bởi Mer

186
12
1754 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Vọng


Phố về đêm.

Lạnh lẽo, cô đơn.

Bầu trời không một vì sao. 

Mọi thứ im lìm đến nỗi ta có thể nghe rõ tiếng nước chảy lạnh buốt bên tai và hơi thở khó nhọc của người bên cạnh mình. 

Lâm phả một làn hơi buốt giá từ miệng ra, bàn tay khô gầy kia trở nên lạnh cóng và đang dần mất đi cảm giác. 

Ngày hôm nay trôi qua thật tồi tệ. Lâm đã lỡ tay làm vỡ mất mấy cái bát của hàng cơm bên đường trong lúc làm thêm giờ để rồi chính bản thân anh đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ bà từ chủ quán, những lời mắng nhiếc và trì triết thậm tệ đến nỗi anh cũng chẳng còn đủ sức để nghe, sau cùng những gì còn sót lại trong đầu anh cũng chỉ là câu nói sẽ bị trừ lương tháng này. 

Lâm mệt nhọc kéo lê thân xác gầy nhom của mình đi về phía dãy nhà trọ. Dưới ánh đèn đường cao áp, anh gục đầu bên cột đèn, ngước xuống thấy bóng mình in trên mặt đất sao mà cô quạnh quá, hít một hơi lạnh thật sâu vào lồng ngực, cố ngước mắt lên trời đêm nhưng sao sương mù lại cứ thế giăng mờ trên mi mắt anh thế này.

Anh đang ở đâu vậy nhỉ?

À, là Đài Loan. Là nơi đất khách quê người, nơi không có bóng dáng mẹ và gia đình. Ở đây, người ta sẵn sàng vứt bỏ quyền công dân của một con người bất cứ lúc nào chỉ vì bốn chữ "cơm áo gạo tiền".

Nhìn lên bầu trời đen kịt, đôi môi kia khô khốc lẩm nhẩm tính để rồi nhếch mép cười chua xót khi nhận ra mình đã đến đây được hơn hai năm rồi. Nhớ lại những ngày đầu ấy sao mà khó khăn quá. Từ bỏ vùng quê xứ Đoài để đến với đảo Ngọc đâu phải quyết định dễ dàng. Nhưng cũng vì cái nghèo, cái đói, cái chí làm trai nó cứ thôi thúc anh không ngừng, đâu chịu để cho anh ngồi yên. Ở nhà, bố mẹ anh già rồi, sau anh còn hai đứa em nhỏ cứ ngóng chờ, trông mong tất vào anh. Rồi hàng xóm xung quanh cũng chẳng khá hơn là bao, có gì thì ăn nấy, đủ để sống qua ngày. Lâm bước chân lên máy bay sang xứ Đài vào một ngày xuân trời đổ mưa phùn.Bạn bè, người thân ra chào tạm biệt anh nào có mấy ai, dẫu rằng tâm trạng thật nhiều rối bời nhưng miệng vẫn cố mỉm cười, chỉ mong nụ cười ấy vẫn có thể trọn vẹn trong ngày trở về.

Anh đi, mang theo ước mơ và hoài bão của hai đứa em nhỏ cùng hi vọng về một ngày mai ổn định hơn. Anh đi, bỏ lại sau lưng những tiếng sụt sùi, thương nhớ và lo lắng khôn nguôi của người ở lại. 

Cuối cùng cũng về được đến chỗ ở, Lâm mệt mỏi đến độ không buồn tắm mà cứ thể thả mình xuống chiếc giường êm ái. Chỗ các anh có mấy người ở chung một phòng, chúng nó hôm nay không phải đi làm thêm nên ở nhà bật máy sưởi đắp chăn đi ngủ từ sớm. Nhìn bốn bề xung quanh, Lâm chán nản bỏ ra phía của sổ ngồi, mặc cho gió rét và mưa phùn, anh vẫn trầm tư ngồi ngắm những đốm sáng cuối cùng của đêm khuya. Giơ ngón tay lên đếm, lẩm nhẩm được vài số mà như nghe trong gió có tiếng thì thầm của mẹ.

   - Mày sang bên đấy, người ta làm tám, làm chín, mày phải làm mười, làm mười một, không thể làm kém người ta được. Chúng nó ăn ở thế nào thì mặc chúng nó, mày phải giữ lấy mình, tự nấu lấy cơm ăn, tự dọn dẹp rửa bát rồi giặt quần áo. Tao lo lắm, nhưng mày là anh cả, sau còn phải lấy vợ lo cho gia đình, mày muốn đi mẹ cũng không cản được, ngày về chỉ mong có thể nở mày nở mặt với bạn bè, không dám mong hơn bạn hơn bè, chỉ cần khấm khá hơn lúc này đôi chút là được rồi.

Giờ anh đã ở đây, vẫn miệt mài bươn trải đủ thứ công việc ngoài kia vì hai chữ "trách nhiệm" nặng gánh trên vai. Người ta tụ tập bàn tiệc, anh cũng nào dám lại gần, cố gắng nỗ lực mãi cũng được bổ nhiệm làm tổ trưởng trong phân xưởng của công ty. Cũng gọi là chút gì đó xứng đáng với công sức mình bỏ ra. 

Gió lạnh trườn qua mặt khiến Lâm giật mình nhớ đến cái vuốt má của đứa em nhỏ. Đôi mắt tròn xoe đầy hi vọng, cô em gái của anh nở nụ cười như vẽ lên nắng của ngày mai. 

