i.
“Mọi lựa chọn đều có hậu quả. Người biết đủ thì sẽ được hưởng an yên.”
.
.
.
Bà luôn biết ông ta có một giấc mơ, trong lúc ngủ hay cả khi tỉnh thức. Cơn mộng về nơi xa xăm ngoài muôn trùng sóng nước, nơi gọi là cố hương mà cả đời ông ta hoài mong ngưỡng vọng. Bà chỉ đơn giản là không hiểu sự viển vông đó. Trong người đàn ông mà bà dành hầu như cả đời mình để chung sống chảy dòng máu thuộc về nơi viễn xứ, thứ thôi thúc bên tai ông ta mọi khoảnh khắc một lời nguyền khắc khi: trở về.
Từ rất lâu về trước có một gia tộc ngoài khơi xa tan đàn xẻ nghé, những kẻ ra đi đã chọn vùng đất này để tiếp tục sinh tồn. Khi ấy những kẻ phương xa nắm trong tay tuyệt kỹ luyện kim vang danh dễ dàng được chấp thuận trên vùng đất ba sông. Bởi kẻ nào cũng muốn trở mình trong những cắt xẻ hỗn loạn của một vùng lãnh thổ quá sức rộng lớn. Cơ hội luôn luôn đi kèm với thách thức, ván cược của vùng đất nghèo nàn khi ấy quả thực đem đến thắng lợi. Trong khoảng thời gian một hai đời người, những kẻ viễn xứ đem đến dời đổi khó có thể tưởng tượng, bao gồm cả sự thất thế của những người đầu tiên đồng ý mang mầm mống vào trong lòng đất đai của mình. Khi họ nhận ra điều mình làm mang đến thịnh vượng cho dân chúng nơi này, chứ không phải quyền lực cho họ thì đã quá muộn để đổi chiều cán cân. Người cũ gọi những kẻ viễn xứ là tráo trở vô ơn, nhưng dân chúng thì không, người dân tôn phù những kẻ mang đến lợi ích thiết thực cho bản thân họ. Cứ thế, những người lạ mang cái họ Chân Đồng lập thân trên vùng đất ba sông, tạo ra thương hội Lãng Thiên nổi tiếng.
Và bà, phu nhân của chủ nhân đời thứ ba Lãng Thiên hội, không bao giờ hiểu được giấc mơ hồi hương của người tay ấp má kề với mình hơn ba mươi năm trời. Ông ta sinh ra và lớn lên ở đây nhưng tâm trí mãi hướng về một nửa dòng họ ở lại đảo xa với nỗi ấm ức khó hiểu. Bà chưa bao giờ ủng hộ giấc mơ chẳng cần nói thành lời ấy. Đồng sàng dị mộng là cách họ sống bên nhau ngay cả khi hai người có với nhau hai mặt con.
Và khi bà nghĩ ảo tưởng đó của ông ta đã được đặt dấu chấm hết bằng cái chết, thì giấc hoè đó bắt đầu xé mộng bước ra thực tại.
i.
Bà đến gặp nàng ta vào một ngày mùa hạ, khi những đoá sen bung nở trên mặt hồ xanh biếc. Nàng ta đón tiếp bà điềm nhiên và niềm nở như mọi chủ nhà có thể tỏ ra với một vị khách quý. Không phải bà đã mong chờ ít hơn ở một kẻ được phu quân mình chọn lựa, chỉ là với cái tư thái không thua kém bất cứ một tiểu thư danh môn nào trên người như vậy, thốt nhiên khiến cho bà cảm thấy không được thoải mái. Nếu như là bất kỳ một phường dong chi tục phấn nào khác, bà chẳng cần đến một cái phủi tay để xoá bỏ sự tồn tại của giọt máu vương người chồng để lại. Nhưng với một người đàn bà đã che giấu sự hiện diện của đứa con rơi suốt năm năm trời. Ngay cả cái chết của chủ nhân đời thứ ba Lãng Thiên hội cũng không trở thành cái cớ để nàng ta hé lộ máu thịt còn sót lại của ông ta nhằm chiếm vị thế trên bàn tranh đoạt, mà lại chọn lúc này mời bà tới gặp riêng.
Không phải khi nào khác, mà lại là lúc này.
