22
0
2289 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Cọp trắng


Ảnh hưởng của thần thoại Ấn Độ trong tiểu thuyết "Cọp trắng"


Văn học Ấn Độ từ lâu đã chiếm một vị thế quan trọng trong nền văn học thế giới. Văn học Ấn Độ nổi bật với sự đa dạng về ngôn ngữ, mang đậm tính chất tôn giáo, một trong số những thể loại để lại nhiều dấu ấn nhất chính là thần thoại. Thần thoại Ấn Độ bao hàm những suy nghĩ triết lý, quan niệm của con người về thế giới thần linh đầy kì ảo. Với sự xuất hiện phong phú của các vị thần quyền năng như Bramah, Vishnu, Shiva,... thần thoại Ấn Độ cũng là nguồn khơi của nhiều tác phẩm hiện đại. Một trong số đó là "Cọp trắng" của tác giả Aravind Adiga. Liệu những yếu tố thần thoại đó có ý nghĩa gì và vì sao tác phẩm "Cọp trắng" lại có thể đạt được một thành tựu lớn trong văn học Ấn Độ?

Tác phẩm "Cọp trắng" được viết dưới dạng một bức thư trong tám đêm của nhân vật chính- Balram Halwai kể về cuộc đời đầy thăng trầm cùng những đau khổ đến cực cùng của mình. Câu chuyện bắt đầu từ khi Balram còn là một cậu học trò với khát khao chinh phục tri thức, anh giỏi giang, hiểu biết và luôn mong muốn được giải thoát khỏi cảnh tù túng. Thế nhưng ước mơ ấy thật xa vời khi cha của Balram chết vì bệnh lao. Từ đó, anh nghỉ học và trở thành một nô lệ thực thụ. Trải qua nhiều biến cố, Balram dần ý thức được hoàn cảnh gông cùm đã trói chặt mình với bóng tối mù mịt. Như cách mà anh đã nói rằng Ấn Độ chia làm hai thế giới- "Ánh sáng" và "Bóng tối". Cuối cùng, Balram đã đứng lên chống lại tầng lớp địa chủ và trở thành doanh nhân, chiếm một chỗ đứng trong xã hội. "Cọp trắng" đã thể hiện một Ấn Độ với những góc khuất, nạn phân biệt giai cấp cùng khuynh hướng giải thiêng đặc sắc.

Ngay từ đầu, câu chuyện của Aravind Adiga đã đề cập hai thế giới bên trong đất nước Ấn Độ, đó là Ánh sáng - nơi mà tầng lớp giàu có ngự trị và Bóng tối - cảnh sống đau khổ, túng thiếu của những người ở tầng lớp thấp. Nhân vật chính- Halwai sống ở Laxmangarh, nơi mà mọi thứ u ám hệt như Bóng tối- thứ mà ngài Kali cai trị. "Tôi chạm vào những miếng nhãn dán nữ thần Kali, với chiếc lưỡi dài màu đỏ, để lấy may." Và: "Tôi nhìn những miếng nhãn dán của nữ thần Kali với những chiếc sọ người và cái lưỡi đỏ dài - tôi thè lưỡi ra với mụ phù thủy già.",...

Sự xuất hiện của nữ thần Kali ở những chương đầu và giữa diễn ra nhiều lần, nhưng tại sao càng về sau, hình tượng của bà ít hiện lên hơn? Đâu là dụng ý của tác giả mỗi khi miêu tả hình tượng nữ thần? Trước hết, ta phải nhắc đến chức năng của nữ thần Kali, bà là một vị thần cai quản bóng tối, sự hủy diệt. Liên hệ với tác phẩm, từ đầu tác giả đã xây dựng Ấn Độ với hai bức tranh, hai thế giới khác biệt đó chính là Ánh sáng và Bóng tối. Bóng tối là nơi mà Balram phải sống trong suốt thời niên thiếu. Ám ảnh của Balram cũng chính là những điều đáng sợ bên trong thế giới u ám đó, nơi mà "cột điện - hỏng, vòi nước - gãy, trẻ con - quá thấp bé nhẹ cân so với tuổi". Đó là thế giới mà con người ở tầng lớp thấp phải sống thiếu thốn, chịu sỉ nhục, tuân thủ những luật lệ hà khắc nặng nề. Hình tượng "Bóng tối" lặp lại nhiều lần cũng chính là sự tồn tại của phân biệt giai cấp, của những nỗi ám ảnh từ trong tâm thức Balram. Ngoài ra, bức tượng của nữ thần Kali cũng được đặt trong một chiếc ô tô- không gian chật hẹp và tù túng. Điều đó cũng có nghĩa là nhân vật chính đang phải chịu cảnh tối tăm, bị dồn ép đến cực hạn. Những tưởng Balram sẽ cảm thấy kính sợ trước bức tượng nữ thần Kali, nhưng không, Balram tuy sợ hãi nhưng vẫn có thể " thè lưỡi ra với mụ phù thủy già". Điều đó ngầm thể hiện sự trỗi dậy về khát khao tự do trong nhân vật. Tác giả không xây dựng một Balram hoàn toàn chịu đựng từ đầu, mà anh đã có những nhen nhóm hướng về tự do. Khi đặt Balram vào hệ tư tưởng của đất nước Ấn Độ, thì rõ ràng anh thật sự rất khác. Bởi lẽ nhân dân Ấn Độ luôn kính sợ và ngưỡng vọng trước những vị thần (thậm chí người ta còn giết động vật hàng loạt để cúng thần). Nhưng Balram lại "thè lưỡi" trước nữ thần Kali- điều đó cho thấy hình tượng của bà đã không còn hoàn hảo, tạo nên sự sợ hãi trong con người như lúc đầu.

