bởi Robe

267
15
3750 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4 - Mùa mưa bão


Tháng Chín năm 1986 An vào lớp một. An được mẹ mua cho một chiếc áo mới, còn quần thì mặc lại cái quần của anh. Nó hơi dài hơn so với cậu nhưng mẹ đã xắn lên mấy nếp rồi khâu lại, An nghĩ giá mẹ cắt ngắn luôn đi thì trông sẽ đẹp hơn, nhưng chắc là mẹ cố tình làm vậy vì sau này An cao hơn thì lại xả ống quần xuống vẫn mặc được. Ngày đầu tới lớp dụng cụ học tập chẳng có gì nhiều, một cái túi cước màu đỏ, một tấm bảng đen, vài viên phấn và một mảnh dẻ lau, sách vở thì đến lớp sẽ được cô giáo phát. Trường nơi An học cách nhà khoảng ba ki-lô-met và buổi sáng hôm đó bố An dẫn bộ đến trường, hầu hết đều đi bộ. Thực ra nhà An có một cái xe thồ để bố chuyên chở muối đi bán nhưng nếu muốn nó trở lại hình dáng bình thường để có thể chở người thì phải dành thời gian tháo ra đủ các loại gắn trên đó và thời gian tháo lắp đó chắc lâu gấp nhiều lần thời gian đi bộ đến trường. 

An tưởng chỉ có ở xóm của mình mới đông trẻ con như vậy, nhưng không hôm nay là lần đầu tiên nó thấy đông con nít như vậy, một sân trường với cả trăm đứa trẻ đang đứng ngồi khắp nơi. Ngôi trường là một dãy nhà cấp bốn với mái ngói đã xỉn màu, sáu phòng học, những bức tường vôi vàng bong tróc với các hàng chữ vẽ nghuệch ngoạc khắp nơi. Thứ duy nhất trông có vẻ còn mới là lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới trên cái cột là cây tre cao khoảng ba mét ở giữa sân. Không cần phải căn cứ vào tầm thước hình dáng của những đứa trẻ mà chỉ cần nhìn sơ qua cũng biết đứa nào là "ma mới" - cách gọi của mấy đứa lớp hai và lớp ba đối với đám trẻ lớp một như An. Trái với những hình ảnh đùa giỡn, chạy nhảy với mồ hôi nhễ nhại, quần áo xộc xệch của đám trẻ lớp hai và lớp ba là những gương mặt ngơ ngác, lo âu nắm chặt tay bố mẹ hoặc ngồi khép nép dựa vào các gốc cây ở sân trường. Mọi thứ chỉ trở lại trật tự sau tiếng trống trường vang lên, sau buổi khai giảng An và một đám con nít xếp hàng nối đuôi nhau đi theo một cô giáo để vào lớp. Lớp của An rất đông, phải đến trên 40 bạn. Cô giáo còn khá trẻ nhưng với An cô không đẹp lắm thậm chí là hơi xấu, người cô gầy đét, miệng cô hơi hô nhưng cô có giọng nói rất hay, có lẽ vì giọng nói đó mà cô được dạy lớp một chăng? Cô có cái vật bất ly thân và là nỗi khiếp sợ của nhiều đứa trẻ trong lớp học suốt một năm sau đó, đó là cây thước dài chừng 60 cen-ti-met có bản rộng và rất cứng, An chỉ được thử độ cứng của cái thước đó một hai lần gì đó nó cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ là khi bị cô lấy thước đập vào lòng bàn tay thì rất đau. Lớp học có những chiếc bàn cũ kỹ được phủ kín bằng các loại màu sắc do mực gây ra. Ghế ngồi thực ra chỉ là những thân cây bổ dọc để ngửa mặt nhẵn lên và đóng phía dưới bốn cái chân, nó không bao giờ có thể đứng ngay ngắn được trên nền đất mấp mô của lớp học. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ thì đi học đối với An là một điều tuyệt vời. Nó và nhóm bạn trong xóm sáng nào cũng gọi nhau đi học và gần như không bao giờ đi học trễ, không phải vì chúng nó chăm học mà vì có rất nhiều điều hay ho trên con đường đi tới trường và quan trọng là có đến lớp thì không thiếu gì trò chơi. An là đứa khá nhút nhát tuy nhiên nó chỉ bị bắt nạt một lần duy nhất và sau đó thì người bắt nạt trở thành người bảo kê. Trong lớp có một đứa tên Giang, nó hơn An một tuổi, to con hơn và năm nay là năm thứ hai nó học cùng một lớp, cùng một cô. Một buổi tan trường đang đi bộ về thì An bị Giang xô ngã và giật được một cái dép rồi bỏ chạy. Nhóm của An chẳng ai dám nói gì cũng chẳng dám đuổi theo vì đều biết Giang thuộc dạng "đại ca" của lớp từ năm trước, nhà lại ngay gần trường, đây là ưu điểm mà bọn Giang gọi là "chó cậy nhà" nên không ai dám động vào sợ mai đi học nó bắt nạt thì khổ. Còn một chiếc dép An lấy bỏ vào túi xách rồi đi chân đất về nhà, dọc đường không dám khóc nhưng khi vừa về đến nhà bố hỏi dép đâu thì An òa khóc và kể lại. Cũng may là trong lớp khi đã biết tên nhau là đứa nào cũng biết tên bố của đứa kia, đây là kinh nghiệm để khi chửi nhau còn lôi tên bố nó ra để chửi chứ nó chửi bố mình mà mình lại chỉ chửi được nó thì hơi thua thiệt. 

