Chương 4: Đặc sản
Sáng sớm, trên nương đã có bóng dáng đôi ba người cặm cụi ở phía xa, dưới chân núi là vài chú tiều đang nhặt củi. Mái tóc ngắn, làn da ngâm cùng với cái gùi tròn được đan bằng nứa đeo ở phía sau lưng trong bộ quần áo từ thiện cũ kỹ. Giao giờ này nó đã lên nương rồi đấy, lên nương rồi lại đi chẻ củi, gánh nước, có lúc lại thấy nó ngồi nhà trông em nhỏ, lúc sau thì lại thấy nó ngồi quay sợi, người lúc nào cũng dính với cái gùi tròn. Nhà nó nghèo, ba mẹ thường vắng nhà, vì nghèo nên ai cũng phải làm việc, không làm ít thì làm nhiều, Giao cũng vậy, nó cũng phải làm, không nặng thì nhẹ. Nhỏ bị điếc khi lên năm, nó mất khả năng nghe vì cơn bạo bệnh cũng từ đó mà nó không nói chuyện nữa, không biết là nó còn nói được hay không nhưng người trong bản cứ mặc định rằng nó là đứa trẻ câm điếc. Nhỏ đang ngồi quay sợi ở trước nhà thì thấy thằng Thống hấp tấp chạy lại.
“Thầy Thụy bệnh rồi, qua nhà thầy xem sao.” Nó la lên rồi mất dạng.
Con Giao thì có biết gì đâu, vì nó không nghe được nên nó vẫn ngồi quay sợi vừa dòm vào nhà trông thằng em nhỏ. Thống quay lại, dường như nó biết vừa nãy mình đã bỏ lỡ điều gì, Thống chạy thẳng lên nhà, đứng trước mặt con Giao, miệng thở hổn hển, nó chuyển sang trạng thái chạy tại chỗ sau đó kéo tay con Giao đi. Thống nắm chặt đôi tay của con Giao, nó chạy băng băng theo con đường mòn, gió thổi nhẹ đám cỏ khiến chúng lao xao. Hai đứa nhóc dừng chân lại một ngôi nhà sàn cũ kĩ, chúng chạy thẳng vào trong. Thụy nằm dài trên sàn, người chảy đầy mồ hôi, trên đầu chườm khăn ấm, kế bên là một thau nước, Thụy đắp chăn kín người, mắt mơ mơ màng màng mất tỉnh táo. Phía ngoài cũng có nhiều đứa nhỏ khác đứng ngóng vào trong, tụi nhỏ toàn là học trò của Thụy không đó.
“Hắn sốt rồi.” Bác An lắc lắc đầu.
Mới hôm nào còn lo lắng cho tụi nhỏ sẽ cảm vì trời mưa mà quay qua anh đã sốt lúc nào không hay. Anh ho khụ khụ, người thì cứ nóng rang, đầu nhức inh ỏi như bị cả triệu cây kim nhỏ ghim vào. Thống đưa cho Bác An ít lá tía tô nhà nó trồng được.
“Mi xuống phụ tau.” Bác An xách cổ áo thằng nhỏ.
Giao ngồi xuống gần Thụy, lấy chiếc khăn trên trán đã lạnh lại đem bỏ vào thau nước, ngâm ngâm rồi vắt khô đặt lại lên trán anh. Nó lấy từ trong áo ra viên kẹo gừng mà trước đây anh cho nó, bóc lớp giấy kính bên ngoài, Giao nó nhét kẹo gừng vào miệng của Thụy, chẳng dịu dàng chút nào cả, suýt nữa thì viên kẹo đã kẹt lại ở cổ họng rồi. Anh ho mạnh hơn nữa, mệt mỏi nhìn sang Giao.
“Cảm ơn.” Anh nói bằng thủ ngữ.