   - Trước khi đi anh nhớ mua cho em cái điện thoại để có gì em gọi cho anh, sang đấy chắc sướng lắm, được làm trong mấy nhà cao tầng, mùa đông thì ấm mà mùa hè lại mát, có khi lại được đi ô tô nữa chứ. Anh nhớ chụp nhiều ảnh gửi về nhá.

Anh bật cười vì cái suy nghĩ trẻ con và ngây thơ hồn nhiên ấy. Đúng là bên này sướng thật, được làm việc trong môi trường sạch sẽ, điều hòa phục vụ quanh năm nhưng em ơi, nhiều lúc anh thèm lắm một bát cơm rau mà không có. Mùa bão đến, bọn anh nào có được đi làm, cứ phải ở nhà mãi thôi, chỉ cần nghe đài báo thời tiết sắp chuyển biến xấu là người dân đã đổ xô nhau đi mua thịt, mua cá, mua rau về tích trữ rồi, lượt mình không kịp thì hết, thì nhịn, thắt lưng buộc bụng ăn cơm trắng cả tuần. Anh làm bên này lương cao, nhưng một bó rau là bảy mươi nghìn tiền Việt, bữa sáng của anh là cái bánh bao nhỏ nhưng lại bằng bữa sáng cả tuần của em. Bên này lương cao nhưng anh vẫn phải chật vật đi làm thêm, ngày lễ tết anh cũng nào dám cho phép mình nghỉ. Ốm đau không dám kêu, bệnh mà không dám đi khám, thuốc cũng chẳng dám mua. 

Nhìn ánh đèn cao vời vợi ngoài kia, Lâm chợt nhớ tới những giấc ngủ khó nhọc của bố nơi quê nhà. Cuộc đời của bố anh là những khát vọng và hoài bão chưa một lần được thực hiện. Là khi năng lực và ý chí không đủ mà những lo sợ thì cứ ngập tràn thế nên trí lớn ngày ấy của bố đâu có thành. Trước ngày ra đi, bố chỉ đặt tay lên vai anh và nói: 

   - Đừng như bố.

Nhìn từng đứa đang cuộn mình say trong giấc ngủ, thầm nghĩ đây chính là khoảnh khắc bình yên và ấm áp nhất của những người con xa xứ. Những ngày mới gặp nhau ấy, thật bỡ ngỡ làm sao. Là khi trong nhóm có thằng tò mò cất tiếng hỏi:

    - Ê, sao mày lại quyết định sang đây vậy? Không sợ à?

    - Sợ chứ. Sợ chết đói.


Rồi lại quan tâm khi thấy gương mặt nơi ai kia hôm ấy bỗng thật xám xịt:

     - Sao mặt ỉu xìu vậy, thất tình à?

     - Ừ. Mới nhận được tin nhắn mời cưới xong. Tính đi ba năm lấy vốn về làm ăn rồi cưới vợ ấy mà người ta... cũng chẳng trách được.


Có khi lại chết lặng đi vì chính câu hỏi của mình:

      - Nãy mày mới gọi về nhà à? Ông bà già bên đấy vẫn khỏe chứ?

      - Hỏi thì vẫn bảo khỏe, nhưng nghe có tiếng ho.

      - Ừ, tao còn chả có mẹ để gọi về.


Một khoảnh khắc thật chua xót nhưng vẫn phải tiếp tục câu chuyện,

     - Này, chúng mày có đọc báo sáng ngày chưa, về ba mươi chín nạn nhân tử vong trên chuyến xe đều là người Việt Nam mình ấy...

     - Với những người như họ, quyền công dân là cái gì đấy không tồn tại.

Rồi khi những lo sợ bắt đầu bủa vây:

     - Này, công ty mình dạo này không có việc, tao thấy thằng Hải nó bỏ trốn ra ngoài làm riêng rồi. Mình có nên...?

     - Có khi nào... mình bị môi giới lừa.


Giây phút ấy như chết lặng trong lòng khi câu nói của thằng bạn cùng phòng bỗng văng vẳng bên tai:

    - Tao mới từ chỗ làm về, nghe tin thằng Hải bị cảnh sát bắt rồi, nhanh quá!

    - Rồi chúng ta cũng sẽ trở thành tội phạm như nó lúc nào không hay. Chỉ mong...

Chỉ mong ngày mai được bình yên, dịch bệnh được kiểm soát, nợ nơi quê nhà sẽ được trả. 

Chỉ mong công ty môi giới sẽ bớt khó khăn hơn một chút.

Chỉ mong bản thân còn đủ tỉnh táo để không nghĩ đến hai chữ "bỏ trốn". 

     

Để rồi một giọt nước mắt nóng hổi cũng đã rơi xuống nơi hõm má. Lâm từng thấy anh hàng xóm chỗ mình ngày ấy gói ghém hành lý  đi xuất khẩu lao động nhưng rồi chỉ vài tháng lại phải lầm lũi về nơi quê nhà. Anh cũng từng rơi nước mắt lặng lẽ khóc thương cho ba mươi chín nạn nhân xấu số trong chiếc xe công ten nơ tại Vương Quốc Anh, cũng từng ghim rất sâu trong tim về câu chuyện của bố mình, câu chuyện về một người đàn ông lưu lạc hơn chục năm nơi đất khách để rồi chính gia đình phải bán đi đàn bò để "chuộc" người đàn ông nuôi trí lớn ấy về.

       

Một mai, khi trả đủ món nợ nơi quê nhà, khi ánh mắt mẹ thật rạng ngời, khi giấc mơ của cô em gái được thực hiện, khi hôm đó là một ngày trời nắng xanh... 

Mong một ngày mai thật trọn vẹn để có thể rời nơi nương náu một thời, để có thể trở về.