bởi Kha Nguyên

40
9
3528 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Một


“Thảo Tú, mười điểm!” Kèm theo điểm số cao nhất lớp là nụ cười khen ngợi của cô giáo. Tú nhận bài kiểm tra bằng hai tay, niềm vui trong đôi mắt tròn chưa kịp nở rộ trọn vẹn đã ảm đạm bởi lời nhắc nhở tiếp theo. Cô giáo dặn nó kêu bố mẹ đóng tiền học tháng trước, là lần nhắc thứ ba trong tuần rồi. Tú cúi đầu đi về chỗ. Mái tóc ngắn lòa xòa che khuất đôi mắt buồn lo không hợp độ tuổi. 

Hết tiết học thứ tư, Tú vội vàng gấp sách vở, cất gọn trong ngăn bàn, tránh để các bạn ăn cơm trưa dây bẩn lên sách. Nó ba chân bốn cẳng chạy vọt ra cửa lớp; bẻ gãy tiếng léo nhéo sau lưng của nhỏ Hiền ngồi cùng bàn, ghen tỵ vì nhà nó gần trường, buổi trưa có thể về nhà ăn cơm mẹ nấu. Chân nó đạp lên vạt nắng cộc cằn trải trên hành lang, chạy xuyên qua cổng trường. 

Nó đội nắng tháng ba trên đầu, rẽ vào con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo uốn lượn mất năm phút là tới khu chợ trong làng. Nó dừng bên hàng rau giữa chợ, cười tươi rói chào hỏi bà chủ béo ục ịch và ngọt ngào xin cuống rau muống già. Bà chủ cầm xếp tiền lẻ dày cộm, nhanh thoăn thoắt thối tiền cho khách, một lúc sau mới quay sang hỏi nó: “Hôm nay không mua rau gì cho bà hả bây?” 

Nó gãi đầu nói nhà còn khoai tây chưa ăn hết. Bàn tay đeo găng len dính bẩn của bà chủ vò tóc nó, khen ngợi: “Mẹ bây đâu? Tại sao hôm nào cũng để bây bêu nắng đi xin rau về nuôi thỏ vậy?”

“Mẹ con đi xuất khẩu lao động kiếm tiền ạ. Con lớn rồi, có thể tự nuôi thỏ.” Nó quen đường quen lối cúi đầu, mò mẫm bên dưới giá gỗ xếp hàng loạt rổ rau to đùng, moi ra túi ni lông màu xanh bẩn đựng đầy cuống rau già.

Nó hồ hởi cảm ơn bà chủ rồi khệ nệ xách túi rời đi, coi như bị điếc không nghe thấy lời dặn với theo của bà chủ: “Khi nào đàn thỏ đẻ con, để cho tao một con nghe bây.” 

Tú đội nắng thêm năm phút đồng hồ, về tới khu nhà cấp bốn mốc rêu, xập xệ cuối xóm. Gần đây các cơn mưa phùn đã giảm bớt nhưng mùi ẩm mốc vẫn ngập ngụa trong khu nhà xuống cấp. Nó ngửi thấy mùi rêu, mùi khai của trẻ nhỏ, mùi quần áo phơi mãi không khô, hôi hám dọc con đường rộng một mét trở về nhà. 

Nhà Tú nằm cuối ngõ, sau cánh cổng làm bằng tấm tôn và mấy miếng gỗ sần sùi bạc màu. Nhỏ em đang ngồi đào bới nghịch đất trong góc sân, vừa nhác thấy chị về liền ném cành cây xuống đất, uỵch uỵch chạy đến ôm chân nó: “Chị, em đói.” 

“Đây, rửa rau đi.”

“Lại là rau à? Sao chị không xin cà rốt?” Nhỏ em bĩu môi nhưng vẫn kéo lê túi rau đến bên chiếc chậu nhựa nơi góc sân. 

