bởi Nhật Lạc

9
4
3652 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 5: Ngây ngô và ngớ ngẩn


“Này, Vũ.” - Nhỏ Hiên dùng phần đầu to của chiếc đũa, chọt chọt lên cánh tay tôi.

“Hử, gì?”

“Hôm qua, cậu không đến dự sinh nhật cái Thủy. Nó khóc quá trời, tôi có mang quà ra nhưng nó không nhận, nói ai tặng người ấy phải đưa.”

Tôi say mê thưởng thức tô miến xào mộc nhĩ thơm ngon, nhất thời không mảy may để ý đến lời nhỏ Hiên vừa nói. Được một lúc, nó không thấy tôi có bất kì phản ứng gì, cũng tự động quay người vào bàn, tay dựng đũa lên mặt đĩa sao cho hai chiếc đứng bằng nhau rồi gắp lên một chùm những sợi miến kết dính trong suốt và bỏ một nhát hết sạch vào miệng, vừa nhai vừa liên tục xuýt xoa:

“Mọc viên mẹ làm ngon quá xá. Cho con thêm vài viên đi.” - Hiên khệ nệ đẩy ghế định đi ra khỏi chỗ.

“Hết rồi con, mẹ chỉ làm đủ phần ăn thôi nên không có dư.”

Nhỏ tỏ vẻ chán nán rồi quay sang liếc trộm tô miến của tôi, nhìn chằm chằm vào đống mọc viên trắng mẩy mây, tròn trịa được xếp gọn vào phần góc bát. Nó nuốt nước miếng cái ực, còn cố tình nuốt ra tiếng để thu hút sự chú ý của tôi nữa chứ.

“Cậu không ăn viên à? Cho tôi đi, để kia nguội, mất ngon.” - Nhỏ hỏi lấy lệ vậy thôi, chứ hai miếng mọc to nhất trong bát mình đã ầm thầm và lặng lẽ bay sang bát kế bên tự lúc nào.

Tôi để đấy không có nghĩa là tôi không ăn, chỉ là thứ ngon nhất thường được để dành để thưởng thức cuối cùng, ăn xong mà mùi hương của món ăn bạn yêu vẫn thoang thoảng thơm trong miệng, cảm giác thật dễ chịu. Từ nhỏ đến giờ tôi vẫn luôn ăn như vậy, hành động đó qua năm tháng đã hình thành thói quen và nhỏ Hiên luôn lợi dụng cơ hội vàng ấy để tranh thủ chôm chỉa những thứ nó muốn từ tôi

“Hiên! Để cho anh ăn.”

“Dạ.” - Nó kéo dài giọng, mặt ỉu xìu như cơm nguội, gắp trả lại tôi hai viên mọc.

Cụ Mão lom khom đi bộ xuống cầu thang, đến bên bàn hai đứa đang ngồi rồi véo mũi nhỏ Hiên.

“Con nhỏ này, con nhỏ xấu tính này suốt ngày bắt nạt anh nó thôi.”

“Á á đau...au đau con cụ ơi.” - Nó nhăn mặt, lấy tay xoa xoa chiếc mũi, trên chán hiện lên hai chữ "không bằng lòng".

Nhỏ thụi thụi mấy phát vào eo tôi, giọng khó chịu.

“Cậu phải bênh tôi chứ, như hồi nhỏ cậu vẫn hay làm ấy.”

“Tôi bênh cậu rồi ai bênh tôi, nhỏ khác lớn phải tự lo chứ, mà to đầu rồi ăn uống rơi vãi đầy bàn. Như này mai sau ai thèm lấy.”

“Hứ, thế mà ở trường đầy anh mê đấy, đầy trai theo đấy. Đây hơi bị xinh nhá, trưởng thành còn đẹp hơn nữa cơ. Rồi lúc ấy đừng có mà hối hận.”

Trông cái điệu bộ khinh khỉnh của nhỏ đáng ghét chưa kìa, tôi gật đầu ừ ừ bừa cho qua, cụ Mão với cô Hồng nhìn nhau cười khúc khích. Sáng nào gia đình nhỏ này cũng vui như vậy đấy, anh em cãi cọ líu lo như chim trên cành, trong bếp mẹ nấu đồ ăn sáng thơm lừng, ba thong dong ra vườn chăm cây quý, người già loanh quanh bên tụi trẻ. Nếu có ai hỏi rằng bản thân có hạnh phúc không? Tôi sẽ không chần chừ mà nói có, tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Mặc nhiên sẽ coi nó như một báu vật vô cùng quý giá cần được yêu thương, trân trọng và hết mực nâng niu.

