Chương 4 - Mùa mưa bão (phần tiếp)
Khoảng tám giờ tối thì hầu hết bọn trẻ con đã ngủ, An vẫn nằm đó đầu gối lên chân mẹ nhưng chưa ngủ, người lớn thì vẫn thức và ngồi nói chuyện về bão. Gió đã mạnh lên rất nhiều và mưa cũng nặng hạt hơn. Tất cả các khe cửa cũng như lỗ thông gió đã được bịt kín nhưng tiếng gió rít ngoài trời và tiếng mưa tạt vào tường vẫn rõ mồn một. Càng về đêm âm thanh của mưa và gió càng lớn kèm theo đó là những tiếng quăng quật của cây cối bị nhổ gốc hoặc của đồ đạc hoặc mái nhà ai đó bị hất tung lên. Các ngôi nhà ở quê An đều có ít nhất ba mặt cửa. Một là cửa chính, hai là cửa sổ và ba là cửa trái. Điều lạ là khi bão đến nó tác động lần lượt đến tất cả các hướng. Mặc dù là một trong những ngôi nhà chắc chắn nhất làng nhưng dưới tác động của gió hai cánh cửa chính của ngôi nhà vẫn run lên bần bật, nước bắt đầu tràn vào khe dưới chân cửa, một ai đó đang lấy giẻ nhét vào. Gió tiếp tục gào thét và chuyển hướng sang giật các cánh cửa sổ, An có cảm giác như đó là một kẻ trộm, sau khi cố phá cửa kia không được thì nó chuyển qua cửa này. Một ai đó đang nói "phải đủ bốn hướng rồi nó mới dừng". An ngủ đi lúc nào không biết, nó mơ thấy mình đang ở trong một ngôi nhà mới, cái giường mới, bộ bàn ghế mới.
Sáng hôm sau An bị đánh thức bởi những âm thanh ồn ào khi mọi người đang bắt đầu đánh thức đám trẻ dậy để về nhà, nền nhà bừa bộn với đủ thứ rơi vãi, nhiều nhất là cơm và quần áo, có chỗ còn cả vũng nước tiểu của đứa trẻ nào đái dầm đêm hôm qua. Anh em An theo mẹ bước ra ngoài. Mưa đã tạnh, gió vẫn còn nhưng không mạnh nữa, bầu trời đã lấy lại một phần vẻ trong xanh như thường lệ, khung cảnh trước mắt và trên quãng đường về nhà mới thật cho An hiểu tại sao người ta sợ bão. Chỗ nào cũng nước, nước ở khắp nơi, nước ngập không quá cao nhưng tất cả mọi con đường và ngõ ngách trong xóm đều có nước, ngoại trừ những bụi tre và một số loại cây cổ thụ còn đứng được còn tất cả thì nằm rạp, kể cả những luống rau thấp là là trên mặt đất cũng bị bẹp dí. Những cây ăn quả như nhãn, mít, ổi thì gần như không còn quả nào trên cây, nhiều nhà đã mất hẳn cái mái hoặc chỉ còn trơ lại những cái kèo bằng gỗ và tre. Mẹ An và mấy người hàng xóm nhìn những con cá đang luồn lách qua những dòng chảy trên mặt đường, bão đã đi qua nhưng gió vẫn còn khá mạnh.
- Vậy là hòa cả làng. - Mẹ An buột miệng.
Loại cây bị đổ và chặt bỏ sau bão nhiều nhất là cây chuối. Nhưng nó lại được bọn trẻ con như An sử dụng như một nguyên liệu tuyệt vời để tạo thành những chiếc bè nổi trên ao hoặc trên sông. Nhiều thân chuối được ghép lại với nhau bằng những thanh tre đâm xuyên qua tạo ra những cái bè vững chắc để nhiều đứa trẻ ngồi lên và đi nổi trên sông. Trái cây thì vô số loại nhưng nhiều nhất vẫn là nhãn, tất cả đều miễn phí vì nếu không ăn nhanh sẽ hỏng do đã ngấm nước. Nhà An không có nhiều loại cây ăn trái, chỉ có một cây nhãn ở bờ ao, vẫn đứng vững nhưng trên cây chỉ còn lại lác đác một ít lá và một vài trái nhỏ. Ông và bố của An đang sửa lại những vị trí mái ngói bị bay mất, cái bếp lợp mái rơm thì đã đầy nước bên trong vì nhiều vị trí mái bị thủng do gạch và ngói rơi vào.
Cũng giống như đàn ong sau khi bị phá tổ. Mọi người lại phụ giúp nhau lợp lại nhà, dựng lại cây cối, trồng lại lúa, rau và cuộc sống lại tiếp diễn như thường lệ, mặc dù sẽ có nhiều khó khăn hơn, những nồi cơm có thể độn thêm nhiều khoai hơn. Nhưng như vậy cũng vẫn là may mắn hơn nhiều so với các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vì nghe đài nói thì ở những nơi đó có nhiều người chết và hơn 500.000 ngôi nhà bị thiệt hại.