Tú đi nhanh vào nhà, không muốn nhìn thêm vẻ thất vọng trên mặt em gái. Nhà nó tối um. Ánh sáng từ cửa nhà và cửa sổ hắt vào không đủ chiếu sáng mọi thứ trong phòng. Nó chạy đến bên giường, nắm bàn tay gầy guộc của bố, líu lo khoe điểm mười. Vẫn như mọi ngày, bố chỉ mở mắt nhìn nó, không nói một lời. Nó rót nước, đút nửa cốc nước cho bố. Vài giọt nước chảy ướt cằm và gối vì động tác nuốt nước rất chậm. Sau đó nó sờ quần áo bố, xem có ướt hay thối không. Nó không sợ lau chùi nhưng vẫn thấy ghê mỗi khi bố đi nặng.

Tiếng í ới trong veo của nhỏ em vang lên ngoài sân. Hai chị em bắt đầu nấu cơm trưa. Bếp than được ủ từ tối ngày hôm qua nhanh chóng đỏ rực. Cơm trưa của nhà nó đơn giản và dễ nấu. Dùng nắm gạo ngâm cả đêm đổ vào nồi, nó thái nhỏ cuống rau muống già, đợi gạo bên trong nở bung thì thả vào. Nó nhìn chút muối cuối lọ, thở dài. 

Sau khi đút phần cháo nhiều gạo ít rau cho bố. Nó chừa lại một bát cháo nhỏ, đậy cái đĩa lên trên, rồi cùng nhỏ em vét sạch nồi cháo nhiều rau xanh. Nhỏ em bẹp miệng, lẩm bẩm:

“Có chút thịt thì ngon, chị nhỉ.” 

Nó trả lời bằng việc tiếp tục sờ quần áo bố, hỏi bố có muốn đi tè không? Để con mang bô vào. Lần nào bố cũng chớp mắt nhìn nó, đôi môi thâm khô nứt há ra run rẩy nhưng bất lực nghẹn trong cổ họng. Nó xoa tay bố, giục bố nhanh ngủ trưa để nó dắt em gái ra sân chơi.

Tú moi bao tải gai từ thùng để than, giũ giũ rồi nắm tay nhỏ em đi dọc con ngõ ẩm mốc. Tới đầu ngõ, bác Hiền bán chè đỗ đen vừa nhanh thoăn thoắt lau cốc thủy tinh vừa rôm rả hỏi:

“Lại đi móc chai nhựa hả hai đứa? Vào đây, bác cho cốc chè này.”

“Dạ, con cảm ơn bác! Tụi con ăn cơm no rồi, không ăn đâu ạ.” Nó nhoẻn cười, lộ ra lúm đồng điếu trên gương mặt gầy guộc đen nhẻm. Tay nó lén lút véo nhỏ em đang nuốt nước bọt bên cạnh.

Nhỏ em cười hì hì ngốc nghếch, đi nhanh theo đà kéo của nó.

Một tiếng thở dài thương hại đuổi theo bước chân ngắn của hai đứa:

“Thật tội nghiệp! Mẹ vỡ nợ bỏ trốn, bố nằm liệt một chỗ, họ hàng thì thờ ơ ghét bỏ...”

“Bác nói bậy!” Nó quay phắt người, lao nhanh trở về trước quán chè, gào lớn phản đối: “Mẹ con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mẹ con kiếm đủ tiền sẽ về với chị em con.”

Bác Hiền giật nảy người bởi tiếng hét, trượt tay làm vỡ cốc thủy tinh. Mảnh thủy tinh bắn vào chân làm bác Hiền đau điếng, nổi giận nói lời khó nghe:

“Hứ! Mẹ hai đứa là trốn nợ. Xuất khẩu lao động cái khỉ khô gì... Á!”

Lời nói khó nghe nghẹn cứng trước gương mặt giận dữ cùng đôi mắt đỏ hoe của Tú.

“Mẹ con nói kiếm đủ tiền sẽ về với chị em con. Mẹ con không nói dối!” Nó quát lớn rồi tự giật mình vì dám hỗn láo với người lớn. Nó lắp bắp sợ hãi, cuối cùng xoay người chạy vụt đi. Nó không muốn xin lỗi người đã nói xấu mẹ.

Nhỏ em lẽo đẽo đuổi theo sau. Bao tải gai kéo bụi đất trên đường thành một vệt dài.

