Hai
Mưa tạnh, nhỏ em rùng mình khi có cơn gió thổi qua, ngô nghê hỏi:
“Có đi nhặt đồ nữa không chị?”
Nó liếc mắt nhìn cửa hàng thời trang. Nhân viên đã dọn xong đồ, bắt đầu tắt hết đèn điện. Đồng hồ điện tử trên tường lập lòe màu xanh, hơn mười một giờ đêm. Quá muộn để hai đứa nhóc con lang thang ngoài đường. Nỗi sợ lạc mất nhỏ em vẫn còn canh cánh trong lòng, nó lắc đầu, dắt nhỏ em bằng cánh tay không đau, lầm lũi đi về nhà.
Căn nhà cuối ngõ tối đen, tiếng thở khò khè yếu ớt vang lên trong căn phòng cũ mốc mùi ẩm. Nhỏ em nhẹ chân nhẹ tay kiểm tra xem bố ngủ chưa. Tú xoa xoa cánh tay nổi đầy gai ốc vì lạnh. Nó dặn nhỏ em thay quần áo khô rồi ngủ trước đi.
Cổng sắt khép lại, che khuất từng bước chân dò dẫm trong con ngõ nhỏ. Nó đi đến căn nhà thu mua phế liệu. Đó là nơi duy nhất còn mở cửa.
Từ xa, Tú đã thấy một bà béo mặc váy hoa, tay chống nạnh, đứng trước cửa nhà ông Hinh, chửi tên trộm nào đó chôm đồ nhà bà ta. Không lấy xe hay điện thoại đắt tiền, mà cuỗm mấy thứ vớ vẩn như bếp gas, lò vi sóng, máy sấy linh tinh. Nó nhăn mũi vì các từ ngữ thô tục. Mẹ dặn không được nói bậy nên nó rón rén đi sát mép tường, chui tọt vào trong cổng rồi lén lút gọi ông Hinh.
Ông Hinh đang bắn thuốc lào, cười hềnh hệch nghe bà béo chửi như hát hay. Vừa thấy món đồ trên tay Tú liền trợn to mắt hỏi:
“Mày trộm ở đâu vậy nhóc?”
Nó nhăn mũi không vui. Ông Hinh luôn đùa những câu rất vô duyên. Nó không thích xíu nào!
“Ối trời ơi! Cái ấm đun nước của tôi đây mà. Sao mày có nó hả? Phải mày ăn cắp nhà bà không?”
Kèm theo tiếng hét là ấm đun nước trong lòng Tú bị giật lấy. Một cái tát giáng vào mặt nó. Nó ngã xuống đống vỏ lon bia vừa bị ông Hinh dùng búa đập dẹp. Trong khi nó chưa kịp hiểu chuyện gì thì điếu cày của ông Hinh đã gõ gõ vào vai nó, không vui nói:
“Tao không nhận đồ ăn trộm đâu mày.”
Cánh tay bị thương vì xe máy đâm đau đến mức nửa người tê dại. Tú cắn răng, chống tay kia, bò dậy. Nó căm tức nhìn bà béo mặc váy hoa, nói thật rõ ràng:
“Đây là ấm đun nước nhà cháu. Không phải của bà.”
“Ấm đun nhà mày thì mày bê ra ngoài làm gì hả?”
“Cháu... bán...”
“Có ai mang đồ trong nhà đi bán không hả? Nói dối ngu vậy mày? Muốn tao lôi cổ lên công an không hả? Đây là ấm đun siêu tốc trúng thưởng, là hàng tặng độc nhất, không mua được ở ngoài nhé. Tuy cũ nhưng dùng rất tốt. Đồ nhà tao, tao còn không nhận ra à?”
Bà béo xỉa tay lên trán nó, giọng the thé mắng. Cặp mắt lá răm của bà ta đảo một vòng từ trên xuống dưới người nó. Mái tóc bết nước mưa mấy ngày không gội, áo đồng phục bạc màu mặc ba năm, quần đồng phục cộc trên mắt cá chân, lấm bẩn bởi chạy trên đường tìm nhỏ em, dép lê gãy m nham nhở.
Dù nó gân cổ lên cãi thế nào cũng bị giọng bà béo lấn át. Bà ta còn túm vai nó lắc lia lịa hỏi địa chỉ nhà để đến mắng vốn bố mẹ. Tú muốn gào lên, mẹ nó bỏ chị em nó rồi, bà muốn mắng cũng chẳng tìm được đâu. Mắt nó đỏ hoe vì nhận ra bản thân vừa nghĩ xấu về mẹ.
