bởi Trí Nghiên

552
62
2670 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

CHƯƠNG V: Giai Nhân


Sau cái đêm đê mê, vì biến loạn thời cuộc Thái Tử đành bỏ lại thị trơ trọi tại vùng Thái Ấp. Trần Lý cũng vì cơn binh loạn mà mãi mãi không trở về.


Thái Tử từng cố tưởng tượng thị đã như thế nào khi nhìn thấy thân thể của cha mình bên trong cỗ quan tài. Ít lâu sau, cuối cùng Thái Tử cũng hiểu được nỗi đau đó của nàng...


Một cái ngoảnh đầu nhìn lại, khóe mi ngấn lệ, kể từ thuở đó không còn Thái Tử cũng chẳng còn thị.


...

 

Cao Tông sống làm một vị hoàng đế hưởng lạc. Lê dân đói rét ra sao, ngoài kia loạn lạc thế nào, tiếng oán than dù có vang vọng đến cung vàng hoa lệ của ngài, ngài cũng mặc kệ. 


Vì thế, đến trước lúc băng hà Cao Tông cũng không biết làm như thế nào để trở thành hoàng đế tốt. Thứ duy nhất ngài có thể dạy cho thái tử là gieo rắc nỗi thù hận lên người khác.


Một ngày tiết trời âm u, gió se lạnh của Thăng Long, trong căn phòng gỗ tía nơi cấm cung lạnh lẽo, ánh nến heo hắt không làm ấm lên bốn bức tường giá lạnh. Cao Tông hoàng đế nằm trên long sàng, hơi thở khó nhọc căn dặn thái tử:


“Con hãy nhớ chỉ cần là đàn bà thì không được tin, dùng xong rồi diệt!”


Nói xong, Cao Tông cũng trút hơi thở cuối cùng. Trong ký ức của thái tử, phụ hoàng là người rất giỏi, phụ hoàng biết kể chuyện xưa, lại biết giả làm thiên tướng. Người cha cùng thái tử đi câu cá, bắt chim sẻ, những năm tháng ấy, bóng lưng cao lớn mặc áo rồng đi trước thái tử nhỏ bé theo sau, so với kẻ bị dân chúng ngoài kia oán hận, nguyền rủa thật quá đỗi xa lạ. 


Cho đến lúc này vẫn thế, đối với thái tử, Cao Tông vẫn là người cha đáng kính. Đứng bên cạnh thân xác đang lạnh dần của phụ hoàng, cổ họng thái tử như nghẹn lại khó khăn bật ra thành tiếng:


“Phụ hoàng! Người là tuyệt vời nhất.”


Cõi hồng trần tạm bợ, sinh ly tử biệt là điều không thể tránh khỏi, cũng chính là thứ làm con người ta đau đớn nhất, thống khổ nhất.


Tháng 11 năm Trị Bình Long Ứng thứ năm (1) hoàng đế Cao Tông vì bệnh nặng băng hà, thái tử Lý Sảm lên ngôi hoàng đế - Lý Huệ Tông. 


Người đời đều nghĩ, Ngài vinh hiển uy nghi khoác Long Cổn (2) có trong tay một bức họa trăm dặm giang san tuyệt mỹ. Bước lên ngai vàng hoa lệ, muôn vạn giai nhân đều tình nguyện hầu hạ ngài. Cớ vậy mà trong tim ngài duy chỉ có một người...


 

 

Điều đầu tiên ngài nghĩ đến khi trở thành hoàng đế là đưa thị về kinh sư. Nhưng thật đáng tiếc, hoàng đế năm lần bảy lượt cho người đến đón, nhưng Trần Tự Khánh - anh trai thị một mực ngăn cản. Cuối cùng vì quyền lợi của gia tộc, Hắn ta cũng chấp nhận cho nàng nhập cung. 


Năm ấy, hoàng đế phong thị làm Nguyên Phi, cũng để làm vui lòng giai nhân, Trần Tự Khánh được phong Chương Thành hầu.


Ngày hoàng đế nắm tay Nguyên Phi bước lên từng bậc của Long Vĩ (2), hai bên thềm trạm trổ đôi rồng ngẩng đầu uy nghiêm như chào đón nữ chủ nhân mới của cấm cung.


Trong mắt mọi người, con cá tự do bơi lượn từ những chốn u lầy tạp nhiễm ngày nào, bỗng chốc một bước hóa phượng hoàng tôn quý, rực rỡ dưới ánh nắng sớm hoàng cung, người người kính ngưỡng, vạn kẻ để tâm.


