bởi Độc Tú

16
3
3306 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 5. Toại


Nghe bảo thời gian là diệu dược. Hắn ngờ ngợ mà uống liền sáu năm. Bây giờ nhìn lại thấy quả có công hiệu, chợt nhận ra cuộc sống của hắn tồn tại hay không tồn tại người con gái ấy đều chẳng mấy khác. Tình đầu đúng thật khó quên, nhưng cũng chỉ là "khó", không hẳn là "không được". 


Giờ đây, thi thoảng trong những lúc rỗi óc ngưng tay, hắn vẫn nghĩ thoáng qua về những nồng ấm xưa cũ, nom người ta có bạn có đôi, vẫn may mảy chạnh lòng. Song cũng chỉ có thế, tựa cái man mác khi nhìn vào ngọn cỏ úa giữa buổi hoàng hôn, ngẩn ngơ đó rồi thôi đó. 


Có lẽ do ngày ngày gặp mặt, Vân Chúc không thấy hắn thay đổi quá nhiều. Có chăng là dáng người gầy hơn đôi chút, gương mặt bớt đi ít non tơ, và ánh mắt thêm vài ba tàn lửa. Trong cái nhìn của thần, những điều ấy chỉ dường một hạt bụi rơi vào nước, một làn khói phả vào mây. Mà đối với hạng phàm phu như hắn, bấy nhiêu thôi đã là nửa đời người. 


Ngước nhìn mưa phùn lất phất phủ lên nhành mai vừa lỗ chỗ ra hoa, hắn ngao ngán thở dài. Lại hết một mùa đông nữa.


Chẳng biết từ bao giờ Thang bắt đầu đâm sợ thời gian và sợ luôn mỗi bận xuân về. Xuân của nhà nhà là bánh mứt, là câu đối đỏ, là sum họp, là gieo duyên, là tràn trề tươi cười, chúc tụng… Xuân của hắn là thấy mẹ già đi, mình già đi, còn cái nghèo thì vẫn hằng đeo đẳng.


À, thêm cả tật bệnh nữa. 


Bình thường, mái tranh tàn của hai mẹ con hắn ngoài mùi bần tiện ra thì là mùi thuốc sắc. Năm nay cái mùi ấy lại đặc biệt nồng hơn thảy. Nó xồng xộc vào mắt mũi vốn đã cay xè của hắn, vào cổ họng đang quặn lên cơn ho ứ máu của người mẹ già, như báo rằng bệnh của bà càng uống chỉ tổ càng nặng thêm. 


Mẹ hắn đã yếu đến mức không lết nổi ra khỏi giường nửa bước, các thầy lang ai cũng ngầm bảo hắn hãy liệu bề lo trước hậu sự, bà chỉ gượng được đến cuối năm là cùng. 


Hắn xưa giờ chưa từng cầu khẩn thần thánh ban ân phúc, nay lại quỳ trước mặt "đứa bé gái", dập đầu:


– Xin Vân Chúc… Tôi chỉ còn mỗi người mẹ này thôi. 


Vị thần nữ rũ mắt:


– Thọ mạng của thị quả thật chỉ tới đó. Thần cũng không thể can thiệp quá sâu vào vận mệnh của con người. 


– Vân Chúc chẳng từng mấy bận cứu tôi đấy thôi? – Mắt hắt rớm nước, khẩn khoản.


– Chuyện đó khác. Khi ấy thọ mạng ngươi chưa tận. Vả, bệnh của thị cũng không phải những tai nạn vặt vãnh ấy. 


– Mấy năm nay ta đã giúp thị dễ chịu hơn đôi chút, sau này cũng chỉ có thể giúp thị ra đi nhẹ nhàng hơn thôi.


Một giọt lệ rơi tách lên hòn cuội. Người bất động. 


Gió vờn qua, phơ phất tóc. 


– Ngươi biết không, thần cũng sẽ chết.


*

*       *


Bưng bát thuốc đến bên giường mẹ, hắn toan lay bà dậy nhưng lại chợt đứng sững. Nhìn vệt nắng xiên qua kẽ mái chiếu vào góc nhà tăm tối, vắt ngang thân người khô quắt, hắn cảm tưởng như đường sáng ấy gom chứa hết mọi tia sống cuối cùng của bà, một khi nó tắt đi thì sinh mệnh cũng dứt. Bỗng hắn thấy cổ mình nghẹn nghèn, khóe miệng cứng đờ, phải cố lắm mới bật được ra hai tiếng “bầm ơi”.


