bởi Trí Nghiên

616
63
2860 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

CHƯƠNG IV: Ngô Đồng


  Vừa bước chân xuống giường, đám cung nữ đã chờ Ngọc Oanh sẵn ở đấy từ bao giờ, đưa cho cô một chậu nước rửa mặt, sau đó họ phụ cô thay y phục.


Ngọc Oanh chọn cho mình một cái yếm đào rồi phủ bên ngoài một lớp áo hai vạt xẻ tà hai bên đến chân váy tơ lụa, vừa mặc tấm áo lên người Ngọc Oanh khá ngạc nhiên vì chất vải khá mềm mại lại mát mẻ chứ không nóng như cô đã nghĩ. Thỏa mãn ngắm nhìn bản thân mình trong gương. Dựa vào kiến thức từng viết báo cô nghĩ thầm:



“Đây chắc hẳn là áo đối khâm mà mình đã từng được nghe nói đến.”


Hai vạt áo buông thõng phía trước để lộ cái yếm phóng khoáng. Bộ trang phục này sẽ còn đẹp hơn nếu Ngọc Oanh không phải trong hình hài một đứa trẻ. Thử tưởng tượng người mặc nó là một người phụ nữ trưởng thành thì bộ trang phục này ắt hẳn sẽ phô bày hết được vẻ quyến rũ trời cho của một nữ nhân. Nhưng nó cũng toát ra vẻ kín đáo sang trọng mà một cô gái cần có.


Ả cung nữ lại mang một dải lụa đến làm thành chiếc thắt lưng quấn quanh vòng eo của cô, rồi cột thành cái gút ở giữa. Ngọc Oanh lúc này tóc chỉ ngắn đến vai nên chưa thể búi thành một búi to để cài cài trâm được. Ngọc Oanh thích thú nhìn sang ả kế bên hỏi:


“Ngươi thấy bộ y phục này của ta có đẹp không?”


Ả cung nữ cúi đầu đáp:


“Dạ bẩm! Đẹp lắm! Đẹp lắm ạ.”


Ngọc Oanh lại liếc đến chiếc bàn trang điểm. Cô mải mê ngắm những vật trang sức tinh xảo trên bàn: hoa tai, kiềng đeo cổ, vòng tay còn có cả trâm cài tóc làm bằng đủ loại đá quý bạc vàng, những trân quý như thế này cô chưa từng nhìn thấy cùng một lúc bao giờ. Ngọc Oanh thích thú mân mê nhìn kĩ từng thứ một như thể đang nghiên cứu một hiện vật cổ.


 Vẫn đang ngẩn ngơ nhìn ngắm những thứ trang sức trân quý, một ả cung nữ lại nhẹ nhàng nhắc nhở Ngọc Oanh: 


“Công chúa người mau lên, kẻo hoàng hậu lại quở trách. Hoàng Hậu và Bệ hạ đang chờ người ngoài Ngự Hoa Viên.”


Ngọc Oanh sực nhớ ra là mình không biết đường đi tại cấm cung này, nhưng chẳng lẽ lại cô nói với đám cung nhân mình không biết đường, vờ cao giọng hỏi một cung nữ bên cạnh:


“Ngươi ở hoàng cung này cũng đã lâu chắc cũng đã thông thạo đường lối hậu cung mau nói thử bổn công chúa xem cấm cung này gồm những cung nào.”


“Dạ bẩm. Thưa công chúa! Bệ hạ thiết triều ở điện Càn Nguyên, phía sau là nơi nghỉ ngơi của ngài là Long An và Long Thụy. Bên trái hai điện đó là Nhật Quang, bên phải là điện Minh Nguyệt, phía sau là cung Long Thụy và nơi này cung Thúy Hoa, cạnh cung Thúy Hoa là Ngự Hoa Viên.”


