!” 


Rốt cuộc là tôi đang mong chờ gì? Mẹ không được siêu thoát mà bám riết lấy tôi, hay tất cả mọi chuyện trong hơn một tháng qua chỉ là tưởng tượng? 


Càng suy nghĩ đầu óc tôi càng mụ mị, vậy nên tôi gạt phăng hết tất cả mọi thứ để tập trung vào công việc của mình. 


Tiếng điện thoại nội bộ lại vang lên, chắc hẳn sắp có một người nào đó vừa mất sắp được mang đến đây. Tôi xốc lại tinh thần của mình rồi bắt đầu tập trung cho công việc. 


Hơn mười lăm phút sau, ông chú thường xuyên đẩy chiếc cáng vận chuyển người đã mất giờ đã được thay thành một cậu trai trẻ với vẻ đượm buồn trên gương mặt. Tôi biết, chứng kiến cái chết của một ai đó chưa bao giờ nhẹ nhàng đối với những người làm việc trong bệnh viện như chúng tôi. 


“Dạ, em xin phép!” 


Cậu ấy khá lễ phép, đúng hơn là khép nép hơn những người đồng trang lứa, tôi không nghĩ là bác sĩ lành nghề trong bệnh viện sẽ nhờ đến cả sinh viên làm chuyện đòi hỏi tâm lí vững như đưa người mất đến nhà xác đâu. 


Tôi gật đầu với cậu ấy như muốn biểu thị bản thân sẽ làm những việc còn lại. Thấy vậy, cậu ta hớn hở ra mặt xong quay ngoắt bỏ đi. Không biết tôi nên nghĩ cậu ấy là người như thế nào nữa. 


Đêm nay tôi sẽ tiếp nhận một bé trai mất vì bệnh tim bẩm sinh, theo như những gì được ghi chép thì ca phẫu thuật của cậu bé không thành công nên dẫn đến kết cục đau lòng này. 


“Mong con kiếp sau sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, chú xin phép!” 


Tôi phải trả lại đứa bé này về gia đình trong dáng vẻ đẹp đẽ nhất, gương mặt tím tái của nó được tôi phủ lên một lớp phấn hồng nhạt, trông có sức sống hả. Mái tóc lộn xộn của được tôi chải chuốt gọn gàng. Sau hơn ba mươi phút loay hoay, cuối cùng tôi cũng đã làm xong. 


Phải chi tôi được học cách trang điểm người mất một cách bài bản thì tốt biết mấy, có điều tôi chỉ là một nhân viên nhà xác quèn ăn ngủ với xác người là chính, không qua lớp đào tạo nào mà chỉ được dạy sơ và rút kinh nghiệm qua năm tháng nên bấy nhiêu là đủ rồi. 


Khâm liệm cho xong tôi nhanh chóng gọi người chuyển cậu bé đến nhà tang lễ trong đêm để kịp giờ lành. 


Dù tập trung cho công việc đến mấy tôi cũng không yên tâm về mẹ, chẳng biết sao cả ca trực của tôi bà lại chẳng xuất hiện, lúc về nhà lại chẳng thấy đâu. 


Tôi đặt bọc nho vừa mua lên bàn: “Mẹ có ở đây nhà không?”


Đáp lại tôi chỉ tiếng xe cộ, cười nói ồn ã bên ngoài, chứ mẹ thì chẳng thấy đâu. Bình thường cứ hễ tôi mang cái quả gì trông ngon ngon về là bà lại tíu tít bảo tôi thắp nhang cho mình ăn. Giờ bà còn làm tôi ớn lạnh hơn cả lần đầu bước vào nhà xác và đối diện với cái chết của ai đó trong khoảng cách gần, chân không sức để di chuyển còn cả người thì như bị đông cứng, lạnh ngắt. 


“Đừng… đừng có mà dọa tôi nha… mẹ… mẹ ơi… mẹ ơi…”


Tôi gọi liên tục trong vô vọng. Đến mức mà có bác hàng xóm còn ngó vô hỏi tôi có chuyện gì: “Bây làm gì mà um xùm vậy Triệu? Mới sáng sớm đã bị ma nhập hả?”


“Dạ không… không có gì!” 


Bác gái ấy nghe vậy liền xua tay: “Ờ, không có gì bây đừng có làm bà già này đứng tim, nghe bây kêu mẹ mà tao tưởng bà Hương về ám bây không!” 


Nghe vậy, tôi liền luống cuống: “Dạ con xin lỗi!” 


“Nghỉ ngơi đi tối còn đi làm nữa!” 


Nói xong bà ấy cũng trở về nhà, để lại tôi một mình với tâm trạng rối bời. 


Hai ngày tiếp theo, tôi mua đủ thứ đồ ngon trên chợ để lên bàn thờ, thậm chí đến cả bộ bài tây tôi ghét cay ghét đắng cũng được tôi mang về cúng với hy vọng mong manh là mẹ sẽ quay lại và trò chuyện với tôi như những ngày vừa qua. 


Mọi ngóc ngách trong nhà đều thoang thoảng mùi quế của nhang, tôi cũng chẳng ngủ được bao lâu mà bật dậy tìm xem bà có đang trốn ở góc nào đó tránh để tôi thấy không. 


Đêm đó, tôi đến nhà xác với đôi mắt thâm quầng và làn da nhợt nhạt. 


Chú Hoàng trông thấy nên lo lắng hỏi: “Mày có chuyện gì hả?” 


