Giữa cơn sóng lòng
GIỮA CƠN SÓNG LÒNG
"Con gái Thủy Thần"- Nguyễn Huy Thiệp
*
Ta đang làm gì trong đời mình? Ta vùng vẫy nơi đại dương mênh mông với bao dòng nước dữ? Hay ta đang đi tìm những mộng mị xa xăm giữa cơn sóng lòng? Liệu ta có thể sống như Chương- suốt đời khát khao một hình ảnh vô thực, xa xăm đến vô tận để rồi lạc lõng giữa những xáo động tâm hồn trong "Con gái Thủy Thần"?
*
"Con gái thủy thần" là câu chuyện về nhân vật Chương, với những ám ảnh mạnh mẽ về người "con gái Thủy Thần" hay còn được gọi là Mẹ Cả. Chương dành cả cuộc đời để được yêu, được thương bởi một "người" trong tâm tưởng của chính bản thân mình. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng giống như một bức tranh kì dị với vô vàn nét vẽ đặc biệt. Những chi tiết kì ảo, những nét vẽ đặc sắc trong truyện đã làm nổi bật một mong cầu cao cả- ấy là tình yêu và bản ngã mỗi người cùng những cơn sóng dữ dội trong tâm hồn nhân vật.
Cơn sóng lòng của Chương- khát khao thoát li thực tại. Có thể nói tôi rất thích hình tượng nhân vật Chương. Một Chương thực tế cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền, cùng cái nhìn về những con người quanh mình. Hay một Chương mơ mộng, say mê chìm đắm trong cõi ảo ảnh. Dường như trong anh, không có ranh giới giữa thực và mộng. Có thể đó là thực, nhưng cũng có thể đó là mộng. Qua ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, một con người với những suy nghĩ phức tạp chồng chéo lên nhau lại hợp lý đến lạ thường. Góc nhìn của tác giả là một góc nhìn rất rộng, rất tinh tế. Ông đã miêu tả từng sự việc, hình ảnh một cách sâu sắc, chân thành. Chương, một con người đơn giản từ quần áo, lời nói thế nhưng lại có những nghĩ suy phức tạp khi nói về Mẹ Cả. Mẹ Cả đối với Chương cũng giống như là "đấng cứu thế", Mẹ Cả không chỉ "cứu" Chương. Mà có lẽ, đối với Chương, Mẹ Cả còn là một phần của mình, một phần của tâm hồn và cả thể xác hệt như lời bộc bạch của anh: "Trái tim tôi đã thuộc về nàng, thuộc về Mẹ Cả, thuộc về con gái thủy thần..."
Cơn sóng lòng Chương- những dao động ngập ngừng trong tình yêu qua tháng năm. Ở ba phần truyện, Chương đã gặp ba cô Phượng khác nhau. Mỗi một Phượng đều có một tính cách khác. Người thì đầy những khát khao thể xác, người thì gieo những hạt yêu đầu, người thì cho anh tình yêu nhưng anh lại không hề đáp trả. Dẫu thế nào đi chăng nữa, thì đối với Chương, Phượng chỉ là một phần của Mẹ Cả. Tình yêu trong Chương không dồn dập, cũng không ồn ào, gầm gào. Mà Chương yêu một cách nồng say, Chương thấy được ở Mẹ Cả những điều bản thân thật sự tìm kiếm. Chương chính là đại diện cho tuổi trẻ, cho những ao ước của mỗi con người, cho những ai luôn tìm kiếm tình yêu thực thụ. Trong từng câu từ, chưa bao giờ Chương từ bỏ suy nghĩ tìm "biển", hay chính là tìm "Mẹ Cả" và tìm thứ mình mong đợi bấy lâu. Ước ao được yêu thương của Chương chính là lời nói vang vọng trong tâm hồn mỗi người. Có kẻ thì như Chương, dám ra đi tìm tình yêu dẫu có vô vọng; nhưng cũng có người không lựa chọn theo cách đó, họ muốn mọi thứ diễn ra theo quy luật tự nhiên, họ không muốn vươn mình ra "biển", thứ họ mong muốn là đặt tay vào đất liền.
Và cũng có nhân vật Mây, một nhân vật với "đất diễn" không nhiều nhưng để lại một dấu ấn mạnh mẽ. Mây không phải là "Phượng", Mây không là ai khác, Mây không yêu Chương giống như cách cô Phượng thứ hai yêu Chương. Mây có nhiều thứ để lo hơn. Có lẽ, Nguyễn Huy Thiệp đã gợi nên Mây là một nhân vật vô cùng thực tế. Yêu, nhưng không hoàn toàn muốn từ bỏ tất cả mọi thứ để đi tìm tình yêu. Yêu, chấp nhận trao đi lần đầu nhưng vẫn không thoát li khỏi thực tại. Mây, có lẽ cũng là một phần nào đó của Mẹ Cả, của người con gái mà Chương tìm kiếm cả đời. Mây, Chương hay Phượng đều khác biệt, bởi mỗi nhân vật đều có một "sóng lòng" riêng... Nguyễn Huy Thiệp đã mang đến những xao động lẫn những chi tiết kì ảo sâu sắc, khiến người đọc như mở ra một bầu trời mới lạ.
"Con gái thủy thần" hấp dẫn bởi các tình tiết dồn dập đan xen. Tác phẩm đưa người đọc đến vô vàn cảm nhận khác nhau, đó là những phút giây êm đềm như những lay động nhẹ nhàng nhất, nhưng cũng có khi nó mạnh mẽ tạo nên nhịp yêu dâng lên đến cực điểm. Như nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói: "'Nguyễn Huy Thiệp chăm chú, nhấn mạnh vào những cái bất bình thường trở nên bình thường, và cái bình thường được nhìn như bất bình thường". Quả thật là như vậy, những tình cảm, những hình ảnh về Mẹ Cả trong tâm trí của Chương những tưởng như bất bình thường nhưng đó lại chính là những mong muốn rất bình thường của mỗi con người. Và những chi tiết tưởng chừng như bình thường nhưng lại vô cùng kì lạ về sự hiện diện của Mẹ Cả đã làm nên một bức tranh tuyệt vời.
Sau tất cả, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa đến những bài học về cuộc sống. Mỗi người đều có những tình yêu, khát khao riêng. Thế nhưng liệu ta có nên thoát li khỏi hiện thực, sống như cách mà Chương lựa chọn, để rồi cuối cùng vẫn trăn trở với những sóng lòng không phai: "Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi..." Hay khi yêu như Chương, khát khao như Chương, cũng đã là nhận được hạnh phúc?