bởi Mỹ Diệu

39
7
2276 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.1 Đến ma quỷ cũng biết yêu!


Tháng bảy, những cơn nắng mùa hạ trôi lửng lơ về phía xa, bỏ lại ở cái xứ này chút mưa đầu mùa. Mỗi khi mưa chợt đến, đang trong cơn thèm ngủ giữa cái mát dịu thoảng qua, tôi phải bật dậy chạy ra sân lấy đống quần áo vào nhà. Nếu tôi cố nằm lì thêm chút nào nữa, má sẽ mắng một trận cho tôi trừa tật ham ngủ mà quên đi đống quần áo. Đặc biệt, vào ngay dịp mưa này, tôi gần như càng thèm ngủ nhiều hơn, tôi thật sự chả muốn phải tỉnh dậy rồi hớt hải chạy lùa đống đồ vào nhà, tôi chỉ muốn chui sâu vào chăn ấm rồi ngủ một giấc thật dài bù lại những ngày tháng vất vả phải đội nắng đi học giữa trưa. Cũng có lẽ vì thế, vào mùa hè, trời nắng ba bảy ba tám độ, tôi lại không buồn ngủ, chỉ thích được đi chơi ở ngoài cùng đám bạn học, chờ đến khi chiều, má làm ruộng mới về nhà. Má sống với tôi chừng ấy năm, quá quen với cái thói lười biếng có một không hai của tôi, nhưng má hiểu. Ai trong đời đều chưa từng là trẻ con cơ chứ? Tôi đoán, chả có đứa trẻ nào siêng năng như cô Tấm trong chuyện cổ tích, lúc nào rảnh là lại làm việc, hết lau nhà rửa bát giặt đồ thì cho gà ăn, rồi dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Chưa kể sáng thì gà chưa gáy, cô ấy đã ra đồng làm việc, coi xét tình hình mẫu ruộng như thế nào, đủ để gặt và nên gặt vào lúc nào để hoàn thành hết công việc trong thời gian ngắn nhất. Trong câu chuyện cô giáo chúng tôi kể, Tấm luôn xuất hiện như một đứa con ngoan nhà nông, chăm chỉ và hiền dịu nhưng bất kể đứa nào trong chúng tôi lại không thích trở thành một con người giống cô ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm tới những trò chơi sau giờ học và những món ngon mà mình được ăn. Xứ tôi nghèo lắm, ngoài nhà chú Thỉnh ở đầu làng thì hầu hết ai cũng ở nhà lá, lợp bằng thứ rơm và dựng từ những đốt tre trong làng. Mỗi bữa cơm ngon lắm chỉ vỏn vẹn là dĩa rau muống luộc kèm với chén nước mắm mặn. Quanh năm suốt tháng, tôi với chúng bạn chơi thân ăn riết thấy quen đâm ra thèm. Chúng tôi mơ ước về biết bao thứ trên đời chưa được thử, những thứ món ngon của quý ấy chỉ có ở chợ huyện đông người tấp nập. Người mặc áo xanh áo đỏ, trang sức đeo đầy người, đi vào từng cửa tiệm mua đồ. Tôi với thằng Tư, có cả thằng Năm, thằng Bảy rồi thằng Bốn cùng nhau kéo lên chợ huyện chơi một lần, dù chả có đứa nào có tiền, nhìn họ đi qua đi lại rồi ăn món ngon thơm nức mũi, như phở, hủ tiếu... Bọn trẻ chúng tôi thích và chết mê đi được, đứa nào mỗi lần về đều quyết tâm để giành tiền để sau này có thể ra oai lên huyện vô hẳn hàng quán mà mình thích mà không cần đắn đo bị giữ lại vì ăn quỵt. Khổ thay, lũ nghèo ở xóm Mít, đứa nào đưa nấy nghèo, nghèo tới độ quần áo mặc còn rách vài lỗ vá chi chít bằng những mảnh vải đủ màu, thì chúng tôi biết lấy đâu mà tiền để giành. Tiền ăn mỗi ngày còn chả có, vụ mùa nào lỡ may mà bội thu, má có ít tiền. Tôi định xin má làm vốn tiết kiệm, nhưng tôi lại thôi, tại tôi biết má cũng chẳng cho bao giờ. Nhà thì bé, cái mái thì gió mạnh thổi vù vù qua y rằng, nguyên cả đêm mưa rỏ xuống giường, hại tôi đang ngủ mà tỉnh giấc. Thế nên tôi mới nhận thấy rằng, trẻ con ở xóm tôi hay bất cứ đứa trẻ nào trên đời này, chúng nó đều thích được đi chơi và được ăn ngon mỗi ngày. Đúng hơn nữa, tôi, thằng Tư và thằng Bảy cùng với tất cả đám con trai trong xóm luôn hẹn nhau cứ độ cỡ hè là sẽ làm gì đó thiệt là oanh liệt. Sống ở cái xứ này, không ăn ngon thì phải chơi cho đã, làm cho biết bao đứa con gái trong làng này nể phục. Mùa hè đến rất nhanh, khi tiếng ve đầu tiên kêu, cả bọn đã xốn xang bàn tính trò vui. Mỗi một mùa hè qua, chúng tôi lớn dần, ai nấy đều cảm nhận được việc cần phải làm, không còn hay qua lại cùng nhau chơi như lúc bé. Tôi biết và tôi cũng luôn hối thúc bản thân nỗ lực chăm chỉ hơn cho hiện tại. Để mai sau, nếu được quay lại thời con nít, tôi vẫn là Hải, cùng với Tư, Bảy rồi Bốn chạy hoài trên cánh đồng vô tận mà không bận tâm về tương lai. Chúng tôi cứ mải mê đuổi theo con chuồn chuồn vàng bay trên những đám hoa cúc dại sau vườn nhà chú Thỉnh. Có khi chúng tôi lại dạo lên chợ huyện, núp sau những hàng quán xa nhìn người ta ăn rồi mơ tới ngày mình có đủ tiền để ăn những món mình ao ước như họ. Tôi lại cười, mùa hè thật đẹp. Nó cứ như giấc mơ dài mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích và ao ước.