Tôi không thể nói với chú Hoàng là tôi không ngủ được vì mẹ không xuất hiện, nếu kể cho chú ấy nghe chuyện hồn ma bà ấy quay về thì có lẽ chú sẽ bảo tôi điên và cần được nghỉ ngơi, hoặc tệ hơn thì chú sẽ bảo tôi không còn thích hợp để làm việc ở nơi này nữa. Tôi cũng không thể bịa tạm một lí do như Chung rằng vợ chồng nó cãi nhau nên khó ngủ bởi tôi chỉ có một mình. 


“Không có gì đâu chú!” 


“Chắc tao tin ha, mệt thì điện thằng Chung kêu nó trực cho mày đêm nay đi!” 


Ma quỷ thường canh những lúc còn người yếu ớt để nhập vào và hoành hành, nhất là những người làm ở nhà xác thì thường kiêng kỵ những chuyện này. Chú Hoàng không nói thẳng ra nhưng trong câu nói quan tâm của chú ẩn chứa lời nhắc nhở dành cho tôi. Tôi biết. Nhưng tôi không dám làm phiền đến người khác vì vấn đề cá nhân của mình. 


“Chú cũng mau về nghỉ ngơi đi, có khi cô Lan vẫn đang đợi chú ở nhà đó!” 


Nghe nhắc đến vợ, cặp mắt của chú Hoàng sáng rỡ ra, vội vàng thu dọn đồ đạc của mình rồi chuyển ca cho tôi. 


Trong không gian u ám và lạnh lẽo này, chỉ còn một mình tôi. Ngồi trên cái ghế dựa đã rách một góc từ lâu trong nhà xác, tôi chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại nội bộ và chẳng làm gì cả. Những đêm im lặng mà không có một tiếng chuông điện thoại thông báo nào từng là ước mơ của tôi, nhưng giờ nó lại khiến tôi lo lắng hơn bao giờ hết, tôi cần làm một cái gì đó để phân tán suy nghĩ của mình về mẹ. 


Hai giờ sáng, tôi đang chìm sâu vào những suy nghĩ vẩn vơ của mình thì bỗng có tiếng điện thoại vang lên làm tôi như chết lặng trong giây lát, nhưng tay vẫn phải nhấc lên nghe và tiếp nhận người đã mất. 


Giọng điệu hôm nay của cô thông báo vui vẻ hơn một chút, nghe có hồn và hơn hết là không làm tôi liên tưởng đến người mất sắp tiếp nhận trông như thế nào: “Nam, bốn mươi tám tuổi, sốc ma túy vì sử dụng chung với rượu nồng độ cao…” 


Những thông tin tiếp theo không phải nội dung tôi cần quan tâm, bởi trong bản báo cáo mang đến đây sẽ có đầy đủ hơn là những gì tôi được nghe.


Cậu trai trẻ lần trước là người mang xác đến cho tôi, lần này cậu ấy không lịch sự lễ phép hay hào hứng khi được về lại bệnh viện nữa. Trên gương mặt non nớt đó chỉ còn sự tẻ nhạt, u uất, tóc tai thì rối nùi chỉ được vuốt đại bằng tay làm tôi nhớ về anh bạn bị đuổi vì xịt nước hoa đến đây. Có lẽ họ là những người đồng điệu với nhau trong suy nghĩ, tưởng bở rằng công việc trong bệnh viện là cao cả, nhẹ nhàng trong bất kì vị trí nào bởi những người xung quanh họ luôn ca tụng bệnh viện là nơi giành giật sự sống và cái chết của con người từ tay tử thần nên họ luôn chỉn chu từ vẻ ngoài đến tâm thế bên trong. Nhưng khác với suy nghĩ của họ, nhà xác chính là nỗi đau mà không một ai muốn nhắc đến, bệnh nhân không được cứu sống hay người không may gặp tai nạn đều là những viên sỏi đang tích góp từng ngày sẵn sàng đè chết bất kì con người nhỏ bé nào không trụ vững được mỗi khi nhắc đến. 


Tôi cần tập trung cho công việc của mình, không phải là người quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bất kỳ ai. 


Mở tấm vải trắng thân thuộc ra, trước mắt tôi là một người đàn ông gầy gò chỉ còn da bọc xương, hốc mắt như muốn lòi ra còn má thì hóp lại, vai phải có xăm một con đại bàng cưỡi lên lưng cọp vô cùng hùng hổ, còn cẳng tay trái thì có câu “hiểu người là điều thông minh, hiểu rõ bản thân là có trí tuệ”, đọc lên có châm biếm không chứ.


Tôi mang đồ nghề ra để vệ sinh anh ta rồi khâm liệm, bởi gia đình không yêu cầu trang điểm nên công việc đêm nay khá đơn giản. 


Ngay sau khi tôi đưa anh ta lên xe chở đến nhà tang lễ, đột nhiên một cơn rùng mình xuất hiện đánh tan hết mọi cảm xúc ngổn ngang trong lòng tôi, tay vào đó là sự khiếp sợ. 


Như chợt nhớ ra cái gì quan trọng, tôi vội vã quay vào trong, chạy đến nơi thường lưu giữ tài liệu của những người được đưa đến nhà xác, chẳng biết là còn lưu giữ lại không mà tôi vữa cứ tìm với hy vọng mong manh là mảng kí ức bất chợt lóe lên đó chỉ là nhầm lẫn của tôi. 

-------

Đến đây Meo đã rất lười copy ;-;


Truyện cùng tác giả