bởi Lăng Tranh

3
1
2298 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 5: Xin phép mạ Lý, chuẩn bị đi tìm đất mới


Từ thời Kinh Dương Vương lập ra nước Xích Quỷ đến nay chẳng biết qua bao nhiêu năm. Hết đời trị vì của Kinh Dương Vương, ngài Sùng Lãm lên thay, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Thuở ấy, ngài Lạc Long Quân không chỉ dạy dỗ con dân cách trồng lúa, nuôi tằm, canh cửi, dệt vải mà ngài còn dạy cho đám con trai bộ lạc biết đấu vật, luyện võ, rèn luyện sự nhanh nhẹn, rắn chắc để tăng khả năng săn bắt hoặc chiến đấu với quỷ quái. Những kỹ năng này được bộ lạc Chim Trời truyền thừa liên tục từ đời này sang đời khác, chưa từng lơi lỏng. Mỗi sớm mai ở bộ lạc, khi đến gần sân phơi, người ta luôn nghe thấy tiếng “Hi! Ha!” đầy khí thế của các chàng dũng sĩ.

Tù lững thững men theo con đường đất cạnh mé sông, ra tới sân phơi thì nắng cũng lên quá trán. Đứng ở góc ngoài rìa, anh đưa tay lên che đi ánh sáng dội thẳng vào mặt, híp mắt nhìn các thanh niên hừng hực khí thế với các động tác quật xuống, đá lên. Rắn đứng ở trên cùng, quay lưng ra đường, quay mặt vào mọi người trong sân. Rắn cũng tập. Lưng của anh chốc chốc lại bạnh ra vì cánh tay vung mạnh về phía sau. Những thớ cơ ẩn dưới lớp da nâu bóng lưỡng sẽ phồng lên hết cỡ rồi thu về trước khi một động tác khác tiếp nối để nó lại phồng lên y như vậy.

Ánh mắt Tù cứ chạy theo những thớ cơ đó như thể bị thôi miên. Anh đứng đực ra, không nhúc nhích cựa quậy. Mãi đến khi tiếng kêu “anh Tù” thảng thốt của Dạ vang lên, Tù mới giật mình choàng tỉnh. Cùng lúc đó, đội hình trong sân hoàn toàn rối loạn. Thú là người đầu tiên tự móc phải chân mình rồi ngã xuống. Cả người Thú nện lên người Bỉnh, một dũng sĩ cao lớn ngang ngửa Rắn. Vậy là người nọ đẩy ngã người kia. Cả một góc sân vang lên tiếng rên lẫn vào tiếng mắng thô tục. Dù hỗn loạn là vậy, theo phản xạ tự nhiên nhất, Rắn vẫn quay đầu nhìn về phía mà Dạ vừa chỉ. Anh chẳng khác mọi người, tròn mắt, há hốc mồm khi thấy gương mặt nhẵn bóng của Tù.

Nhưng chỉ một chút ngạc nhiên còn đọng lại trong mắt Rắn sau một lúc nhìn trân trối. Kế, anh chạy ù đến bên cạnh Tù, vỗ vào cánh tay lành của đối phương, cười hềnh hệch.

- Ngoan lắm, ngoan lắm! Cứ thế này có phải đẹp trai hơn không!

- Đừng quậy!

Tù vẫn là Tù, giọng vẫn cộc cằn như vậy. Rắn tập mãi thành quen. Thậm chí anh còn đọc ra được sự mất tự nhiên trong giọng điệu của đối phương. Anh lại cười hềnh hệch như một đứa ngốc.

Rồi Rắn kéo Tù vào sân, định bụng tiếp tục cho xong bài quyền nhưng bị Tù ghì lại. Anh hỏi một câu không đầu không đuôi.

- Mi có muốn đi cùng tao không?

- Đi đâu?