Năm 1992, năm nay anh trai của An đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Việc này có vẻ không liên quan gì đến An nhưng thực ra lại liên quan rất lớn vì từ nay nó chính thức đóng vai trò là một lao động trong gia đình với cái công việc anh trai để lại đó là "chăn trâu".
Ngoại trừ ngôi nhà thì con trâu là gia sản lớn nhất của gia đình An, nó là thành viên kiếm ra nhiều thóc nhất vào mùa cấy cày. Trên hầu hết các cánh đồng miền Bắc ở thập niên 90 thì trâu cày là giải pháp tốt nhất cho việc đảo đất sau mỗi vụ gặt, có thể dùng sức người kết hợp với những dụng cụ như quốc, móng để xới đất nhưng sẽ rất lâu và cái giá phải trả là những bàn tay phồng rộp sau mỗi ngày làm việc.
Mỗi năm Miền Bắc có hai vụ lúa chính là vụ Chiêm Xuân và Hè Thu, mỗi mùa, con trâu chỉ thực sự làm việc khoảng một tháng liên tục, nhưng trong một tháng đó trâu phải kéo cày từ sáng đến tối, kéo nhiều tới nỗi cái vai của nó có thể bị bong tróc lở loét suốt mùa cày bừa. Bù lại nó không phải đi kiếm cỏ mà người ta sẽ chủ động cắt cỏ đem về cho trâu ăn sau mỗi buổi cày, và tất nhiên sau vụ cày đó nó được nghỉ ngơi trong tất cả các tháng còn lại. Con trâu của nhà An là trâu đực, sau nhiều lần nó đi đánh nhau với các con trâu khác và một lần đỉnh điểm là mẹ của An bị con trâu đối thủ húc văng xuống sông, nên bố An đã quyết định biến con trâu nhà mình thành thái giám từ đó. Từ ngày nó bị thu hồi chức năng sinh sản mà người ta gọi là bị hoạn, thì nó trở nên rất nữ tính, không còn bất cứ trận chiến nào, không còn hung hăng và tất nhiên chẳng quan tâm đến con trâu khác giới nào nữa.
Thực ra trước đây An cũng vẫn đi chăn trâu cùng với anh, và việc đi chăn trâu cho đến thời điểm này với nó thật đơn giản, thậm chí là rất vui vì trâu thì cứ để nó ở bãi cỏ nào đó còn người đi chăn trâu thì tha hồ làm bất cứ điều gì, chơi bất cứ trò gì mình thích, chiều tối thì dắt trâu về. Tất nhiên góc nhìn này sau đó đã được An thay đổi hoàn toàn. Ngay ngày đầu tiên được tự mình cai quản và toàn quyền quyết định cho trâu ăn gì và ăn ở chỗ nào thì An đã bị ăn cái bạt tai do con trâu của nhà An đã chén sạch mấy mét vuông cây khoai lang của nhà ông Mạo, mặc dù theo An thì phần lỗi lớn cũng thuộc về ông Mạo, lý do là do ông trồng khoai mà không rào lại, ông Mạo làm nghề cất vó ven sông, ông làm một cái lán nhỏ để vừa sinh hoạt vừa cất vó, cạnh cái lán là một khu đất mà thực ra nó chẳng thuộc quyền sở hữu của ai, ai xới đất và trồng cây ở đó thì đương nhiên nó thuộc sở hữu của người đó cho tới khi chính quyền thu hồi. Mải chơi đánh cỏ gà với đám trẻ, An giật mình khi có tiếng quát của ông Mạo
- Trâu của thằng nào đây?
An chạy đến thì đã thấy ông Mạo đang lấy gạch ném tới tấp vào con trâu của An đang vừa bỏ chạy vừa kéo theo đám dây khoai lang còn lòng thòng từ mõm tới chân.
- Trâu của thằng nào?
Ông Mạo hỏi lại khi đám trẻ trâu đang dương mắt nhìn ông, và tất cả đều chỉ tay vào An. Nó đứng đó nhưng mắt đã cụp xuống. Ông Mạo bước tới vừa dơ tay tát một cái vào mặt An vừa quát
- Mày chăn trâu kiểu gì đấy?
Rồi để mặc kệ An đứng đó, ông bỏ đi. Tính ra thì vẫn còn là may vì ông không bắt đền.
Ngoại trừ một lần duy nhất An bị bố đánh do dẫn em đi chơi ném nhau và em bị bể đầu chảy nhiều máu, thì chưa bao giờ An bị ai đánh kiểu này cả, nó ấm ức và thấy tủi nhục vừa thấy xấu hổ vì cả bọn đi chơi với nó cũng chẳng đứa nào bênh vực nó. Mà thực ra nếu có muốn bênh thì cũng chẳng ai biết bênh kiểu gì vì cái sự việc trâu của An phá khoai đã rõ rành rành.