Nhỏ em bắt kịp Tú ở con ngõ bên phải, líu lo nói:

“Chị, đừng tức nữa. Chị em mình biết mẹ không nói dối là được.”

Nó gật đầu thật nhanh. Mẹ chưa từng lừa nó. Mẹ luôn giữ lời. Nó tin mẹ!

Bởi vì tin lời mẹ nên nó luôn cố gắng. Cố gắng học, cố gắng chăm bố chăm em, cố gắng lay lắt sống qua ngày với thức ăn ngày càng ít ỏi. Chỉ cần nó chịu đựng đến ngày mẹ về nhà. Niềm tin vào lời nói của mẹ là thứ khiến nó kiên trì in dấu chân mỗi ngày trên con đường nóng cháy da cháy thịt. 

Tức giận đến nhanh và tan biến cũng nhanh. Bởi vì đây không phải lần đầu chị em Tú bị hàng xóm thương hại. Tú quen rồi.

Nó dắt tay em tiếp tục đi lục rác vứt bên các cột điện trong ngõ.

Nắng trên đầu vẫn cộc cằn đốt cháy mọi nẻo đường. 

Bởi vì Tú sợ muộn giờ học buổi chiều nên hai đứa chỉ tha thẩn gần khu nhà, gom được bảy vỏ chai nước khoáng. Nó không dám đi con đường ngang qua cổng trường nên lôi kéo tay nhỏ em vòng đường nhỏ hơn. Bước chân nhỏ em chậm rì rì, ngọng nghịu hỏi: 

“Chị ơi, khi nào em được đi học? Em nhớ các bạn lắm.” 

Nó ngước nhìn trường mầm non phía bên trái, đảo mắt suy nghĩ rồi xoa đầu nhỏ em: “Một năm nữa là em sáu tuổi, lúc đó học lớp một, cùng trường với chị luôn, được không?” 

Nhỏ em không trả lời, lầm lũi dẫm lên cái bóng của nó trải trên mặt đường nóng hầm hập.

Tú dắt nhỏ em về nhà, dỗ ngủ rồi chạy vội đến lớp. Học phí luôn phải đóng đầu mỗi học kỳ. Tiền học của nó bị chậm hơn một tháng, cô giáo nhắc rất nhiều lần rồi. Tú sợ bản thân cũng sắp sửa không được đi học như em gái. Nó vẫn luôn nói dối cô, học tới bao giờ nhà trường phát hiện thì mới thôi. 

Ừ, Tú thích học.

Chỉ là... nhà nó không đủ tiền đóng học...

Ba tiết học buổi chiều trôi qua, nó lại được cô giáo khen. Tan học, nó vác theo cặp sách to tướng, lội bộ ba mươi phút đến một quán cơm bình dân cách rất xa nhà. Bà chủ là hàng xóm cũ, hiểu hoàn cảnh nên thương tình cho nó rửa bát thuê. Tiền thuê được nó giấu kín, dùng mua thuốc giảm đau cho bố. Thuốc đắt lắm, nó làm cả tháng cũng chỉ mua được có chút xíu. 

Sau ba tiếng đồng hồ ngâm tay trong nước và xà phòng, nó dùng bàn tay nhăn nhúm ôm túi thức ăn thừa của khách. 

Bà chủ nói: 

“Đồ ăn đổ cho lợn cũng phí, lấy về đi con.”

Bữa tối luôn là bữa cơm thịnh soạn nhất của nhà Tú. Vì không có tủ lạnh nên hai chị em cố ăn hết thức ăn xin được. Bữa tối của bố vẫn là bát cháo loãng có vị muối. Ăn xong, nó cầm sách ê a đọc để ru bố ngủ. Nhỏ em ngồi bên cạnh, mắt chữ a mồm chữ o nuốt lấy từng chữ. 

Đèn điện phụt tắt, Tú gấp sách vào. Nhỏ em léo nhéo bên cạnh: 

“Phải chi nhà chú Thuyết ngủ muộn một xíu thì tốt.” 

