ii.
ii.
Mười hai năm trôi qua nhanh đến mức Chân Đồng phu nhân chẳng kịp đong đếm. Thấm thoắt bà cũng đã bước đến cái ngưỡng thất thập cổ lai hy. Thời gian dường như trôi nhanh hơn khi con người ta toan về già. Tháng năm trước mắt vùn vụt chẳng thể níu giữ, cũng chẳng thể ngăn cản.
Mấy năm này bà đã yếu đi nhiều, không còn mắt tinh chân nhạy được như trước. Mọi thư từ gửi về đều phải nhờ vào người dưới đọc cho nghe. Và bà chẳng bao giờ hồi âm lấy một chữ cho đứa trẻ năm nào nhận nuôi. Bà chỉ lặng lẽ nằm ngoài hiên sưởi nắng, nghe từng lời nó viết gửi về cho bà mỗi con trăng đều đặn như đếm.
Đứa con trai năm nay sắp tròn mười bảy.
Suốt chừng đó năm, bà chưa từng nhìn lại nó thêm một lần. Sau khi công bố với toàn thương hội, bà lập tức sắp xếp gửi nó cho cố nhân, như một lời thông báo. Bà nghĩ về lá thư không có lấy một chữ đã gửi cho người ấy, một lời cậy nhờ không có thanh âm đã được chuyển đến. Người ấy sẽ đủ thông thái để hiểu ra ý tứ của bà, để lần nữa lặng im chịu đựng tất thảy những gì bà trút lên, những lỗi lầm của bà mà người đó không bao giờ nỡ trách mắng.
Nhìn đứa trẻ mang hình hài con trai đã mất là một cực hình mà đến tuổi xế chiều quá sức chịu đựng của bà. Bà vội vã ném nó cho người năm xưa khước từ mình. Người mãi mãi giữ nỗi lòng đau đáu đã biến mất vào núi sâu hiểm trở, dốc lòng học hỏi để trở thành thần y mang lòng cứu vớt chúng sinh.
Bà đã luôn biết người ấy sẽ chẳng chối từ, nhất là một đứa trẻ ốm yếu bị bỏ rơi càng khiến người ta dốc lòng đem hết ăn năn hối hận cả đời ra bù đắp cho nó. Nó sẽ được thương yêu, dẫu chẳng đủ đầy cha mẹ. Làm vậy khiến bà nhẹ lòng hơn, dẫu chỉ đôi chút.
Dưới sự dưỡng dục của cố nhân, đứa trẻ đã trở thành người tử tế. Ít nhất đó là những gì bà biết được thông qua những lá thư gửi về chẳng sót tháng nào. Bà không hồi âm, nó cũng chẳng bận lòng hay nản chí. Thư rất dài, văn hay chữ tốt, kể cho bà đủ thứ nó học được. Lòng mang chúng sinh như người đó quả nhiên dạy dỗ ra được một đồ đệ cũng lai láng tấm chân tình với nghề bốc thuốc cứu người.
Bức thư hôm nay, đứa trẻ nhắc về lễ mừng thọ bảy mươi diễn ra trong ba hôm nữa của bà có lẽ nó sẽ không kịp tham dự. Cũng chẳng phải điều gì to tát, bà không hề cảm thấy bất cứ cảm giác gắn bó máu thịt nào với đứa con rơi này để mà buồn bã. Nắng rơi trên nền sân lát đá nhấp nháy mơ hồ trong tầm nhìn đã mờ đục đi của lão phu nhân. Chẳng mấy nữa mà bà sẽ loà đi hẳn, lúc đó nó có trở về bà cũng bớt đau lòng hơn. Bởi chẳng còn nhìn được nhân dạng trưởng thành của đứa trẻ năm nào nữa, sẽ là ân huệ cuối cùng bà có thể cầu xin ông trời.
Mà ông trời, có bao giờ nghe con người cầu khẩn đâu.
Ngày chúc thọ lão phu nhân của Lãng Thiên hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt. Bà mặc áo lụa đỏ ngồi trên ghế chính vị nghe lời chúc tụng của đám người dưới bằng đôi tai nghễnh ngãng đi nhiều. Cả lời chúc của đứa con gái út cũng không lọt vào tai bà trọn vẹn.
Đối với đứa con gái này bà vẫn luôn giữ thái độ lạnh nhạt kể từ ngày con trai thứ hai mất đi. Trong lòng bà luôn sáng tỏ như đèn rằng không phải lỗi của con gái. Nhưng bà không cách nào tha thứ cho mình, cả cho nó sau cái chết oan nghiệt của đứa bé con mang hy vọng cả đời bà. Bằng cách nào đó, bà luôn nghĩ, nếu không vì cứu em gái dưới hồ ngày ấy, thằng bé đã không chết đuối.
Suy nghĩ ấy bám rễ và trở thành cái cớ để bà trốn tránh nỗi buồn đau, gượng dậy sau sự ra đi của người thừa kế thực sự do bà sinh ra. Cũng từ đó, bà bắt đầu toan tính dựng xây cho đứa con trai còn lại. Bằng mọi cách đưa nó ngồi vào được vị trí chủ nhân đời thứ tư của Lãng Thiên hội, thậm chí có phải dụng đến thủ đoạn gì để giấu giếm và lừa gạt chồng đi chăng nữa.
Cuộc đấu tranh ấy, Chân đồng lão phu nhân nghĩ mình đã thắng, cho đến khi bị phản đòn vào phút chót. Một đứa con rơi trong tính toán của chồng bà xuất hiện hất đổ mọi thứ bà dựng xây. Suốt quá trình ấy, bà hầu như quên đi hẳn bản thân còn có một đứa con gái này.