Trước cái quỳ hành lễ của trăm quan. Người thầm thì với thị:


“Từ nay đã là phi tử của trẫm rồi nàng nên có một cái tên xứng đáng với chính mình.” Rồi người lại giải thích thêm:


“Công dung ngôn hạnh. Dung là vẻ đẹp bên ngoài hài hoà với vẻ đẹp tâm hồn, cái tên này thật xứng đáng với ái phi của trẫm.”


Trần Thị nhẹ nhàng hành lễ đa tạ Huệ Tông:


“Thần Thiếp đa tạ thánh ân.”


Chỉ là một cái tên, mà thị cũng phải hành lễ, Huệ Tông bất chợt nhận ra.


“Từ khi nào nàng lại xa cách với trẫm như vậy.”


Từ ngày đó sẽ chẳng mấy ai dám ngang nhiên gọi cái tên mà hoàng đế đã đặt cho thị, cũng chẳng còn ai nhớ đến thị đã từng mang tên một loài cá. Đã là cá thì sẽ phải đương đầu với sóng lớn cuồn cuộn.



Cao Tông làm hoàng đế hơn ba mươi năm để lại cơ đồ tan tác rồi bằng hà, quyền hành triều chính đều về tay Đàm thái hậu và gia tộc của mình, việc hoàng đế độc sủng một hậu phi, là mối họa đe dọa đến thế lực họ Đàm sau này.


Cũng vì thế Đàm thái hậu ngày ngày khóc lóc rỉ vào tai hoàng đế những lời cay độc về thị:


“Bệ hạ, hãy nghe ta nói, ả ta là bè phái của loạn đảng.”


Huệ Tông dù yêu thương Nguyên Phi đến mấy nhưng lại không thể nào bỏ rơi thái hậu. 


Đối với những con người ngoài kia bà là thái hậu, người phụ nữ quyền lực hô phong hoán vũ chốn hoàng cung, còn đối với Huệ Tông bà là mẹ, trên cõi đời  này mẹ là người đáng kính cũng là người đáng thương nhất. 


Một người phụ nữ cả đời cô độc chốn hậu cung mong chờ tình yêu thương của chồng, ngày ngày lặng lẽ khóc, một mình nơi hoàng thành rộng lớn. Ngày còn là thái tử, hoàng đế đã từng tự nhủ hứa với thái hậu rằng:


 “Sau này lớn lên con sẽ bảo vệ mẫu hậu, sẽ không làm cho mẹ phiền lòng.”


Thì làm sao ngài có thể bỏ ngoài tai những lời nỉ non của thái hậu.


Làm gì có ai nghĩ đến Nguyên Phi Trần Thị mà hoàng đế yêu thương hết mực bỗng chốc bị giáng xuống làm ngự nữ. Ngày nhận chiếu chỉ, Trần Thị đưa tay đón nhận, ánh mắt của thị vẫn thế vẫn long lanh như buổi bình minh hôm nào, nhưng nụ cười trong ánh nắng bình minh hôm ấy đã mờ nhạt từ bao giờ.


“Thần thiếp lĩnh chỉ.”


Hồng trần một thoáng vốn chỉ là vô nghĩa, ái tình một đoạn, trách sao người vô tâm.


Mùa xuân năm Kiến Gia thứ sáu (3), Huệ Tông cũng không biết bản thân đã vui đến nhường nào khi biết tin Trần Ngự Nữ mang thai, Huệ Tông biết rằng thị đã chịu nhiều cực khổ liền phong thị làm Thuận Trinh phu nhân.


“Hãy tin trẫm. Trẫm sẽ không để nàng phải chịu thiệt.”


Hoàng đế biết lòng thị đã chết từ thuở nào, chỉ có ngài nhìn thấy một bản thân khác của nàng. Trái tim sớm đã chai sạn làm sao biết cái gì là hạnh phúc.



Thái Hậu luôn cho rằng Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, nên thường mắng nhiếc Thị là bè đảng của giặc, ép buộc Huệ Tông phải đuổi nàng đi.


“Hoàng đế! Người nghe già này một lần đi! Ả ta là mối họa lớn không nên giữ lại.”


 Huệ Tông năm ấy, dù có nhu nhược đến mức nào, dù có nghe lời Thái Hậu ra sao, vẫn kiên quyết giữ thị ở bên mình. Nhưng đó vẫn chưa phải điểm dừng...



Thấy lời nói không lay chuyển được hoàng đế, Thái hậu tự mình quyết định, cho người ra tay bức tử Thị, cũng may ngài đã đến kịp lúc. Hoàng đế trước giờ vẫn là một người trầm tĩnh ung dung, vậy mà ngày hôm đó, khi nghe tin thị gặp nguy, ngài đã một mình tay không đương đầu với đám sát thủ. 