Ông Hinh thấy Tú bướng bỉnh giằng co muốn cố cướp lại ấm đun siêu tốc, liền thô lỗ giúp bà béo một tay. Nó bị đẩy ngã trên đất. Cơn gió đột ngột lao đến, quất vào tán cây bắt muỗi trước cổng, trút nước đọng ào ào xuống đầu nó, ướt như chuột lột. Đầy tai nó là tiếng rít xem thường của bà béo:
“Thật bẩn thỉu! Thứ vô học! Ranh con trộm cắp!”
“Tú? Sao con ở đây? Chuyện gì xảy ra thế này?” Có tiếng phanh xe đạp vang lên sát tai nó. Cơ thể nó được nâng dậy. Một chiếc khăn lau chùi mặt nó thật cẩn thận.
Sự dịu dàng làm Tú nhận ra giọng nói của cô giáo. Nó nhìn bộ quần áo thể thao trên người cô và chiếc xe đạp thật đẹp bên cạnh, xấu hổ cúi gằm mặt. Cô giáo luôn khen nó ngoan, nó không muốn cô chứng kiến cảnh chật vật này.
Bà béo mặc váy hoa sấn sổ túm tay cô giáo, mắng nó xa xả là đồ trộm cắp, là thứ vô học mất dạy. Nó cắn chặt môi, rũ tóc che đi đôi mắt đỏ hoe. Nó ấm ức. Nó tủi thân. Nó muốn cắn bà ta.
Ông Hinh đứng bên cạnh phụ họa một câu làm nó nhói lòng: “Nhà nó nghèo lắm, lấy đâu ra ấm đun siêu tốc để bán.”
Tay Tú siết chặt bên hông, cơ thể run bần bật vì tức giận. Cánh tay đau nhức tạo ra cơn ớn lạnh dọc sống lưng nó.
Bà béo bất ngờ đẩy mạnh Tú một cái, chửi vống lên những lời khó nghe. Nó lảo đảo ngã dúi đầu xuống đất. Cô giáo nhanh tay kéo nó dậy. Cô đặt tay lên vai nó và dõng dạc nói:
“Em Tú là học sinh ngoan. Tôi tin em ấy không ăn cắp.”
Như có dòng nước ấm từ đỉnh đầu lan xuống khắp toàn thân nó, xua đi cơn ớn lạnh vì ngấm nước mưa. Tú ngẩng đầu, nhìn khuôn mặt nghiêm nghị của cô giáo. Cô giáo cũng cúi đầu nhìn Tú. Ánh mắt trìu mến như khi cô nói nó được điểm mười cao nhất lớp. Sự tin tưởng đong đầy đáy mắt cô.
Nó òa khóc. Tiếng khóc vang dội trong đêm khuya, giữa con ngõ vắng. Cô giáo luống cuống giơ khăn muốn lau nước mắt cho nó.
Bà béo khịt mũi xem thường, chân tự động lùi về sau một bước.
Tú nhìn cô giáo, nói thật lớn: “Cô ơi, em không ăn cắp!”
“Cô tin em! Đừng khóc, đừng khóc...”
Tú nhìn thẳng bà béo, từng chữ phát ra thật rõ ràng giữa tiếng nấc: “Cháu không ăn cắp!”
Bà béo lùi thêm một bước: “Nhưng cái ấm đun nước này...”
“Chị ơi, cứu bố... bố ngã chảy máu. Nhiều máu lắm... oa oa em sợ...” Một bóng đen chạy vọt đến, ôm chặt người nó, mếu máo khóc không thành tiếng. Là nhỏ em với khuôn mặt xanh mét.
Cơ thể Tú run lên suýt ngã, vội vàng xô nhỏ em, chạy vọt về nhà.
Chuyện sau đó xảy ra nằm ngoài sức tưởng tượng của Tú. Cô giáo và bà béo chạy vào căn nhà tối như hũ nút. Ánh đèn màu vàng yếu ớt phát ra từ điện thoại của cô giáo chiếu xuống phần đầu đầy máu của bố.
Nhỏ em khóc từ khi bố được đưa lên xe cấp cứu đến khi vào bệnh viện. Đứng bên ngoài phòng cấp cứu, dù cô giáo dỗ thế nào, nhỏ em cũng không nín khóc. Gấu áo của nó bị nhỏ em nắm đến nhăn nhúm. Nó đứng im một góc, mắt nhìn chằm chằm cánh cửa đóng kín. Mọi thứ xung quanh xám xịt một màu, chẳng thứ gì chui được vào cảm nhận của nó.
