Chương 5: Ước mơ của em - Kết
“Ban yêu chàng Khôm tài ba nhưng cha hắn lại đem hắn gả cho ông nhà giàu khác, hôm trước ngày cưới cả hai bỏ chạy lên rừng mà bị người nhà đuổi theo thế là cứ chạy cho đến khi kiệt sức, họ ôm nhau mà chết như lời nguyện thề sẽ mãi không rời xa. Sau chàng trai hóa thành cây tre thẳng tắp, mọc lên loài măng đắng. Cô gái trở thành loài hoa trắng muốt gọi là hoa Ban.”
Bác An kết thúc câu chuyện, ông ngước nhìn hai đứa cháu đang há hốc mồm. Mắt chúng dường như rưng rưng, chúng không ngờ rằng món ăn ngon này lại kèm theo câu chuyện bi đát đến thế, dù là vậy nhưng chỉ vài giây sau chúng lại tiếp tục nhồm nhoàm miếng nem măng đắng khiến bác An không thể nhịn cười.
Việc ngồi ăn nem bên bếp lửa bập bùng và nghe câu chuyện về tình yêu giữa nàng Ban cùng chàng Khôm cũng được xem như là một món đặc sản không thể thiếu mà người lớn trong bản thường kể cho tụi nhỏ nghe, câu chuyện cổ tích này giống như một món ăn kèm theo góp phần khắc sâu hơn vào tâm trí của bọn trẻ.
“Cây măng ni cũng có lúc ngọt, ngọt khi mầm măng còn ở dưới lớp đất vì vậy mà người ta thường đào phía dưới gốc tre để mong tìm được loại ni nhưng hiếm lắm mới có được. Măng đắng ngược lại, người ở ni có kinh nghiệm rằng khi Ra Giêng nghe tiếng sấm thì cũng là lúc loại măng ni xuất hiện nhưng vì mọc cũng nhiều nên hắn rẻ bèo.”
Thụy và Thống gật đầu lia lịa, họ thích cái cảm giác được ngồi bên bếp lửa rồi nghe những câu chuyện xưa gọi là kinh nghiệm dân gian mà cha ông truyền lại vô cùng. Vì vốn những câu chuyện ấy chứa đựng rõ ràng nhất văn hóa và bản sắc của Việt Nam cũng như các dân tộc khác nhau sẽ có cho mình sự tích khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung. Chúng đều là truyền thống của đất nước.
Bữa cơm với những tiếng trò chuyện rôm rả là điều ấm áp nhất, họ nói chuyện cho đến tận đêm khuya và thiếp đi mất.
Vài ngày sau thì Thụy trở về miền xuôi, có lẽ vì thứ ngôn ngữ ký hiệu, có lẽ vì Giao, có lẽ vì đám học trò trên miền núi. Anh trở về, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, những người anh đủ thân để nhờ vả.
“Cũng được, mục đích của tao khi học thủ ngữ cũng là vậy mà.” Người đàn ông gật gù.
Thụy cùng với người đàn ông ngồi ở quán cà phê vỉa hè vào lúc sáng sớm, trên tay cầm ly cà phê đen đá đặt lên chiếc bàn nhựa, chen vào tiếng rêu rao bánh trái từ nhiều nơi. Thỉnh thoảng chỉ có vài người lớn tuổi tập thể dục vào lúc sáng chạy qua.
“Sẵn đây thì qua chỗ mái ấm chút đi.” Anh ta nói, miệng ngấu nghiến mấy viên đá lạnh.
Cả hai đến mái ấm, nơi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi hay đúng hơn là bị vứt bỏ. Chúng được tìm thấy ở bất cứ đâu, người ta vứt chúng như vứt rác, quẳng vào trong một xó xỉnh nào đó rồi bỏ đi. Mấy đứa nhỏ lễ phép, chào hỏi từng người một, Thụy đi cùng những người bạn khác của anh, cả bọn đã định sẽ đến mái ấm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Thụy mua khá nhiều quần áo cho bọn trẻ, cùng với một ít đồ chơi nữa.
“Em chào anh.”
“À, chào em.” Thụy hơi bối rối.
“Em đi chung với mọi người á, em cũng học Sư Phạm, em năm cuối rồi.”
“Ra vậy…” Anh trả lời đại khái.
“Em nghe nói anh là giáo viên cắm bản hả?”
“Ừ.”
“Em ngưỡng mộ anh thật đó, không phải ai cũng làm giáo viên cắm bản đâu.”
“Cảm ơn em…”
“Em xin dữ lắm anh mọi người mới cho em đi theo, mấy anh chị ai cũng giỏi hết. Sau này em cũng muốn trở thành một giáo viên giống mọi người, không ngại cực, không ngại khó, nhiệt huyết và tận tâm với nghề.” Thi cười.
“Anh…cảm ơn.” Thụy ngập ngừng, anh hơi hổ thẹn vì vốn ban đầu anh cũng không “vĩ đại” đến vậy.
Sau đó anh phát quà cho chúng, chúng cũng tặng quà cho anh. Bọn trẻ tặng anh cái ôm, chúng vẽ tặng anh những bức tranh tuyệt đẹp, tụi nó hôn anh, cười với anh, tụi nó cảm ơn anh và tụi nó yêu anh. Đó là quà của chúng nó tặng cho anh. Anh biết ơn, anh vui, tim anh tan chảy, anh lưu lại hình ảnh của cả bọn trong điện thoại, lưu lại hình ảnh trong trái tim.
“Mấy đứa nghe lời, chăm ngoan học giỏi nha.” Thụy phát quà, anh xoa đầu từng đứa một.