“Hiên không được yêu đương vớ va vớ vẩn đâu đấy, nghe chửa. Cứ nhắng nhít thử xem, cụ mách ba mày.” - Trước khi đi cụ có dặn dò nó.

“Cụ cứ yên tâm, bao giờ cụ cho con yêu thì con mới dám.” - Nhỏ giỏi nịnh lắm.

“Cha bố mày chỉ được cái dẻo mồm, đi học đi. Vũ đi nghe con.”

Tôi quay lại lễ phép cúi đầu chào cụ rồi đi qua vườn lấy xe. Con chiến mã bằng sắt ấy đang được chú Tuất phết, quệt thêm chút dầu trơn vào xích. Rước em nó về từ lúc mới vào cấp 2, cũ bạc cả màu nhưng dùng vẫn ngon lắm.

“Phà số hai mươi, hai đứa bây đi cẩn thận.”

“Vâng, con chào ba con đi.”

Thong dong đạp cho con xe chạy bon bon trên con đường thơm mùi đất ẩm, tôi nheo mắt nhìn xa xăm. Mặt trời ngủ quên sau màn mây sương không chịu thức dậy diện kiến bình minh. Cây cối trơ trụi buông từng đợt lá khô, lá vàng rơi la đà như cánh bướm, chim chóc nối đuôi nhau di cư về phương Nam đón nắng ấm. Mùa đông trên đảo khoác lên mình tấm áo màu cô đơn, hiu quạnh, u buồn.

Nhỏ Hiên ngồi sau bám chặt lấy yên xe , luôn miệng ngân nga giai điệu của một ca khúc không tên nào đó. Có vẻ như nó “nghiện” hát bài hát ấy, hôm nào cũng vậy, lời thì đâu có thuộc, cứ hát chữ được chữ không. Tôi mặc kệ, chẳng buồn hỏi, hỏi lại bị nhỏ mắng là nhiều chuyện cho mà xem.

“Hắt xì!”

“Đấy hát cho sướng cái mồm, khéo lại cảm cúm. Quấn khăn chặt vào, trời sương lạnh kiểu này không đùa được đâu.”

“Vâng...vâng biết rồi.”

...

Đi qua cổng trường, như bao buổi sáng vẫn thấy nhỏ Ngỗng, trên tay đeo dải băng màu đỏ đậm, có viền vàng, in chữ " sao đỏ". Nó cùng với hai đứa nữa đứng dưới tán cây gốc phượng để bắt lỗi, ghi phạt những bạn quên không mặc đồng phục, quên không mang thẻ hoặc ăn vận quá lòe loẹt tới trường. Bên cạnh là em thằng Cường, cái Thuỷ đang tíu tít tán gẫu với nó.

“Hôm qua sinh nhật tớ đấy. Tổ chức hơi bị hoành tráng, nhiều người đến tặng quà lắm luôn, bánh kẹo toàn hàng ngoại ngon hết sẩy. Bạn không qua dự là hơi phí đó.”

Nhỏ Ngỗng gật đầu cười ruồi rồi tiếp tục ghi ghi chép chép, mặc cho cô bạn Thuỷ tiếp tục luyên thuyên về những con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, mô hình tòa lâu đài công chúa bằng thuỷ tinh, hay mấy bộ váy hồng dán nơ đính đá xinh xắn mà nó được tặng vào sinh nhật tối hôm qua.

“Nè mang hộp quà này ra đưa bé Thuỷ đi, mua rồi chả nhẽ không tặng.” - Hiên đưa cho tôi hộp quà đựng quả cầu thuỷ tinh.

Tôi chần chừ, quắc mắt nhìn nó, điều này cần thiết đến vậy ư? Sao cứ phải là mình.

“Vũ ngại à?”

“Vớ vẩn, ngại gì mà ngại!”

