Gần
Đài Loan những ngày cuối năm thật lạnh, nơi xứ người cũng có chút mưa phùn với sắc mai trắng làm không khí đón xuân. Sắc mai, sắc đào thật tinh khiết chẳng khác nào những bông tuyết đang vươn mình ngoài trời đông, nhưng những cánh hoa mỏng manh kia làm sao lấp đầy được sắc cam vàng rực của quất. Dường như "Bánh chưng" cũng là một cái gì đấy hết sức xa xỉ với những người con ở xứ Đài trong dịp này. Lá dong, lạt tre, biết tìm ở đâu bây giờ?
Giữa hoang hoải của những nỗi nhớ, của hương vị Tết xứ Bắc, bỗng có một giọng nói hào sảng pha chút tinh nghịch vang lên:
- Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh đê!
Giật mình, Bắc quay lại nhìn thì nhận ra đấy là Nam, cậu bạn cùng phòng của mình, thấy tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ đồ, Bắc vội cất giọng hào hứng lên hỏi:
- Gì đấy, đã mua được gì để làm bánh chưng chưa?
Nam liền nhướng mày, dương mặt tự đắc:
- Gạo nếp có, đỗ con có, thịt mỡ cũng có luôn! - Vừa nói Nam vừa giơ mấy túi đồ lên khoe thành tích đi chợ của mình. Thấy vậy Bắc cũng nhoẻn miệng cười hài lòng, chợt anh giật mình nhìn lại hỏi:
- Ơ thế không có lá dong với lạt buộc à?
Nét cười trên khuôn mặt kia thoáng biến mất, đôi môi thu lại và Nam cũng hạ thấp tông giọng của mình xuống:
- Bên này người ta ăn bánh chưng vào Tết Đoan Ngọ, giờ thì lấy đâu ra lá dong với dây buộc. Tao...
Giữa lúc cả hai còn đang trùng xuống vì câu nói vừa rồi thì có tiếng bước chân của Trung chạy vội vào:
- Đây, không phải lo, nãy tao ra mãi khu ngoài kia chặt được ít lá chuối, thôi cứ lấy tạm về thay lá dong cũng được. Còn lạt thì... dây dù, dây dứa, dây chuối chắc cũng không sao.
Trung bước vào phòng với những tàu lá chuối xanh ngắt một màu, đặt xuống nền nhà rồi cậu nói:
- Tao thấy thằng Bắc có bộ lego xếp hình mua cho thằng em còn chưa gửi về quê, không ấy mình lấy ra làm khuôn được đấy nhỉ? Sao, chứ tao không biết gói bánh chưng vo.
Nghe sáng kiến của cậu bạn thì Bắc phì cười:
- Ok chứ sao không. Vậy là chúng ta có đủ hết rồi đúng không? Đúng là một khi đã muốn thì không thiếu gì cách.
Bắc lại gần giúp hai cậu bạn xếp đồ đạc vào trong rồi không quên nói:
- Nãy ở nhà đợi hai đứa mày đi chợ, tao có tranh thủ làm lễ đón thần rồi. Tối nay chúng ta ăn nướng ngoài trời, lạnh thế này mà ngồi nhâm nhi rượu thì phê phải biết, đúng không ạ?
- Ông tâm lý đấy! Ok chứ sao không. Nhanh nhanh rồi còn ra ăn.
Rời xa quê nhà, bánh chưng đâu chỉ đơn giản thứ bánh cổ truyền trong ngày Tết Việt Nam ta. Trong chiếc bánh ấy là nỗi nhớ, là niềm vui, là sự linh thiêng của đất và trời, là hồn của những người con nước Việt xa quê.
Bữa tối cuối năm có rượu nếp, có bếp lửa lộng than đỏ, có miếng thịt lợn cháy dở cùng cây đàn ghi ta của cậu bạn cùng phòng. Có những câu chuyện buồn vui của một năm đã qua bên cây mai, cây đào. Và cũng có những câu chuyện lần đầu được nói ra...
- Nói tao nghe, cuộc sống ở quê chúng mày trước kia thế nào?
Li rượu vừa rót đầy đã vội cạn, vẻ mặt của ba chàng trai thỏa mãn thấy rõ, có vài vệt phơn hồng không biết là do men say của rượu hay do ánh than đỏ lộng đang tí tách cháy kia. Trung vội bật cười lớn vì câu hỏi đó, hai mắt cậu ta híp lại đã có dấu hiệu ngà ngà say, cậu vỗ ngực chuẩn bị kể câu chuyện của mình:
- Quê tao ở vùng bãi, vỡ đê là xác định ngập lụt triền miên, khó khăn thiếu thốn nhưng mà vui. Nhất là vào dịp tết Trung thu ấy, không khí ở làng tao phải gọi là ngạt thở luôn, nó như lễ hội hóa trang với lễ hội ánh sáng ấy. Thanh niên tụ tập lại múa sư tử rồi đi diễu hành quanh quanh, đốt đuốc sáng rực trời luôn, tiếng trống, kèn rồi đủ thứ âm thanh huyên náo. Nhảy múa, đốt pháo, phun lửa, còn có cả thả đèn trời nữa. Xong rồi thì tất cả tụ họp lại sân đình phá cỗ cùng các em nhỏ, văn nghệ liên hoan đủ thứ. Vui lắm, chúng mày yên tâm, về nước rồi tao sẽ mời chúng mày đến nhà chơi vào dịp tết Trung thu để biết cái không khí nó khủng khiếp như thế nào.