 Ngọc Oanh ngơ ngác nghe một tràng dài các tên cung điện, không biết nơi nào là nơi nào, nhưng cung nữ ấy bảo nơi này gần Ngự Hoa Viên cô nghĩ thầm có lẽ chỉ cần đi vài bước sẽ tới nơi thôi.


Theo lời cung nữ, Ngọc Oanh bước qua cửa cung điện, băng qua một đoạn hành lang dài, vừa đi vừa tung tăng ngắm từng chiếc cột to hơn một vòng tay đen óng. 


Mặt trời đã lên cao, cung nhân qua lại tấp nập khắp hậu viện. Ai ai cũng có dáng vẻ rất bận rộn nhưng khi nhìn thấy Ngọc Oanh, mọi người đều dừng công việc lại cúi đầu kính cẩn chào.


Cứ như vậy Ngọc Oanh đến một khu vườn đầy hoa lòng thầm nghĩ:


“Đây ắt hẳn là Ngự Hoa Viên.”


Nơi này đâu đâu cũng có hoa lá xanh tươi, nở rộ rực rỡ. Ngọc Oanh thích thú nhảy đến bên cạnh một chậu hoa, ngắt lấy một bông cúc rồi cài lên mái tóc ngắn ngang vai của mình.


Đi qua hàng cây ngô đồng, tán cây rợp bóng che mát cả một góc ngự hoa viên. Đôi ba chiếc lá rơi làm Ngọc Oanh chợt nhớ đến hai câu thơ của Đỗ Phủ:


“Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu.” (1)


Ngọc Oanh bỗng chú ý đến một bóng người bên dưới cây... Đến gần hơn một chút thì có thể thấy được đó là một cậu thiếu niên. Thiếu niên mặc bộ áo ngũ thân màu đồng, trên tay cậu ta đang lăm lăm một hòn đá to. Có vẻ như cậu ta đang định ném cái gì đó. Cô chạy đến. 


Lúc này Ngọc Oanh mới nhìn thấy chỗ cậu ta vừa nhìn khi nãy có một con chim sẻ nhỏ đang đứng trên một cành cây thấp. Cô vội muốn ngăn cậu ta lại. 


“Này, cậu làm cái gì đó?”


Cùng lúc đó viên đá kia được ném ra, nhưng có lẽ bị tiếng kêu của Ngọc Oanh làm cho bất ngờ, viên đá ném chệch. Con chim sẻ giật mình bay đi. Thiếu niên tiếc nuối nhìn theo nó, mãi đến khi con chim bay xa, cậu ta mới quay lại, nhìn về phía cô.

 

Trong khoảnh khắc ánh mắt chạm nhau, trong đầu Ngọc Oanh bất chợt hiện ra hình ảnh của Văn Liễu. Cô thầm nghĩ:


“Phải chăng đó là tổ tiên của Văn Liễu? Hoặc cũng có thể giống như mình, anh cũng bị kéo vào thế giới này!”


Cô quan sát thiếu niên trước mặt một cách tỉ mỉ hơn.


“Quả thật có đôi chút giống với Văn Liễu!”


Nhìn gần mới thấy làn da cậu có hơi rám nắng, nhưng đôi mắt sáng ngời, mày kiếm rậm rạp, sống mũi cao thẳng, ngoại trừ mái tóc không ngắn như Văn Liễu thì cậu ta hoàn toàn giống như một phiên bản thiếu niên của anh. Cho dù trên mặt vẫn còn sự non nớt của một cậu nhóc nhưng cũng không thể làm lu mờ đi khí chất cao ngạo, hiên ngang của cậu. 


Trong lúc Ngọc Oanh đánh giá về cậu thì cô cũng cảm nhận được ánh mắt cậu ấy dò xét về phía cô. Chân mày cậu hơi nhăn lại. 


“Ngươi làm chim sẻ của ta bay mất rồi!”


Giọng nói vẫn mang theo sự trong trẻo của một đứa trẻ đang hờn dỗi kèm theo vẻ tức giận của một công tử con nhà quan lớn. 


