Chương I
Bước từng bước chậm rãi, tôi ngắm nhìn con đường mình đi qua, lòng râm ran đến kì lạ. Mấy tán cây bên đường khẽ khàng đung đưa trong gió, như có người đang vẫy gọi đứa con xa quê về lại xóm nhỏ thân thương. Tôi cảm giác nơi này thân thuộc lắm, thân thuộc đến từng viên đá hòn sỏi. Dù đã nhiều năm rồi chưa một lần về đến, tôi vẫn nhớ như in con đường đất sình lầy mỗi lần mưa xuống.
Phải! Nơi này là quê hương của tôi, là nơi tôi sinh ra. Dù vẻ bề ngoài với nước da trắng, đôi mắt xanh của tôi là một "anh tây" chính hiệu. Vì lẽ đó mà tôi không lẫn với một ai trong cái xóm Cồn này, nên người trong xóm thay gọi tôi bằng cái tên hết sức thân thương, giản dị "thằng Mỹ".
Bố tôi là người Mỹ. Trong chuyến công tác tại Sài Gòn thì gặp mẹ. Họ yêu nhau và khi kết tinh của tình yêu ấy là tôi chào đời thì cũng là lúc bố tôi phải về lại Mỹ, bỏ tôi và mẹ lại nơi này. Mẹ sinh tôi ra, rồi gửi tôi về ở với ngoại. Xóm Cồn này là nơi tôi lớn lên và cũng là nơi tôi cùng nhỏ trao lời hò hẹn.
"Bao năm xa quê hương tôi chưa một lần thôi nhớ về nhỏ. Nhỏ giờ sao rồi. Đã lấy chồng hay chưa?"
Tôi đã từng tự hỏi mình rằng:
"Sao mãi còn nhớ em?"
Nhưng làm sao mà không nhớ cho được, tôi đã trót thương em rồi thì cái tình cảm ấy có lẽ nó sẽ dai dẳng đến suốt đời. Đối với tôi em thật khác với các cô gái tôi vẫn hay gặp trong trung tâm mua sắm hay các quán ăn ở New York, em không cao, làn da lam lũ không trắng sáng.
Nhưng đối với tôi em vẫn đẹp, em đẹp từ ánh mắt đến nụ cười, từ dáng người nhỏ nhỏ đáng yêu đến cái tâm hồn đơn thuần của một cô gái đến từ miền quê nghèo khó. Hay có lẽ, vì tôi thương em, nên đối với tôi những thứ thuộc về em đều đẹp đẽ, đều tuyệt mỹ.
Tôi thương em, gia cảnh đơn chiếc, ba em lên Sài Gòn làm ăn mãi không thấy về. Cứ mỗi tháng, mẹ lại về quê thăm và gửi tiền tiêu vặt cho tôi một lần, những lúc ấy em thường hay sang gặp mẹ tôi để hỏi về tin tức của ba mình, có một lần mẹ tôi ậm ờ rồi nói thật:
"Dì nghe nói ba con ăn ở với một bà ở trên đó nghe đâu có con riêng rồi." - Mẹ tôi thở dài rồi cảm thán: "Đàn ông thật bạc bẽo."
Ngày hôm đó tôi không hề thấy em khóc, mà tôi cũng chưa bao giờ thấy em khóc, có chăng chỉ là tôi cảm nhận được sự tổn thương trong tâm hồn nhỏ bé của em. Nước mắt của em có chăng chỉ chảy ngược vào tim, để vẻ ngoài cho người ta thấy em thật vô tư, thật kiên cường. Chỉ là từ dạo đó em không sang nhà tôi hỏi chuyện về ba mình nữa.
Đứa trẻ con ấy đã cùng tôi xé lá chuối xếp đồng hồ, lấy lá dừa gấp chong chóng, cào cào, từng ra đồng thả diều. Cũng là đứa trẻ năm ấy từng nắm tóc tôi, đòi tôi trả lại cái bánh nếp mà tôi đã trắng trợn cướp khỏi tay em.