Rắn chớp mắt, vô thức lập lại câu hỏi. Ấy là anh chưa kịp suy nghĩ. Bất thình lình, mắt Rắn sáng lên.

- Đi chứ! Mi phải mang theo tao thôi!

Tù gật đầu.

- Ừ! Tao sẽ mang mi theo. Giờ để tao nói với họ mấy câu.

Dáng người hùng vĩ của Tù không hoàn toàn là nỗi sợ của mọi người trong bộ lạc, bất kể trai gái. Họ thường kháo nhau rằng nguyên do chính làm họ sợ Tù là hàm râu đâm tua tủa của anh. Trong khuôn dạng đó, cả bộ lạc cho rằng anh chẳng khác nào kẻ lang thang ăn cắp linh hồn của người nhẹ dạ. Đó là một trong những nhân vật nổi tiếng trong các câu chuyện cổ mà người già hay kể. Ấy nhưng khi gương mặt sáng bừng của Tù xuất hiện trước mặt, chỉ cần anh banh mặt, mím môi, hai hàng chân mày đâu lại, nỗi sợ vẫn có thể bùng lên mạnh mẽ dù kẻ đó có là dũng sĩ dũng cảm nhất của bộ lạc Chim Trời.

Tù đã bước vào sân, ngay vị trí mà Rắn vừa đứng. Ánh mắt của anh lia tới đâu, âm thanh nín bặt ngay tới đó. Hoàn toàn hài lòng với sự chú tâm cao độ của mọi người, Tù nói.

- Tao sẽ mang Rắn đi xa vài ngày. Tối đa là một tuần trăng(*), chúng tao sẽ quay lại. Bí là phó đội, phải chịu gánh trọng trách dẫn đội, coi sóc cả trong lẫn ngoài bộ lạc, vậy nên mi sẽ trở thành đội trưởng tạm thời. Trong số các dũng sĩ có mặt, tao thấy có Bỉnh là người trầm tính, biết nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm nên tao đề cử nó lên làm phó đội tạm thời. Có ai có ý kiến gì không?

Không thấy ai lên tiếng, Tù quyết đoán đưa ra quyết định.

- Vậy thì cứ quyết định như vậy. Bí lên tiếp tục điều khiển buổi tập, tao với Rắn về trước.

Nói rồi, anh kéo Rắn rời khỏi sân phơi mà chẳng để tâm đến tiếng thở phào nhẹ nhõm của những dũng sĩ còn đứng ngây như phỗng ở đó.

Đi bên nhau, Rắn không tỏ vẻ hờn giận vì thái độ ngang ngược, bao biện của Tù. Anh là đội trưởng, người dẫn đầu đội tự vệ của bộ lạc nhưng Tù mới là người kế nhiệm tương lai của tù trưởng Lũ. Về quyền hành, Tù vốn có địa vị cao hơn anh. Nhưng không chỉ như vậy. Thật ra Tù rất ít khi can thiệp vào chuyện của đội. Tù cũng ít khi can thiệp vào chuyện của ông Lũ. Anh là người sống khép kín, ít chịu tiếp xúc với người khác. Trừ Rắn, dường như Tù chẳng tình nguyện nói chuyện với ai. Chỉ khi gặp chuyện cần ra mặt, anh mới dùng thái độ mạnh mẽ nói thẳng ra yêu cầu rồi chấp hành nó trước khi yêu cầu người khác thực hiện. Nói là người ta sợ Tù thì chẳng bằng nói người ta đang kính nể anh vậy.

Đợi mãi một lúc lâu vẫn không nghe Tù nói gì, Rắn bèn hỏi.

- Sao mi dám đi ra ngoài bộ lạc tận mấy ngày? Mi không sợ ma rừng, ma cây hả?

- Mi sợ à?

- Đâu - Rắn đáp tỉnh bơ - tao tò mò thôi.

