128
18
2366 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 5: Mưu Tính Của Nguyễn Kỵ (1)


Lam nhíu mày nghi hoặc, song không hỏi thêm gì, chỉ rón rén vào khoác lại chiếc áo vừa cởi rồi hất cằm ra hiệu cho Dương Ngang dẫn đường. Gã hậm hực xăm xăm mà bước, không để ý Lam phía sau có đuổi kịp hay không. Cũng may sải bước của nàng nhỉnh hơn gã chút ít, vả lại nàng không còn lạ nước lạ cái như hồi mới đến nên chẳng mấy chốc đã sóng vai đi. Liếc thấy gã cộc cằn hơn ngày thường, nàng nhếch môi:


- Người nào không biết còn tưởng tôi giành ngãi nhân gì với anh đấy!


- Bớt láo lếu! 


Gã càng bực dọc nàng càng lấy làm lạ, nhưng muốn đào sâu việc ấy mà muốn thăm dò ý đồ của Nguyễn Kỵ hơn. Tiệc đã tàn, trời lại tối đến độ này hắn còn tìm nàng làm gì nhỉ?


- Anh có biết ông lớn tìm tôi làm gì không? 


Lam hắng giọng, hoà nhã hỏi Dương Ngang, đổi lại là cái liếc xéo khó chịu của gã. Có lẽ gã vẫn tức mình vì nàng gọi Nguyễn Kỵ là "ông lớn" chứ không phải "vương gia" như người khác. 


Khi Lam nghĩ Dương Ngang không buồn đáp và im lặng đến cuối đường, thì thình lình giọng gã vang lên:


- Nỏ biết! Nhưng mi cẩn thận cho tau. Nếu mần chi hại tới vương gia thì...


- Thì thế nào? - Lam nhướng mày - Bên ngoài không có người gác chờ hầu chắc? Hơn nữa, ông ấy chỉ uống say chứ có phải con nít lên ba mà để yên cho tôi động tay động chân?! Điền Việt đất rộng người đông, tôi còn mang theo đứa cháu nhỏ, hai cậu cháu trên dao dưới thớt, lấy đâu ra gan giời để hại người ở đây? Có mà điên mới giở trò. Lo xa quá đấy anh ạ.


Vừa đi vừa nói, chẳng mấy chốc hai người đã đến trước chính tẩm của Nguyễn Kỵ, cũng là phòng nghị sự duy nhất ở trại này. Nhác thấy cánh cửa mở sẵn, Dương Ngang mấp máy môi, muốn nói lại thôi. Gã để Lam đứng chờ bên ngoài còn mình vào trong bẩm báo rồi nhanh chóng trở ra, ra lệnh:


- Vô!


Đoạn, gã đi một mạch khỏi phòng nghị sự, không nán lại thêm khắc nào.


Từ lúc bước vào sân Lam đã dáo dác mắt, nhìn ngó cẩn thận. Nơi này tuy là chính tẩm nhưng không có lấy một người hầu gác cửa. Bây giờ Dương Ngang đã về, nếu bên trong cũng không có ai ngoài Nguyễn Kỵ, phải chăng hắn đã quá bất cẩn? Cũng có khi do hắn cả tin, nhưng Lam thiên về trạng huống thứ nhất hơn. Hẳn là Nguyễn Kỵ đã mù mờ với người và việc xung quanh vì bữa rượu vừa nãy. 


Gác lại suy nghĩ, Lam nhấc chân bước qua ngạch cửa, khom người hô chào bóng lưng Nguyễn Kỵ cho đến khi hắn quay đầu. Gò má và trán Nguyễn Kỵ ửng đỏ, đôi mắt híp lại, miệng luôn mỉm chi. Hắn vỗ vỗ trán, thở dài ra chiều mệt mỏi:


- Anh đóng cửa giúp ta.


Sau tiếng cửa gỗ kẽo kẹt khép lại, chính tẩm dần trở nên lặng thinh, u ám. Nguyễn Kỵ dẫn đầu sang gian bên, không nói không rằng mà ngồi xuống sập rót nước. Tiếng nước róc rách khuấy động tâm trí Lam mất một lúc. Nàng chỉ bình tĩnh lại khi Nguyễn Kỵ vừa đưa cốc nước cho nàng, vừa giục:


- Trà mạn ni. Nỏ độc. 


