bởi Quynh Anh

32
5
1553 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 5:



"Mẹ thấy đống đồ đó cũ quá rồi nên đem bỏ đi, mẹ cũng đã mua đồ mới cho con rồi đấy thôi, con xem qua chưa, nó trong tủ đấy."

"Cũ cái gì chứ! Mẹ đem bỏ ở đâu rồi!?" Tôi bất ngờ gào lên khiến mẹ tôi giật mình, có lẽ bà không ngờ tôi sẽ bất ngờ làm như vậy, cũng  sẽ không vì cái va li mà mẹ tôi cho là "cũ" đó mà nổi cáu với bà. Đúng lúc này, nước mắt tôi chực trào ra, tôi khóc thành tiếng, cảm thấy ấm ức vô cùng, những thứ đồ trong va li đó là bà mua cho tôi, chuẩn bị cho tôi, dù cho cũ cũng chính là vật đáng quý nhất của tôi, là kỷ niệm giữa tôi và bà, là tất cả sự yêu thương của bà dành cho tôi. Ấy vậy mà tại sao mẹ tôi lại có thể đem chúng đi quăng đi trong khi tôi không ở nhà kia chứ. Tôi khóc nghẹn, cố gắng cắn chặt môi để nói:

"Mẹ đem quăng chúng ở đâu rồi, mẹ mau nói đi!" Trong lòng tôi tức giận vô cùng, tôi ấm ức, hờn trách mẹ, rồi buột miệng nói ra:

"Trong những năm qua mẹ đã không quan tâm con rồi, đó là đồ bà mua cho con mà sao mẹ dám quăng đi! Mẹ đã lo được gì cho con mà mẹ tự cho mình cái quyền có thể quăng đồ của con như thế! Cái số đồ mẹ mua cho con, con không cần! Mẹ trả lại đồ cũ cho con đây, mẹ có biết chúng quan trọng với con đến nhường nào không!? Mẹ đã đưa con lên đây ở cùng thì phải chấp nhận mọi thứ của con, nếu mẹ đã cảm thấy đồ đạc của con không xứng với căn nhà của mẹ thì mẹ để con về quê với bà luôn đi! Mẹ có tôn trọng con không!? Mẹ chẳng hề tôn trọng đời tư của con!"

Tôi gào lên với mẹ, chỉ biết làm sao để xả hết nỗi giận trong lòng mà không biết bản thân đã nói ra những gì. Biểu cảm trên gương mặt mẹ tôi cứng đờ, rồi sau đó bà cũng gằn giọng, nghiêm mặt nhìn tôi:

"Con có biết có trước có sau không hả mà dám ăn nói với mẹ như thế!? Những năm qua bà đã chiều con đến hư rồi đúng không, không ai dạy bảo được con thì để mẹ dạy. Con không thể ăn nói đàng hoàng với mẹ được à sao mà phải quát vào mặt mẹ như thế? Con nói ai không quan tâm con, mẹ vẫn luôn quan tâm con, chỉ có con luôn gạt bỏ tình cảm của mẹ mà thôi!"

Giờ đây, dù mẹ tôi có nói gì cũng chẳng lọt tai, tôi quệt nước mắt, nói:

"Mẹ nói cho con biết mẹ đã bỏ đồ của con đi đâu rồi?"

Mẹ tôi trợn trừng đáp:

"Mẹ đã quăng ra ngoài sọt rác ngoài kia rồi, giờ cũng đã qua giờ đi dọn rác, ắt hẳn người ta cũng đã đem đi rồi, con đi mà tìm!"

Lời của mẹ như xát muối vào tim tôi, tôi quay đầu chạy ra ngoài, tôi không thể làm mất cái va li đó được, trong đó ngoài những bộ quần áo mà bà mua cho tôi thì còn một con gấu bông mà bà đã tặng sinh nhật cho tôi, từng đôi giày, đôi tất, cái khăn mà bà đã chắt chiu tỉ mỉ chuẩn bị cho tôi vì sợ tôi ra thành phố khí hậu không quen, sẽ bị cảm. Đó còn là nỗi nhớ, là mùi hương và sự ấm áp của bà, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi tôi mệt mỏi. Giờ đây trong lòng tôi đang rất đau, rất ấm ức, rất tủi thân, tôi chạy ra cổng, đúng lúc này thì một chiếc ô tô rẽ vào, ánh đèn flash khiến nước mắt tôi nhoè đi, ô tô suýt thì đâm phải tôi, nó phanh gấp lại, không cần đoán cũng biết đó chính là ô tô của dượng, dượng tôi từ trong xe bước ra, lúc nhìn thấy tôi với gương mặt tèm nhem nước mắt thì ngạc nhiên hỏi:

"Lan Đường hả con, con sao vậy?" 