Người đàn bà mơ màng tỉnh giấc, chưa kịp mở mắt thị lại ho sù sụ, ho mỗi lúc một tợn, thân thể quằn cả lên, hai mắt đỏ ngầu, lồi ụ. Hắn quýnh quáng ngồi xuống vỗ lưng mẹ, suýt thì rơi luôn bát thuốc. Lát lâu sau thị mới dịu cơn, nhưng thuốc vừa vào lại nôn ra hết cả. Thang rầu lắm, hình như phần nhiều thời gian mẹ hắn chỉ dành để ho, lúc im ắng thì chỉ còn sức thở. Bởi thế từ dạo bệnh tình trở bạo thị chẳng nói được với hắn mấy câu, mà lời nói ra không gì ngoài bảo hắn ngưng thang thuốc. 


Hắn nghe để đó, chứ làm sao đành lòng ngừng chạy chữa, biết là vô ích nhưng đạo hiếu buộc kẻ làm con phải cố gắng đến khắc cuối cùng, để rồi về sau trong những cơn tưởng niệm khỏi mang điều day dứt. Thế là tiền hết, thuốc hết, mà con ma bệnh thì cứ ở đấy nhe răng cười ngạo nghễ. 


Suốt dạo ấy, hắn chẳng dám đi đâu xa mẹ quá nửa canh giờ, hôm nào cũng chỉ loanh quanh đào xới mảnh vườn con, chiều chiều lại tranh thủ mò cua bãi gần nhà, thóc gạo vơi thì chạy vạy vay mượn. Sách vở, thơ nhạc… thảy chẳng còn tâm trí nào rớ tới. Người bạn là thần của hắn có lòng lắm cũng chỉ giúp được cho hắn không bị làng xóm khước từ, giúp hoa màu tươi tốt, và tôm cá đầy nơm. Hắn không đòi hỏi gì hơn bởi từ lâu đã rõ, thế gian dẫu có thần, đời vẫn nhan nhản khổ. 


Và như biết mình là gánh nặng của con, mẹ hắn về trời sớm hơn dự liệu, cuối hạ năm đó là đi. Có lẽ vì sức đã quá tàn, trước khi nhắm mắt thị chỉ gượng được một câu “xin lỗi”, để lại hắn ngơ ngác không hiểu ý mẹ là gì. 


Bấy giờ, nhìn mái tranh nắng xiên mưa lọt, nhìn mớ chữ vụn dán đầy xó bếp, nhìn thân mình khố rách áo ôm, hắn chẳng cười nổi nữa. Thế là hắn khóc, cào ra hết bao sự dồn nén lâu nay mà khóc. Vân Chúc ôm đầu hắn vào lòng, chỉ biết im lặng nghe đứa trẻ ba mươi nấc lên từng tiếng gọi “bầm ơi!” 


Bầm của hắn, người thân duy nhất của hắn, bỏ hắn rồi.


 

*

*       *


Hạ ấy, trời oi bức mà lòng người nguội lạnh, mưa dầm dề mà thân xác cằn khô. Cây mận sau hè không ra trái, giấu đi sắc đỏ để nhường màu khăn tang. 


Xác mẹ, hắn mang đi hỏa táng. Cả đời này bà đã chẳng nhẹ nhàng, đến chết đi hẳn cũng không mong ba tấc đất đè nặng. 


Đầu thất, Mây có trốn chồng đến viếng, hắn niệm tình xưa để cô thắp cho bà nén hương, còn mình thì ra tít ngoài ngõ đứng. Lúc ra về Mây lén dúi hắn ít tiền, hắn lừ mắt gạt đi, bảo cô đừng bao giờ đến nữa. 


Suốt bảy hôm liền sau đấy, Thang ôm theo hũ cốt của mẹ ở lì ngoài miếu thần, không thiết làm gì, cũng không biết nên làm gì. Hắn chỉ ngồi thừ ra trên tảng đá, giữa vòm kết giới mờ ảo, nhìn đăm đăm dòng suối. Vân Chúc thoạt đầu chẳng đả động đến, hắn xin rượu nàng cũng không cho, chỉ nhàn nhạt đáp:


– Hiện giờ không phải lúc để say.


Thế là hắn chả thèm xin nữa, quay đi uống nước suối, uống không hả, hắn trầm mình luôn xuống đấy, cứ vậy ngâm đến độ da thịt dúm cả lại mới chịu trồi lên. Vân Chúc nhìn mãi cũng thấy bức bối, buộc miệng hỏi:


– Định chực ở đây cả đời à?


Hắn bần thần ngó sang: 


– Không thì ở đâu, làm gì?


– Làm điều ngươi muốn làm, ở đâu làm được thì đến đó. 