Nó lặng lẽ cất sách, dò dẫm đi ra sân. Tú ngẩng đầu nhìn bóng đèn to bên hàng xóm, rũ vai bất lực. Nhà nó bị cắt điện từ tháng trước, buổi tối muốn đọc chữ là phải mượn ánh sáng từ nhà hàng xóm. Chú Thuyết tắt điện lúc nào là nhà nó tối om lúc đó. May mắn nó thông minh, đã làm hết bài tập trên lớp.

“Nhanh lên coi. Tivi nhà chú Thuyết nói tối nay có mưa đấy. Mắc mưa là bị ốm, chị em mình không có tiền mua thuốc đâu chị.” Nhỏ em cầm sẵn bao tải gai, vỗ vỗ cánh cổng, thúc giục nó. Dưới ánh trăng, nó thấy khuôn mặt gầy xanh của nhỏ em thật đáng yêu. Nó liếc lên cao, nhận ra trăng hôm nay tròn xoe, trông thật đẹp. 

Buổi tối có nhiều rác vứt quanh các cột điện, góc đường. Đa số người lớn đều bận rộn đi làm ban ngày, đêm tối mới có thời gian vứt rác. Điều này thật tốt cho những người ra đường kiếm ăn ban đêm như Tú. 

Tú và nhỏ em thu hoạch khá khẩm hơn hôm qua. Hai đứa khệ nệ vác một bao tải căng đầy đi dọc con ngõ. Ánh đèn màu cam rọi xuống bóng hai đứa tạo thành một vệt kéo dài. Nó bảy tuổi đi trước, nhỏ em năm tuổi chỉ cao tới vai nó lóc cóc chạy theo. Một tay nó túm lấy góc bao tải, một tay lôi theo chục miếng bìa cát tông xoẹt xoẹt, bụi bay trên đường. 

Chủ thu mua đồng nát là một cụ ông mất hai chiếc răng cửa, mặt nhiều đồi mồi cùng các nếp gấp xô đẩy mỗi khi cười. Bốn mươi chai nhựa được bốn nghìn, hai hộp sắt được một nghìn, món đắt tiền nhất là đài cát sét cũ hỏng được tận bảy nghìn đồng. Bìa cát tông là bèo bọt nhất, một nghìn năm trăm đồng. Nó nài nỉ ông cụ cho thêm năm trăm đồng, chứ tiền này đem mua rau còn bị mắng vốn. 

Ông cụ lầu bầu mất mười phút, rút phắt lại tờ năm trăm đồng màu đỏ, ném cho nó tờ một nghìn đồng rách vá bằng băng dính. Nhỏ em nhảy cẫng lên hoan hô và bị ông cụ vỗ đánh đét vào mông. Tú sạm mặt, túm nách nhỏ em và lôi xềnh xệch ra khỏi cổng căn nhà toàn đồ phế liệu.

Ông cụ dễ tính, đồ phế thải gì cũng thu mua nhưng tay chân hay táy máy. Sểnh ra là vỗ mông nhỏ em. Hồi đầu ông cụ vỗ mông Tú, nó sợ đến mức quay lại túm tay, cắn ổng một cái. Hậu quả là ông cụ từ chối không mua vỏ chai của tụi nó suốt một tuần. Nhỏ em lúc đó mếu máo nói: 

“Lần sau ổng vỗ mông thì để em chịu cho. Chị còi như con mắm, ổng vỗ nhỡ gãy xương thì sao.” 

Hôm đó, nó ôm nhỏ em khóc tu tu mà không dám nói sự thật. Hiện tại thuốc của cha hết rồi, không đến đây bán đồng nát nhặt được thì tụi nó cũng chẳng còn nơi khác kiếm tiền.

Tụi nó nắm tay nhau líu ríu đi khỏi con ngõ bị hỏng đèn đường, ra tới con ngõ lớn hơn, đứng bên cột đèn, gần chục túi rác đã bị bới tung. Nhỏ em kiễng chân níu tay Tú, nhìn chằm chằm từng tờ tiền nhàu nát đang được nó vuốt phẳng phiu. Thi thoảng ánh mắt nhỏ em vụng trộm liếc nhìn quán cháo lòng nghi ngút khói phía đối diện, nuốt nước miếng rồi hỏi:

“Có đủ tiền mua thuốc cho bố không?” 