Chỉ đến khi bác sĩ mở cửa đi ra, Tú mới chạy vọt đến, nhìn chằm chằm khuôn mặt dưới khẩu trang. Miệng Tú cứng đờ không hỏi được điều lo sợ ra khỏi miệng.
Cô giáo thay nó hỏi tình huống của bố. Bác sĩ nói bệnh nhân ngã từ trên giường xuống sàn nhà, bị cây bút chì gãy đâm vào tai. May mắn là vết thương ở phần tai mềm, máu chảy nhiều nhưng không nặng, cần nằm viện vài hôm theo dõi.
Cô giáo rối rít cảm ơn bác sĩ, vỗ về nhỏ em đừng khóc.
Miệng Tú bất chợt nói, thật khẽ nhưng rõ từng chữ:
“Bác sĩ ơi, nằm viện tốn bao nhiêu tiền ạ?”
Cô giáo sửng sốt nhìn nó, bối rối trước ánh mắt nghi hoặc của bác sĩ.
Nhỏ em đang sụt sịt trong lòng cô giáo, liền đẩy tay cô giáo ra, đến gần nó. Giọng ngọng nghịu ướt sũng: “Chị, nhà mình còn gì để bán nữa đâu.”
Môi nó run rẩy, mặt trắng bệch. Cuối cùng nó cắn môi, nước mắt lã chã trên mặt. Nhỏ em đứng sát vào Tú, thút thít khóc, nhìn quanh sợ sệt.
“Chị, đừng khóc... đừng khóc mà...”
Tiếng khóc rấm rứt của nhỏ em làm nó hoảng loạn. Nó nấc lên, nước mắt nước mũi rơi nhiều đến khó thở. Nó phải há miệng, vừa thở vừa nói: “Chị không khóc! Không có khóc... Mày đừng lo, chị sẽ kiếm đủ tiền...”
Cô giáo ngồi thụp xuống trước mặt Tú, kéo cánh tay đau đã mất cảm giác của nó, dịu dàng dỗ dành:
“Tú, cô có chuyện muốn hỏi con. Mẹ con đâu...”
Câu hỏi bị cắt ngang bởi tiếng gọi hốt hoảng: “Tú! Tú! Bố đâu con? Bố con đâu rồi?”
Nó nghe thấy tiếng la vỡ òa của nhỏ em: “Mẹ! A, mẹ về!”
Một bóng người tất tưởi chạy bổ đến, đẩy cô giáo ra, ôm Tú vào lòng. Tú thấy khuôn mặt sạm màu, mái tóc cháy nắng quen thuộc đang ở thật gần. Có phải mẹ lại về trong mơ không? Mẹ bỏ đi bao nhiêu tháng là bấy nhiêu lâu nó chỉ được gặp mẹ trong mơ. Đây là lần mẹ ở gần nó nhất. Nó vươn tay ôm cổ mẹ, mếu máo nói với giấc mơ rằng:
“Mẹ ơi, con xin lỗi! Con bán mất ấm đun nước mà mẹ trúng giải thưởng rồi. Nhà bị cắt điện không đun được nước, nhưng đó là món đồ duy nhất còn lại của mẹ... Con đem bán mất rồi... bố đau lắm, không có thuốc sẽ đau đến khóc... con xin lỗi... con xin lỗi...”
Bóng tối nhanh chóng trùm lên ý thức của nó. Đầu nó đặc sệt đủ thứ âm thanh. Có tiếng khóc ỉ ôi của nhỏ em, có giọng nói trìu mến của cô giáo, có tiếng the thé chói tai của bà béo. Mọi thứ đều không còn quan trọng, bởi trong mơ, mẹ vẫn chưa nhận lời xin lỗi của nó.
Mẹ sẽ không giận nó đâu... phải không?
Tú tỉnh dậy trong nước mắt như mọi ngày nhưng cảnh tượng xung quanh thật khác. Nó nằm trên giường bệnh, bên cạnh bố với đầu quấn băng trắng. Cánh tay của nó quấn băng vải, treo trước ngực. Nó tò mò sờ tay mình thì bị mẹ giữ lại. Tú ngơ ngác suốt một ngày, mới tiếp nhận được sự thật mẹ nó đi xuất khẩu lao động đã quay về. Vậy là lời nói của chú Thuyết về việc mẹ nó bỏ chồng con đi xuất khẩu lao động năm năm mới về là không đúng. Vậy là lời nói khó nghe của bác Hiền về việc mẹ nó vỡ nợ bỏ trốn là sai.
