Chương 5: Chuyện cũ
“Cậu nghĩ sao?” An Nguyệt hỏi ngược lại Tường Vi.
“Tớ nghĩ, nếu một thủ khoa lại chọn học ở Toán lớp số 2 thì thật là kì lạ.” Tường Vi vừa nói vừa vỗ ‘bẹp’, ‘bẹp’ lên vai An Nguyệt. “An Nguyệt à, cậu đã là thủ khoa rồi, ngày mai cậu sẽ còn phải đứng trước toàn trường để phát biểu nữa đó, cậu không thể sống cuộc đời bình thường như trước đâu.”
An Nguyệt hơi ủ rũ: “Tớ biết mà.”
Họ cùng nhau đi vào quán ăn từ phía cửa sau.
“Nhưng mà, hồi kì trước Trường Khanh cũng học lớp Văn số 3 đúng không? Quân Nhiên thì học lớp số 2. Cậu cũng có thể giống như họ, không cần phải theo học ở toàn những lớp số 1.”
An Nguyệt lắc đầu: “Đã đeo cái danh thủ khoa rồi thì thật khó để người ta phớt lờ mình. Tớ đã xác định là nếu xuất hiện ở lớp số 2 thì bản thân sẽ còn nổi bật hơn nữa. Với cả, cậu có nghĩ là các thầy cô còn tin vào cái lí do phải đi học thêm nhiều của tớ không?”
Tường Vi bĩu môi: “Tin chứ sao không! Chẳng dễ dàng hơn việc tin vào sự thật là cậu chẳng cần học thêm cũng đạt được kết quả tốt đến như vậy à?”
“Tường Vi à, chỉ là may mắn thôi. Tớ chẳng ngại mà nói thật với cậu rằng kì vừa qua đúng là vất vả. Tớ không thể lại chật vật như thế nữa đâu.” An Nguyệt đeo chiếc tạp dề đồng phục của nhân viên quán lên, nói nhỏ: “Cậu đừng tiết lộ với mẹ tớ chuyện này vội nha. Tớ muốn thử... từ từ hỏi ý kiến của mẹ xem sao...”
“Được mà.” Tường Vi gật đầu.
“Với cả, bài phát biểu của thủ khoa những năm trước, của mọi người, những người khác, Trường Khanh chẳng hạn...” An Nguyệt đang đi về hướng quầy thu ngân thì đột ngột quay đầu lại. “... Có thể xem lại trên diễn đàn không?”
“Hả?”
Tường Vi hơi đơ ra.
Ca sáng kết thúc lúc mười một giờ, sau đó là thời gian làm việc của nhân viên ca trưa. An Nguyệt vốn không phải là nhân viên chính thức của cửa tiệm này, cô nào có được trả lương, thế nên có thể nói là nếu như cô muốn nghỉ thì cô cứ nghỉ thôi à. Lúc nãy cô đã “nghỉ giữa giờ” để chạy lên trường xem điểm rồi nên thực ra lúc này An Nguyệt cũng không mệt lắm, nhưng sau khi cô thấy là mẹ mình đã ngồi xuống cùng với mấy nhân viên khác ở cái bàn nhỏ gần cửa sau nhà bếp, chắc là chuẩn bị ăn trưa, thì cô cũng cởi tạp dề của nhân viên ra rồi mon men lại gần.
Mẹ không gọi An Nguyệt lại là vì biết thường ngày cô không ăn trưa vào giờ này, còn nếu muốn ăn thì cũng không phải là không có cơm cho An Nguyệt ăn.
An Nguyệt thực sự lấy bát, lấy đũa, ngồi xuống bên bàn nhưng lại không ăn mà chỉ gắp gắp mấy miếng cho có lệ. Sau khi sắp xếp lại suy nghĩ của mình cho rõ ràng và cụ thể rồi, cô mới mở lời:
“Mẹ ơi... mẹ còn nhớ cũng vào khoảng thời gian này, hồi năm ngoái, cô giáo chủ nhiệm lớp con từng gọi điện đến cho mẹ không?”