Mười phút sau An đang đứng trước mặt con trâu của mình, cái đầu cúi xuống và nó đưa ánh mắt ngước nhìn An theo kiểu đã biết lỗi rồi. Thực ra đầu nó có ngẩng lên cũng không được vì An đã cố tình cột sát cái mũi nó xuống cái cọc dưới mặt đất. Bình thường khi cột trâu người ta cột sao cho cái đầu trâu sẽ cách mặt đâu đó đó chừng gần một mét để trâu có đứng hay năm thì vẫn bình thường, nhưng vì uất ức với cái tát mà lỗi chính do con trâu gây ra nên An cố tình buộc sát mũi con trâu xuống đất và tiếp theo là không biết bao nhiêu lần quất chiếc roi tre vào đủ các vị trí trên con trâu, con trâu tội nghiệp chỉ còn biết quay liên tục phần thân như một cái kim đồng hồ mà mũi nó là cái chốt. An được tiếng là hiền lành nhưng có vẻ lại cục tính, nó quất roi khắp mình con trâu nhưng có vẻ chưa làm thỏa mãn cơn giận, nó tiếp tục quất roi lên đầu con trâu cho tới khi cái roi tre đã dập hết. Ngoại trừ việc quay cái thân sao cho xa cái roi nhất thì con trâu cũng không có phản kháng mạnh mẽ là mấy, có thể do nó không đau lắm hoặc do nó biết lỗi. Mắt nó vẫn nhìn An như muốn nói, tôi hành động theo bản năng mà, tôi chỉ ăn cái gì ăn được chứ làm sao tôi biết cái gì được ăn, cái gì không được ăn.
Sau ngày đầu gặp rắc rồi, mấy ngày tiếp theo mọi việc có vẻ êm đẹp hơn khi không có những sự việc đáng tiếc nào xảy ra, nhưng An đã bắt đầu cảm thấy sự gò bó nào đó, trong khi những đứa bằng tầm tuổi sau giờ học có thể thoải mái làm gì mình thích hoặc cùng làm là giúp bố mẹ làm vài việc nhà rồi sau đó thì tha hồ chơi, thì An lại bắt buộc phải đi chăn trâu, hôm nào cả đoàn trâu đi cùng một chỗ thì còn có nhiều bạn chơi, nhưng cũng có hôm chỉ có mình An với con trâu trên bờ ruộng hoặc bãi cỏ nào đó. Mà cho dù chơi gì, làm gì thì vẫn phải luôn để ý xem con trâu đang ở đâu, trâu bơi qua sông thì An cũng phải bơi qua để kéo nó về, trâu đói thì nó phá mà muốn trâu no thì An phải dắt nó đi ở những nơi có nhiều cỏ, thường là bờ ruộng. Chỉ bở ruộng mùa lúa chín là nhiều cỏ nhất vì ở đó không nhiều người muốn dắt châu vào. Nếu chấp nhận dắt châu ăn ở bờ ruộng vào mùa lúa chín thì người chăn phải luôn giữ cái dây thừng với cái đầu trâu thật sát mình, để mắt và quát liên tục thì trâu mới không ăn lúa. Chắc chắn trâu phân biệt rất rõ đâu là lúa, đâu là cỏ nhưng cũng giống như đứa trẻ thích ăn bánh mà lại để đĩa bánh trước mặt và dặn không được đụng đến. Nó chỉ chờ người chăn không để mắt trong một vài giây là ngay lập tức tạt đầu qua vào vặn luôn cả một khóm lúa đưa vào miệng, ngay sau đó là những cái giật dây và chửi rủa của người chăn, còn trâu thì lại tiếp tục gặm cỏ với ánh mắt như muốn nói "vừa rồi em nhầm."
Điệp khúc đó có thể được lặp lại cho tới khi nó bị dắt ra khỏi cái nơi nó dễ dàng ăn vụng. Có lẽ con người cũng vậy, đừng tạo điều kiện cho người ta có cơ hội làm sai, chứ nếu có cơ hội thì người ta có thể sai ở bất cứ thời điểm nào.
Gần một tháng kể từ ngày gánh trách nhiệm chăn trâu thì lại xảy ra việc nghiêm trọng vì An mải chơi đã để trâu ăn hết một khoảng lúa. Giá sự việc được đánh đổi bằng cái tát như lần trước thì An sẽ vui vẻ chấp nhận. Nhưng không, lần này là nó ảnh hưởng đến miếng cơm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng vì vậy người mất của đã kêu bố mẹ An ra chứng kiến và đền bù. Sự việc tạm khép lại khi bố An đồng ý đếm xem trâu đã ăn bao nhiêu gốc lúa và cam kết đến mùa họ sẽ đến ruộng nhà An gặt bấy nhiêu gốc. Tất nhiên sau đó An còn bị bố mắng một trận vì có việc chăn trâu cũng không xong. An đã khá chán nản với hai từ "chăn trâu", đấy là còn chưa kể những lần quần áo lem luốc ngồi ở bờ đê chăn châu thì lại gặp bạn học. Sự ngượng ngùng và tủi thân làm An luôn né tránh những cuộc gặp bất đắc dĩ đó nhưng cái gì cố tránh thì lại hay gặp.