"Mày trả lại bánh cho tao cái thằng Mỹ này."
Ngày biết tin ba của mình ở mãi chốn phồn hoa, chạy theo tình mới không về, từ đứa trẻ con em trở thành cô gái biết nghĩ cho mẹ mà một mình lo toan việc nhà.
Nhỏ không còn vô tư như trước, em lớn nhanh hơn tôi, lớn nhanh hơn những đứa con nít trong xóm Cồn này. Vì trẻ con mãi thì ai phụ giúp mẹ chăm lo cho hai em, nên em từ chối thẳng thừng mọi cuộc vui mà hai đứa đã từng đi với nhau bằng lời nói lạnh lùng.
"Tao bận lắm, mày đi rủ mấy thằng trong xóm chơi đi."
Lúc đó, tôi chỉ biết một mình lặng lẽ quay về nhà, nằm vật ra sàn. Trên tay cầm chiếc xe điều khiển mà mẹ đã gửi từ Sài Gòn về mà lòng buồn rười rượi. Không có em tôi chả thiết tha gì mấy cuộc vui đó. Nếu ai đó hỏi tôi vì sao lại thương em. Tôi thật sự không trả lời được vì cái tình cảm tôi trao em đâu cần lý do.
Đó chỉ đơn thuần là cảm xúc của cậu con trai mới lớn dành cho cô bạn khác giới, ở cùng xóm, học cùng lớp, chơi cùng nhau từ thuở bé. Người ta có thể nghĩ tình cảm ấy sẽ sớm trôi nhanh theo năm tháng, nhưng với tôi thì không. Tôi vẫn có thể chắc chắn rằng, tôi còn thương em, còn thương em nhiều lắm.
Tôi thấy em làn da em ngày một đen hơn trước, có lẽ vì nắng đã nhuộm lên làn da của em, của một cô con gái mới lớn lại phải lam lũ làm tất cả những việc mà em có thể làm. Ngoài giờ học ra, em đi lặt đậu, tỉa rau, cấy lúa. Chỉ cần là việc gì kiếm được tiền, lo bữa cơm chiều khi hũ gạo trong nhà đã cạn sạch.
Một hôm, tôi chờ mãi mà không thấy em đến lớp. Trên con đường đi học về nhà tôi thấy em vác bình phun thuốc sâu to tướng trên vai, đang lúi húi trong vườn nhà bà Năm. Tôi chạy lại hỏi:
"Ê Thư! Mày hôm nay sao không đi học, làm gì ở đây vậy?"
Em ấp úng trả lời tôi:
"Tao đi phun thuốc sâu cho nhà bà Năm. Sắp Tết rồi, tranh thủ kiếm chút tiền sắm đồ tết cho tụi nhỏ."
Tôi vừa thương, lại vừa giận nhỏ:
"Rồi mày nghỉ học? Mày có thấy cái bình nó to hơn mày không? Mày thân con gái vác cái bình đó có có ngày trẹo vai. Đi về! Không làm gì nữa hết."
Tôi vừa mắng vừa thương, tự thấy mình quá đáng, tính em xưa nay giống y con trai vậy. Tôi vừa nói là em đã cãi ngay.
"Mày kệ tao đi, mắc mớ gì đến mày."
Con gái con lứa gì đâu nói câu nào cãi ngay câu đấy. Tôi bực mình quát tiếp:
"Mày định phun thuốc hết đám đậu này mới chịu về à!"
Vai em còn vác cái bình nặng trĩu, mặt hơi cúi xuống, nhỏ giọng lại nói tiếp:
"Tao lỡ nhận lời với bà Năm rồi, nốt hôm nay thôi."
"Mệt mày quá! Để tao làm cho. Mày mà phun xong chỗ này thì còn là gì thân con gái nữa."