“Cậu không được phép làm nó bị thương, đây là Ngự Hoa Viên của Bệ hạ, cậu không được phép phá phách ở đây.”


“Ta muốn đem nó về chơi!”


“Cậu ta muốn mang nó về làm trò tiêu khiển? Thế lại càng không được.” Trong đầu Ngọc Oanh nảy ra một ý nghĩ. 


“Ở đây lấy đâu ra chim sẻ?”


“Ngươi vừa làm nó bay mất rồi!”


“Đó là phượng hoàng!”


Ngọc Oanh chỉ tay vào mấy cây ngô đồng vừa đi qua. 


“Cậu có thấy mấy cây kia không? Đó là cây ngô đồng đấy! Mà người ta chẳng bảo là phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng thôi! Thế nên vừa nãy mặc dù cậu nhìn thấy là con chim sẻ nhưng thực chất trong đó là linh hồn của con phượng hoàng đấy! Mà phượng hoàng thì không thể bắt để chơi đâu!”


Cậu ta lại chỉ về cái cây vừa nãy con chim đậu. 


“Đây đâu phải ngô đồng?”


“Ờ... Ừm... Nó ban nãy đậu trên cây ngô đồng xong mới bay xuống đấy! Dù sao vẻ ngoài nó là một con chim sẻ, thỉnh thoảng có một vài thói quen của con chim sẻ thôi!”


Cậu ta ấm ức đáp:


“Cô lừa ta! Tôn quý như phượng nhất định sẽ không hóa thành chim sẻ.”


Ngọc Oanh tự cảm thấy cắn rứt, lòng thầm nghĩ:



“Hai mươi mấy tuổi đầu mà đi lừa trẻ con, quả thật là quá mất mặt.” Rồi chợt nhớ ra hoàng đế vẫn đang đợi, cô vội xoay người rời đi. 


“Tôi có việc gấp không so đo với cậu.”


Đi được một đoạn thì nghe tiếng cậu ta nói với theo. 


“Tiểu cung nữ! Ngươi tên gì?”


Ngọc Oanh quay đầu lại nhìn cậu ta. 


“Tôi là Ngọc Oanh.”


Khi đó, Ngọc Oanh thấy biểu cảm trên mặt cậu ấy sững lại trong giây lát, hai mắt trân trân nhìn về phía cô. Vì vội đi gặp hoàng đế nên chẳng có thời gian để ý đến cậu ta nữa, quay đầu tiếp tục chạy đi. 

....


Những ánh nắng chiếu qua những tán lá đem lại một không gian thoáng đãng cho Ngự Hoa Viên. Ngọc Oanh tìm thấy phụ hoàng cùng người phụ nữ hôm nọ chạy đến khi cô được phụ hoàng cứu. Ngọc Oanh đoán đây là hoàng hậu, hai người đang cùng nhau thưởng trà ngoài ngự hoa viên, trên bàn đầy ắp những của ngon vật lạ.


Ngọc Oanh vô tư chạy đến đưa tay lấy một miếng bánh đưa vào miệng nhưng có vẻ hoàng hậu không vui vì hành động này của cô.

“Thuận Thiên! ý tứ một chút!”


  Nói xong hoàng hậu lại quay qua quở trách phụ hoàng:

 “Thuận Thiên bị ngài chiều hư đã không nhớ phép tắc nữa rồi! Ngủ dậy muộn đến bây giờ mới đến thì không nói. Đã vậy còn không chút lễ phép, sau này trưởng thành còn phải gả đi đến các miền biên viễn. Người ngoài nhìn vào còn đâu là thể thống hoàng thất.”


Ngọc Oanh nghe được những lời này bắt đầu lạnh toát người, trong ký ức của cô về các cuộc hòa thân Lý triều không mấy tốt đẹp.


