bởi Lăng Tranh

2
1
1688 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4: Cạo râu thì là lắm sao?


Tù còn kể thêm vài chuyện mà anh gặp trên đường cho Rắn nghe. Tiếng rù rì quẩn quanh cái lều nhỏ tối om một lúc lâu sau mới tắt hẳn. Lặng lẽ lắng nghe tiếng ngáy của người gối trên đầu vai mình, một cảm giác nhẹ nhõm chợt nảy lên trong lòng Tù. Nụ cười rất mỏng hiện ra trên môi anh nhưng bị hàm râu xồm xàm và màn đêm cất đi thật kỹ. Chẳng mấy chốc, Tù cũng chìm vào cơn mộng đẹp.

Khi Tù thức dậy, người bên cạnh đã ra khỏi lều tự khi nào. Trong lều vẫn tối om, chỉ vài tia sáng mạnh lọt qua khe hở, rọi xuống đất là dấu hiệu cho thấy mặt trời đã lên cao. Tù đưa tay lên dụi mắt vài cái cho bớt nhập nhèm rồi nhỏm dậy, loạng choạng đi ra cửa. Tấm bạt bị kéo lên khiến ánh sáng mạnh đột ngột tràn vào trong làm Tù phải nhắm tịt mắt, chờ một lúc để làm quen với ánh sáng. Mặt trời đã lên ngang ngọn tre cuối làng, đỏ hỏn màu lòng đỏ quả trứng gà. Đưa mắt nhìn ra sân, anh thấy em gái của Rắn đang ngồi một mình rải lá dâu cho tằm ăn. Năm nay, Sẻ mới lên năm, chưa làm được việc nặng nên hay được mẹ giao nhiệm vụ cho tằm ăn hoặc đuổi chim ở sân phơi sau những vụ mùa. Nó ngồi quay đầu ra đường nên không thấy Tù. Đợi khi anh bước đến gần bên cạnh, gọi tên nó, nó mới giật bắn người, suýt thì té ngửa, được Tù đỡ lấy, nó còn giãy giụa ghê hơn. Người con trai bặm trợn thở dài. Bất thình lình, anh nghiêm giọng quát.

- Yên!

Cả người con Sẻ lập tức cứng lại như một khúc củi. Tù lại thở dài. Anh đỡ cho nó ngồi ngay ngắn trên ghế rồi hỏi.

- Anh mi đâu?

Sẻ không dám nhìn thẳng vào mặt Tù, nó rụt cổ, nhìn xuống đất. Hai ngón tay cái vô thức cấu liên tục vào những lá dâu đã xắt thành sợi. Nó lí nhí.

- Ảnh... ra... ra sân phơi.

Tù gật đầu. Anh xoa lên mái đầu nhỏ xíu của con bé.

- Ngoan!

Cái giọng khàn đục và cụt ngủn của Tù chỉ càng khiến Sẻ thấy sợ hơn. Mặc dù từ bé xíu, trong ký ức của nó luôn tồn tại người anh trai đi về chung với anh cả này, nhưng nó chưa bao giờ hết sợ anh. Đợi bước chân Tù đã đi thật xa, con bé mới dám ngước ánh mắt rơm rớm của mình lên, lén lút nhìn theo.

Tù quay về nhà rửa mặt. Nước trong khạp vào buổi sáng vẫn còn lạnh, táp vào trong mặt chỉ thấy khoan khoái vô cùng. Tù rửa mặt qua loa, định bụng cứ vậy mà ra lều lớn hỏi mẹ cái gì đó lấp bụng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, anh chợt nhớ đến ánh mắt của Rắn khi nhìn mình bên đống lửa tối qua. Câu nói của đối phương cứ lặp đi lặp lại mãi bên tai.

“Mi cạo râu đi”.

“Mi xấu lắm”!

...

Bà Hòe thức từ khi trời còn chưa sáng. Mỗi ngày bà đều nấu cháo, luộc củ mài hoặc một món gì đó để hai cha con Tù lấp đầy bụng. Buổi sáng nay, ông Lũ đã ăn xong và ra cửa. Phần cháo của Tù được đặt cạnh bếp lửa để giữ ấm. Việc bếp nút không tốn quá nhiều thì giờ của bà bằng việc xe sợi, dệt vải. Khung cửi được ông Lũ dời ra ngoài cửa trước khi ông đi. Bà Hòe đang ngồi luồn con thoi qua các sợi dọc, nghe tiếng bước chân con, nhìn thấy cái bóng kéo dài dưới mặt đất, bà nói.

- Cháo nấu với rau xanh mẹ để cạnh bếp, ăn đi cho nóng.

Cái bóng của Tù vẫn nằm yên tại chỗ. Bà nghe con hỏi.

- Bố đi đâu hả mẹ?

- Ừ, bố mi đi tới nhà bà thầy, nói là xin cái bùa chi đấy.

Vừa nói, bà Hòe vừa ngẩng lên nhìn Tù. Con thoi trên tay bà chợt lơi ra, xoay tròn theo sợi chỉ, rớt xuống, lăn lộc cộc dưới nền đất. Bà há hốc mồm nhìn đứa con trai lạ lẫm trước mặt.

Đúng vậy. Tù đã cạo nhẵn bóng bộ râu của mình.