Tôi phải vác cái bình phun thuốc sâu nặng trịch làm thay nhỏ. Dù là thân con trai tướng tá cao ráo, nhưng từ bé mẹ đã chăm lo cho tôi đầy đủ, không thiếu thứ gì mà phải làm mấy cái việc nặng nhọc này. Vì em tôi lần đầu tiên phải làm công việc này. Tôi không đành lòng đứng nhìn dáng hình nhỏ bé của em làm việc nặng nhọc như vậy.
Phun xong đám đậu cho nhà bà Năm vai tôi rệu rã cả ra. Con nhỏ bình thường hay cãi tay đôi với tôi biến đâu mất, thay vào đó là cô gái nhỏ nhắn lặng lẽ đứng nhìn tôi tỏ ra mình vừa làm gì có lỗi lắm.
"Mỹ! Mày có mệt không?"
Thực sự lúc đó tôi chẳng biết nói thể nào. Bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến, cái bình to tướng nặng trịch tự nhiên nhẹ tênh, tôi cười xuề xòa hơi ngượng.
"Không mệt! Để tao đưa mày về."
Thư cầm mấy đồng thù lao hôm nay nhét vào tay tôi nói:
"Mày mệt rồi về nghỉ đi."
Tôi biết Thư sợ mẹ lo lắng nên chưa đợi nhỏ nói hết tôi đã cướp lời:
"Mày cầm tiền về mà sắm đồ tết. Không thì tao nói mẹ mày vụ hôm nay mày nghỉ học."
Thư đành im lặng, nhận tiền không dám nói gì. Trên đường về, tôi liếc nhìn nhỏ. Mái tóc dài cháy nắng buộc gọn gàng nhìn mà xót đứt ruột. Nhỏ lớn thật rồi. Tôi ngẫm lại cũng đã mười lăm tuổi rồi, chứ có còn nít nữa đâu, chỉ là tôi chưa trưởng thành, chưa đủ sức để chở che cho em.
Mùa hè năm vào lớp mười hai, tôi được mẹ mua cho chiếc xe đạp, cả đám trong xóm thấy tôi có xe mà thèm rỏ dãi. Tôi tự thấy mình thật ngầu khi đi cái xe đạp bóng loáng. Có thằng đòi xin tôi đi mà tôi đâu có cho, rồi tôi bị nó mắng là:
"Đồ nhỏ mọn."
Ừ. Tôi nhỏ mọn thật. Xe của tôi chỉ để chở một mình em thôi. Suốt mấy tháng hè xe của tôi chỉ dành để đèo Thư ra chợ bán mấy món vặt vặt mà nhà nhỏ trồng được. Có lần, tôi đưa em ra chợ bán trứng gà, oái oăm làm sao trời mưa sình lầy nên cả hai đứa té luôn xuống sông.
Nhìn cả rổ lăn lóc vỡ hết, tôi tưởng là mình sẽ bị mắng cho một trận. Mà thà rằng nhỏ mắng tôi một trận rồi thôi, để tôi đỡ day dứt. Nào ngờ, Thư rơm rớm nước mắt cúi mặt đi về không nói lời nào. Tôi với theo gọi em.
"Thư ơi! Rổ trứng của mày để tao đền cho."
Nhỏ lắc đầu:
"Thôi không cần đâu! Mày giúp tao nhiều rồi, có phải mày muốn đâu. Tao về đây."
Tôi tiếc nuối nói tiếp:
"Mai tựu trường rồi, tao qua chở mày đi học nha!"
Đôi mắt Thư long lanh buồn thiu đáp:
"Thôi không cần đâu, tao nghỉ học rồi."
"Sao mày nghỉ?"
Em bực tức nói:
"Tao không có tiền đóng học, tao đi học rồi ai lo cho hai em tao?"