– Thế… nhỡ điều tôi muốn làm nhưng cả đời định sẵn là không thể làm thì sao?


– Thì tìm một điều muốn khác. Phàm nhân các ngươi chẳng thừa “dục” còn gì. 


Ngừng đáp, hắn tần ngần một lúc rồi thất thểu ra về. Về lại mái tranh đen kịt nằm quạnh quẽ giữa tà dương và trùng trùng cây phủ. 


Đêm đó trời nhiều sao, gió nhẹ. Hắn thức trắng ngồi sau hè nhà nghe tiếng dế ru sương. Ngẫm lại lời Vân Chúc, hắn tự hỏi mình muốn gì? Một câu hỏi tưởng đơn giản thế mà hắn phải rặn cả óc ra mà nghĩ, nghĩ mải miết, rồi chợt hoang mang vì nhận thấy tâm trí bỗng rỗng không, huơ hoác. Quẫn quá, hắn chỉ đánh thở dài, nhìn đau đáu lên cao, nhìn như thể chốc lát nữa thôi sẽ có ai rủ lòng mà viết cho hắn câu trả lời trên ấy.


Hắn nhớ vào một đêm trừ tịch nào đó, cũng ở sau hè này, Vân Chúc từng ngồi với hắn chuyện vãn canh thâu, nàng trỏ tay lên những chấm sáng rải khắp nền trời, nói giọng đều đều:


– Thật ra, thái dương của các ngươi chỉ là một trong số chúng. 


Hắn chớp mắt ra chiều ngạc nhiên lẫn tò mò:


– Ồ, Vân Chúc nói rõ xem. 


Thế là Vân Chúc bắt đầu lên lớp, giảng cho hắn về cái gọi là hoàn vũ. Hiếm khi nào nàng có hứng nói nhiều như thế, nhiều lại còn khó hiểu, hắn nghe một lúc thì rối mù cả lên, sau rốt chỉ đọng lại được vài ba ý niệm. Tỉ như, trên hết các tầng mây kia là một vùng bóng tối mênh mang nhưng cũng đầy ánh sáng. Và ngàn vạn lấp lánh ấy, đứng từ đây mà nhìn, thảy đều là những quá khứ rất xa, có cái chỉ là ảnh tàn của sự chết. 


“Vĩ đại thật!” Hình như khi ấy hắn đã bật thốt lên câu gì đại loại thế. À, phải rồi, phải rồi! Hắn nhớ rồi! Giờ thì hắn đã biết! Hắn biết mình muốn gì. Và rồi hắn thừ người ra, vỡ lẽ. 


Hôm sau, lúc mặt trời vừa mới nhú lòng đào Thang đã lên rừng báo tin cho Vân Chúc. Hắn nói:


– Chắc là… tôi sẽ rời quê.


Lục lạc trên người Vân Chúc khẽ rung, nàng giấu ngạc nhiên, ngước hỏi:


– Đi đâu? 


– Chưa biết, nhưng hẳn là xa nơi này. 


– … Bao giờ đi?


– Mãn tang. 


– Ừ… Vậy là còn áng mắt ta tận ba năm nữa.  


Hắn rũ mắt cười:


– Ở đây tôi chỉ còn lưu luyến mỗi Vân Chúc thôi. Đi rồi, tôi sẽ nhớ ngài lắm. Nhưng mà… tôi không ở mãi cái chốn đau buồn này được. 


Nàng đánh “xùy” một tiếng:


– Gớm, đi đâu thì đi khuất cho nhanh. Nhìn cái mặt anh, ta chán ngấy rồi. Ở đấy mà nhớ thương cái rắm!


Nói rồi nàng ẩn thân đi, bảo hắn cút về để mình yên tĩnh tọa thiền. 


– Gượm đã… – Vừa biến được một nửa Vân Chúc sực nhớ ra gì đó, lại hiện thân – Năm nay, cách ba tháng mới được đến gặp ta một lần. Năm sau… thì cách sáu tháng. Năm sau nữa, cách… lên báo trước buổi đi một hôm là được. 


– Sao lại thế?


– Ta chẳng vừa bảo à, ta chán ngấy cái mặt anh rồi, đến phiền ta ít thôi. Mà anh cũng nên tập quen dần đi, ngày nào cũng lê lết ở đây thành thói, đến chừng ấy lại quay ra bảo quen rồi không muốn đi nữa thì chả mệt cái thân ta.


Hắn ngẩn ra một lúc, đoạn gật đầu tỏ ý đã hiểu.