Lam gật đầu thưa "vâng", vẫn đón cốc trà bằng thái độ hết sức e dè. Thấy nàng ngửa đầu uống rồi Nguyễn Kỵ mới rót cho mình một cốc khác. Hắn nhấp môi, tặc lưỡi hít hà, đôi mắt càng híp lại như đê mê trong cái đắng chát đang xoắn lấy răng lưỡi. Buông miệng cốc khỏi môi, Nguyễn Kỵ nom tỉnh táo lên đôi chút. Hắn ngồi thẳng thớm, hỏi Lam:


- Anh biết răng mà ta kêu anh ra ni không?


- Thưa, không ạ.


- Rứa anh đã đoán chưa? 


Thay vì lắc hoặc gật đầu một cách quả quyết, Lam chỉ nhoẻn môi. Nguyễn Kỵ gật gù ra chiều đã rõ, song như còn phân vân điều gì, ngón trỏ của hắn cứ gõ hoài trên khay trà. Thời gian chầm chậm trôi qua, nếu không có tiếng cười trầm trầm của Nguyễn Kỵ, Lam ngỡ mình và vạn vật đã hoá đá. Nàng giậm giậm đôi chân đã tê, bắt đầu mất kiên nhẫn:


- Đêm nay anh em quá chén, chắc ông cũng mệt rồi. Tôi xin...


- Ta muốn biết anh đã cân nhắc lời ta trong thư chưa. - Nguyễn Kỵ ngắt lời Lam, thẳng thắn.


Lam cụp mắt:


- Còn chưa thỏa nghĩ. 


- Anh biết hùng tâm tráng chí của ta từ lần đầu gặp mặt. Ta tin anh với ta chung chí hướng, răng anh còn phân vân? Hiện chừ nỏ vội, ta còn có thể chờ anh ít hôm, rồi bữa sau anh lại trả lời ta. Chỉ cần anh nhớ, phò tá ta thì tương lai rộng mở, bạc vàng đầy nhà, giai nhân đầu ấp tay kề, lợi lộc mê khôn kể...


Nguyễn Kỵ bỏ lửng câu nói khiến Lam thoáng dừng suy nghĩ, chợt nhớ đến thị Vũ. Lẽ nào thị cũng là nước cờ để hắn chiêu dụ người khác đầu quân? Và, chỉ một mình thị phải làm tốt thí, hay là còn ai khác? 


Rồi Nguyễn Kỵ nói tiếp, buộc Lam phải rời khỏi ý nghĩ bất chợt:


- Hơn mười ngày anh ở lại trại ni chắc nỏ thăm thú suông. Ta ăn nói kém, ý mê lời ít, rứa... mong anh hiểu cho.


- Hoặc là đồng ý bây giờ, hoặc là để ít hôm mới đồng ý, có khác gì nhau mà phải dây dưa lần lữa. Tôi quyết định bây giờ cũng chẳng sao cả, có điều... - Lam cười miễn cưỡng - Tôi vẫn chưa hiểu, tôi là hành khất ất ơ, có biết gì mà giúp được ông? Chưa kể, làm sao ông chắc tôi giúp ông chứ không hại ông và trại Điền Việt?!


Nguyễn Kỵ không trả lời ngay mà thong thả rót cho mình một cốc trà khác. Hắn thổi vài hơi xua khói, từ tốn kể:


- Anh đi ni đi tê, chắc từng nghe câu"Tháng tám giao long gầm sông Lương, tháng chín nhện bầy ăn lúa cống, đầu đông tu hú bay ra bắc"[1].Ni là lời của một tay khách lạ lúc hắn ghé Nghệ An. Lời càng đồn càng rộng, nhưng hồi nớ nỏ ai tin, coi như câu vè mua vui. Từ lúc Lương Giang có kẻ tự xưng là Linh Đức đại vương chạy nạn từ Thăng Long vô ni, người ta mới bắt đầu suy nghĩ lại. - Đôi mắt ngà ngà của Nguyễn Kỵ đột nhiên sáng rỡ, nhìn Lam chăm chú, nói như tự bạch - Giao long có chữ "long"nhưng nỏ phải rồng, ý nói tháng tám có người mạo xưng Linh Đức đại vương đến Lương Giang chạy nạn. Nhện chăng tơ làm bẫy đón đường con mồi, đằng ni có cả bầy, càng giống với bọn cướp phục sẵn chờ người đi ngang. Nông Cống lại có nghĩa là vùng trồng với cống nhiều lúa gạo; nên vế tiếp theo nói tháng chín có bầy cướp nổi lên ở Nông Cống, vơ vét, "đánh chén" vùng ni. Vẫn còn vế“đầu đông", song chuyện chưa tới, chừ chưa nghiệm được. 


Lam khom người tránh ánh mắt sâu như xoáy của Nguyễn Kỵ, nói: 


- Tôi có nghe. Nhưng không rõ lời tên thầy bói đó và việc ông tin tôi có gì liên quan với nhau?


- Có chớ! - Nguyễn Kỵ nhếch môi - Anh là hắn mà!


Đoạn, Nguyễn Kỵ cười, gò má đẩy lên cao ép cho đôi mắt nhíu lại. Chỉ liếc nhìn thôi Lam đã rợn người trước nụ cười của hắn, bèn theo thói quen dáo dác nhìn hòng tính sẵn kế thoát thân. Ngặt nỗi khi nàng bước vào cửa nẻo đã được đóng kín. Đêm nay lại là đêm chè chén, nếu nàng có bất trắc Nguyễn Kỵ chỉ việc bảo nhỡ tay là xong. Nhưng Điền Việt là địa bàn của hắn, hắn là cướp, đâu cần giải thích những việc mình làm?! 


Xem ra chuyện không có ai gác đêm có cái lý riêng của nó. Rõ ràng nàng phải hiểu, người muốn nắm quyền lực trong tay sẽ hiếm khi làm điều thừa thãi.


Lúc Lam nhận ra mình nên thỏa hiệp hơn là cứng rắn, Nguyễn Kỵ đã đứng trước mặt nàng rồi. So về chiều cao Lam không có vẻ lép vế vì nàng nhỉnh hơn Nguyễn Kỵ một chút, đọ về ánh mắt càng chẳng ai hơn ai. Đáy mắt Nguyễn Kỵ có đầm lửa đang chực chờ lan rộng ra đồng khô, còn ánh nhìn của Lam lại như nước trong ao, tĩnh tại và không xao động, đến độ lạnh bạc bất cần. 


Đáng tiếc, khi Nguyễn Kỵ chưa kịp săm soi gì thêm từ đôi mắt ấy, Lam đã lẳng lặng cụp mắt, lùi bước rồi. Chẳng những thế, câu tiếp theo Lam nói cũng nằm ngoài dự kiến ban đầu của hắn. 


- Là tôi.


- Ồ! - Nguyễn Kỵ nhướng mắt, bật cười - Rứa mà ta còn lo anh chối. Đến ni chắc anh cũng biết ý ta là chi rồi. Bảo là quân sư thì nỏ đúng, nhưng chí ít anh cũng được hậu đãi, coi trọng ngang Tư thiên giám trên Thăng Long. Đó là nếu anh đi theo ta...


- Thứ cho tôi việc này. Tôi chỉ có thể giúp ông... toàn mạng - Trước ánh mắt sâu dần của Nguyễn Kỵ, Lam tần ngần tiếp lời dang dở - Còn chuyện thành bại, chắc là khó được như mong muốn.


Nghe Lam nói vậy, Nguyễn Kỵ rơi vào trầm tư. Hắn vừa sờ cằm vừa xoay người đi về phía sập, lững thững cất tiếng:


- Chuyện nớ cả thiên tử còn nỏ biết, huống chi là ta hay anh. Ta có cần kết quả mô! Ta cần sự ủng hộ của anh thôi!