Em nói rồi quay gót đi mà lòng tôi vụn vỡ. Nhìn phía sau tấm lưng gầy gò nhỏ nhắn thấy mà thương. Tôi muốn bảo vệ em, nhưng làm thế nào đây, khi tôi chỉ là một thằng ất ơ suốt ngày rong ruổi. Tôi biết em cần tiền vậy thì tôi sẽ đi kiếm tiền cho em.
Tôi chạy thật nhanh về nhà đập con heo đất mà tôi đã để dành mấy năm nay, rồi chạy ra thị trấn bán cái xe đạp được một khoản tiền.
Tôi ôm một xấp tiền bước chạy nhà Thư mà như kẻ cướp, thằng Hưng em trai nhỏ đang chơi ngoài sân, thấy tôi liền chạy đến:
"Anh Mỹ! Anh đến tìm chị Hai em hả? Chị đang nấu cơm."
"Em gọi chị ra cho anh có được không?"
Thằng nhỏ: "Dạ" một tiếng rồi chạy vào nhà sau gọi Thư ra. Tôi dắt em ra sau vườn ngại ngùng không nói nên lời.
Nhỏ quen giọng cau có với tôi:
"Mày gọi tao có chuyện gì nói lẹ đi."
Tôi ngập ngừng đưa thẳng một xấp tiền cho em nói:
"Mai mày đi học đi."
"Mày không cần phải như vậy đâu." - Nhỏ nói xong lạnh lùng quay gót.
Tôi với níu tay Thư, nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của em, lồng ngực tôi đập vội:
"Đi học đi, nếu em muốn sau này hết khổ thì đi học đi, cứ lam lũ ruộng đồng quài tôi xót lắm."
Tôi không biết lúc đó sao mình có thể xưng hô với em ngọt lịm như vậy. Nhìn hai má nhỏ đỏ ửng, ngượng đến chín mặt, tôi mới biết là mình hơi lỡ lời cũng ngượng theo. Nhỏ cúi mặt thẹn thùng hỏi:
"Mày... mày học đâu cái thói tán tỉnh ghê vậy?"
Tôi đã lỡ rồi, đâm lao thì phải theo lao, đành đổi cách xưng hô với em:
"Lớn rồi mày tao vậy, nghe kì lắm. Mai em nhớ đi học nha. Anh qua đón."
Nói rồi tôi nhét xấp tiền vào tay nhỏ, quay bước đi. Nhớ lại mấy câu nói của mình mà thẹn, chạy một mạch về nhà không dám quay đầu lại.
Từ ngày hôm đó, cứ mỗi sáng em mặc áo dài trắng cùng tôi bước đi trên con đường làng. Tôi thấy em đẹp lắm, mà sao trước đó tôi không nhận ra rằng em đẹp đến vậy, tim tôi như đang hát bài tình ca tuổi xuân nồng cháy. Có tôi có em thế là đủ. Cứ ngỡ chúng tôi sẽ mãi bên nhau trong những ngày thanh xuân ấy. Nhưng thời gian trôi thật mau.
Tôi học xong lớp mười hai thì ba tôi từ vùng trời xa xôi, đến đưa mẹ con tôi về bên nửa kia quả địa cầu. Mẹ tôi về báo tin mừng ra mặt. Tôi chưa từng thấy mẹ vui như lúc ấy, tôi cũng chưa bao giờ buồn đến như vậy. Ba tôi - người cha tôi chưa một lần được gặp mặt, đưa tôi rời khỏi làng quê nghèo bình dị đã nuôi tôi khôn lớn, cũng đưa tôi rời khỏi cuộc đời người con gái cùng tôi đi qua những ngày thơ dại.
Tôi mừng cho mẹ, đến cuối cùng cũng được tận hưởng hạnh phúc bấy lâu nay mong đợi. Thế nhưng mừng xong lại thấy xót xa, tôi xót cho tôi, xót cho em, xót cho mối tình vừa chớm nở đã vội phai tàn.