 Khi Ngọc Oanh còn ở thế giới hiện đại, đám trẻ con, ai cũng từng muốn được làm công chúa và sẽ được lấy hoàng tử. Nhưng có một lần tại trường đại học của cô có một đề tài về các cuộc hoà thân của các công chúa thời phong kiến. Khi này Ngọc Oanh mới được hiểu, các công chúa ấy chỉ là “vật hy sinh” để làm vững chắc hoàng thất, số phận của các công chúa được gả đi cũng vẫn còn nhiều ẩn số. Ngọc Oanh thầm nghĩ:


“Họ rốt cuộc có hạnh phúc không hay chỉ là một con thí chốt lẻ loi trên bàn cờ đế nghiệp.”


Nực cười thay những công chúa lá ngọc cành vàng, lại phải rời bỏ cung điện nguy nga để trở thành vương phi bình thường của các thủ lĩnh. Khi các công chúa hòa thân có mang, dù là chồng nhưng các thủ lĩnh này cũng sẽ tìm cách để các nàng không sinh được đứa bé. Để rồi sống lẻ loi không chỗ dựa, cô độc cho đến lúc lìa đời.


“Đó là vận mệnh cũng là sứ mệnh của hầu hết công chúa họ Lý lớn lên trong sự tôn sùng kính trọng của vạn dân?”


Hoàng Đế lại nhất quyết rằng sẽ chẳng gả Ngọc Oanh đi đâu cả.


“Trẫm không quan tâm sứ mệnh là gì, công chúa từ bé sống trong cẩm y ngọc thực, làm sao có thể gả công chúa đi những nơi hẻo lánh đó? Không phải anh trai nàng có đứa con trai tên là Trần Liễu lớn hơn công chúa vài tuổi sao? Gả Ngọc Oanh về nhà ngoại là được rồi!”

Cô nghe đến cái tên này không khỏi sửng sốt.


“Là phụ hoàng cao hứng hay là hữu ý ban duyên?”


Ngọc Oanh vội tự trấn an mình:


“Rồi mình sẽ tự tìm ra cách thay đổi số mệnh.” Bình tĩnh đưa tay lấy một miếng bánh đưa vào miệng:


“Mẫu hậu! Bánh này Ngự Thiện làm không ngon gì cả.”


Hoàng Đế vội đưa tay bịt miệng cô, tay kia cầm một chiếc bánh đưa vào miệng.


 “Bánh này là mẫu hậu con đích thân làm, sao có thể không ngon?”


Hoàng Hậu hai má đỏ ửng, tỏ vẻ hờn dỗi.


“Nếu không ngon thì ngài cũng đừng cố mà ăn.”


Cùng lúc đó, một người đàn ông phong thái uy dũng cầm một cái lồng chim đi đến. Đứng trước bậc đế vương mà không hề bị lép vế. Trên người ông ta toát lên một vẻ bí hiểm, vừa nhìn đã biết chẳng phải nhân vật tầm thường. Người này giương đôi mắt đầy tâm cơ nhìn phụ hoàng, nhưng giọng điệu lại cung kính, cúi đầu hành lễ rồi nói:


“Hôm nay là Trung thu, nên thần muốn tặng con vàng anh này để công chúa bầu 

bạn.”


Hắn ta vừa nói vừa dùng tay lấy một chiếc bánh trên bàn. Rồi nói:


“Dù có như thế nào tôi cũng thích mỗi bánh của chị Dung làm?”


Ngọc Oanh thầm nghĩ:


“Tên này thật quá đáng! Phụ hoàng còn ở đây mà hắn lại tự tiện như thế. Cái tên mà hắn vừa gọi thân mật chắc là tên của mẫu hậu rồi.”


Cô liếc nhìn sang phụ hoàng, người không thích người này nhưng vẫn ung dung nhấp một ngụm trà. Thấy vậy Ngọc Oanh liền nói:


“Ta không thích quà của ngươi, ngươi mau cút đi nhanh đi.”