Nó cắn môi, lắc đầu. 

“Hai ngày nay bố không có thuốc, đêm đau đến co quắp đó. Đêm qua em tỉnh dậy, em thấy bố khóc ướt gối.” Nhỏ em giẫm giẫm túi rác, lí nhí kể. 

Tú nhớ lại cuối buổi rửa bát thuê hôm nay, nó có xin bà chủ ứng tiền rửa bát nhưng bà chủ nói nó ứng hai tháng rồi, từ chối ứng tiếp. Nếu không phải biết hoàn cảnh nó, bà chủ cũng chẳng dám nhận một nhóc con còi cọc học lớp hai đâu. Lạm dụng lao động trẻ em là công an gô cổ đấy.

“Mày buồn ngủ chưa? Tụi mình đi thêm một lúc rồi về...Á!” Tú hét ầm lên khi có thứ gì đó vụt qua huých vào người nó. Nó loạng choạng ngã ngửa ra sau, vướng vào nhỏ em, đổ rầm xuống đống rác. Mùi thức ăn thiu bám lên cơ thể hai đứa. Nó kinh hãi nhận ra bàn tay trống không. Nó quên cả cơn đau truyền đến từ khuỷu tay, chạy bán mạng đuổi theo chiếc xe đạp vừa vụt qua.

Có hai anh trai mặc áo đồng phục trắng đạp xe giật mất tiền trên tay nó. Tiếng cười từ trên xe văng vẳng khắp con ngõ. Nó vừa chạy vừa gào lớn trả tiền đây, cướp, cướp...

Một chiếc xe đạp từ phía sau đuổi lên, đạp mạnh vào mông nó. 

Nó lăn tròn trên đất, mặt mài xuống lòng đường. Một chiếc xe máy lao đến, vội vàng bẻ cua để tránh đâm vào người nó. Xe máy đâm vào vỉa hè, trượt một quãng dài. Tiếng xe ma sát trên đường chói tai và man rợ. 

Nó chống tay bò dậy, mặc kệ tiếng chửi bới của chủ nhân chiếc xe máy xui xẻo. Nước mắt nó chảy ròng ròng khi cắm đầu cắm cổ đuổi theo hai chiếc xe đạp phía trước. Nó gào khóc:

“Trả tiền đây! Làm ơn trả em tiền... Đấy là tiền mua thuốc cho bố em mà...” 

Cô bán thuốc tốt bụng luôn bán cho nó vài viên lẻ, đủ giúp bố cầm cự qua cơn đau. Nó không được để mất tiền.

Tú chẳng rõ bản thân chạy trong bao lâu. Cổ họng nó đau vì la hét. Chẳng có ai đoái hoài đến một nhóc con la cướp trên đường. Hai chiếc xe đạp phía trước lao vào con ngõ bên phải. Nó rẽ theo nhưng bị một vật thể lao ra với tốc độ nhanh, đâm phải. Nó bị đụng văng xuống đường. Khuỷu tay lần thứ hai đập mạnh xuống đất. Một dòng điện chạy dọc sống lưng, cơn đau xông lên óc làm Tú hoa mắt chóng mặt. 

Đoạn ngõ vắng, chẳng có ai giúp nó bắt kẻ gây tai nạn. Nó chỉ biết ngồi trên đường, đờ đẫn nhìn xe máy bỏ chạy thật nhanh.

Tú lảo đảo đứng dậy. Vừa chạm vào khuỷu tay liền thót tim vì đau. Mũi nó cay xè. Nó dụi mạnh mắt, ngước mắt nhìn lên cao. Mây đen đã gặm mất trăng tròn, nó chẳng biết hiện tại mấy giờ. Nhưng nếu nó đi nhanh hơn, cùng nhỏ em tìm kiếm quanh bãi rác cuối phố, chắc chắn sẽ mót thêm được chút đồ. 