“Thế đi ra đi.” - Nhỏ ẩn tôi lên phía trước.

Băn khoăn cầm hộp quà, không biết có nên tiến đến chỗ cái Thuỷ. Với cả ở đây đông người quá, nhỏ Hiên nỡ lòng nào làm khó tôi. Mà sao tôi phải ngại cơ chứ, tặng quà sinh nhật thôi mà, cứ đưa đại đi là êm chuyện.

“Chúc mừng sinh nhật, quà này quà anh với chị Hiên mua tặng em.”

“Ủa? Anh Vũ, anh...” - Tôi thấy nó đỏ mặt, chắc do trời lạnh.

Thuỷ cầm chìa tay ra đón lấy món quà, mắt híp lại, môi cười mỉm toát lên niềm vui hân hoan.

“Em cảm ơn anh...” - Các bạn học sinh đi ngang không nén nổi tò mò bèn đứng lại nhìn.

Tôi thoáng đảo mắt qua liếc nhỏ Ngỗng, mắt nó chằm chặp dán lấy quyển sổ ghi chép trên tay, bút ngoáy lia lịa, lật giấy xoèn xoẹt mà chẳng buồn ngó ngàng sang bên này. Miếng Ugo trên má nó từ hôm qua đến giờ vẫn chưa được thay mới, trên cổ xuất hiện thêm những vết thâm tím bầm, chắc tối qua nhà nhỏ lại có chuyện.

Nhỏ mặc mỗi một áo khoác mỏng đồng phục bên ngoài, bên trong chắc bận áo sơ mi trắng. Dạo này trời mỗi ngày một rét, đặc biệt là mấy tháng cuối năm còn buốt lạnh hơn. Học sinh đứa nào cũng bên ngoài áo len bến trong áo dạ kín cổng cao tường, chân đi tất, cổ quấn mấy lớp khăn, mặt mũi trùm kín mít. Hai bàn tay tôi, vì bỏ ra để lái ghi đông, cứng đờ như đá, sưng phù lên vậy mà nó ăn mặc phong phanh thế thì chịu sao nổi.

“Ê....ớ”

Cũng chẳng kịp hỏi thăm nhỏ câu nào tôi đã bị Hiên kéo đi.

Học xong ba tiết buổi sáng, Cường chạy sang tổ hai rủ rê tôi xuống căn tin mua cốc trà gừng nóng uống cho ấm bụng. Nãy giờ lạnh tê lạnh tái vì phải bỏ tay ra khỏi túi áo để cầm bút chép bài nên tôi liền gật đầu đồng ý, tiện thể đứng lên cho đỡ nhức lưng. Phải biết rằng đi cùng thằng này rất rất phiền, nó khá nổi với tụi con gái, đi một quãng nhỏ từ phòng học ra căn tin chắc phải hơn chục em ngẩn người ra say mê ngắm.

Nó chắc hẳn đang thích thú vô cùng, cười tươi roi rói thế kia, bảo sao cứ ra chơi là chạy tót ra ngoài. Phần tôi chẳng thấy hay ho gì cho cam, thấy phiền thì đúng hơn, chả ai thích cứ bị nhìn chằm chằm, kì kì làm sao ấy.

“Mày thấy tao hót không? Hót hòn họt. Mắt em nào em nấy như đèn pha ô tô, tao bốc lửa quá mà.” - Cường nhìn tôi bằng đôi mắt gợi đòn, lại còn giần giật lông mày, trông phát ghét.

“Bốc, bốc lắm, bốc...mùi hôi thối, bao lâu rồi chưa gội đầu?”

“Vừa mới gội tuần trước, còn thơm chán, nè ngửi xem.”

Tởm không kìa, quả đầu mười năm không gội xong khoe ra bắt bạn ngửi.

“Hử? Khinh tao à. Nói nghe nè, tao biết tao hấp dẫn rồi, mày không phải tỏ thái độ ghen tị.”

“Ai thèm ghen tị với mày, toàn tự suy diễn.” - Tôi bĩu môi, choàng cổ lôi Cường đi.

“Tao tự tin chứ không tự cao, tao đẹp trai chứ không giả tạo.”

“Vâng vâng, bạn là số một cái trường này rồi, đi thôi.”