Nó cười tít mắt với nhỏ em. Nhỏ em mặc chiếc váy màu hồng do mẹ mua, cười lúng liếng lúm đồng điếu đáp lại nó.
Hiện tại, phòng bệnh của bố thật đông người. Bà béo ghê gớm, cô giáo dịu dàng, ông Hinh nồng nặc mùi thuốc lào, và quan trọng là người mẹ hiền dịu của Tú.
Tú ngồi trên giường, bên cạnh bố, líu lo kể mọi chuyện cho mẹ. Bố uống rượu, bị ngã ngoài đường được mấy chú phụ hồ làm cùng khiêng về. Từ đó bố nằm một chỗ, không cười không nói, vệ sinh cũng là hai chị em nó lau chùi. Nó dùng tiền mấy chú phụ hồ cho mua thuốc để bố uống. Mấy viên thuốc giảm đau làm bố không còn khóc vào ban đêm. Đến khi tiền sắp hết, nó dắt nhỏ em đi mót rác và bán đồ đạc trong nhà. Ông cụ Hinh tốt bụng trả giá cao, thứ gì cũng đồng ý mua, tiền bán được đủ cho tụi nó đong gạo ăn dè sẻn mỗi ngày.
Lúc nó kể tới đây, nó còn hướng ông cụ Hinh cười tươi cảm ơn. Ông xấu hổ gãi mái tóc lơ phơ vài cọng bạc trắng. Đến khi ánh mắt nó dừng trên khuôn mặt tròn ủng của bà béo, nó rụt rè nói: “Mẹ ơi, con không ăn cắp đâu. Mẹ nói với bà ấy đi. Cái ấm đun nước kia thật sự là của nhà mình mà.”
Có lẽ giọng nó quá nhỏ nên mọi người không nghe thấy. Ai cũng đứng lặng nhìn nó chòng chọc. Nó lặp lại lớn hơn và bối rối khi thấy mẹ chùi nước mắt.
Cô giáo mỉm cười thật dịu dàng.
Bà béo cầm tay nó, giọng khá lớn: “Bác xin lỗi vì đã mắng con! Bác tin con không ăn cắp. Là bác sai.”
Nụ cười trọn vẹn kể từ khi mẹ đi làm xa cuối cùng cũng nở rộ trên mặt nó. Nhỏ em cười tíu tít, thì thầm: “Từ giờ chị em mình không cần chui rúc bãi rác vào ban đêm nữa. Em không ghét đi móc vỏ chai với chị nhưng mùi bãi rác hôi rình. Em ghét thứ mùi thum thủm như chuột chết!”
Nó gật đầu đồng ý, nhăn răng cười, mắt tít lại cong cong.
Hai chị em nó mang theo niềm vui ngủ lại trong bệnh viện thêm một đêm. Mẹ nói không yên tâm để hai cô con gái rượu phải trơ trọi ngủ ở nhà. Mẹ có thể vừa trông bố vừa chăm hai chị em.
Buổi tối ở bệnh viện khá yên tĩnh. Tám bệnh nhân ngủ trên giường, người nhà chen chúc ngủ cùng hoặc thuê ghế xếp nằm sát thành giường. Hai chị em lần đầu được nằm ngủ giường xếp vui đến lạ.
“Mẹ ngủ với bọn con đi. Cái giường này đủ chỗ cho ba mẹ con đấy.” Nó nhún nhún người, mắt lấp lánh nhìn mẹ đầy khát vọng.
Mẹ gật đầu đồng ý, nói hai chị em ngủ trước đi, mẹ vệ sinh cho bố xong sẽ lên ngủ cùng. Lời hứa của mẹ làm nó tủm tỉm cười chìm vào giấc mộng.
Đêm trong bệnh viện không yên tĩnh như ở nhà. Nhiều tiếng ngáy mệt mỏi, tiếng rên đau và tiếng thì thào khe khẽ làm Tú giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Đèn trong phòng đã bị tắt bớt, ánh sáng yếu ớt làm nó phải căng mắt tìm kiếm.
Mẹ đâu?
Tại sao mẹ không ôm hai chị em nó ngủ? Mẹ đi đâu rồi? Có phải chuyện mẹ quay về là giấc mơ do khát vọng nơi đáy lòng của nó vẽ lên không? Nó càng tự hỏi thì càng hoảng sợ và tủi thân. Trước khi nó kịp hiểu chuyện gì thì cơ thể đã tự hành động.
Nó xỏ dép đi nhanh ra khỏi phòng. Nó muốn đi tìm mẹ!