Nó khập khiễng chạy trở về tìm nhỏ em. Sợi thép gai buộc dép quai hậu đứt đâm vào ngón chân chẳng làm bước chân chậm lại.

Bãi rác bên cột điện vắng hoe, không còn bóng dáng nhỏ em. Tú hỏi chị gái xinh đẹp đang đứng bấm điện thoại bên chiếc xe máy màu trắng, có thấy một đứa nhóc mặc áo ố vàng cùng quần đùi người lớn màu đen không? Trả lời là cái lắc đầu ghét bỏ. Chị gái bịt mũi, phẩy tay đuổi nó. 

Nó mò về nơi thu mua phế liệu, chạy vọt vào quán cháo lòng và bị xua đuổi vì họ tưởng nó là ăn xin. 

Nó chạy dọc các con ngõ nhỏ, vừa gào thét gọi em vừa ngã sấp xuống đường. Nhiều hạt nước rơi lộp độp xuống mặt, nó lau mắt và thầm mắng bản thân mít ướt. Mắt bị chùi đến sưng đỏ, nó mới biết đó là nước mưa. Trời bắt đầu mưa và vẫn chưa tìm thấy nhỏ em. Cơ thể nó rùng mình ớn lạnh khi nhớ đến lời cảnh báo của mẹ về việc bắt cóc trẻ con, mang đi bán. 

Nhỏ em bé như cái kẹo, mang đi nuôi hổ thì phải làm sao?

“Chị!” Tiếng gọi vang lên ở một cửa hiệu thời trang. Nhỏ em lấm lem bẩn với bốn năm chai nhựa ôm trước ngực, cười giòn tan gọi Tú.

Tú xông đến túm vai nhỏ em, vỗ liên tiếp vào mông, gào lớn: 

“Mày chạy đi đâu? Đi đâu hả? Tại sao không đứng đợi tao?” 

Mắt nó đỏ hoe, mở trừng trừng giận dữ. Nó dùng sức đánh, mạnh đến mức nhỏ em ngã sấp xuống đường, tay chân quỳ bò trên đất. Chai nhựa lăn tròn và bị xe máy chạy qua chẹt vỡ nát. Nhỏ em khóc òa, sợ hãi nói: 

“Em muốn nhặt thêm vỏ chai... em xin lỗi... chị đừng giận, chị ơi...”

Tiếng xin lỗi rơi cùng tiếng mưa trút xuống ào ào. Tú hoảng hốt ôm nhỏ em chạy vào mái hiên cửa hàng thời trang. 

“Chị ơi, vỏ chai.”

“Đứng yên đấy. Tao nhặt.”

Nó gom đủ vỏ chai nhựa là cơ thể cũng ướt sũng. Tụi nó đứng bên dưới mái hiên nhỏ, mưa tạt vào người, lạnh và buồn hiu. Nó nhìn chằm chằm cơn mưa như trút nước, cố chớp chớp mắt để nước không tràn vào mắt. Hai đứa đứng thật lâu, lâu đến mức xe cộ trên đường thưa thớt, đêm dần khuya. 

Nhỏ em giật áo Tú, rụt rè nói: “Chị, đừng giận mà.”

Nó ngồi thụp xuống, ôm chặt nhỏ em, vùi mặt vào phần tóc lởm chởm ướt nước, nhỏ giọng nói. 

“Tao không giận. Nhưng mày đột nhiên biến mất làm tao sợ lắm. Tao sợ mày cũng bỏ đi như mẹ.”

“Không phải! Mẹ đi xuất khẩu lao động, khi nào có tiền sẽ về.”

Giọng nhỏ em thật to, át cả tiếng mưa rào. Lời nói của nhỏ em giống y chang lời nó đốp chát bác Hiền.

Nó dụi dụi vào mái tóc đầy mùi rác thối, tiếng ừ chẳng thoát khỏi cổ họng. Nhỏ em vùng vằng một hồi rồi kéo tóc Tú, ngọng nghịu nói:

“Chị đừng khóc. Em thương.”

“Tao không khóc. Đấy là nước mưa.”

Nhỏ em vỡ lẽ. Hóa ra nước mưa cũng nóng, ấm ấm.