Bữa nay tâm trạng vui tươi, phấn khởi nên thằng Cường nổi hứng đòi khao tôi. Hào phóng dởm thì có, chỉ thích thể hiển với mấy em gái nhỏ xinh xắn. Chứ bình thường toàn quên mang ví, nài nỉ mượn vay xong có nhớ để trả đâu. Bạn với chả bè, thế mà vẫn chơi với nhau chục năm liền.

Sức chịu đựng của tôi khủng quá.

Nó đưa cho cốc trà nóng hổi, còn giữ một cốc lại phần nó uống. Hai đứa đứng dựa lưng vào vệ lan can vừa ngắm sân trường vừa nhâm nhi thứ nước thơm lừng, ấm áp. Đã gần đến trưa mà từng mảng mây vẫn dày cộm tựa lớp bánh đúc lạc, mặt trời vì quá hãi cái rét mà trốn biệt mất, gió buốt thi nhau lùa vào hành lang các dãy lớp học. Một chốc bạn có thể nghe thấy tiếng ai đó xuýt xoa thốt lên "Lạnh quá!" hay "Lạnh chết mất!". Từ trên cao nhìn xuống dưới sân trường sẽ bắt gặp các cặp nam nữ ngọt ngào đang sánh bước bên nhau, tay em trong tay anh, cùng quấn chung một chiếc khăn đôi.

Gần đây kiểu khăn này đang mốt, nó dài gấp đôi chiếc khăn bình thường, hai người có thể “xài” chung. Học sinh trong trường đều tự tậu riêng cho mình một cái với mong muốn kiếm gấu để cùng nhau sưởi ấm mùa đông. Kể cả nhỏ Hiên hôm nọ cũng nằng nặc đòi góp tiền mua chung một cái, mà tôi nhất định không chịu.

“Mua đi tôi với cậu quấn chung, cho ấm.”

“Hâm à! yêu nhau đâu mà quấn với chả cuộn.”

“Không yêu nhau dùng cũng được mà, sao đâu.”

“Đừng có điên, đi về thôi.” - Đi về thôi mà cuối cùng tôi vẫn phải moi tiền ra để mua, không có đủ dũng khí để chối từ bất cứ đề nghị nào từ nhỏ Hiên.

Đột nhiên tôi nghe tiếng hú hét rất to ở dưới, nhón người trông xuống thì thấy một đội con gái bốn đứa cùng nhau đi hiên ngang giữa khuôn viên trường, giỏi thật, lạnh vậy mà vẫn catwalk lòng và lòng vòng mấy lượt quanh sân. Đội hình tam giác gồm: một bạn dẫn đầu còn ba bạn nối đuôi đằng sau. Đúng là hoàn cảnh khó khăn không thể cản bước được đam mê. 

“Kìa, thấy ai kia không? Trâm Anh hoa khôi khối 11 mình kìa. Vừa xinh vừa giỏi, nhà giàu nức tiếng, tốt tính dễ thương, hào phóng nữa chớ. Gu tao đó mày, chấm nhỏ từ đầu năm rồi, cấm mày xỏ mũi vào.”

“Tao không thèm.” - Tôi tiếp tục uống trà, chẳng quan tâm mấy.

“Vậy thì tốt. Mày tin tao tán đổ nhỏ ấy trong hai nốt nhạc không?” - Hai nốt nhạc của thằng này được hiểu là hai tuần.

“Bỏ thói tán tỉnh con nhà người ta, yêu mấy ngày rồi chán đi, thay người yêu như thay áo, lăng nhăng quá mày.”

Tự dưng, bạn Trâm Anh ngẩng đầu nhìn lên trên chỗ tôi với Cường đang đứng rồi niềm nở vẫy tay chào, không quên nở một nụ cười ấm áp như mùa hè xích đạo, gây sát thương lớn cho bất cứ ai vô tình “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”. Thảo nào cu Cường mê như bị bỏ bùa, đến tôi nhìn còn thấy xinh nữa là.

“Ẻm chào tao kìa mày.” - Nó hớn hở đáp lại bằng một nụ hôn gió.

“Ghê quá bây.”