Lại một lần nữa, hình tượng thần linh trong "Cọp trắng" đã được giải thiêng, trở nên bình thường đến mức bất thường. Lakshmi- vị thần tượng trưng cho sự giàu có và sung túc, đã không còn được sùng kính tột độ như ở tín ngưỡng thường thấy của nhân dân Ấn Độ. Bởi lẽ nhân vật Balram đã "nhấm nháp cà phê hết tách này đến tách khác dưới tấm lịch có gương mặt nữ thần Lakshmi" và sử dụng tượng thần để đuổi muỗi! Qua đó, dường như ta có thể thấy rõ khuynh hướng giải thiêng trong tác phẩm của Aravind Adiga. Theo từ điển, "giải thiêng" có nghĩa là làm mất đi tính thiêng liêng của một hiện tượng nào đó. Tác phẩm "Cọp trắng" quả thực đã mang tính chất giải thiêng mạnh mẽ khi những vị thần không còn tính linh thiêng tuyệt đối. Ý tứ của tác giả là gì? Có lẽ Aravind muốn thể hiện một xã hội Ấn Độ với những góc khuất đầy u ám tồn tại đầy những mặt trái song song. Sự thay đổi của các vị thần chính do sự thay đổi của con người gây nên. Một thế giới với nguyên tắc vốn là bình đẳng đã bị phá vỡ, từ đó đưa đến cho người đọc đến muôn miền cảm xúc.

Ngoài ra, ta còn có thể thấy hình ảnh của thần Hanuman- vị thần về sự hy sinh, trung thành. Aravind Adiga đã nhắc đến vị thần này trong chi tiết: "Chúng tôi thờ cúng Hanuman trong đền của mình vì đó là tấm gương sáng ngời cho những kẻ phụng sự chủ nô của mình với lòng trung thành, tình yêu thương và sự tận tâm tuyệt đối". Dưới góc nhìn của nhân dân Ấn Độ, Hanuman là vị thần với trí tuệ sáng suốt, hy sinh tận tụy và luôn trung thành. Thế nhưng kỳ lạ thay, Balram lại nhìn nhận Hanuman là "tấm gương sáng ngời cho những kẻ phụng sự chủ nô của mình với lòng trung thành, tình yêu thương và sự tận tâm tuyệt đối". Hình ảnh của vị thần Hanuman có phần tương đồng với Balram. Anh cũng là một nô lệ tận tâm, anh hy sinh và nhường nhịn chủ của mình mọi điều. Thay vì có những suy nghĩ đã đi vào tư tưởng chung (như cách gia đình anh thể hiện sự phục tùng) thì Balram lại cảm thấy mình và Hanuman là "kẻ phụng sự chủ nô". Dường như trong câu văn toát lên sự đau khổ, chua chát, đau buồn cho số phận của mình. Balram khát khao tự do đã dần ý thức được mình cần phải vươn lên. Trong chi tiết này, tác giả đã không thể hiện Hanuman là một vị thần với phép màu cao cả, mà Aravind Adiga đã ngầm so sánh Hanuman giống với Balram- cùng chung kiếp "phụng sự". Thần thánh trong tác phẩm "Cọp trắng" không hiện lên với vẻ oai phong khiến ta phải ngưỡng cầu. Mà thần thánh đã dần thay đổi hệt như sự thay đổi của xã hội và những mặt tối vẫn còn ở đó. Những số phận như Balram không thể trông chờ vào phép màu. Mà thứ Balram cần là đứng dậy, thoát khỏi "Bóng tối" để hướng về "Ánh sáng", thay đổi cuộc sống của bản thân.