Hành lang tịch mịch và sâu hun hút. Tú nghe thấy tiếng nói, không phân biệt được là của mẹ hay của bệnh nhân rấm rứt rên vì đau. Nó đi theo bản năng, cắm đầu lao về phía trước.
Một bóng người quen thuộc đứng tựa vai vào trụ cột nơi ngã rẽ cuối hành lang. Người đó quay lưng, nhìn ra khoảng sân rộng của bệnh viện.
“Muốn bán nhà thì cũng phải cho tôi thời gian tìm khách mua nhà chứ. Sổ đỏ đã nằm trong tay con này, ai dám cướp là tôi xé xác. Lão già nằm liệt một chỗ, ăn còn phải có người hầu tận miệng, sức đâu mà tranh với cướp căn nhà. Còn hai con nhãi kia hả? Liên quan gì tôi đâu. Thằng bố không chăm được con thì họ hàng bên nội tự rước về mà nuôi. Phần lớn tiền bán nhà là trả nợ chị, dư mấy đồng để tôi trang trải cuộc sống sắp tới chứ. Tôi dư dả gì đâu mà nuôi báo cô thêm bọn nó.”
Tiếng hừ lạnh lẽo và chua ngoa làm Tú rùng mình ớn lạnh. Tóc gáy nó dựng đứng. Rõ ràng người phía trước là mẹ, là người nó vô cùng yêu quý nhưng tại sao nó lại sợ hãi và chán ghét đến gần thế này? Đó là mẹ nó cơ mà...
“Đừng gọi điện cho tôi nữa. Cô giáo của con Tú cứ quấn lấy lo chuyện bao đồng, hỏi này hỏi kia. Chị gọi điện rồi không may lộ ra là tôi không bán được nhà trong khi ba bố con nó nằm viện đâu đấy.”
Tai Tú ù đi, ong ong như có đàn ong vo ve duyệt binh bên tai. Nó nghe thấy mẹ nói rất nhiều. Giọng nói lên xuống ngắt quãng như đang hát. Nhưng tại sao nó nghe không hiểu nội dung? Có phải ý nghĩa cuộc điện thoại đúng như nó nghĩ hay không? Nó chỉ là một đứa nhóc bảy tuổi, nó hiểu sai về mẹ thì làm sao đây...
Nước mắt nước mũi chảy ra quá nhiều làm nó ngạt thở. Nó há miệng nuốt lấy không khí và bị sặc lên mũi. Nó hoảng hốt bịt miệng, rụt người vào bức tường màu trắng lạnh lẽo. Nó không muốn mẹ phát hiện nó núp ở đây nghe lén.
Nó xoay người, đầu gục xuống ủ rũ, thất thểu quay về phòng. Hành lang bệnh viện vào ban đêm thật mát mẻ nhưng tại sao bước chân nó lại khó nhọc như đang lê bước dưới trời đổ nắng cộc cằn?
Ánh đèn yếu ớt vẫn trùm kín phòng bệnh. Tiếng khò khè ngáy ngủ như tiếng kéo gỗ đều đều và buồn tẻ. Nó đi đến bên giường xếp, nhìn chằm chằm nhỏ em.
Gương mặt gầy guộc mê mệt ngủ của nhỏ em làm nó nấc lên một cái. Nó rón rén bò lên giường bệnh của bố, co ro cuộn người nơi cuối góc giường. Bố bị liệt, dù nó run rẩy khóc, dù nước mắt làm ướt đệm cũng không sợ bố phát hiện.
Nhỏ em lang thang nhặt rác với nó hàng đêm rồi. Đêm nay cứ để nhỏ em ngủ ngon đi.
Nước mắt nó ràn rụa chảy ướt mặt, thấm đẫm lớp ga giường màu trắng. Nó há miệng để thở, cố ru ngủ chính mình. Đây là mơ! Chỉ cần nó ngủ say, tỉnh dậy là sẽ đang ở nhà. Tuy căn nhà tối đen ẩm mốc nhưng ít nhất mẹ chưa về, mẹ vẫn đi làm với lời đã hứa sẽ quay về khi kiếm đủ tiền.
Khi mẹ về, nhà sẽ có điện, bữa cơm có thịt có rau. Khi mẹ về...
Phòng bệnh yên tĩnh, ánh sáng nhu hòa, cơ thể nó cuộn tròn yếu ớt. Lời nói dối vỡ làm đôi. Rèm mi nó đọng nước. Nhỏ bé và mong manh. Giấc mơ về gia đình hạnh phúc, về người mẹ tần tảo, hiền lành, về người bố lành lặn khỏe mạnh,... ngọt ngào ôm lấy nó.
Hết