Dù làm theo lời của Thái hậu, bất cứ ai ngăn cản đều sẽ chung một kết cục là mất mạng nhưng chúng có ăn gan hùm cũng không dám động tới vị hoàng đế kia. Tên nào tên nấy sợ hãi lùi về phía sau khi Huệ Tông tiến về phía mình.Bấy giờ, ngài mới đắng cay nhận ra kẻ chủ mưu phía sau là ai.


Huệ Tông thương xót nhìn vệt máu lăn dài trên cái cổ trắng nõn nà của Trần Thị, ngài lại điên tiết như một con mãnh hổ muốn bảo vệ bạn đời, trong ánh mắt in hằn những vệt lửa ném vào những kẻ muốn sát hại nàng, như muốn dùng ánh mắt ấy đốt trụi đi cấm cung tàn khốc này. Thật oan trái, thật cay nghiệt. Hoàng đế bất lực gào lên trong vô vọng.


“Giết cả trẫm đi!”


Nhưng rồi ngài lại lo lắng do vết thương của thị. Ngài lại cố nén lại cơn giận dữ, một đầu gối khụy xuống nền cung điện lạnh buốt, trước mặt thị, ngài nhẹ nhàng đưa cánh tay lau đi vệt máu cho giai nhân. Mặc cho đám thái giám đang nhìn trong ánh mắt bàng hoàng. 


Thị hốt hoảng nói:


“Bệ hạ ngài đứng lên đi, đầu gối đế vương đáng nghìn vàng.”


“Thế thì đã sao? Làm sao sánh bằng vợ con của trẫm.”


Ngài thầm nghĩ:


“Thị ở bên cạnh ngài, khổ đau như thế, tủi nhục đến vậy, nhưng chưa từng oán trách một lời nào. Nghìn vàng hư ảo có đáng gì với những hy sinh ấy.”  


Từ ngày hôm ấy, Hoàng đế và Trần Thị như hình với bóng, ngay cả bữa ăn Hoàng Đế cũng phải thu xếp ăn cùng với thị, Hoàng Đế một nửa Thị một nửa. 


Huệ Tông âu yếm thị trong vòng tay, nỗi sợ cứ quấn lấy tâm trí, ngài không sợ bất cứ kẻ thù nào bên ngoài. Chỉ là ngài bất lực khi người đành tâm hãm hại thị lại chính là thái hậu.


Không từ bỏ mục đích của mình,Thái Hậu sai người đem thuốc độc ép nàng phải uống. Huệ Tông lại một lần nữa đến kịp lúc.


Tận mắt chứng kiến thị bất lực kháng cự, đôi tay yếu ớt vùng vẫy hòng tranh lấy sự sống mỏng manh. Lúc ấy, ngài gần như đã tuyệt vọng, nếu kẻ đó là một người nào khác, chắc hẳn kẻ đó đã phải rơi đầu hàng trăm lần dưới đoạn đầu đài. 


Nhưng đối với một hoàng đế trên vạn người như ngài, vẫn không thể nào vì tình mà quên chữ hiếu. Huệ Tông bất lực, dùng tay đập vỡ chén thuốc tan tành, cái thứ thuốc độc đen ngòm vương vãi trên nền tẩm cung lộng lẫy, những mảnh vụn vỡ của chiếc chén sứ như cứa sâu vào tận tâm can hoàng đế.



Ngài thương xót nhìn thị, Huệ Tông không thể quên được ánh mắt ấy tuyệt vọng đến vô hồn, ánh mắt long lanh ngày nào, giờ đây đã trôi theo dòng châu lệ chảy dài xuống đôi gò má, từng giọt từng giọt, len lỏi vào tâm can ngài. Ngài nắm đôi tay vẫn còn run sợ của thị dỗ dành. Cho đến khi căn phòng chỉ còn mỗi hai người, ngài dám ghé sát vào tai thị thỏ thẻ:


“Vì an toàn của mẹ con nàng, chúng ta phải trốn khỏi nơi này. Đến chỗ Trần Tự Khánh lánh nạn.”


Đêm tĩnh mịch, hoàng thành như đã ngủ say, trong màn trời u tối chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân của đôi phu phụ chạy trốn khỏi cái lồng giam vàng son, mong đổi lấy sự bình yên. Họ mong mình mãi là Lý Sảm, là Trần thị, ngai vàng đế vương chỉ là vật phù phiếm không đáng để bận tâm.



Tháng 6 năm Kiến Gia thứ 6, Thuận Trinh phu nhân hạ sinh Trưởng công chúa Thuận Thiên.


