Chương 4: Đi Dễ Khó Về (2)
Qua gần mười ngày ở lại trại Điền Việt, nhiều nghi vấn trong lòng Lam dần dần sáng tỏ. Do không bị hạn chế việc đi lại, nàng thường đến bếp chính ở phía nam trại giúp nhặt rau, bổ củi hoặc phân phát thức ăn vào những giờ cơm. Dần dà nàng kết thân với nhóm nô hầu và người nấu bếp ở đấy, được nghe họ kể vài việc quan trọng, qua đó mà xác nhận những dự đoán trong lòng.
Ví như, trại Điền Việt thuở đầu không có tên, do cha của Nguyễn Kỵ lập nên, là một trang trại trồng đay, nuôi tằm dệt vải và chăn nuôi ít gia cầm, trồng ít rau để có thức mà tự túc. Ví như, quê cha đất tổ của Nguyễn Kỵ không phải Thanh Hoá mà ở phía bắc, song không rõ lộ nào. Ví như, Nguyễn Kỵ từ nhỏ đã có tài học nhanh nhớ lâu, lại được cha tạo điều kiện văn thao võ luyện nên kể như một thân toàn tài. Tuy vậy, tính tình Nguyễn Kỵ nóng nảy, chuyên quyền chứ không ôn hoà như cha hắn. Việc hắn nổi dậy cướp của dân Nông Cống không được quá nhiều người đồng ý. Số người còn ở lại trại chỉ bằng một nửa trước đó, vì nghĩa và vì cùng quẫn hoặc có kẻ tận tụy ngu trung.
Trong số những người hiếm hoi ủng hộ Nguyễn Kỵ, kẻ hết lòng nhất là Dương Ngang. Cũng chính vì lòng trung tột cùng mà Dương Ngang ghét Lam ra mặt. Xưa nay ai cũng nói đàn ông ruột để ngoài da, không nề hà chuyện kết giao hảo hữu. Song xem ra, vì Nguyễn Kỵ, Dương Ngang biến mình thành người chi li. Gã tính toán từng chút một với Lam, hễ thấy nàng ngơi tay lại bày việc nặng cho làm, ngoài miệng lại bảo là giúp nàng quen việc. Nếu hai người có việc phải đến gần bàn bạc với nhau, Dương Ngang luôn đứng yên như trời trồng, mặc nàng muốn thì đi, không thì thôi.
Sự chi li của gã đôi khi buồn cười và thái quá đến mức ấu trĩ, nhưng Lam đành phải chiều theo. Nàng là người ngoài trại, đến đây ăn nhờ ở đậu nên không dám chống đối dù chỉ nửa lời. Thật tâm nàng cũng không buồn chống đối gã, vì như thế chỉ gây thêm phiền phức. Mà nàng với trại Điền Việt này càng ít liên quan đến nhau càng tốt, kẻo nay mai trở thành bè lũ của Nguyễn Kỵ thì nguy.
Trước rằm tháng chín một ngày, Nguyễn Kỵ bất thần sai người mang thư đến cho Lam dù cả hai chỉ cách nhau mấy lớp nhà và đôi ba khoảng sân nhỏ. Lá thư vẻn vẹn hai mươi dòng, chữ đều tăm tắp, nét bút cứng cáp, bày tỏ chí cầu hiền và lòng hoàn lương của Nguyễn Kỵ. Hắn nói bấy lâu vẫn ngóng trông tin tức triều đình dù thân ở ải xa, đã nghe đồn họ Lê đang làm gió làm mưa một cõi, xúi giục bề trên phế truất thiên tử khi còn mẫn cán, làm việc trái với luân thường. Quyền lực họ Lê đã phủ trùm các cõi nhưng người dưới trướng đa phần yếu kém, không những không tạo phúc mà còn ăn trên xương máu của dân. Vậy nên, vừa rồi hắn dẫn người đi cướp bóc hòng chống đối họ Lê. Nhưng sau khi suy xét, hắn nhận ra sai lầm, có chí hoàn lương. Hắn còn muốn xây dựng trang trại này thành đội quân để phò tá nhà Trần khi cần kíp.