Giao nấm lấy tay Thụy, vụng về viết lên tay anh từng chữ cái một “Không có gì” anh mở to mắt, chẳng hiểu sao con bé lại biết vì anh chưa dạy nó câu này bao giờ cả. Anh nắm lấy tay con bé viết lại “Không có gì ạ” rồi nhìn nó cười, Giao ngồi viết lại mớ kí tự đó lên tay, con bé lẩm bẩm trong miệng.
Thống từ lâu đã nhìn hai thầy trò nói chuyện, cậu nhóc nhìn dáng vẻ tập trung và mừng rỡ của con Giao khi học được ngôn ngữ mới mà đắm đuối, nó bám vào thành cửa như thằn lằn bám tường, đờ đẫn nhìn cô bé ngoài kia. Thống nó là một trong số ít những đứa trẻ nói được tiếng Kinh ở đây, vì ba mẹ nó vốn là người Kinh mà. Gia đình nó có gốc ở đây nhưng Thống lại đẻ ở xuôi nên tiếng Kinh nó không gặp trở ngại gì, sau này bà nó bệnh thì gia đình lại chạy ra đây săn sóc cho bà chắc cũng đã hơn bốn năm rồi. Thống với con Giao gần nhau nên cả hai cũng trở thành bạn từ đó, nhưng nó không nói chuyện nhiều với con bé được, Thống đã cố dạy Giao tiếng Kinh suốt mấy năm qua rồi. Giao viết vẫn chưa sõi vì gần đây có lớp học nên mới có bút vở mà tiện học thôi.
Chiều tối thì bọn nhóc cũng tảng đi bớt, Giao nó đã về từ lâu vì nhà còn em nhỏ. Còn mình thằng Thống ở lại với bác An và Thụy, nó là một cậu bé đầy đủ, về tình cảm hay vật chất. Nhà nó không giàu nhưng cũng không nghèo, đủ để nó hạnh phúc, mái tóc ngắn, làn da sáng hơn so với những đứa trẻ khác, từ khi đứng lớp lần đầu thì anh đã nhận thấy sự khác biệt. Thằng bé thông minh, sáng dạ, đôi mắt sáng, năng động và quyết tâm, đáng yêu, có chút ngông cuồng chỉ trong vài lời nói và cử chỉ.
“Thầy ơi” Thống mở lời. “Em cũng muốn học ngôn ngữ ký hiệu.” Nó nói, đặt tô cháo bên cạnh.
“Thầy biết.” Thụy nhắm mắt, anh biết tỏng, anh nhìn thấu từng cử chỉ, ánh mắt của thằng nhóc đối với Giao. “Nhưng thầy không giỏi ngôn ngữ ký hiệu đến vậy đâu, chắc thầy phải về xuôi một chuyến.” Anh chậm rãi mở mắt, nhìn sang Thống.
“Dạ…” Thống gật đầu. “Thầy có muốn em đút cháo cho không?” Nhóc phá vỡ sự im lặng, ậm ừ mở lời.
“À, không cần đâu, thầy tự ăn được.” Thụy cười, xoa đầu thằng nhóc.
“Thầy ăn rồi uống ly nước kế bên nha.” Thống đẩy ly nước đến.
“Ừm.” Thụy trả lời, mắt dán vào thứ nước đen ngòm mà thầm lo sợ.
“Thầy ăn đi.”
“Chút thầy ăn.”
“Không được đâu, ông An nói em phải coi thầy có ăn hay không.” Thống quyết tâm ngồi lì bên cạnh Thụy.
Thụy ăn xong tô cháo thì ngay tức khắc Thống lại “dâng lên” ly nước với thứ chất lỏng đen ngòm đó. Thụy đổ mồ hôi hột, mắt láo liêng.
“Mà…nước gì vậy?” Anh lo lắng.
“Dạ nước lá tía tô.” Thống bình thản trả lời.