Chiếc xe mười bốn chỗ lăn bánh trên con đường mòn, Thụy trở về nhà sau một thời gian vắng mặt.
“Con về rồi.” Anh mệt mỏi, ngã xuống chiếc ghế trường kỷ ở phòng khách.
“À, Sao? Chơi vui không?”
“Cũng được, mà mẹ làm như con đi chơi không bằng.” Thụy thở dài.
“Thôi khỏi đi ông ơi, lúc đầu còn nhè lên nhè xuống, giờ khoái rồi chứ gì.” Mẹ anh cười, chọt chọt vào người anh.
“Mà tự nhiên mẹ kéo con lên đó làm gì vậy? Có ai muốn con mình cực khổ ở trên núi đâu?”
“Có tao nè.” Mẹ anh cười phá lên, anh cũng đã quen với việc này rồi. “Thì đó là cốt lõi của nghề giáo mà, gieo chữ. Mẹ muốn nhìn con tạo nên tương lai.” Mẹ anh nói, bà đưa lại cho anh chiếc thẻ tín dụng.
“Định ở bao lâu?”
“Mai con về liền chứ, sao mà ở lâu được.” Anh với lấy cái điều khiển, trên tivi lúc này là bản tin thời sự, đại khái nói về vụ mưa bão nào đó, anh dừng lại một chút, anh mơ hồ nhận ra sự quen thuộc cho đến khi bản tin đề cập đến nơi đã gánh chịu cơn bão. Thụy choàng tỉnh, anh lật đật xách theo mớ hành lý mà anh còn chưa kịp dọn ra, anh lao nhanh như tên bắn, lòng như lửa đốt.
Vào khoảng bốn rưỡi năm giờ sáng.
Anh không vào được trong bản, anh lẫn vào trong đám đông vây kín bên ngoài nhưng không thành, anh chỉ còn cách lẩn quẩn ở mé ngoài, người cứ thấp thỏm không yên. Anh dường như bị cô lập, chẳng biết rõ ràng chuyện gì đang xảy ra bên trong. Chết rồi, bao nhiêu người? Chỉ mới tìm thấy ba người, đám đông đông la lên mỗi khi tìm thấy ai đó dưới đống đổ nát, họ truyền tai nhau từ người này đến người khác, anh lặng người, mồ hôi anh đổ dẫu trời chẳng nóng, tay giữ chặt bịch đồ mà anh mua cho con Giao, đồ chơi cho thằng Thống cùng với cuốn sách tham khảo về ngôn ngữ ký hiệu. Bạn anh cũng ở đó, anh ta cau mày, nắm chặt tay.
“Vậy mấy người đó chết hết hả thầy?” Cô học trò nhỏ hỏi anh.
“...” Anh im lặng, ngẫm nghĩ một hồi rồi nhoẻn miệng cười. “Không.”
Ngày hôm đó có lẽ là ngày anh nhớ nhất, Giao, bác An và Thống được tìm thấy, may mắn rằng chẳng ai phải mất mạng cả, dù vậy thì sau khi tỉnh dậy con Giao với Thống cũng rất hoảng, tụi nó ôm anh chặt đến nghẹt thở. Nhưng không sao, Thụy thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết vì anh đã gặp lại chúng nó. Vì chúng nó vẫn an toàn.
“May quá…”
Một thời gian dài sau đó ngôi trường được tu sửa khang trang và vững chãi hơn, cung cấp đủ cơ sở vật chất thiết yếu cho việc giảng dạy. Thụy dừng chân ở miền núi mấy năm trời, anh giảng dạy cho đến khi con Giao sử dụng được thủ ngữ nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cũng như khả năng đọc hiểu của con bé cải thiện thì chính là lúc có người được bổ nhiệm đến thay anh. Anh đề đơn lên trên để thuyên chuyển công tác, anh cũng biết việc thuyên chuyển không thể xử lý trong ngày một ngày hai nên sau từng ấy năm cũng không phải quá bất ngờ.
“Con sẽ quay lại.” Anh nói với bác An như vậy, anh cũng quay sang Giao.
“Em cũng sẽ về xuôi học, bà em cũng mất rồi, gia đình em đang thu xếp, em nhất định sẽ gặp lại thầy.” Thống nói với vẻ mặt quyết tâm.
Giao nắm lấy tay anh. “Em muốn trở thành bác sĩ.” Nó nói với anh bằng thủ ngữ, nhỏ cảm ơn rồi cũng tạm biệt anh.
Ở lớp học, bọn nhỏ chạy lại ôm vào eo Thụy, nức nở và buồn bã.
“Anh còn nhớ em không?” Thi hỏi anh.
“Sao mà anh quên em được.” Thụy cười.
“Mấy đứa nhỏ giao cho em.”
“Anh yên tâm.”
Cả hai chia tay nhau sau cuộc gặp ngắn ngủi, anh trở về xuôi và tiếp tục việc dạy học.
“Oa, thầy đỉnh quá, sau này em cũng muốn trở thành giáo viên giống thầy.” Con bé nói.
“Vậy thì phải ráng học cho giỏi đó nha.” Anh xoa đầu con bé.
Anh thầm mừng vì cuối cùng anh đã thực hiện được thêm một mục tiêu nữa, một mục tiêu song song với việc gieo chữ. Đó là thắp sáng ước mơ cho các em.
* Sự tích về cây măng đắng có nhiều dị bản nhưng nói chung nội dung của câu chuyện là như vậy, tên của người con gái trong câu chuyện là Bok, Bun (Ban) và chàng trai là Khum (Khôm).