Tôi còn nhớ như in, mùa hè năm ngoái, độ cỡ tháng năm, khi tiết học cuối cùng báo hiệu kết thúc. Chúng tôi ùa nhau ra khỏi lớp, chạy ngay tới mảnh đất trống nằm khuất sau nhà chú Thỉnh. Tôi hù với thằng Tư, ngầm tỏ ra thách nó:

"Tao kể với mày nghe một bí mật nhỏ."

Thằng Tư nghe thế liền đâm ra tò mò, nó liến thoắng đi lại, cứ tý là đứng sau tôi bảo cái này, chốc lại đứng trước mặt dòm tôi:

"Có cái giống gì thì nói ra đi, bày đặt bí mật với thằng bạn thân này nữa. Nói đi, nói tao nghe, tao mà biết được hứa tao sẽ đền cho mày tô hủ tiếu có cục xương bự chẳng."

Tôi giả lơ lắc đầu, quay mặt đi chỗ khác. Tôi chạy lại chỗ thằng Bảy vỗ vai nó:

"Bảy ơi, tao là tao tự dưng muốn kể mày nghe một chuyện."

Để thu hút sự chú ý từ thằng Tư, tôi cứ ngân thật dài, rõ to đủ để nó phải chú ý:

"Tao mà nói.......................i chuyện này á..... đảm bảo mày nghe xong."

Thằng Tư coi bộ tức, mặt nó đỏ bừng, nhìn trừng trừng quát tôi:

"Mày cứ nói đại đi, việc gì mà phải cứ ậm ờ chút này rồi hé hé chút kia. Tao là tao nãy giờ tao tức mày lắm rồi đó."

Nhìn điệu bộ không khác gì má của tôi, lúc má vừa đi chợ về mà nghe tin tôi đã xuống xóm dưới chơi bắn bi. Y rằng, bữa đó tôi ăn no đòn với cái cây đuổi ruồi của má. Giờ trông lại chuyện cũ, tôi đâm ra hơi sợ, nhưng tôi cố lấy lại bình tĩnh. Nếu không làm như vậy, tôi tin chắc rằng thứ bí mật này chúng nó sẽ không thèm nghe. Chiêu này tôi mới đọc được trong quyển "Ba mươi sáu bí kíp lừa người" của một ông thầy đồ trong làng truyền lại. Mặc dù tính tôi hay nói nhăng nói cuội, lâu lâu cứ nói toẹt ra những chuyện bí mật, lắm lúc tôi thấy giận bản thân mình. Bởi tôi đoán rằng, nếu bản thân chịu kín miệng sau này sẽ có thể kiếm được tiền từ việc phụ má bán hàng dưới chợ huyện. Tuy nhiên, bữa nay ngoại lệ, vì tôi mới đọc được một câu chuyện rất hay, liền dùng ngay làm thử chiêu đầu trong quyển sách này xem có linh nghiệm không.

Tụi nó đứng chán, đứa thì ngồi bẹt xuống đất, đứa thì đi mò những con cào cào nhỏ núp sâu trong lùm cây dại. Chúng nó ai nấy cũng thấm mệt, khi cứ đứng không làm gì, đợi cái bí mật tào lao của tôi. Thấy thế, tôi vẫn im lặng để chờ đợi đúng khoảnh khắc. Khi nghe thấy tiếng con Nga trốn sau lùm tre hô lớn ba tiếng:

"Chạy mau đi."

Tôi xách cặp lên chạy thoăn thoắt ra khỏi mảnh đất, di chuyển nhanh tới gần nhà thằng Tư nghỉ chân. Đây là thời cơ thích hợp để tôi tung ra bí mật của mình, tôi ngồi xuống và bèn ra hiệu nhỏ với đám bạn:

"Tao sẽ nói cho chúng mày nghe đó. Nhưng mà chúng mày phải nhớ tuyệt đối không được nói ai nghe đâu đó."