Để hoàn thành tâm nguyện lớn lao đó, Nguyễn Kỵ không thể đơn thương độc mã mà phải có người giúp đỡ. Nhờ linh tính mách bảo, hắn đã chọn Lam ngay từ khi nàng nhắc đến giang sơn.
Lam tranh thủ đọc thư ấy vào giờ nghỉ trưa, khi đã dỗ dành Quảng ngủ lại sau cơn ác mộng và mình cũng ngơi tay. Nàng đọc xong, ngẫm nghĩ đến khi nắng trưa sắp đổ xiên mới gấp giấy cất vào ngăn tủ bỏ không, rồi lại ra chõng, tiếp tục gác tay lên trán mà nghĩ. Hoá ra Nguyễn Kỵ không đơn giản là giặc cỏ như sách đã ghi. Là người cầm đầu cả một trại, đáng lí hắn phải đa nghi, sao lại có việc tin tưởng nàng từ lần gặp gỡ đâu tiên? Hoặc là hắn mê tín, hoặc là hắn đã biết nàng từ lâu rồi, chỉ có hai trường hợp ấy thôi. Trước tiệc rượu đã rào đón như thế, sớm muộn hắn cũng gọi nàng đến hai mặt một lời. Chiều tối nay hoặc mai, mọi sự sẽ dần dần sáng tỏ.
Xế chiều rằm tháng chín, y như hẹn, Nguyễn Kỵ cho người bày tiệc rượu trong trại, mời giáo phường bên ngoài đến hát mua vui. Lam không yên tâm để Quảng một mình ở lại nhà trong nhưng cũng không còn cách nào khác, đành gửi thằng bé cho một bác gái đáng tin ở phòng bếp. Nàng khoác áo dày sẫm màu, một mình đến nhà khách thênh thang, nơi đã được bày sẵn cỗ và rượu. Cứ bốn người ngồi cùng một bàn, mỗi bàn một mâm, đủ các thức thịt cá và rượu thơm dù mùa này vẫn đương đói kém.
Bàn của Lam nằm ở góc khuất, chỉ có ba người. Ngồi cùng nàng là hai người trẻ tuổi lạ mặt, thái độ khiêm nhường hơn bọn bộ hạ thân cận của Nguyễn Kỵ. Dường như họ thuộc nhóm người bị thời thế cưỡng ép ở lại trại. Với mâm cao cỗ đầy, nom họ không quá thiết tha. Họ xem thức ăn như đồ nhắm hơn là món chính, song cũng không để thừa mứa, nếu có thì dành phần riêng cho kẻ dưới trước rồi mới động đũa. Lam vì đấy nảy sinh thiện cảm, ba người từ chỗ im thin thít đã bắt đầu tiếng được tiếng chăng.
Lam không uống rượu, còn những kẻ khác chẳng mấy chốc đã quá một tuần. Kẻ say mặc tình say, người hát vô tình hát. Tiếng linh nhi ngâm ca hoà trong tiết tấu đàn phách đều đều vốn nghe vui tai, nhưng trong chiều nay lại não nề kỳ lạ. Sênh ca mà như nỉ non, than vãn. Thôi thì, cũng đúng. Thời này thế này làm sao hiếm những chuyện tang thương.
Không khí chỉ se chùng một lát rồi rộn ràng trở lại sau khi rượu vào lời ra. Rượu từng chén đổi cả thành vò, tiếng cười mỗi lúc một càn rỡ, giọng linh nhi mỗi lúc một véo von, nhịp đàn phách không khi nào không dồn dập. Sự thong thả ban đầu mất dần, chỉ còn lại những người đàn ông chếnh choáng trong mùi rượu nồng hăng khiến Lam bí bách. Đã mấy lần nàng giằng rộng cổ áo trung đơn cho dễ thở, nhưng vô dụng. Thứ gì đó vẫn âm ỉ cháy hoài trong ngực, vậy nên lửng bụng, nàng buông đũa rời tiệc.
