Chương 5.
Thời gian như thoi đưa, chẳng mấy chốc hắn đã quen với công việc mới. Công việc vất vả, đồng lương lại không nhiều nhưng ít ra người hắn cưu mang không phải chết đói. Với cả, hắn chịu khó được, tranh thủ xong việc buổi sớm, hắn đi về lại chạy vài cuốc xe ôm đến chiều tối. Thế là cũng qua ngày. Đôi lúc hắn cũng túng, nhưng may có hàng xóm thương tình và anh em làm chung giúp đỡ rồi cũng qua. Ăn trước trả sau riết cũng thành quen, dù hơi khó chịu một chút. Cơ mà, hắn tự hào là chưa giật nợ của ai bao giờ.
Sáng nay đi làm về, hắn sẵn tiện ghé qua nhà ông già. Hắn mua cho ông vài cân gạo và một ít mắm muối.
Trên chiếc xe lăn cũ kỹ có nhiều chỗ đã hoen gỉ, ông già nheo nheo mắt nhìn hắn rồi hỏi:
- Mày đi làm ổn không?
Hắn vừa cắm cho ông già nồi cơm vừa trả lời:
- Cũng ổn. Mà ông lo gì? Kiểu gì tôi cũng không để ông đói.
- Thì tao hỏi thăm vậy, chứ tao thấy nay mày gầy và đen quá, xem mà tẩm bổ vào. Hôm nào chở thằng cu qua chơi với tao bữa. Lần trước, chưa chơi nóng đít đã về rồi.
- Dạo này nó hay khò khè nhiều, ra nắng ra mưa tí về bệnh nặng càng mệt hơn. Thôi hôm nào nó khỏe tôi chở qua. Nay nó chẫm chẫm đứng chựng rồi, ghét lắm.
- Ừ, vậy cũng được.
Nói với nhau dăm ba câu nữa thì hắn về rước khách. Chở khách được nửa đường thì hắn có điện thoại. Nhận tin thằng nhỏ bị sốt co giật được đưa đi viện mà hắn giật nẩy người. Mặt hắn cắt không còn giọt máu, vội hối thúc khách xuống xe.
Chị khách to béo mặt hầm hầm:
- Tôi đang vội lắm, cậu chở tôi qua đó rồi muốn đi đâu thì đi.
Bà nó chứ, đi Xì - Pa hút mỡ bụng chứ có phải làm giám đốc đâu mà gấp với vội. Việc của ông đây còn vội hơn bà nhiều. Hắn bực mình ngẫm nghĩ trong bụng nhưng cũng không dám lên tiếng trách móc, sợ mất lòng khách mối.
- Chị thông cảm, em có việc. Con em nó nhập viện nên em phải qua đó xem thế nào.
- Thì đã có người nhà cậu ở đó rồi, qua muộn chút có sao. Tôi gấp lắm. Cậu không chở đến nơi thì đừng hòng lấy luôn tiền xe hôm qua.
- Thế thì tùy chị.
- Ơ cái cậu này, nghèo mà còn ra vẻ sang chảnh.
Người phụ nữ ngang ngược này bắt đầu làm hắn nóng máu rồi. Đâu phải con bà nên bà đâu có xót.
- Thế giàu như chị sao không đi tắc xi mà thuê cái thằng xe ôm cà tàng này chi vậy? Bắt xe khác mà đi cho sang nhá.
Hắn lầm bầm mắng lại rồi quay xe bỏ đi một mạch. Bà ta tức tối chửi ầm sau lưng cho đến khi bóng hắn mất hút.
***
Thằng nhỏ nằm chèo queo nơi phòng cấp cứu, hắn nhìn mà xót vô cùng. Nghe bác sĩ nói sốt siêu vi gì đấy, mà sốt cao quá nên mới bị giật, giờ thì đã ổn rồi. Hắn thở phào, chỉ lo bệnh tim của thằng nhỏ trở nặng thì hắn không biết xoay sở thế nào. Đúng là ở hiền gặp lành.
Chị hàng xóm phải trở về lo cho cu con ở nhà, lúc nãy vì đi vội nên gửi cho bà bác kế bên mà chưa kịp lo ăn uống gì cho thằng nhỏ cả. Thế là chỉ còn lại hai bố con hắn trông nhau ở viện. Vì thằng nhỏ có sẵn bệnh nền nên bác sĩ bảo ở lại viện theo dõi vài hôm. Xuống nhận phòng xong hắn bồng thằng nhỏ qua đóng viện phí. Trong lúc ngồi chờ, hắn vô tình thấy một bóng dáng quen quen từ xa. Hắn nhìn kỹ rồi bế thằng nhỏ chạy theo gọi lớn.
- Chị gì ơi!
Người phụ nữ nghe gọi thì theo phản xạ quay lại. Thấy một thanh niên bế đứa bé trên tay đang đứng rất gần thì cả người sững sờ. Nơi lồng ngực nhói lên, hai hốc mắt bắt đầu tứa ra dòng lệ ấm. Đứng tần ngần giây lát, chị mới dần lấy lại bình tĩnh mà hỏi:
- Cậu... Cậu... Sao lại ở đây?
Hắn hít thở đều, đánh ánh mắt lên nhìn thằng nhỏ rồi đáp:
- Thằng nhỏ đang nằm viện ở đây. Chị đi khám bệnh à?
- Không, con gái tôi cũng đang nằm viện. Mà nó bị làm sao à cậu?
Vừa rối rít hỏi, người phụ nữ vừa nắm lấy tay thằng bé rồi sờ lên mặt nó, trong ánh mắt chứa đầy sự yêu thương lẫn hối lỗi.
- Sốt siêu vi thôi, không sao. Chị còn một đứa con à? Hôm trước tôi có đi tìm chị mà không gặp...
- Cậu đã đến tìm tôi ư? - Người phụ nữ bất ngờ đến ngây người.
- Vâng, tôi tìm theo địa chỉ trên tờ bệnh án. Mà đến nơi mới biết chị không sống ở đó nữa.
Bấy giờ, người phụ nữ lại bật khóc. Từ ngày bỏ rơi thằng nhỏ, chị cứ dằn vặt bản thân mình mãi. Chị ăn năn muốn xin lại mà người ta không đồng ý nên chị càng hối hận nhiều hơn. Chị đã từng có ý định quay lại để cầu xin hắn thêm lần nữa, nhưng chưa kịp thực hiện đã xảy ra biến cố. Bà chủ trọ không cho mẹ con chị tiếp tục khất nợ, thẳng tay đuổi cổ hai mẹ con ra đường.
Chị cầm xấp vé số trên tay, nuốt ngược nước mắt vào trong đi bán cho hết, cố tìm một ít đồng lời mà năn nỉ người ta thuê căn trọ khác. Nhưng ngoài cái khu ổ chuột tồi tàn kia dám dung chứa mẹ con chị ra, thì còn nơi nào có thể nhận khi chị không có bất cứ giấy tờ tùy thân gì hết. Ngay cả cái chứng minh thư chứng nhận quyền công dân cũng bị lão chồng cũ đốt sạch trong một cơn say rồi còn đâu.
Thôi. Ý nghĩ nhận lại thằng nhỏ của chị bị dập tắt từ đó. Kể ra nó ở cùng hắn còn được ăn ngon mặc đẹp, may nữa thì được chữa trị bệnh tình, vẫn hơn theo chị mà lang thang đầu đường xó chợ, chỉ có thể lấy gầm cầu làm chỗ che mưa nắng.