Nhưng tôi không đáp, giờ đây tôi đang rất giận mẹ, nên giận lây cả dượng, trong đầu tôi giờ đây chỉ có suy nghĩ rằng  bọn họ là cùng một giuộc, là gia đình của mẹ, còn tôi chỉ là đứa con riêng rơi rớt mà mẹ bắt buộc phải nuôi như một nghĩa vụ. Chỉ có bà ngoại, người bao năm qua vẫn ở bên tôi, chăm sóc tôi, bênh vực tôi, mà giờ bọn họ dám quăng chiếc va li đồ mà bà chuẩn bị cho tôi đi, tôi đã nghĩ rằng cả đời này có lẽ tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ.

Tôi đẩy dượng  rồi chạy vụt ra ngoài, chạy thẳng đến nơi đổ rác của khu dân cư. Đi một đoạn dài rồi, tôi mới phát hiện ra rằng nãy giờ tôi đang đi chân đất, mặt đường bê tông tưởng chừng như phẳng phui nhưng lại đầy rẫy những hòn đá nhỏ, những hòn đá tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến người ta đau nhức gấp vạn lần là những viên đá to mắt thường có thể nhìn thấy, có thể dễ dàng tránh đi. Nhưng cảm giác đau đớn dưới chân này đây nào có bằng nỗi đau trong lòng cùng sự vội vã của tôi nữa. Người qua đường đều nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ và tò mò, nhưng giờ đây tôi nào có tâm trí mà để tâm đến những thứ ấy nữa. Chẳng mấy chốc mà tôi đã đến nơi đổ rác của khu dân cư, tôi lao vào đó như một con chó hay mèo hoang đói đến điên dại đang đi kiếm đồ ăn. Mà trong mắt những kẻ khác thì tôi thực tình chẳng mấy giống một người bình thường. Gương mặt đầy nước mắt, hốc mắt đỏ hoe, tóc tai dính cả vào gương mặt, chân trần dẫm trên đất, lại còn lao vào đống rác. Song, điều đó giờ không quan trọng vào thứ tôi muốn tìm lại nữa.

Ấy vậy nhưng ở trong đống rác này lại chẳng có chiếc va li của tôi.

Nhớ tới lời mẹ nói, tôi lại càng hoang mang tột độ, đội thu gom rác đã đem đồ của tôi đi rồi ư, bây giờ tôi biết đi đâu để tìm họ bây giờ, tôi phải làm gì bây giờ.

Tôi ôm đầu ngồi thụp xuống đất mà khóc, không có ai trả lời tôi cả mà tôi cũng chẳng biết bản thân nên làm gì, tôi không thể để mất đồ như vậy được, Tôi hận mẹ, tôi ghét mẹ.

Đúng lúc này, chợt có một ánh đèn chiếu về phía tôi khiến không gian tối tăm xung quanh tôi sáng bừng lên, nhưng cũng chính ánh đèn ấy đã biến tôi trở thành như một tên tội phạm sắp bị bắt về, trói buộc trong ngục tù tăm tối, thứ ánh sáng ấy không phải ánh sáng dẫn đường mà là ánh sáng dồn tôi vào đường cùng. Tôi co mình lại như một con thú nhỏ bị phát hiện giữa vùng ẩn náu của mình. Lúc này, một bàn tay chợt nhẹ nhàng đặt lên vai tôi:

"Về nhà thôi con, ngày mai dượng sẽ giúp con tìm đồ."

Thì ra là dượng tôi.

Không phải là mẹ.

Lúc này thì cuối cùng tôi cũng đã bình tĩnh lại được một chút. Dù rất tủi thân, rất giận hờn và cũng rất đau lòng, ấm ức nhưng giờ đây tôi cũng chẳng thể làm gì được nữa. Tôi có thể làm loạn trước mặt mẹ nhưng tôi không thể làm loạn trước mặt người ngoài. Và nếu dượng tôi đã đến đây thì tôi cũng không thể không nể mặt được. Tôi biết dượng chỉ nói vậy để an ủi tôi thôi, còn đồ của tôi một khi đã bị xe rác đẩy đi thì đến sáng mai còn gì còn nguyên vẹn mà tìm. Tôi biết điều đó nên tôi cũng không thể làm khó người ta được. Tôi cũng không còn là đứa trẻ lên ba mà có thể mè nheo ăn vạ nữa, tôi đã mười lăm tuổi rồi, tôi đã biết suy nghĩ rồi. Đưa mắt nhìn mảnh đất trống trơn nước mặt, nước mắt tôi lại ứa ra, dượng tôi đưa cho tôi một chiếc khăn, tôi nhận lấy, lau nước mắt rồi đứng dậy, không nói một lời mà lủi thủi đi về nhà.

Gương mặt tôi tèm nhem nước mắt, bộ dạng có lẽ vô cùng thảm hại, tôi bước vào nhà, tôi biết mẹ đang ngồi ở phòng khách, nhưng tôi không nhìn bà, tôi bước chân đất vào nhà mà cũng chẳng để ý rằng liệu chân tôi có làm bẩn nhà bọn họ không. Và rồi tôi lững thững lên lầu, đóng cửa phòng lại.

Chân tôi đau quá.