Cho đến hôm nay, nó xuất hiện ở lễ chúc thọ. Hoặc là bà không hề để ý đến sự có mặt của nó suốt chừng ấy năm để hôm nay mới giật mình trước người đàn bà mang khuôn mặt như đúc với bản thân mình, vào cái năm bà mất đứa thứ hai. Đứa con gái tha thiết xin được tặng món quà chúc thọ riêng cho bà tại phòng riêng, khi xung quanh không có một người hầu cận nào.
Chân Đồng lão phu nhân gật đầu đồng ý. Dù sao nó cũng là con gái của bà, một phần dòng máu của bà đang chảy trong người nó khơi lên thứ tình cảm gần gũi mà bà tưởng mình đã quên đi nhiều năm liền. Hơi ấm của một người thật sự có liên kết với mình ở bên, bà không biết mình khát khao điều ấy. Cho đến khi nắm tay đứa con gái, sự có mặt của nó đột nhiên gợi lên trong cõi lòng bà nỗi niềm dịu êm bình lặng đã thiếu. Hoặc bà không thể gọi tên lúc nghe tin đứa con trai nuôi không thể về tham dự lễ mừng thọ của mình.
Phút giây ấm áp đó tưởng chừng kéo dài mãi trong cái lâng lâng bà cảm thấy từ khi được dắt vào phòng. Cho đến khi con gái bà đưa món quà bọc kỹ trong lần gấm êm, thẽ thọt bảo bà mở ra xem cho kỹ.
Dưới ánh nến sáng rực, mắt bà lúc đầu không nhìn rõ thứ được đặt ngay ngắn trong chiếc hộp gỗ nhỏ. Hai màu sắc gì đó nhoè nhoẹt trong tầm nhìn. Chớp mắt vài cái, hình ảnh của hai bông hoa vẫn còn tươi mới hiện rõ trong mắt bà.
Trúc đào và dạ hương.
Hộp gỗ trên tay lão phu nhân rơi xuống đất, vang một tiếng động khô khốc. Đứa con gái chọn chính lúc này để lên tiếng, giọng hằn học.
“Mẹ có nhận ra món quà của con không? Mẹ có nhận ra không hả?”
Những ngón tay khô quéo của bà run rẩy bám lấy tay vịn ghế như bám lấy sợi dây sinh mệnh có thể đứt lìa bất cứ lúc nào. Cơn sóng của nghiệp báo ùa đến như muốn bóp nghẹt hơi thở già nua trong lồng ngực phập phồng nông cạn. Không cần bà trả lời, con gái bà đã tiếp tục nói như kể tội.
“Làm sao mà mẹ có thể quên được cơ chứ? Mẹ đã đầu độc cha bằng trúc đào cơ mà! Anh cả đã chết bởi lên cơn hen suyễn do hương hoa dạ hương trong đêm cơ mà!”
Lão phu nhân như chết lặng đi trên ghế gỗ đàn hương, trong tiếng cười bắt đầu toác ra quỷ dị của đứa con gái. Người đàn bà mang khuôn mặt của bà nhưng trẻ hơn ba chục tuổi kia ngửa đầu cười to như một người điên. Tiếng khục khặc trong cổ họng man dại xoáy vào màng nhĩ của bà. Lão phu nhân trợn ngược mắt, bắt đầu hớp hớp từng đợt không khí, không khác gì một con cá mắc cạn. Trái tim bà đau nhói liên hồi. Nước mắt giàn giụa.
Không, cơn đau đớn bà đang thực sự cảm thấy không chỉ đến từ cái sự thật đứa con gái vừa phơi bày trước mặt bà. Dẫu cho đó là nguyên nhân lớn. Nhưng nó cũng đã ghét bà đến thế.
Đủ để dùng cùng một cung cách khi bà tiễn người đầu ấp tay gối với mình xuống dưới ba tấc đất.
Chân Đồng lão phu nhân đã giết chết lão gia bằng độc cây trúc đào.
.
.
.
Đứa bé gái vừa khóc vừa gọi mẹ.
Trong lớp vải xô trắng tinh quấn vội, con bé mới chừng bảy tám tuổi đầu một tay lau nước mắt bên má một tay vơ với, muốn níu lấy cái bóng trắng cao hơn ở phía trước. Bước chân nó líu ríu vào nhau, chực ngã mấy lần nhưng vẫn không sao đuổi theo được người phụ nữ nhất quyết trốn chạy khỏi bóng tối đuổi theo sau hai người sát nút.
Tiếng khóc trẻ con rưng rức.
Cù cưa như dao cùn cứa vào lòng người mẹ.
Người phụ nữ vóc người tiều tuỵ vẫn không ngừng guồng chân, như muốn dứt bỏ tất cả phía sau. Kể cả đứa trẻ nheo nhóc tội nghiệp mãi mong đuổi theo mình ấy.
Bóng tối lan đến, chụp gọn cả hai cái dáng liêu xiêu.
Thế rồi tiếng cười cất lên, man dại, xé toạc lặng yên trong bóng tối vô tận. Nơi giơ tay không cách nào thấy ngón ấy rùng rùng chuyển động, vẫn chẳng có tia sáng nào.
Như thể tất cả đã bị ném vào một cõi hỗn độn hư vô, nơi chẳng còn lại gì ngoài cái bóng tối đã cắn nốt tất cả ánh sáng. Nơi bóng tối ăn gọn những bước chân trốn chạy, nhốt tất cả vào chốn tù túng của những toan tính thù hận qua lại.
Nơi ấy, phải chăng gọi là hũ nhân sinh?
Một chốn biết đủ thì an nhàn nhưng ai cũng muốn đoạt lấy thứ hơn người, thành ra chẳng ai thoát khỏi bóng tối.
.
.
.