Tôi nghiêng người về sau cười thầm. Đợt này, chúng nó sẽ biết thế nào là tôi, con trai của má Tám xóm dưới ra sao. Để khiến cho mọi chuyện về sau trở nên đáng tin cậy hơn, tôi hít một hơi thật sâu rồi thở ra, hai mắt lừ đừ nhìn chúng bạn:

"Chúng mày à, chuyện này đáng sợ lắm. Thật sự chúng mày phải hứa với tao, nghe rồi tuyệt đối không được kể ai đâu đó. Sống để bụng chết mang theo nghe chưa? "

Đứa nào đứa đấy nhìn qua nhìn lại, đồng loạt gật đầu đồng ý. Thằng Tư đốp vào vai tôi một cái, tôi giật mình. Nó cười khúc khích:

"Gớm, nói đại đi. Tao, Tư con má Năm xin thề, không nói chuyện này cho ai bao giờ, nếu vi phạm sẽ làm lưng cho thằng Hải cõng một tuần."

Tôi nhảy dựng lên, quyết từ chối bằng được cái yêu cầu quái dị của thằng Tư:

"Thôi mày, cõng mày tao sợ tao té mẹ xuống ao. Thà như mà làm sai mày cho tao mấy bịch kẹo dừa của dì mày gửi lên vào cuối tháng chín, tao còn nghe được. Chứ làm người cõng trên lưng mày, tao xí thèm... Chán bỏ xừ..."

Thằng Tư cười trừ, nó im lặng chả nói gì. Tôi biết nó chẳng chịu cho ai cái loại kẹo đó cả, năm ngoái khó lắm tôi mới dụ nó được một cục. Từ độ rày đó trở đi, tôi ghiền cái kẹo mà lớp vỏ ngoài trắng tinh mềm, bên trong là hai phần kẹo vừa đậu phộng vừa lẫn lá dừa, quyện với mùi nước dừa thơm nức mũi. Tôi thích kẹo này tới nỗi cứ liên tục vòi má mua cho bằng được. Má tôi nghe tôi lải nhải hoài đâm ra má trở nên vô tâm với tôi:

"Thích thì lo mà mười điểm rồi muốn gì tao chiều ha. Đã học dở còn bày đặt hả, tao là tao chưa mắng cái vụ bị âm điểm vì tôi không chịu học bài, bị cô phạt quỳ ở góc lớp tới ba giờ chiều nhé!"

Tôi đành chịu thua, buông bỏ ước mơ về được ăn cái kẹo ấy lần hai. Tự dưng nay thằng Tư nó bày ra cái thách đố nên tôi mới đòi ngược lại nó. Coi như nếu số tôi may, tôi chắc cũng được ăn thêm vài ba lần nữa, tới lúc đó khi đã quen với thứ mùi riêng của loại kẹo này, tôi chỉ cần căn lúc nó vắng nhà, chạy vô xin chị hai nó vài viên là được. Chị Hai nó tên Thắm, dịu dàng, dễ thương, tôi mới gặp một lần đã mến. Chỉ tiếc, nhà có mỗi người chị được còn thằng Tư, nói thật không phải vì học chung lớp tôi chả chơi với nó bao giờ. Người gì mà láu cá, chuyên gia nói điêu mà còn rất keo kiệt.

"Thằng Tư không nói gì là đồng ý đấy nhé, có tụi ở đây làm chứng. Không được nuốt lời.Quân tử nhất ngôn."

Tôi cười đắc chí, tự hào về câu mình vừa nói ra, má tôi mà nghe được đó là lời con trai má bảo chắc vui mừng lắm. Bởi má sẽ biết tôi học giỏi văn tới cỡ nào, chẳng qua là do học hành không thích hợp với một người đầy năng động như tôi nên tôi mới lười và bị điểm kém như thế. Tôi cúi đầu xuống một tý, chụm lại với đám bạn cùng lớp thủ thỉ:

"Qua tao đi xuống xóm dưới để mua ít lạc về cho má nấu chè, cái tự dưng tao nghe người ta đồn thổi về một chuyện ghê lắm. Tụi mày chắc chưa nghe bao giờ đâu. Hôm nọ, ở trong cái vườn của bác Thỉnh lúc nãy mình vừa đi qua ấy, có một bóng người hay bay qua bay lại vào lúc chín giờ tối."

Tôi nhăn mặt, co rúm người lại, hai mắt nhắm chặt lại. Thằng Bảy hét lên một tiếng:

"Ma hả mày..."

Tôi lấy tay bịt ngay miệng nó lại. Đúng là mấy đứa nít quỷ, rõ ràng tụi nó hứa với tôi rằng không được hé mồm ra ngoài, vừa mới đồng ý xong giờ lại la to như thế này. Tôi tức quát thầm:

"xù xì xù xì xì hở hển hổ hển hả...."