Thụy nuốt nước bọt, chuẩn bị cầm ly nước lên uống. Vị nước hơi cay cay, mùi thì…chẳng biết nói làm sao cho đúng, nó hăng và nồng nữa, hậu vị của nó đắng, đối với Thụy là đắng nghét, anh nhăn mặt, gục đầu tựa vào vách tường. Hồn lẫn phách đều bay mất.
“Thầy yên tâm, không chết được đâu.” Thống dọn dẹp, gọn ghẽ đứng dậy.
Thụy đau đớn, không phải đâu về thể xác mà đau về tinh thần. Trước khi đi thằng quỷ nhỏ còn thả lại một câu lạnh sống lưng khiến anh dường như suy sụp.
“Thầy ăn nem măng đắng không?” Thống hỏi.
“Nem măng đắng?” Thụy nhướng một bên chân mày.
“Ừm, món đó ngon số dách luôn, mới lần đầu ăn là em đã ghiền rồi.” Thằng nhỏ nhảy dựng lên, hào hứng khi nói về “chuyên môn” của nó.
Bác An từ trong bếp bưng ra mấy dĩa đồ ăn, trong đó là xôi ngũ sắc cùng với nem măng đắng và hoa kè nhồi thịt.
“Gì vậy?” Thụy nhìn mâm đồ ăn thịnh soạn hơn mọi ngày.
“Bữa ni có thời gian, tau nấu nhiều món cho bây ăn.” Bác cười.
“Món gì đây?” Thụy chỉ tay vào dĩa hoa kè nhồi thịt.
“Ni là hoa kè nhồi thịt, lấy hoa, bỏ nhụy, rửa sạch rồi mi nhồi thịt vô.”
“Rồi còn cái này?” Anh chỉ tay vào chỗ xôi đủ màu.
“Nó là xôi á, mà có nhiều màu hơn thôi. Màu này là từ cây lá của tự nhiên đó. Em nghe nói là nó tượng trưng cho ngũ hành.” Thống nhồm nhoàm miếng nem măng đắng và hoa kè nhồi thịt, nó giơ tay ra định lấy thêm miếng xôi.
“Ni là nem măng đắng, món ni tau khoái nhất, tau lấy măng vầu đắng rồi tau đem luộc một chút với muối cho bớt chát. Nhân làm từ thịt gà, nem ngon hay không ấy là ở gà, phải chọn gà tơ, gà đồi, băm nhỏ hắn ra, băm cả xương, thịt, sụn và gân của hắn. Trộn với lá hẹ, củ kiệu, gói vào lá măng rồi mang chiên.” Bác An nhìn vào dĩa nem với ánh mắt tự hào.
Thụy bỏ cả bông hoa sẫm màu vào miệng, anh thưởng thức hương vị thơm ngon của thịt được tẩm ướp vừa phải, thịt không bị khô, mềm như tan trong miệng. Quyện cùng cái đắng nhẹ của hoa kè khiến cho những người mới ăn lần đầu khó mà quen được. Nhưng cũng vì sự kết hợp đặc biệt mà khó ai có thể quên được món ăn dân dã này trong phút chốc. Mắt Thụy sáng rực, anh là một người không thể kiềm chế khi nhìn thấy đồ ăn ngon dù cho cơn sốt đang hành anh lên bờ xuống ruộng.
“Thầy, thầy, thầy ăn nem đi.”
Thụy ăn thử nem măng đắng, nem giòn, sần sật lớp vỏ ngoài và có chút đắng cùng với thịt gà ngọt, béo trong khoang miệng, mùi thơm của gia vị càng kích thích vị giác của anh nhiều hơn.
“Cây măng đắng có một câu chuyện mà tau hay được người lớn kể khi ngồi ăn món ni bên bếp lửa giống ri. Rằng ngày xưa có một chàng trai tên Khôm - có nghĩa là đắng và nàng Ban ở làng bên, xinh đẹp được nhiều người để ý". Thụy và Thống ngồi nhìn chăm chú, miệng cứ nhồm nhoàm ăn.