Vừa nói, Rắn còn vừa ngẩng cao đầu, dương dương đắc ý như thể ông đây chẳng sợ bố con thằng nào. Bàn tay Tù tự nhiên thấy ngứa ngáy. Anh không quay lại nhìn Rắn, nhưng cánh tay đã giơ lên, bàn tay đặt lên đỉnh đầu của đối phương, xoa mạnh mấy cái.

- Gì vậy!

Rắn tóm lấy cánh tay Tù, kéo xuống. Tù tự nhiên nói tiếp câu chuyện.

- Thấy cái này không?

- Ừ, cái gì đấy?

- Thuốc bà thầy cho. Cùng loại với thuốc bùa rắc ở cổng bộ lạc.

- Nhiều dữ vậy?

Tù giải thích.

- Không phải mang đi hết. Mi không để ý bùa ở cổng sắp hết tác dụng à? Tối qua nếu không có tao, thằng Dạ với thằng Lữ phải cống mạng cho ma cây rồi.

- Tụi nó còn đứng trong rào hả?

Rắn thảng thốt hỏi lại. Tối qua, anh không đến ngay từ lúc hai đứa mở cửa nên cứ tưởng sau khi Tù về, ma cây mới nhân đó mà đánh lén.

Vừa đi vừa nói, sân nhà Tù và Rắn xuất hiện trong tầm mắt lúc nào không hay. Rắn bất giác nhớ ra mình chưa xin phép mạ. Anh cảm thán.

- Mạ tao thể nào cũng mắng cho một chập.

- Để tao nói cho.

- Khỏi! Mi vác nửa con lợn nòi qua để gác bếp cho mạ tao đi.

Tù gật đầu. Về tới sân nhà mình, Tù quẹo vào. Rắn bước thêm mấy bước, cũng vào trong sân, dáo dác tìm bóng dáng của mạ.

Mạ của Rắn là bà Lý, một người đàn bà góa chồng gần sáu năm trời. Hơn năm năm trước, chồng bà đi săn rồi chẳng may không về được. Theo tục của bộ lạc, phụ nữ còn trẻ mà chết chồng phải vào nhà chung ở sát nhà thờ, không được ra ngoài hai năm liền. Trong thời gian hai năm, họ sẽ dệt vải xô dùng trong ma chay hoặc lễ tế cho cả bộ lạc. Đổi lại, người trong bộ lạc cũng phải có nghĩa vụ thay nhau nuôi sống những người phụ nữ này và con của họ. Hết hạn hai năm, thông thường, những người phụ nữ này sẽ tìm một người đàn ông chưa vợ để gả đi. Bà Lý, mẹ của Rắn lại không như vậy. Lúc ấy, cái Sẻ chỉ mới lên hai, bập bẹ gọi mẹ, thằng Nhì lên tám rơm rớm nước mắt nhìn bà, người phụ nữ chưa đến tứ tuần không hề chần chừ mà lựa chọn ở vậy với con.

Bởi vậy Rắn biết, bề ngoài của mạ tuy mềm mại, hiền lành, thâm tâm của bà lại rất cứng rắn và quyết đoán.

Trong sân, Út Sẻ vẫn còn rải lá dâu lên những cái nong lúc nhúc con tằm. Thấy Rắn về, con bé cười khanh khách chạy đến.

- Anh Rắn! Anh Rắn về!

Rắn cũng vui sướng nhấc bổng em gái lên. Anh cười hỏi.

- Út Sẻ ngoan! Mẹ đâu rồi?

- Mẹ trong lều. Mẹ may áo... à... áo cho anh Rắn cưới vợ!

Rắn tròn mắt ngạc nhiên. Anh nhìn Sẻ, lại nhìn vào cửa lều lớn không bị tấm mành che chắn. Đúng lúc đó, bà Lý cầm tấm áo nâu bước ra. Chạm vào ánh mắt sửng sốt của con, bà chẳng hiểu ra sao.

- Đứng đấy làm chi? Tới đây thử cái áo mạ mới may đây này.