“Ghê gì mà ghê, tán gái cần phải có chiến lược, phải đi từ bải bản tới nâng cao. Sồn sồn lên các em chạy mất dép, mà e thẹn quá các em chê bê đê, nhát gái. Vậy nên, tao sẽ nắm bắt thời cơ ngay lúc này, xuống đó đây.” - Nó hớp một hớp lớn trà rồi ném cho tôi cái cốc, phi xuống sân trường.

Quên chưa nói, Cường sinh ra vốn đã bị cái tính đào hoa, chơi bời ăn sâu vào trong máu. Cường có hứng thú với những em gái xinh đẹp, thường tán tỉnh cho đã rồi yêu đương mặn nồng đôi ba ngày xong đòi chia tay chia chân. Phục nó thật, làm vậy mà cái bản mặt ấy vẫn tỉnh bơ, vẫn tiếp tục đi cua người ta.

Tôi quay vào định trả hai chiếc cốc thì thấy con Ngỗng hớt hải chạy ngang qua hành lang. Tay nó ôm một đống nào là bim bim, nước ngọt, cơm cháy. Nó đụng vào cả người tôi mà chẳng hề hay biết. Vội đến mức tuột cả chiếc xăng đan nhỏ đang mang bên chân trái. Còn chẳng thiết quay lại để nhặt, làm gì mà như ma đuổi thế nhỉ?

Tay nhặt lấy chiếc dép, tôi lò dò bám theo sau. Và dừng lại trước cửa của một lớp khối 10.

“Chậm 30 giây, mày không thể nhanh hơn được hả Ngỗng.”

“Căn tin đông quá, tớ chen không nổi...”

“Ồ! Vậy hả.” - Một con bé nào đó, bận quả váy jeans bó đậm màu, bên ngoài khoác chiếc áo lông cừu trắng, chân đi đôi giày thể thao hàng ngoại, tóc xoăn xoăn "mì tôm" đang đứng sừng sững trước mặt nhỏ Ngỗng.

Rồi nó tự tay xé hết sạch vỏ mấy gói bim bim, lấy chân giẫm nát bươm túi cơm cháy. Chưa đủ để thỏa mãn, nó nắm chặt nắp vặn, dốc ngược mấy chai nước ngọt đổ bừa ra sàn. Trên nền gạch giờ chỉ còn là một mớ hỗn độn của bim bim nát, cơm cháy vụn trộn với nước...cam ép. Trông đã thấy ghê rồi, nó bước đến chỗ con Ngỗng đang bần thần đứng, mắt trợn tròn rồi lấy tay ấn đầu nhỏ xuống.

“Ăn đi!”

“Hả?”

“Mày hả cái gì cơ, tao bảo mày ăn cái đống này đi!” - Nhỏ trừng mắt, nắm lấy tóc nhỏ Ngỗng, như sắp phát điên lên đến nơi.

“Sao, đứa nào muốn ăn cùng nó thì ra đây tao cho ăn cùng.” - Cả lớp đứng tụ lại một góc, không ai dám lên tiếng.

Đây không phải lần đầu tiên con Ngỗng bị lôi ra làm ô sin. Từ hồi mới quen nhỏ kìa, tôi luôn bắt gặp nó với tâm trạng lo sợ, hớt hải cắm vắt chân lên cổ chạy. Hôm thì cầm giẻ lau bảng, hôm thì ôm xấp vở, hôm thì chồng ghế nhựa hoặc mới đây là đồ ăn vặt.

“Mày đi đâu vậy?”

“Em đi giặt giẻ lau bảng cho lớp trưởng.”

Được đôi ngày sau.

“Mày đi đâu vội thế?”

“Em đi mua bút cho lớp phó.”

“Em đi tìm áo khoác cho tổ trường.”

“Em đi nộp phạt cho bạn cùng bàn.”

Rồi một tỉ các kiểu "em đi" khác nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi tức trong lòng, vừa bực vừa thương nó. Nhưng cũng không thể làm loạn ở đây được, phải tỉnh táo, thật tỉnh táo. Nhỡ đứa nhỏ xấu tính kia cũng thuộc hạng con ông cháu cha, máu mặt trong trường như thằng Sơn thì mười tôi cũng không đỡ được.