Vừa khi ấy, Nguyễn Kỵ gạt hết bát đũa, đứng hẳn trên bàn của mình, ngửa đầu dốc rượu. Người bên dưới hò nhau nâng vò, tiếng bình gốm va nhau lách tách nối liền bằng tiếng nốc ừng ực. Trên cao, tu xong một ngụm ướt hết cả ngực áo tứ điên, Nguyễn Kỵ thõng tay, mắt ngà ngà nhìn Lam đang đứng ở bậu cửa quay đầu trông lên. Nàng khom người làm lễ xoa thủ [1], đoạn phất áo bước đi, không hay cái nhếch môi toan tính của người ở lại.
Ghé ngang phòng bếp hãy còn sáng đèn để đón Quảng, tiện thể xin một cuộc chuyện trò và vài cốc nước ấm, mãi giờ tuất Lam và Quảng mới quay về phòng.
Quảng khó ngủ, thường phải dỗ hơn nửa canh mới vào giấc. Thành ra, Lam à ơi vỗ về từ chính tuất đến mãn tuất chỉ đủ giúp thằng bé lim dim. Nhưng thấy Lam ngáp vắn ngáp dài, nó hé đôi mắt kèm nhèm, lí nhí:
- Cậu cứ đi ngủ đi ạ. Cháu cũng sắp ngủ rồi, thêm một lát là cháu ngủ ngay thôi.
- Ranh, khéo lo! - Lam cốc yêu vào trán thằng bé, cười cười - Anh ngủ cho chóng là cậu anh được nhờ rồi.
Kéo chăn quá nửa gương mặt, Quảng lầm bầm "vâng ạ" rồi bắt đầu say sưa.
Lam dém lại góc chăn của thằng bé, xem lại cửa nẻo và than đốt trong chậu lần cuối, xong xuôi mới cởi lớp áo viên lĩnh đã nhuốm hơi men và sương đêm, vắt lên sào. Lúc nàng vừa về sập sắp ngủ, bên ngoài đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa. Người đến không quá kiên nhẫn, vừa gõ liên hồi vừa thúc giục. Lam đứng trước mặt gã rồi trông gã cũng chẳng bình tĩnh bao nhiêu, trái lại còn có vẻ nóng nảy, cáu gắt hơn.
Bị quấy giấc lại vốn chẳng ưa gì gã, Lam lạnh nhạt:
- Anh Ngang tìm tôi có việc gì?
Dương Ngang khoanh tay, không buồn nhìn nàng, xẵng giọng:
- Vương gia kêu ra chính tẩm gặp ngài.
__________
Chú thích:
[1] Lễ xoa thủ: "Xoa thủ (叉手) hay còn gọi là Giao thủ lễ (交手禮) là một lối hành lễ rất phổ biến của Trung Quốc thời xưa, được dùng tới tận đầu thời Minh, nhưng phổ biến nhất là vào thời Ngũ Hồ thập lục quốc (304 - 439) cho tới tận Ngũ Đại thập quốc (907-979). Ở Việt Nam, An Nam Chí lược do Lê Tắc biên soạn xác nhận vào thời Trần có sử dụng phương thức hành lễ này. Căn cứ theo bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, ĐVPH xác định trong tranh tồn tại 2 phong cách Xoa thủ khác nhau. Trong đó, Trần Anh Tông dùng lối Xoa thủ mang nặng phong cách Ngũ Đại - Sơ Tống (Có tình tương đồng rất cao với phong cách thể hiện ở tác phẩm Hàn Hy Tái dạ yến đồ); có thể phong cách này đã xuất hiện ở An Nam từ trước thời Trần và được bảo lưu. Riêng với các quan hầu của Anh Tông lại sử dụng lối Xoa thủ mang phong cách muộn hơn của triều đại nhà Tống, khá tương đồng với niên đại của thời Trần. Hiện Đại Việt Phong Hoa chưa khảo được các tài liệu về việc lối hành lễ này từ sau triều đại nhà Trần, tuy nhiên nhiều hiện vật của nhà Hậu Lê phản ánh lối hành lễ này vẫn được tiếp tục duy trì."
Cũng theo Đại Việt Phong Hoa, thế tay khi hành lễ này như sau: "tay phải đặt vào giữa ngón trỏ và ngón cái của tay trái, tay trái hơi khum tùy tay từng người."