Ngay khi sắc trắng tang tóc vẫn phủ màu bợt bạt ngoài cửa phủ đệ chính của Lãng Thiên hội, ngay khi đứa con trai cả của bà - chủ nhân đời thứ tư Lãng Thiên - nằm xuống ba tấc đất lạnh mới chưa tròn mười ngày. Bà nghĩ là mình đã nằm lòng những gì người đàn bà kia sẽ nói, nhưng nó không có nghĩa là cơn giận dữ bi thương lạnh buốt trong lồng ngực già cỗi của bà sẽ được vuốt xuôi. Giận dữ bởi những toan tính phản bội của người chồng đã nảy mầm bén rễ từ bao giờ bà chẳng hề hay biết, bi thương bởi kết cục của tất cả những sự việc bây giờ đến với mình có lẽ do chính một tay bà lựa chọn. Đau đớn hơn cả, kết cục ấy chẳng phải do bà lãnh nhận. Dấu chấm hết chẳng đặt lên chiếc lá khô úa đầu cành cả đời oằn mình giấu giếm và đấu tranh. Mà lại vặt đi lá xanh mới vào thì cứng cáp, đứa con trai cả dứt ruột đẻ ra của bà.
Cảnh sắc lẫn bài trí trang nhã trái ngược bao nhiêu của không gian một chốn bán phấn buôn hương không mảy may lọt vào tầm mắt dẫu trải sóng gió còn tinh anh của người phụ nữ đã xấp xỉ lục tuần. Bà nhắm mắt dưỡng thần, lưng vẫn thẳng ngạo nghễ như loài cây khô cằn cháy nắng giữa hoang mạc. Bà đến đây, chẳng còn gì để mất, chỉ để xem vở kịch mở ra do lựa chọn năm xưa của mình. Nên bà thậm chí còn không chớp mắt trước lời mở đầu thẳng thắn, khác hẳn cung cách mềm mại lịch thiệp khó chịu mà người đàn bà đối diện vẫn khoác lên từ khi bà bước chân vào đây đến giờ.
“Phu nhân định sắp xếp cho Du Long thế nào?”
Chân Đồng lão phu nhân lặng lẽ mân mê chuỗi hạt trong tay mình. Ánh mắt bà không rời khỏi khuôn mặt điểm phấn tô son vấn vương đẹp đẽ và sắc sảo của nàng ta. Quả thực, hơi lộ nếp nhăn đầu mày khóe mắt nhưng không thể phủ nhận nhan sắc nàng ta khác xa những người lục địa cùng với lần tóc mai theo kiểu đặc trưng của những tiểu thư quyền quý ở đất đảo. Hình thái giấc mơ của người chồng đã mất hiện hữu nơi đây, có lẽ bà đã tìm thêm được một lý do để ông chọn nàng ta. Suy nghĩ ấy khiến bà cảm thấy vị trà trên đầu lưỡi dường như đắng chát hơn, nhuộm lên cả những lời ra khỏi bờ môi khô.
“Du Long?”
Một tiếng cười ngắn phát ra, và ngọt ngào hết mức có thể, nàng ta tiếp lời.
“Phải, ngài ấy đã chọn. Chân Đồng Du Long.”
Loài rồng ngao du vượt biển khơi mang theo toàn bộ mong ước của chồng bà, bốn chữ đâm thấu tim gan như dao cắt. Những ngón tay khô gầy guộc của bà phát run. Và sự đáo để của người phu quân bà chọn chưa phải đến đây là hết, nàng ta ngạo nghễ đồng thời cũng rất khiêm tốn.
“Vẫn là câu hỏi đó, phu nhân tính toán cho Du Long là được. Tôi phận nước chảy bèo trôi chẳng mong bước chân vào cửa lớn của Lãng Thiên hội. Vả lại ở đây tôi nghe người ta gọi mình một tiếng chị đã quen, e rằng xưng hô chị em với phu nhân không hợp.”
“Vậy thì cô nên đưa cho ta thứ nên đưa trước.”
Lão phu nhân buông tay khỏi chiếc chén sứ mỏng, giọng bà chẳng vì một kỹ nữ mà run. Người đàn bà kia cũng chẳng vì thế mà nao núng. Nàng ta vẫn cười giả lả.
“Phu nhân biết mà, chỉ có người thừa kế được đích thân gia chủ chọn mới biết bí kỹ đó.”
Phải, bà biết điều đó, chỉ khi đứa con trai hấp hối. Cuối cùng nó đã biết về lầm lỗi của bà nhưng vẫn yên lặng chừng ấy năm trước khi run rẩy thú tội rằng nó không được cha công nhận, rằng ông đã không hề truyền lại bí kỹ luyện kim trứ danh làm nên tên tuổi và là sức mạnh bấy lâu của dòng họ Chân Đồng cho nó. Để bà như chết lặng, càng đau đớn hơn nữa khi sự thật về người thừa kế thực sự đến tai chẳng bao lâu sau cái chết của con trai.
Nhưng.
“Một đứa trẻ mới năm tuổi thì biết gì chứ?”