Cho dù anh chỉ là phường phờ phỉnh ăn may. Cho dù, anh có là con dao hai lưỡi.


Thời li loạn, giữa quần hùng, muốn cát cứ và trở thành một thế lực có sức uy hiếp đến các bên còn lại, kẻ đứng đầu luôn khao khát binh quyền lẫn thần quyền. Cái danh bói toán Lam đang mang chính là thứ Nguyễn Kỵ muốn có và phải có. Không cần biết Lam có thực sự tài hoa như lời đồn sau khi bài vè ứng nghiệm, hắn chỉ cần “danh” đó, để đủ sức thao túng người xứ này, mà trước hết là trại Điền Việt. Nhưng xem chừng Lam là người thức thời, mà người thức thời đôi khi khó giữ lòng trung; hắn lại không thể tráo trở, vừa hứa trăm điều đó đã lật lọng, dọa giết ngay. Làm thế chỉ gia thêm tội vào việc đánh cướp bây giờ của hắn, khó khiến dân chúng quy phục sau này. 


Rất may, thứ hắn có là thời gian. Hắn tin chỉ cần bị cầm chân ở đây đủ lâu, chịu ân hắn đủ sâu và gần gũi với người trong trại đủ nhiều, người thanh niên ấy sẽ thật lòng giúp đỡ hắn gầy dựng cơ đồ, bá nghiệp.


Cuộc thương thuyết giữa đêm cứ thế chấm dứt bằng việc Lam suy tư trở ra, và Nguyễn Kỵ ở lại với nụ cười có phần ung dung, chắc thắng. 


Đêm đó, sau khi về, Lam thức trắng. Nàng tưởng mình đã an toàn vì lường hết ý đồ của Nguyễn Kỵ, thậm chí không lường hết cũng chẳng sao vì suy cho cùng, Nguyễn Kỵ và người trại này là giặc cướp, sớm muộn cũng bị triều đình mang quân xuống diệt. Hoá ra vẫn còn thứ nàng không lường được, đó là quyết tâm xưng hùng không được chép trong sử sách của hắn. Điều ấy khiến Lam tò mò, sinh nghi. Thay vì được thôi thúc trốn đi như ban đầu, bây giờ, nàng muốn ở lại trại Điền Việt thăm dò nước đi tiếp theo của Nguyễn Kỵ hơn. Có lẽ ẩn đằng sau đôi dòng đơn giản“Tháng chín, người Nông Cống là Nguyễn Kỵ tụ họp bè lũ đi cướp, tự xưng là Lỗ vương Điền Kỵ”[2] là điều gì đó ảnh hưởng đến thế cục của cả lộ Thanh Hóa.


Song việc gây cho Lam bất ngờ vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong vòng nửa tháng sau đó, nàng vụt trở thành người có tiếng nói nhất nhì trại Điền Việt, chỉ xếp sau Nguyễn Kỵ và vài kẻ thân tín. Người trong trại cũng không còn ghét nàng như hồi mới đến, trừ Dương Ngang. Gã vẫn lầm lì và ưa dọa nạt mỗi khi trông thấy nàng, dù lần nào nàng cũng nhếch môi không buồn đáp trả khiến gã tức tối. 


Nhớ đến người đàn ông nọ, Lam hết cách, chỉ biết lắc đầu thở dài. Được kẻ ngu trung như Dương Ngang đi theo, với Nguyễn Kỵ không biết là phúc hay họa.


_________


Chú thích:


[1] Tháng tám giao long gầm sông Lương, tháng chín nhện bầy ăn lúa cống, đầu đông tu hú bay ra bắc: đây là chi tiết hư cấu của tác giả, hoàn toàn không có thật trong lịch sử.


[2] Tháng chín, người Nông Cống là Nguyễn Kỵ tụ họp bè lũ đi cướp, tự xưng là Lỗ vương Điền Kỵ: trích Đại Việt Sử ký toàn thư trang 416 quyển VIII, Kỷ nhà Trần, Thuận Tôn hoàng đế (bản in NXB Thời Đại).