Sau ngày định mệnh đó. Họ Trần một bước hiển vinh muôn đời.



Mùa Đông cùng năm đó, hoàng đế được đón về kinh. Lý Huệ Tông chính thức lập Thuận Trinh Phu Nhân Trần Thị làm Hoàng hậu.


Cùng lúc đó, nhà vua cho anh trai cả của hoàng hậu là Trần Thừa chức vụ Nội thị Phán thủ trong hàng Cận thị quan, lại gia phong thêm tước Liệt hầu, Chương Thành hầu Trần Tự Khánh được dùng làm Thái úy phụ chính, nắm toàn bộ binh quyền triều đình. Con trai cả của Thừa là Trần Liễu cũng dụ phong tước Quan nội hầu.


Dưới mái điện Càn Nguyên cả họ Trần đồng thanh tạ chủ vang vọng một góc cấm cung:


“Chúng thần đa tạ Bệ hạ thánh ân.”


 Trong những con người được hưởng vinh hoa của dòng tộc họ Trần kia, có kẻ lạc loài không cha, không được sự thừa nhận của cả dòng tộc, cũng từng bước bước lên vũ đài chính trị - Trần Thủ Độ.


.......


Mãi nhớ về ký ức xưa cũ, Hoàng Đế bỗng cau mày lại. 


“Khá khen cho cái tên của ngươi, Thủ Độ nghĩa là giữ phép tắc, trẫm muốn biết ngươi giữ phép khi nào?”


Bỗng một giọng nói êm dịu tiếng Thất Huyền cầm vang lên.


“Thì ra ngài đang ở đây, thần thiếp đi tìm ngài mãi. Yến tiệc đã dọn sẵn chỉ còn chờ mỗi ngài.”


Cùng lúc ấy Ngọc Oanh vẫn đang nép mình vào một góc, phụ hoàng vẫn đang trầm tư suy nghĩ, giọng nói êm tai ấy bỗng thu hút sự chú ý của cô.


Gương mặt nàng phấn son tỉ mỉ càng tô đậm thêm nét duyên dáng và mĩ lệ.

 

“Thì ra là Hoàng Hậu.”


Cô lại chợt nhớ ra nếu để Mẫu Hậu đi cùng Phụ Hoàng, thì ai đưa cô hồi cung, cô bất chợt gọi Hoàng Đế:


“Phụ hoàng chờ Ngọc Oanh với.”


Đôi phụ mẫu đang trò chuyện bỗng nghe tiếng gọi của con trẻ ngoảnh đầu lại nhìn, thì thấy công chúa trốn một góc, Hoàng Hậu thấy vậy liền cau mày nói:


“Con làm gì trốn ở đó thế?”

 

Ngọc Oanh cố tìm cho mình một lý do thích đáng thì Huệ Tông lên tiếng nói:


“Đi thôi nào! Đã trễ rồi.”

 

Cả gia đình họ bước cùng nhau dưới ánh trăng trung thu. Bất chợt Ngọc Oanh nhìn sang Mẫu Hậu chăm chăm. Đôi mắt phượng sáng rực cùng ánh sáng trăng đêm rằm tháng tám, nhưng đâu đó trong đôi mắt ấy lại ẩn hiện một tâm tư giá lạnh như nước trong hồ mùa thu...



Hoàng Hậu khoác lên người bộ y phục quyền quý, trong mắt người đời có biết bao ngưỡng mộ vẻ đẹp ấy, yêu kiều thướt tha. Một cái nhếch môi cười của người cứ như một đoá hoa cúc chói loà giữ mùa thu muôn hoa tàn tạ, nhưng trong nụ cười ấy lại phảng phất chút gió bấc mùa đông.


Bất chợt Ngọc Oanh sờ lên gương mặt mình tự nói với bản thân.


“Hoàng hậu sao lại có nét đẹp cuốn hút đến lạ kỳ.”


Trong khoảnh khắc ấy Huệ Tông ghé sát vào tai hoàng hậu thì thầm:


“Trẫm cũng nên có một thái tử rồi.”



Cánh môi giai nhân đỏ mọng khẽ nhếch lên nụ cười nhẹ, đôi gò má ửng lên vì xấu hổ rồi cúi nhẹ gật đầu.


“Ngài đừng nên để con trẻ nghe thấy lời này chứ! Mọi việc ngài cứ định đoạt.”

  ...


(1) Năm 1210


(2) Áo của vua mặc trong các nghi lễ.


(3) Thềm Rồng.


(4) Niên Hiệu của Lý Huệ Tông - Lý Sảm