Thấy vậy hoàng đế nở một nụ cười đắc ý cốc nhẹ vào trán cô. Ánh mắt liếc nhìn lão ta một cái rồi tay cầm đĩa bánh lên.


“Đã là bánh của trẫm, dù có không ngon Trẫm không cho thì không ai được ăn. Ái khanh có ý tốt tặng quà cho công chúa nhưng Ngọc Oanh của trẫm không thiếu thứ gì, chuyện chính sự khanh chen chân vào không ít, nhưng đây là chuyện nhà của trẫm, khanh không nên bận lòng đến thế.”


Nói xong hoàng đế ung dung điềm tĩnh quay bước đi bỏ lại nét mặt đỏ bừng lên của hắn ta. Hắn nhìn chằm chằm Ngọc Oanh. Đôi mắt hắn sắc lạnh như một lưỡi kiếm vừa chém lìa một khối băng. Cô thấy trong ánh mắt ấy là sự gian xảo toan tính và cả sự khinh bỉ hắn giấu vào tận sâu thẳm.



Hoàng hậu lúc này ánh mắt long lanh nhìn tên đó, không để tâm đến sự hiện diện của công chúa. Dù sao đi nữa cơ thể cô vẫn là một đứa trẻ. 


“Tâm tư của ngươi lẽ nào Bệ hạ không biết, người đã biết khi người còn là thái tử kia kìa. Thủ Độ, đã là quá khứ rồi buông bỏ đi! Đừng tranh giành nữa!”


 Ngọc Oanh biết, nữ nhân trước mặt mình, không chỉ là mẫu hậu của riêng cô mà còn là người phụ nữ quyền lực nhất chốn cung cấm, trải qua bao lần biến loạn thời cuộc, có lẽ người đã thấm nhuần những quy luật bất thành văn trong cung cấm. Thứ hoàng đế đã muốn thì không ai được phép tranh giành.


“Có những thứ không thể nói buông là buông được. Mối duyên tình này tôi tuyệt đối không thể buông bỏ chị Dung à.”


Vừa nói tên này một tay vừa mở cửa chiếc lồng chim, một tay còn lại lôi con vàng anh ra khỏi chiếc lồng, bàn tay to lớn của hắn từ từ siết chặt lấy con chim. Mặc cho tiếng ai oán của con vàng anh cứ thét lên cho đến khi âm thanh ấy tắt lịm. Bàn tay hắn bê bết máu, thân xác con chim bầy nhầy trong lòng bàn tay hắn, đôi mắt nó mở to trông thật kinh dị.


Hoàng hậu thấy vậy lên tiếng khuyên ngăn:


“Công chúa đang ở đây đừng nên làm vậy không hay, mau đi rửa tay đi mau lên.” 


Nói xong hai người chẳng đoái hoài gì đến công chúa, quay gót đi.


Hai bóng lưng khuất dần sau tán cây. Chỉ còn một mình Ngọc Oanh trơ trọi trong Ngự Hoa Viên rộng lớn, bất chợt cô nghe thấy tiếng đàn ai đó réo rắt, hòa cùng làn gió làm cho những chiếc lá ngô đồng nhẹ rơi trong gió. Ngô đồng loài cây của phượng hoàng, đẹp kiêu sa nhưng cũng rất độc.


“Có thể làm thuốc cứu người và cũng có thể hại người.”


.....

(1) dịch nghĩa:

“Một chiếc lá ngô đồng rơi

 Thiên hạ biết mùa thu đến.”

(2) Ngô Đồng là loại cây cao dáng thẳng, có hoa màu đỏ. Tương truyền là loại cây ưa thích của loài vật linh thiêng - phượng hoàng, nên thường được trồng trong cấm cung (chớ nhầm với cây ngô - bắp để ăn). Ngoài ra ngô đồng còn được dùng để làm thuốc nhưng nếu dùng không đúng cách và liều lượng sẽ trở thành thuốc độc.