- Thế nó là con nhà ai? Bố An hỏi.

- Dạ bố nó tên Lâu.

Bố An à lên một tiếng rồi nói An cứ yên tâm chiều bố dẫn lên nhà thằng Giang để lấy lại dép.

Chiều bố dắt An đi gần hai cây số đến nhà của Giang. An hình dung thì bố sẽ tức giận và chắc chắn sẽ cho thằng Giang một trận khi đến nhà. Nhưng ngược lại hoàn toàn, bố và An đến ngõ thì gặp bố của Giang, thay vì hỏi ngay việc Giang lấy dép của An thì hai ông lại tay bắt mặt mừng chào hỏi và mời nhau vào nhà uống nước, thì ra hai ông là bạn bộ đội với nhau. Giang vừa nhìn thấy bóng dáng của hai bố con An thì đã chạy đâu mất. Phải một lúc lâu sau, cũng không biết có phải lâu thật không hay do An nóng ruột muốn bố xử lý thằng Giang, bố An mới nói lý do hai bố con ghé chơi. Bố Giang xin lỗi rồi quát to.

- Thằng Giang đâu rồi?

Ông phải quát đến câu thứ hai mới thấy Giang khép nép đi lên, ánh mắt thể hiện sự ăn năn và sẵn sàng chịu trận, mất hẳn cái vẻ oai phong khi chơi với bọn bạn trong lớp. An mừng thầm trong bụng, cho đáng đời, dám lấy dép của tao.

- Sao mày lấy dép của bạn?

Giang không trả lời mà chỉ khoanh tay cúi đầu ậm ừ âm thanh như tiến dạ. Bố giang lại quát.

- Mày để đâu, đi lấy ngay về đây.

Thằng Giang vừa chạy đi thì thái độ bố nó lại trở lại như không có chuyện gì, ông quay sang bố An nói tiếp.

- Nó nghịch lắm ông ạ, không ngày nào là không ăn đòn. Học hành thì hai năm chưa hết lớp một.

Ông quay qua An.

- Chờ tí nhé, nó đem về ngay đấy.

- Dạ.

 An nói một cách lễ phép nhưng trong bụng vẫn không hài lòng vì cái nó muốn là thấy một trong hai ông bố đánh cho Giang một trận cơ. Khoảng năm phút sau thằng Giang quay về với cái dép của An trên tay, nó đưa cho bố nó một cách thật lễ phép, có lẽ là để giảm bớt tội lỗi.

- Sao mày lấy dép của bạn?

- Dạ, tại vì...

Thấy thằng con cứ ấp úng, ông Lâu quát to hơn.

- Vì cái gì? Mày lấy làm gì?

- Tại vì, tại vì... ở lớp cô giáo nói con "anh chỉ đáng xách dép cho anh An thôi".

Vẫn vẻ mặt giả bộ tức giận ông Lâu nhìn bố An và hai ông tủm tỉm cười, thằng Giang không nhận ra điều đó vì nó vẫn đang cúi gằm mặt xuống đất.

- Cô giáo nói mày xách dép chứ đâu có nói mày cướp dép đâu.