Bắc ngồi ôm cây đàn ghi ta mà ngẩn tò te ra cậu bạn của mình kể chuyện, cậu thoáng nhận ra phía sau đôi mắt híp ấy dường như đang có một làn nước mỏng chỉ chờ trực trào ra ngoài. Định cất tiếng thì Trung đã vội cướp lời, dường như đang cố lẩn tránh đi cảm xúc thật của mình, Trung nghiêng đầu qua phía Nam, làm bộ dạng tươi cười:
- Sao, thế quê mày có gì? Bị người yêu đá mấy lần rồi?
Nam buông ly rượu trên tay xuống, hai tay đan lại vào nhau đối diện với bếp than đỏ lộng, cậu cất giọng:
- Quê tao thì cũng có nghề mộc, nhưng tao bị viêm xoang, làm mộc thì nó bụi, không chịu được nên mới phải tìm việc qua đây. Trung thu quê tao không vui như ở quê mày nhưng vào mùa xuân thì cũng có lễ hội rước bánh này nọ. Tao học hết lớp bốn thì nghỉ, cũng làm đủ thứ nghề, ngang dọc đủ nơi trước khi sang đây đấy. Trước có làm xây này, cắt tóc này, sửa xe, làm mộc rồi thì đạp xích lô, làm trong xưởng in, đủ thứ luôn. Mười bảy tuổi là đã biết đến Thanh Hóa, Nghệ An rồi đèo Hải Vân các kiểu rồi, mà toàn tự đi không đấy, lên cửa khẩu lượn qua cả Trung Quốc cơ mà. Rồi Lũng Cú, Tam Đảo, Hà Giang, Ba Vì ở đâu cũng có mặt. Nói chung thì đâu thể lông bông nay đây mai đó mãi được, thôi thì đành vay nợ rồi qua đây để ổn định dần cuộc sống thôi. Thế còn Bắc thì sao, tao thấy trong ba đứa mày có vẻ chín chắn nhất đấy, kể xem nào! Còn bị người yêu đá mãi thì cũng quen rồi.
Nhấp một hơi men cay, khuôn mặt Bắc trở nên trầm ngâm, đưa mắt nhìn hai cậu bạn của mình rồi lên tiếng:
- Thì anh em tao ở nhà cũng học hết lớp chín thì ông già bảo nghỉ, nhà nghèo nên không đủ nuôi đi học tiếp. Thằng em tao thì cũng nghỉ luôn, tao thì vẫn muốn học tiếp nên suốt ba năm cấp ba toàn phải trốn sang nhà bạn thay quần áo để đi học không đó, mẹ ở nhà bán được đồng rau nào toàn dúi trộm cho tao để đi học. Học xong thì tao đi nghĩa vụ, vào đấy nói chung là vui, đáng nhớ nhưng lúc đầu còn nhục hơn cả con chó. Nhất là lính năm nhất ấy, bị bắt nạt suốt, rồi thì chê giọng nhà quê, có mấy thằng mang mác thành phố mặc dù cũng chỉ ở ngoại thành thôi nhưng cũng đòi lên mặt, rồi tỏ thượng đẳng này nọ. Có những thành phần tiêu cực phân biệt vùng miền ghê lắm, suốt thời gian đầu tao còn không dám bắt chuyện ấy, sợ nói ra chúng nó lại nhại giọng quê mình rồi nhảy vào gièm pha, trì triết nơi mình sinh ra... nói chung thì có đau thương thì mới trưởng thành được. Nhiêu đây vẫn chưa thể thấy cái tủi nhục của mỗi người... - Một chút lắng đọng rồi không muốn phá vỡ cái không khí của bữa tối, Bắc vội buông cây đàn rồi vòng tay khoác lấy vai của Nam và Trung, liền cao giọng:
- Tao với chúng mày, từ xa lạ giờ đã thành anh em thân, các cụ nói trước lạ sau quen cấm có sai. Có bên nhau từ những ngày khó khăn nhất thì mới gắn bó được đến tận bây giờ. - Cảm nhận được sự chân thành và tình cảm truyền qua cái khoác vai ấy, Nam cũng liền hưởng ứng:
- Đúng rồi, người yêu có thể không có nhưng anh em chắc chắn là không thể bỏ. Như tao đây này, qua đây được vài tháng thì bị người yêu chia tay, có sao đâu, vẫn sống tốt đấy thôi, Tết vẫn có rượu, có thịt, có bánh chưng, đúng không ạ?
- Cạn một ly vì nồi bánh chưng của anh em chúng ta! Nào, dô!