Ngay lúc con bé xấu tính ấy chuẩn bị dìm đầu Ngỗng cái mớ hỗn độn, kinh dị đang nằm trương kềnh trên sàn kìa thì xuất hiện một thằng nhỏ chạy vào hồn nhiên thông báo.

“Ngỗng, có anh trai mày tìm kìa.”

Hình như cụm “anh trai mày” có năng lực vô cùng lớn đã khiến cho con bé hống hách kia vội vã trốn xuống dưới bàn học và ra lệnh nếu có ai hỏi thì bảo lớp mình vừa mở tiệc liên hoan, tất cả chỉ là vui đùa bạn bè với nhau thôi.

Hay thật, định dối anh đây à.

“Anh Vũ...”

“Đứng lên.”

Tôi đưa tay cho nó nắm, kéo con bé ra ngoài hành lang. Để lại đằng sau những cặp mắt tròn xoe nhìn và những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Còn con bé xấu tính kia vẫn cứ nằm cụp đuôi dưới chân bàn chờ cho đến khi không nghe thấy tiếng bước chân nữa mới dám thò đầu ra.

Tôi kéo nhỏ đi miết, đến chiếc ghế đá dưới gốc bàng rồi để nó ngồi xuống. Con bé lẳng lặng cúi đầu, dùng chân đá đá vài mảng sỏi vụn nằm rải rác dưới mặt đất, còn cố tình lảng tránh ánh nhìn của tôi. Nó sợ cái gì chứ, nếu tôi không đi theo nó thì giờ chắc khuôn mặt trắng bệch, nhợt nhạt kia đã bị dí bẹp xuống bãi bim bim trộn nước ngọt trương kềnh, nhão nhoét ấy rồi.

Cũng chỉ biết thở dài mà thôi, tôi ngồi xổm xuống, nắm lấy đôi chân gầy giúp nó xỏ lại chiếc xăng đan nãy nhỡ làm tuột mất ở hành lang căn tin. Chân có một mẩu bé tẹo mà đi đôi dép to quá chừng, chắc chắn dùng đồ “thải” lại của anh hoặc chị. Dùng lực ấn nhẹ cho miếng dán kia thật chắc và chặt xong tôi ngước lên nhìn vào đôi mắt màu hạt dẻ của nó chờ xem những giọt lệ kia có chực rơi ra không.

Nhưng nó can đảm hơn tôi tưởng, cuộc đời vất vả đã nhào nặn nên một con Ngỗng kiên cường, biết chịu đựng, nhún nhường. Lần trước bị Sơn Đô dí hay lần này bị hội đồng, nó đều không khóc.

“Bọn nó nói nếu em làm theo những gì chúng sai bảo, cả lớp sẽ chơi lại với em, không tẩy chay em nữa. Nó đáp lại ánh mắt của tôi, bằng một tia nhìn thắp lên niềm tin và hy vọng.

“Nó nói thế mà mày cũng tin?”

“Vâng.”

Tôi cáu:

“Sao mày ngu thế hả?”

“Dạ?” - Nhỏ giương đôi mắt xanh như lá chi liễu, ngây ngô nhìn.

“Chúng nó lợi dụng mày đấy, mày ngơ ngơ như này bọn nó càng thích. Mấy lũ cán bộ lớp thì việc của chúng nó chúng nó tự biết đường lo. Mắc mớ gì mày làm hộ tụi nó, rồi để cả lớp thi nhau lợi dụng.”

Tôi mắng con nhỏ xa xả, chí ít điều này sẽ khiến nhỏ bớt ngu đi một chút, nặng lời tí tôi cũng chấp nhận.

“Bọn nó đánh, bọn nó bắt nạt thì giở võ ra mà đấu như cái cách mày sút thằng Sơn ấy.”

“Mấy đứa là bạn em...”

“Bạn cái đếch gì, bạn khốn nạn như thế thì đấm hết cho tao! Nhỡ hôm nay tao không kịp thời chạy đến giúp mày thì sao, mày tính úp mặt xuống húp cái đống ấy à!”

“Em...em.”

“Em với chả em, ăn gì mà dốt thế không biết.”

“Em...ăn...cơm.” - Nó hồn nhiên đáp lại câu tôi vừa thốt ra, tôi chỉ than thôi chứ có hỏi đâu. Con bé ngờ nghệch hết thuốc chữa.