Sau câu nói đó ông Lâu chuyển sắc mặt từ trạng thái chiến tranh sang trạng thái hòa bình. Ông giảng giải cho hai đứa trẻ nghe về mối quan hệ đồng đội của hai người hồi chiến tranh biên giới năm 1979, về sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn chứ không ai lại đi bắt nạt nhau kiểu đó. Nói chung hai đứa trẻ chẳng hiểu được gì từ câu chuyện, chúng nó chỉ thực sự vui vẻ với nhau và bỏ qua cho nhau khi ông Lâu nói nếu hai đứa chơi với nhau thì sẽ mua cho mỗi đứa một hộp phấn mới, hộp phấn mà những viên phấn còn nguyên vẹn chiều dài chứ không phải những cục nát vụn như chúng nó vẫn dùng. Thế là An vô tình có người bảo kê trong lớp từ đó tuy nó cũng chẳng dùng đến cái quyền đó bao giờ.

Năm 1989, chế độ tem phiếu được xóa bỏ hoàn toàn sau ba năm xóa bỏ từng phần, mở đầu cho thời đại mới lưu thông hàng hóa từ kiểu "mua như cướp, bán như cho" sang "thuận mua, vừa bán" . Từ giai đoạn này về mặt lý thuyết thì Việt Nam không còn thiếu lương thực, thậm chí còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Thái Lan). Nhưng thực tế những khu vực làng quê như An vẫn gạo ăn từng bữa, cả một xóm với cả trăm gia đình thì chỉ có khoảng mười phần trăm trong số đó không phải đi vay mượn, mà vay mượn chỉ cho một mục đích là mua thóc gạo. Nhà An tất nhiên không nằm trong số mười phần trăm đó. Năm nay An đã học lớp bốn, nó đã dần ý thức được như thế nào là sự thiếu thốn khi bị cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở về việc đóng học phí hoặc những lần cầm cái rá đi vay gạo, những nồi cơm với phần khoai độn nhiều hơn phần gạo. Và cũng vì sự khó khăn đó mà một năm trước người anh cả của An được bố mẹ gửi đi theo một người quen để vào Cà Mau kiếm việc làm và cũng là đỡ một miệng ăn. Điểm chung của hầu hết các gia đình ở ngôi làng của An là đông người, nhà nào nhiều có thể tới hơn mười người, ít nhất cũng bốn hoặc năm người, thông thường là ba thế hệ và nhà nào cũng đông con. Không biết cái nghèo nó kéo theo sự đông đúc hay do đông mà nghèo nhưng nếu nghe nói nhà ai có hai con thì người ta ngạc nhiên không kém gì ở thế kỷ 21 ai đó nói nhà mình có sáu đứa con. Ngoại trừ người anh đã đi Cà Mau, An còn một người anh hơn mình sáu tuổi và một người em kém hai tuổi. Nhà còn có ông nội năm nay đã gần 80, ông không làm gì nữa mà tiêu tốn hầu hết thời gian trên cái giường sau lớp màn cũ kỹ. Ngôi nhà điển hình của miền Bắc thời kỳ này là nhà cấp bốn với mái ngói hoặc lợp bằng rơm, nhà An dài chừng mười mét rộng bốn mét mái ngói xỉn màu và hệ thống kèo tre phía dưới đã võng xuống sau nhiều năm mưa nắng, có những chỗ mà nắng có thể lọt qua chứ chưa nói gì đến mưa. Nền nhà là nền đất lồi lõm và cũng là nhà chung của nhiều loại động vật, gầm giường nào cũng có nhiều cóc và những tổ kiến, khắp nơi có những miệng lỗ nhỏ như đầu đũa là nơi làm tổ của những con tò vò, chúng giống như con ong nhưng không hiểu sao lại thích sống dưới đất, An và bọn con nít thường bắt bằng cách đổ nước xuống những chiếc lỗ đó và chờ tò vò ngoi lên. Mạng nhện thì khắp nơi đặc biệt là gầm giường và trần nhà. Có lẽ những người lớn còn đang lai lưng ra lo cơm áo nên chẳng ai quan tâm đến vệ sinh hay thẩm mỹ của chỗ ở. Có nhà đã là may rồi. 

Tháng mười năm 1989. Hôm nay An được nghỉ học, đúng ra là tất cả trường học được nghỉ từ hôm qua do chuẩn bị có bão.