Bà chậm rãi hỏi lại. Sau vành ly trà lảng vảng khói, đôi môi tô son đỏ khẽ nhếch. Nàng ta cười ý nhị.
“Phải, chỉ là một đứa trẻ thôi, nên Chân Đồng lão gia nhất định phải tính toán một nước đi có thể bảo toàn tính mạng cho giọt máu của ngài ấy chứ. Phu nhân không nghĩ vậy sao?”
Bảo hiểm tính mạng cho đứa con rơi chính là người đàn bà này, ý tứ của chồng bà quá rõ ràng. Nàng ta sẽ không bước một chân vào Lãng Thiên hội để tranh giành bất cứ thứ gì với bà, vị thế của nàng ta trở nên riêng biệt khi là đầu mối làm ăn ngấm ngầm của thương hội với một dòng họ lớn ở cố hương của phu quân bà. Lại một sự nhận biết muộn màng mà mãi đến khi nhận được đánh tiếng của nàng ta bà mới biết. Mấy mươi năm phu thê của hai người hoá ra chỉ có thế, bà lừa người ta, người ta cũng ngấm ngầm sau lưng bà làm đủ thứ chuyện. Một lẽ công bằng đến trắng trợn của thói đời.
“Được, từ hôm nay thằng bé sẽ là con trai ta.”
Chén trà cạn, lồng ngực bà đắng ngắt nôn nao. Lạ, người đàn bà đối diện lại tỏ rõ sự ngạc nhiên trong đáy mắt. Nàng ta hạ mi, nỗi buồn thương bà chẳng thể thấu cảm rợn ngợp trong chất giọng chợt khô nghẹn.
“Vậy… xin nhờ cả vào phu nhân. Du Long còn nhỏ, phép tắc lễ nghi chưa hiểu nhiều. Được người dạy dỗ là phúc phần của thằng bé.”
Lão phu nhân nhìn trân trối vào biểu cảm đớn đau của một người mẹ khi mất đi đứa con trai trước mặt mình. Cảm giác nghẹn ở cổ họng chặn hơi thở bà đứt quãng. Hốc mắt ráo hoảnh vì khóc con suốt mấy ngày của bà lại ẩm ướt. Phụ nữ luôn luôn có những vết thương giống nhau, ngay cả khi họ chẳng thể đồng cảm.
Lặng yên phủ xuống gian trà thất một lúc trước khi người kỹ nữ quyết định đứng dậy, dắt tay đứa trẻ trao cho lão phu nhân.
Đứa trẻ có đôi mắt tĩnh lặng như làn nước trong đáy hồ sâu. Không giống nàng ta, cũng chẳng giống chồng bà. Vẻ rợn ngợp và sâu sa trong đó thoắt chốc trở thành con dao hai lưỡi đâm thấu trái tim bà. Ngay cả làn da tái xanh, dáng vẻ gầy gò quá đỗi so với độ tuổi lên năm của nó cũng trở thành một hình ảnh hiện về từ quá khứ muốn chôn vùi của bà.
Đứa trẻ này… giống đứa con trai thứ hai đã mất từ lâu của bà một cách lạ lùng.
Có lẽ vì thế mà bà cảm thấy có lỗi với nó hơn là cảm giác thù ghét tưởng đã định sẵn. Dẫu rằng chẳng thể ôm ấp thương yêu nhưng bà mềm lòng. Hai lần tưởng chừng cạn nước mắt tiễn đưa con cái khiến cho bà chẳng còn hơi sức nào để tính toán với một đứa nhỏ mới chỉ năm tuổi nữa.
Nhưng nhìn đứa trẻ, bà không ngừng nghĩ đến lỗi lầm trong quá khứ của mình. Thứ để lại hậu quả tàn khốc ở hiện tại mà không có giá như nào có thể thay đổi được nữa. Nên bà không có cách nào sống chung, ngày ngày nhìn đứa bé bên cạnh.
Bước chân khỏi nơi của nàng kỹ nữ, bà đưa đứa trẻ trở về bái tổ quy tông, công bố với cả thương hội về thân phận nhạy cảm của nó. Lời ra tiếng vào bây giờ bà còn đủ sức dập tắt để ngồi vững trên cái ghế cao nhất của Lãng Thiên, tất nhiên là với vị thế là người nuôi dưỡng của kẻ thừa kế chân chính.
Một đời toan tính của bà, hoá ra lại có thể dễ dàng thất thế trước bước đi chẳng lường của phu quân. Phải chi ngày ấy, bà biết rằng ông ta là người không bao giờ từ bỏ mơ ước của mình.
Ngay cả trong cái chết.
.
.
.