Tù là một người ít chú trọng bề ngoài. Khác với những đứa con trai trong bộ lạc không thích râu tóc xồm xàm vì sợ các chị em chê bôi, khó kiếm bạn tình hay lấy vợ, tính từ lúc bắt đầu lún phún những sợi râu đầu tiên đến nay cũng phải bảy năm, Tù chưa bao giờ động tay tỉa tót hay cạo chúng đi. Hàm râu cứng mọc tua tủa chẳng theo một quy tắc nào khiến cơ thể vốn lực lưỡng quá khổ của anh càng có vẻ xù xì, gai góc. Người già làng mỗi khi nhìn anh đều lắc đầu ngao ngán. Các cụ thường nói:

Bà Hòe nghe mãi rồi cũng quen. Cái quen của nỗi buồn sẽ làm bà chạnh lòng nếu ai nhắc đến nhưng cũng không còn nhiều và day dứt như những ngày đầu. Vậy mà giờ nhìn con, bà cứ ngỡ như đang nằm chiêm bao. Bà đứng dậy, bước tới gần Tù. Bà Hòe thấp lắm. Bà chỉ đứng tới ngực con trai. Với tay lên chạm vào gò má và cái cằm bóng lưỡng của Tù, bà lẩm bẩm.

- Con ma rừng nó nhập mi hở con?

- Không phải.

Tù không mấy để tâm thái độ của mẹ. Anh cầm tay bà kéo xuống rồi đảo bước, đi vào lều. Cháo quả thật còn nóng. Anh ngồi xuống bên bếp lửa, lùa được hai bát to thì thấy bố quầy quả đi vào, trên tay là một bọc vải lớn cỡ hai lòng bàn tay. Ông Lũ ngồi phịch xuống, đặt cây gậy xuống chân ghế, vừa thở hổn hển vừa nói.

- Tao mới xin một quẻ cho mi đấy.

- Rồi sao bố?

- Tao hỏi mi đi tìm đất có thuận lợi không. Bà ấy nói mi quay về bình an.

Nghe vậy, Tù chỉ gật đầu, “ồ” lên một tiếng rồi không tỏ vẻ gì thêm. Anh đang nhìn chăm chú vào gói vải đặt trên đùi của bố. Ông Lũ định giải thích chợt sững ra. Bấy giờ ông mới nhìn rõ mặt con trai.

Thằng này cũng đẹp trai gớm! Đây là suy nghĩ đầu tiên của ông Lũ. Phải công tâm mà nới như vậy. Bỏ qua dáng người to quá khổ, nhìn từ sau lưng hệt như một con gấu của nó, gương mặt Tù không mập không gầy, có đủ góc cạnh. Bên dưới đôi mắt sâu là một sống mũi cao, quặp đôi chút ở phần chóp, bờ môi hơi dày căng mộng của Tù rất dễ vểnh lên nếu anh không bặm nó vào. Dĩ nhiên cạnh hàm và cái cằm đừng bạnh ra sẽ còn đẹp hơn nữa. Ông Lũ tặc lưỡi, tấm tắc việc lạ. Tù hơi khó chịu vì phản ứng thái quá của bố và mẹ. Anh nói lảng sang chuyện khác.

- Cái gì kia bố?

- À!

Ông Lũ nhanh chóng đặt sự chú ý vào chuyện chính. Ông hào hứng mở túi vải ra, đưa tới trước mặt Tù, đợi anh đặt bát cháo xuống, đưa tay ra nhận lấy, ông mới giới thiệu.

- Một nửa đem rắc ra ngoài cổng rào của bộ lạc. Một nửa mang theo. Mi cũng biết tác dụng rồi đó.

Tù gật đầu.

- Con biết. Nhưng sao lần này bà ấy chế được nhiều vậy bố? Con nhớ bố từng kể, trong loại thuốc bùa này có một thứ lá cây rất khó tìm, phải tự thầy cúng hoặc truyền nhân của thầy cúng đích thân vào rừng, đọc bài khấn, xin thần rừng cho phép thì mới hái được mà?

- Ừ, là thằng Thú hái cho bà thầy đó.

- Nó quyết định rồi hả bố?

Ông Lũ hơi khựng lại. Nhớ đến ánh mắt buồn rầu của ông Mưng và vợ, rồi lại nhớ đến câu nói dõng dạc  của Thú, là một người nhìn tất cả lũ trẻ trong bộ lạc lớn lên, nhìn Thú cũng trạc tuổi Tù mà ông thấy hơi chạnh lòng. Ông nói.

- Chắc sau lần tính quẻ bói, bà Đậu gặp thằng Thú nói gì đó. Đến hôm nay bố mới biết nó theo bà ấy học được vài tháng rồi. Đầu xuân, tuyết vừa hóa thành nước thì nó đã vâng theo lời bà thầy, vào rừng tìm lá cho bà ấy.

Ngay cả người ít khi biểu lộ cảm xúc sầu cảm như Tù cũng không nén được tiếng thở dài. Anh nhớ Rắn từng kể, Thú đã có bạn. Đó là con Xinh, người con gái đẹp nhất bộ lạc. Mặc dù Thú thấp bé, không được cường tráng như những người khác, tuổi lại nhỏ hơn Xinh, nhưng cậu trai này rất tỉ mỉ, biết quan sát, lại thông minh, chịu khó. Nghe Rắn nói, cậu ta chiều Xinh lắm. Chẳng biết Thú quyết định như vậy, Xinh có buồn không.

Nghĩ đến việc một đôi có tình không thể đến được với nhau, tự nhiên miệng Tù nhạt thếch. Anh buộc lại túi thuốc bùa, rót hết phần cháo còn trong bát vào miệng rồi đứng lên, thưa với bố để ra sân phơi.

Ông Lũ nói với theo bóng con.

- Chớ có đi ngay. Để mẹ của mi chuẩn bị cơm, gạo với nước uống cho mà đi.

- Con chưa đi ngay đâu bố. Đợi con bàn với Rắn rồi thưa lại với bố sau.

Dứt lời, bóng Tù cũng đã ra tới ngoài đường đất cặp mé sông.

Truyện cùng tác giả