Người lớn thì gọi là chống bão còn đám trẻ con như An thì là đón bão. Vì nhờ bão mà chúng nó được nghỉ học, sao bão thì lại được ăn rất nhiều loại trái cây, thậm chí còn được ở nhà mới, tất nhiên cái nhà mới này thường là không được như cái nhà cũ nhưng dù sao cũng là mới. Có lẽ chẳng người lớn nào thích bão vì cuộc sống của người nông dân phụ thuộc tất cả vào các loại hoa màu, đặc biệt là lúa, và sau mỗi lần bão đi qua nó để lại những hậu quả nặng nề, thêm một gánh nặng về cơm áo cho những bậc cha mẹ.  Nhưng ở cái tuổi của An thì có lẽ chưa đứa nào quan tâm đến cái gọi là kinh tế, cứ có ăn thì ăn, ăn khoai sắn thay cơm cũng được, vì hầu hết xung quanh cũng chẳng có thứ gì ngon hơn để mà thèm. Riêng với An cái âm thanh báo bão trên radio của ông nội lại luôn đem lại một cảm giác nửa vui nửa buồn nhưng có lẽ phần vui chiếm 95%. "Tin bão khẩn cấp, cơn bão số..." và sau đó là hàng loạt các cảnh báo về thu hoạch sớm hoa màu hoặc hướng dẫn chằng buộc nhà cửa để giảm ảnh hưởng của gió bão. 

Năm nào cũng vậy từ khoảng tháng năm âm lịch đến tháng 11 là mùa bão ở quê An. Có năm bão vào trực tiếp nhiều lần, có năm thì chỉ bị ảnh hưởng với mưa to, gió  nhưng không quá lớn. Mấy ngày nay nghe đài báo thì cơn bão số 9 này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quê An. Thế là mấy ngày nay mỗi người, mỗi nhà đều lo chống bão. Ngày bão tới thì tre và dây buộc là những thứ nhà nào cũng cần, không phải tự nhiên mà hình ảnh làng quê Việt Nam gắn liền với hình ảnh cây tre như vậy. Tre có sức sống quật cường, nó có thể mọc ở bất kỳ chỗ nào dù cằn cỗi hay màu mỡ. Nhiều loại cây khác có thể rất to lớn nhưng đều rạp mình khi gặp bão nhưng An chưa thấy có trận bão nào làm ngả được những bụi tre, không những thế tre là một loại cây đa công dụng và gắn liền với gần như tất cả các hoạt động của người nông dân, tre làm kèo cột, mái nhà, tre làm dây buộc, làm quang gánh, làm bàn ghế, rổ rá, và vô vàn thứ khác. Nhưng trong ngày chống bão thì nó làm một thứ quan trọng đó là để ràng buộc nhà cửa và chống cây cối. Hầu hết những ngôi nhà ở quê an đều khá thô sơ với những cánh cửa chắp vá và cũ kỹ, gió bão có thể thổi tung bất cứ lúc nào và nếu cửa bị bung ra gió lùa vào thì dù mái ngói có chắc chắn cũng sẽ bay hết. Vì vậy việc chằng chống nhà cửa thì ưu tiên đầu tiên vẫn là làm sao cho những ô cửa sổ cửa chính được chắc chắn, rồi sau đó mới đến mái nhà. Người ta thường dùng hai thanh tre đặt ngang cửa, một thanh bên trong, một thanh bên ngoài và dùng dây siết hai thanh lại với nhau và giữ nguyên như vậy cho tới hết bão, trong nhà luôn có một con dao để phòng khi nhà sập thì có thể phá những thanh tre đó để bung cửa chạy ra ngoài. Ngoài vườn có những cây gì cần chống đỡ thì sẽ đóng những khúc tre xung quanh rồi cột cây vào đó, thậm chí người ta đào hẳn cây đó lên rồi để nằm xuống, hết gió bão thì trồng lại. Nhà nào cũng cố giữ được một ít rơm rạ hoặc củi khô để vào những nơi khô ráo nhất vì không có nó thì có gạo cũng không thể nấu cơm. Tuy bão chưa tới đất liền nhưng ảnh hưởng của nó đã bắt đầu từ mấy ngày nay, những cơn mưa không lớn nhưng gió thì mỗi lúc một mạnh dần lên, bầu trời thì lúc nào cũng dày đặc những đám mây xám xịt như chỉ chực đổ sầm cả núi nước xuống mặt đất, các hoạt động ngoài đồng ruộng đã tạm thời ngừng lại, trẻ em và người lớn tuổi gần như không ra khỏi nhà, chỉ còn những người trung niên thì lo chằng chống nhà cửa và thu hoạch những thứ trong vườn. Nhà ai cũng có một cái ao với nhiều loại cá, nếu nước ngập do bão lũ thì các ao sẽ tràn sang nhau và cá cũng thế chúng thích đi đâu thì đi. Làng của An nằm cạnh sông hồng với con đê rất lớn, bề mặt đê rộng năm sáu mét, còn phía chân đê soải ra hình thang chắc cũng đến mấy chục mét. Bình thường nước chỉ nằm ở chân đê và còn cách mặt đê cả chục mét, nhưng mùa bão lũ thì mực nước chỉ cách mặt đê một hai mét. Mẹ An nói trước đây đã có nhiều trận vỡ đê gây thiệt hại về tài sản và tính mạng rất lớn. Nên bây giờ việc bảo vệ những tuyến đê được chính quyền quan tâm rất lớn, những tổ mối với những con mối chỉ lớn hơn con kiến nhưng chúng có thể làm sụp cả một đoạn đê mà chỉ khi nước lũ về người ta mới phát hiện, chính quyền còn cho những con tàu sắt lớn chở đầy đá đậu sẵn ở đâu đó gần đê và sẵn sàng đánh đắm ngay tại vị trí đê vỡ để ngăn chặn dòng nước. An thì chẳng hình dung ra được sức mạnh của nước đến đâu nhưng nó chỉ hình dung với mức nước bên ngoài đê bây giờ đang cao bằng nóc nhà thì nếu đê vỡ tất cả các ngôi nhà sẽ chìm ngập trong biển nước.