Rất hiếm khi nào giáo viên ở An Đằng lại phải gọi điện nói chuyện với phụ huynh học sinh như vậy. Đối với An Đằng, tiêu chí giáo dục hàng đầu của trường luôn là ưu tiên suy nghĩ và quyết định của các em học sinh, chỉ cần nhìn vào cái cơ cấu chọn môn, chọn lớp là biết rồi đó. Tuy nhiên, khi cần thì giáo viên vẫn luôn có danh sách đầy đủ số điện thoại để liên hệ với bất kì phụ huynh nào. Nhưng “khi cần” này cũng chỉ là lúc mà học sinh đó đã phạm phải một lỗi nào đó rất lớn mà bản thân họ không thể giải quyết chỉ trong nội bộ nhà trường, ví dụ như bỏ thi, phá hoại của công, vắng mặt dài ngày trong các môn học… mà thôi. Những tội lỗi ấy thì đương nhiên là không có liên quan hay dính dáng gì đến một học sinh luôn muốn sống một cuộc đời bình thường như An Nguyệt. Lần gọi điện đó là một trường hợp rất đặc biệt.
“Nhớ. Con không chịu học đội tuyển.” Mẹ An Nguyệt đáp. “Cô giáo nói con không được thì đành gọi cho mẹ.”
An Nguyệt dù ở trường hay ở nhà thì cũng đều là một đứa nhỏ rất ngoan ngoãn, hầu như không cãi lời người lớn bao giờ… chỉ trừ vụ học đội tuyển đấy.
Hồi đó cô giáo chủ nhiệm muốn An Nguyệt vào đội tuyển Toán của trường. An Nguyệt không phải là người duy nhất trong lớp 10D mà học Toán giỏi, nhưng những người khác đều đã có những lựa chọn đội tuyển của riêng mình, dẫn đến tình huống nếu như An Nguyệt từ chối thì thành ra lớp D chẳng có ai trong đội tuyển Toán cả. Chuyện này có bình thường không? Cũng bình thường thôi vì cả khối cũng chỉ chọn có năm người vào đội tuyển. Giả dụ như mỗi học sinh đến từ các lớp khác nhau thì cũng phải có đến ba lớp không đóng góp một học sinh nào. Cái éo le là, cô giáo chủ nhiệm lớp D là một giáo viên dạy Toán. An Nguyệt hoàn toàn hiểu được vì sao cô lại mong muốn có một học sinh từ lớp mình tham gia vào đội tuyển Toán đến như thế. Nhưng An Nguyệt chỉ hiểu thôi. Cô không thể thay đổi suy nghĩ và quyết định của mình. An Nguyệt không thích học đội tuyển. Nếu như An Nguyệt đã chọn một đội tuyển nào đó, văn anh hóa sinh sử gì cũng được, chắc có lẽ cô giáo chủ nhiệm cũng sẽ không cố gắng đến như thế với trường hợp này, nhưng An Nguyệt cứ như cố tình trêu ngươi cô mà chẳng vào bất kì đội tuyển nào cả, chỉ lông bông vậy thôi, làm cho cái lí do “không muốn học đội tuyển” nghe sao mà ngứa tai quá đỗi.