Ba tháng sau, hắn mang lên rừng hai cây sáo vừa khoét, trên thân khắc hai chữ Vân Chúc, nét vuông vắn, tinh xảo.

 

– Tôi dạy Vân Chúc chơi sáo nhé. Mới tập thì dùng cây này, sau muốn thổi bài trầm thì đổi sang đây.


Đông đến, hắn xách theo một quyển vở ghi đầy nhạc phổ.


– Trong này tôi sưu tầm các bài hát dân gian, có vài bài cổ thi phổ nhạc nữa. Còn một quyển tôi đang viết, sắp xong rồi. 


Sáu tháng sau, hắn đúng hẹn giao đồ.


– Tôi chua rất kỹ, Vân Chúc xem còn chỗ nào không hiểu không.


Cuối năm, hắn lại đem một quyển vở khác, giấy có phần ố hơn. 


– Đây là lời cho mấy bài tôi viết dạo nọ, Vân Chúc thể tất cho, chữ tôi vụn quá, viết đi viết lại mãi mới xong, không nhanh bằng chỉ viết mỗi nhạc.


Mùa hạ thứ ba, hắn  ôm theo một con rối vải giống hệt mình.


– Tôi không biết tặng gì cho Vân Chúc nữa. Vân Chúc cứ xem cái này là tôi, khi nào buồn bực thì mang ra trút giận tạm vậy. 


– Mai, tôi đi rồi…


Xào xạc, gió chiều thổi trên rừng vắng, cố trườn thoát lá cành mà về lại chân mây. 


Bên ngôi miếu thần đã giăng đầy tơ nhện, khúc nhạc thân quen năm nào lại nổi lên, kéo dài thật lâu. Khi nhạc dứt, bước chân đã xa, hắn mới nghe phía sau có người cất tiếng hát vang đưa tiễn.


Bể xa có côn, trời cao có bằng

Côn ở xứ Bắc hóa bằng về phương Nam. 

Đập toé nước

Nương ngọn lốc

Chín vạn dặm mây… ơ hờ… chín vạn dặm mây

Vỗ cánh bay…


*

*        *


Chẳng biết bay thế nào mà nhiều năm sau hắn lại ở tít ngoài biên cương. 


Chiến tranh thình lình ập đến, tình thế nguy ngặt, quân lính lại thiếu. Bấy giờ kể gì đến con phường hát, ngay những ngữ đương chịu gông cùm trong lao ngục cũng được xem xét cho lấy công chuộc tội. Thế là, giữa cuộc điêu linh đầy rẫy chết chóc, hắn chợt nhìn thấy một tia hi vọng cho thứ ước muốn hoen gỉ ngỡ đã quên mất từ lâu. Âu cũng là sự rủi run của vận số.


Ngày đầu ra sa trường, nghe tiếng chém giết dội ầm ầm vào tai, nhìn gió cát thênh thang bọc lấy chồng chồng máu thịt, hắn không rõ trong lòng mình là cảm giác gì. Chỉ biết quả tim nơi lồng ngực đang đập dồn, rung chấn không thua âm trống trận. Mảng trời đất này mênh mông đó, xa lạ đó, nhưng chẳng giống như thứ mênh mông và xa lạ từng xuất hiện trong những cơn mơ của hắn xưa kia. Ít đi biếc xanh, nhiều hơn ngầu đỏ. Nửa khích tang bồng, nửa dọa tử sinh. 


Bên đây khu rừng ở phía Nam làng Chiêm, binh lửa chưa tràn đến. Vân Chúc vẫn ngày ngày vật vờ nơi con suối, cuộc sống hình như trở lại gần giống với khi chưa kết giao với kẻ nọ, một mình một bóng. Có khác chăng chỉ là yên ắng hơn vì chẳng còn ai đến cúng vái làm phiền, và thay vì bứt cây khều cỏ bâng quơ, nàng đã bắt đầu học thói tao nhân mặc khách, cầm thanh sáo thổi đi thổi lại mãi những bài đã cũ mèm. Vào mấy dạo trời mưa tầm tã như hôm nay, không tấu khúc được vì tiếng bị át đi, nàng lại lôi con rối vải ra làm trò tiêu khiển, lắc lắc giật giật hỏi nó: Ngươi bay đến được chốn nao rồi, đã làm tới hàng ông bà chi chi; ở đây độ này mưa khiếp, mưa tối mặt mũi, mưa rũ rượi cỏ cây, mưa mà nước suối sần như ai đánh vảy, ngoài mùi đất ra chắc chỉ còn mùi gỗ mục. 