Thông thường, các vị thần trong thần thoại Ấn Độ đều đại diện cho những khát vọng tốt đẹp, giá trị thiện - mỹ mà nhân dân hằng ao ước, nhưng với "Cọp trắng" thì không chỉ có vậy, chẳng hạn như hình tượng mẹ Hằng Hà Ganga. Ở tác phẩm, những chi tiết có liên quan đến nữ thần Ganga là: "dòng sông đem bóng tối đến Ấn Độ - dòng sông đen" hay chi tiết "Tôi nhúng mình vào một Hằng hà đen kịt - và trồi lên thành một tài xế lái xe". Ngoài ra còn có "Nếu đến Ấn Độ là để được khai sáng, thì các người, hãy quên đi Hằng Hà." Khi nhắc đến nữ thần Ganga, người ta sẽ nói đến sự thanh tẩy của dòng sông Hằng. Yếu tố giải thiêng được nhấn mạnh hơn nữa ở việc Hằng Hà không còn thanh khiết, linh thiêng như trong tâm thức của nhân dân Ấn Độ. Balram gọi đó là "dòng sông đen". Tại sao lại như vậy? Có lẽ những ngành công nghiệp, những thay đổi của con người đã làm thay đổi con sông ấy. Trong văn hóa Ấn Độ, sông Hằng cũng giống như nguồn cội, là nơi con người được "khai sáng", ấy thế mà nhân vật Balram lại nói: "hãy quên đi Hằng Hà". Có lẽ Aravind Adiga không có ý định phê phán niềm tin của một đối tượng nào cụ thể, ông cũng không thể hiện một Ấn Độ khác trong tâm tưởng, trong giấc mơ vô thực. Ấn Độ trong tác phẩm của ông hiện lên với những hình ảnh rất đáng để ta chiêm nghiệm, một Ấn Độ rất đặc biệt.

Nhân vật Balram đã nhìn nhận được sự mục ruỗng của chế độ phân biệt giai cấp, anh cũng đã có mong cầu tự do, hạnh phúc. Nhưng vì nhiều lẽ mà Balram đã không vùng lên ở những phút giây đầu. Làng quê nơi anh sống không phải là chốn níu chân, mà ở đó anh thấy dáng hình của cha mình, một người cha cực khổ suốt cả cuộc đời, đến khi chết vẫn cố chống chọi với ngọn lửa vì mong ước có được tự do, hạnh phúc. Liên hệ hình ảnh của người cha chết trong lửa và dòng sông Hằng thanh tẩy, đây có lẽ là hai hình ảnh trái ngược nhau hoàn toàn. Nhưng ẩn sâu trong đó chính là sự đấu tranh không ngừng giữa cái thiện và cái xấu, giữa cái âm và cái dương tồn tại trong mỗi một con người. Ở phần đầu câu chuyện, cái ác đã chiến thắng cái thiện, nhưng về sau, chúng dung hòa và biến thành một, chúng đi song song với nhau trong nội tâm của Balram khi anh đã trở thành một ông chủ. Cũng như vậy, cái âm dương giữa nước và lửa đã được dung hòa phần nào trong tác phẩm ở cái kết.

Bên cạnh hình ảnh các vị thần, "Cọp trắng" còn cho thấy tầm ảnh hưởng của hình tượng con vật thần thoại. Voi là vật linh trong Ấn Độ giáo vì nó là vật cưỡi của thần Indra. Đặc tính chính của voi là sức mạnh và tính kiên định. Vì vậy nó trở thành biểu tượng của sức mạnh, tâm thức và cả trách nhiệm. Hình tượng con voi được thể hiện trong tác phẩm như sự cho đi mà không cần nhận lại của Balram lúc đầu, hay đó là sự phân biệt giai cấp ác độc giữa những con người có sức mạnh chèn ép những người yếu thế. Không chỉ có voi, người đọc còn nhiều lần thấy sự lặp lại hình ảnh của cọp trắng được tuyên bố là con vật biểu tượng quốc gia của Ấn Độ vào năm 1973, thể hiện cho sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Hổ cũng là vật cưỡi của thần Shakti. Khi nhắc đến hình ảnh Cọp trắng ở đầu và cuối tác phẩm, Aravind Adiga đã khẳng định sự mạnh mẽ, trí tuệ của nhân vật Balram, công nhận sức mạnh của anh trong xuyên suốt tác phẩm.

Như vậy, tác phẩm "Cọp trắng" chịu nhiều ảnh hưởng đến từ thần thoại Ấn Độ. Nhưng với góc nhìn rất riêng biệt và tinh tế, tác giả đã phản ánh hoàn hảo những hiện thực của xã hội mà ít ai dám nói đến một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tác phẩm "Cọp trắng" còn mang đậm tinh thần giải thiêng, những vị thần trong tác phẩm đã trở nên bình thường hóa, để thể hiện một hiện thực gai góc, trần trụi do tác giả nhìn nhận từ cuộc sống. Có lẽ đó cũng chính là lý do tác phẩm đã sống trong tâm trí của nhiều người đọc Ấn Độ và trên toàn thế giới cho tới hôm nay- một "Cọp trắng" đầy sự cuốn hút.