Khi biết chuyện, mẹ An Nguyệt cũng rất băn khoăn. Bà thì chẳng lạ gì cái tính của đứa nhỏ này nữa rồi. An Nguyệt - đối với những chuyện không liên quan đến con bé hoặc những chuyện không quan trọng mà nó chẳng buồn để tâm thì rất nghe lời, có thể nói là bảo gì thì nghe nấy, nhưng nếu như đụng đến những chuyện mà bản thân nó đã quyết thì cực kì cứng đầu, nói nhẹ không được, nói nặng cũng không nghe, lại còn phản ứng lại gay gắt như thể người ta mới chạm phải cái nọc nào của nó vậy đó. Chuyện học đội tuyển vốn không đáng là gì, ba mẹ An Nguyệt chưa từng yêu cầu con mình phải đạt được thành tích gì hết... nhưng ngay cả việc cố gắng và thử sức mà con bé cũng không muốn làm thực sự là không tốt rồi. Mẹ An Nguyệt răn dạy có, bảo ban có; ba An Nguyệt - người mà không thường xuyên nhúng tay vào việc quán xuyến con cái - cũng góp tâm góp tiếng không ít... Nhưng rồi An Nguyệt vẫn trơ lì ra đấy, không học đội tuyển, ngay cả việc tìm một lí do thuyết phục hơn để cô giáo đỡ buồn lòng cũng không thèm tìm. Không một ai khuyên được.
Thời gian sau đó, bởi vì thành tích học tập của An Nguyệt vẫn ổn định, mà sau phong ba tính tình của con bé lại ôn hòa, hiền lành như cũ... chuyện này mới dần dần lắng xuống, rồi qua một năm, nếu không phải đột nhiên được nhắc lại, chắc mẹ An Nguyệt cũng quên mất đã từng có một thời “gà bay chó sủa” như vậy luôn.
“Sao, giờ tiếc chứ gì?” Mẹ hất cằm rồi liếc An Nguyệt một cái.
“Làm gì có, ngài nghĩ nhiều rồi.” An Nguyệt mỉm cười mà nói: “Con định nói với mẹ là, hồi đó con còn mặt dày mà từ chối cô được, chứ nếu là bây giờ, chắc khó.”
“Vì sao?” Mẹ gắp miếng rau, không để ý lắm.
“Vì hồi đó con đang học lớp Toán số 2, cô vốn cũng không đánh giá con quá cao, chẳng qua là vì không còn ai khác nên mới phải cố chấp lôi kéo con thôi. Nhưng giờ con đã học lớp Toán số 1 rồi. Giữa một và hai... có khác biệt đấy chứ.”
Mẹ quay sang nhìn An Nguyệt.
“Điểm thi lần này tốt lắm hả?”
Mấu chốt không phải là “tốt” mà là “lắm”. Điểm thi những lần trước cũng rất tốt, nhưng An Nguyệt cứ mãi học lớp số 2 nên thành thử ra mẹ cô luôn nghĩ rằng muốn học lớp số 1 thì phải cực kì giỏi. Đương nhiên, bà không cho là An Nguyệt không giỏi. Lớp số 2 mặc dù hơi kém hơn lớp số 1 một chút, nhưng đã có thể coi là nổi trội hơn nhiều so với hơn hai trăm học sinh còn lại. Ba mẹ An Nguyệt không bao giờ gây áp lực lên con cái, luôn cảm thấy kết quả học tập như vậy đã là được rồi, cố được thêm thì tốt, còn không cố nổi nữa thì cũng sẽ không phàn nàn gì.
An Nguyệt chớp chớp mắt:
“Cũng chỉ là may mắn thôi mẹ ạ.”
“Đời người chẳng may mắn được mấy lần đâu.” Mẹ An Nguyệt nói. “Khi đã được rồi thì cứ vui vẻ lên. Hay là cô giáo lại định bảo con vào đội tuyển nữa?”
An Nguyệt lắc đầu:
“Không ạ. Đội tuyển chỉ nhận học sinh lớp 10 thôi. Con chỉ là... không biết mình nên vui hay nên buồn ấy.”
“Dở hơi!” Mẹ phán một câu xanh rờn.
An Nguyệt bật cười, ôm lấy cánh tay mẹ: “Con không dở hơi mà.” Dụi dụi đầu như thể một con mèo lớn đang muốn làm nũng. “Con chỉ muốn... bình thường thôi. Con không giỏi hơn ai cả, ai cố gắng thì cũng làm được như vậy hết, thế nên con chẳng muốn người ta nhìn vào mình một chút nào. Con không làm tấm gương tốt, không làm con nhà người ta được đâu.”