Ngoài quan tái, giá mà hắn nghe thấy chắc sẽ hồ hởi đáp lại rằng: Tôi vừa lập công, được chủ tướng khen thưởng, còn có ý cất nhắc lên hàng đội trưởng. Bình thường hành quân tuy vất vả, chiến đấu tuy gay go nhưng chỉ cần một khúc quân ca ngay sau đấy là tôi như quên hết. 


– Vân Chúc… hình như tôi lại vừa lập được công rồi.


Hắn áng trước người chủ tướng, nắm lấy mũi tên cắm phập nơi giữa ngực, nặng nề ngã xuống.


Sợi chỉ dưới chân thần rừng thoáng mờ đi.


Chủ tướng trừng mắt đỡ lấy hắn, hô người vây bắt lấy kẻ vừa ám toán. 


Dạ cồn cào tựa đứng lửa ngồi than, Vân Chúc thấy trong người rất lạ. Cảm giác này chưa từng có, chưa từng biết. 


Môi hắn tái dần đi, thân đau buốt, ê rần. Tên này có độc.


Quân y khẽ lắc đầu. Chủ tướng lặng người hỏi hắn: – Ngươi tên gì?


Hình như Vân Chúc vừa mơ hồ nghe thấy: – Nguyễn… Nguyễn Thang… con của, một… ca kỹ. 


Thanh sáo rớt khỏi tay, con rối rơi mặt nước. 


Nàng vụt phóng đi theo hướng âm thanh, không kịp nghĩ, chợt bị luồng khí lực vô hình đánh văng trở lại. Lúc này Vân Chúc mới sực tỉnh, nàng không thể ra khỏi phạm vi năm dặm quanh rừng. Mắt thoáng vẻ cuống cuồng, nàng lục vội trong óc, phải có cách nào đó! 


Rồi bỗng, hai cánh tay dang, bàn tay tụ lửa, gom hết giấy, sáo và rối vải đốt trụi, miệng đọc to câu chú. 


– Ta nhận đồ cúng tế, hoà thần thức, hiến nửa cốt tu vi, gửi đến kẻ thuần thành dòng ý niệm. Ý niệm hoá bóng ảnh. Bóng ảnh cùng chân thân chẳng khác. Có - không như một. Nguyện độ trì! Nguyện dẫn sanh!


Toàn thân thần nữ rực lên ánh sáng chói loà, lục lạc trên người đánh tiếng đinh tai, cả rừng cây lắc rung dữ dội. Lá cuốn bay, đất rền.


Hắn nằm trơ trọi nơi góc khuất mà đồng đội vừa đặt nhanh vào, người trở rét căm căm, tai ù ù nghe tiếng quân giặc hò reo đánh úp. Cảnh huống này họ không để mặc hắn bị dày đạp đã là tình nghĩa. Dù sao cũng chỉ là một tiểu tốt vô danh. 


Mi mắt trĩu nặng, nhân gian ngoài kia đã nhập nhoè thu bé. Sau rốt chỉ còn lửa trận bừng bừng in bóng, cuốn quyện theo những tàn lửa tồn đọng trong đáy mắt xưa nay. 


Bỗng kìa! Ai như cố nhân vừa đến, nguyên vẹn chân thân. 


Hắn dùng hết sức tàn gượng mở to đôi mắt kinh ngạc, cốt nhìn cho rõ bạn tri âm, thiếu nữ váy xanh, tay chân vòng đá, tóc búi sen, người toả rực hào quang. 


– Vân Chúc… 


Lệ khẽ tuôn, mỉm cười.


Vân Chúc chầm chậm bước đến ngồi cạnh hắn. Nàng cũng cười, song mắt đã đỏ hoe. 


– Ban nãy ta nghe không rõ. Nói lại xem, anh là ai? 


– Nguyễn Thang… con của một… ca kỹ – Hắn thều thào lặp lại. 


– Không, thiếu mất rồi. Phải là Nguyễn Thang, con của một ca kỹ, bạn của Vân Chúc, chiến sĩ anh hùng của Hồi Nam. 


Hắn lại mỉm cười. Nhắm mắt. Xuôi tay.


Thời khắc ấy sợi tơ vàng tan biến. Trước mắt Vân Chúc dường hiện lên hình ảnh của hoàn vũ bao la. Có giọt lệ nào từ quá khứ xa xưa rơi rớt vào hư vô tịch mịch, lệ có ngũ vị tạp trần, có một phần thuần khiết. 


Bừng sáng hoá linh, trôi vào lục đạo.


Thuần khiết thành thần. 


Tạp trần tụ nhân. 


“Ra là vậy… Thêm năm trăm năm, kể cũng đáng”.



 HẾT