An đang phụ bố buộc lại hai cánh cửa sổ bằng mấy thanh tre.

- Ông bật cái đài lên nghe xem tình hình bão gió tới đâu rồi.

Bố An nói với ông nội khi ông đang buộc lại mấy bao cát.

- Nó vào thì có nhà mới ở chứ có sao.

Ông nội vừa đứng lên lấy cái ra-đi-ô vừa nói giỡn. Đối với những tin bão khẩn cấp thì gần như cứ năm mười phút một lần, dù là đang ở chương trình gì thì đài cũng dừng lại nhường chỗ cho việc thông báo tin bão. Âm thanh từ chiếc đài bị chen lẫn với những tiếng rẹt rẹt do sóng không tốt nhưng thông tin vẫn rất rõ ràng.

"Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 9... tốc độ gió 120km/h... 20 độ vĩ bắc, 108 độ kinh Đông, trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng di chuyển giữa Tây và Tây Tây Bắc..." sau đó là công điện khẩn của Ủy Ban phòng chống lụt bão Trung Ương...

- Vậy là đi vào mình rồi.

Bố An vừa siết chặt sợi dây vừa nói. Ông nói vậy vì mọi người ở đây cứ nghe thấy giữa Tây và Tây Tây Bắc thì mặc nhiên bão sẽ đổ bộ vào quê mình. 

- Vậy nói mẹ con nó dọn qua nhà ông Lũ đi tối nay anh với tôi ở nhà thôi.

Ông nội của An nói với bố. Cả xóm chỉ có ba bốn cái nhà mái bằng còn lại là toàn nhà lợp ngói hoặc lợp rơm, thành ra mỗi lần có bão thì hầu hết phụ nữ và trẻ em sẽ sang trú tạm ở những ngôi nhà mái bằng đó.

Khoảng bốn giờ chiều mấy anh em An ôm theo cái chiếu cói với mấy túi đựng quần áo và vài nắm cơm theo mẹ đi trú bão. Chẳng người lớn nào muốn bão nhưng gặp nhau ai cũng cười nói một cách vui vẻ, câu chuyện cũng chỉ xoay quanh việc chống bão, nhà thì chưa kịp thu hoạch cây này cây kia, nhà thì lo đàn gà bị ướt, người thì lo gió lớn sẽ rụng hết vườn nhãn vườn táo, người thì lo cho đàn cá mới thả sẽ đi hết. 

Nhà ông Lũ lúc này đã đông đúc, cả mấy chục con người lớn nhỏ chen chúc trong không gian chừng 60 mét vuông của ngôi nhà mái bằng. Tất cả bàn ghế của nhà đó đều được dọn ra ngoài hoặc để tạm đâu đó, cái nhà chỉ còn toàn người là người. Chẳng quan tâm đến bão to hay nhỏ, nguy hiểm hay không An thấy rất thích cái cảnh trẻ em các nhà tụm lại với nhau ở một nhà, mặc dù cảnh mưa gió làm khổ sở những người lớn trong việc đi lại, đưa cơm lấy đồ... Có nhiều nhà còn không thể nấu được cơm vì rơm rạ là nguyên liệu tạo lửa thì đã bị ướt hết hoặc cái bếp dột tứ bề thành ra không nấu được.