- Áo cho anh Rắn cưới vợ đó!

- Bậy bạ!

Bà Lý nạt con. Út Sẻ tiu nghỉu nhìn mạ, lại nhìn cái áo nâu. Trong cái đầu bé xíu của nó, những lần nó thấy những cái áo màu chàm mới tinh như vậy đều là mạ của ai đó may cho con trai mặc đi cưới vợ. Nó đã được đi xem tục cưới hỏi hai lần ở nhà anh Phi và nhà chị Hạ. Bà Lý không để ý mấy tới những suy nghĩ nhảy cóc tào lao của đứa con gái nhỏ. Bà ngoắc tay, gọi Rắn đến gần. Anh bế Sẻ, vừa đi vừa hỏi.

- Sao tự nhiên mạ may áo cho con?

Bà Lý đợi Rắn thả Sẻ xuống mới ướm cái áo lên người anh. Nụ cười hiền lành, ánh mắt ấm áp của bà bao phủ lấy đứa con trai lớn.

- Áo của mi sờn hết cả, vá cũng vá chẳng nổi. Không may mới thì để mi mặc áo rách đi dẫn đội à?

Rắn chợt cười hì hì.

- Mạ cất áo mới hộ con đi. Chuyến này đi rừng mấy ngày, mặc cái áo cũ để có rách con không tiếc.

Chiếc áo màu chàm còn thơm mùi vải mới cứ vậy mà trượt khỏi tay mạ. Bà trợn mắt nhìn đăm đằm vào con.

- Đi mấy ngày là đi làm sao? Mi nói cho rõ ràng cho mạ!

- Thì...

Rắn cũng gặp khó. Lần thứ hai anh nhìn thấy vẻ dữ dằn đó trên mặt mạ mình. Cũng may Tù vác nửa con lợn đến kịp lúc.

- Rắn sẽ đi với con. Chúng con đi tìm đất mới để dời bộ lạc mạ ạ.

- Nhưng mấy ngày là đi làm sao? Bọn mi không biết có bao nhiêu thứ quỷ quái rình rập bên ngoài bộ lạc vào ban đêm hả mà đòi đi tận mấy ngày. Bọn mi muốn tự sát, bỏ lại mạ, bỏ lại ông Lũ, bà Hòe phải không?

Rồi như bản năng của bất kỳ người làm mạ nào, bà Lý ngồi thụp xuống đất, gào lên mà khóc. Tù mím môi nhìn hốc mắt cũng hơi hoe hoe đỏ của Rắn. Anh giao nửa con lợn nòi cho Rắn, xua anh đem vào nhà. Con Sẻ thấy Tù thì bám rịt vào chân Rắn, anh đi nó cũng lẽo đẽo bám sát theo sau. Chỉ còn lại mình và bà Lý, Tù ngồi xuống trước mặt bà. Anh chậm rãi nói từng tiếng một.

- Chúng con có mang thuốc bùa của bà thầy, sẽ không bị quỷ quái xâm phạm. Chúng con không sợ thú rừng vì chúng không đấu lại nếu con và Rắn còn chịu hợp tác cùng nhau. Trên đường đi bởi có nguy hiểm gian nan nên con mới cần có Rắn. Mạ ơi, đừng khóc nữa. Xin mạ yên tâm. Chỉ cần con còn sống, con sẽ không để Rắn xây xước thêm một chút nào nữa. Tin con được không mạ?

Bà Lý vẫn còn khóc, nhưng bà đã quẹt đi hơi nước làm nhòe mắt mình. Bà nhìn thẳng vào ánh mắt bình tĩnh của Tù, đọc được cảm xúc chân thật nhất bên trong đôi mắt đó. Bất giác, người phụ nữ mất chồng thở hắt ra một hơi, cũng không biết có yên tâm giao phó con mình cho người con trai trước mặt hay không.

Truyện cùng tác giả