707
4
2805 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Inside Out


Tên phim: Inside Out – Những mảnh ghép cảm xúc
Reviewer: Nho
Link phim:
http://www.phimmoi.net/phim/inside-out-2712/xem-phim.html

EVENT HERSHEY’S [FINAL]

--------

Thế giới là? Hẳn bạn cũng từng nghĩ như thế, từng đi hỏi người khác hay từng tra cứu trên Google, rồi nhận lại rất nhiều đáp án khác nhau. Có người nói thế giới ấm áp lắm, có kẻ thì than vãn thế giới sao quá đỗi bất công, nhưng tất cả đều khác với đáp án của chính bạn. Thế giới khi đi qua lăng kính cảm xúc của mỗi người thì lại là một câu chuyện độc nhất. Có thể nói “thế giới từ nhiều góc nhìn” thực chất chính là cảm nhận khác nhau của mỗi người. Ở phạm vi nhỏ hơn, đó chính là những cảm xúc của chúng ta đối với mọi việc.

 ----

“Bạn có bao giờ tò mò và tự hỏi: chuyện gì diễn ra trong đầu của chúng ta?”

Khi còn bé, bạn có bao giờ ngây ngô suy nghĩ về câu hỏi trên chưa? Liệu bạn có tưởng tượng rằng bên trong bộ não mình đang có một trung tâm điều khiển?

“Ồ, cái đó tôi biết”

Inside Out đã tiết lộ câu trả lời – bên trong trí óc của chúng ta có một khu trung tâm và được điều khiển bởi những cảm xúc. Bộ phim hoạt hình này kể về những thay đổi về mặt cảm xúc của Riley khi cô bé phải cùng cha mẹ chuyển nhà. Hãng Pixar đã không làm người xem phải thất vọng vì bộ phim đã mang lại nhiều bài học và tình tiết khiến ta phải lặng người ngẫm nghĩ.

 --------

Bánh ngọt hấp dẫn

Đoàn sản xuất đã tạo ra một bộ phim hoạt hình vô cùng lôi cuốn. Tất cả mọi thứ  – từ lớp vỏ bên ngoài đến phần nhân bên trong – đều rất tuyệt nên Inside Out xứng đáng được ví như bánh ngọt hấp dẫn.

Vì đây là một bộ phim hoạt hình 3D nên hẳn sẽ không có một diễn viên nào xuất hiện ở đây, nhưng chúng ta lại biết được các diễn viên lồng tiếng – những người đã tạo nên cái hồn cho từng thước phim. Màn trình diễn thanh nhạc của họ thật sự rất thành công – chỉ dùng giọng nói của bản thân mà dễ dàng dẫn dắt cảm xúc của người xem. Đặc biệt phải nhắc đến bốn diễn viên (gần như làm chủ mạch phim): Amy Poehler – Hạnh Phúc, Phyllis Smith – Nỗi Buồn, Richard Kind – Bing Bong, Lewis Black – Tức Giận. Quả thật khi nghe Poehler diễn thanh, tâm trạng của tôi cũng theo đó mà vui vẻ hẳn, nhưng khi đến thoại của Smith thì cảm xúc lại tuột xuống con số 0. Mỗi diễn viên đều truyền tải được cảm giác của từng nhân vật, không gượng gạo hay khó nghe. Điều này khiến người xem nhanh chóng hòa làm một với bộ phim, tận hưởng chân thật từng khoảnh khắc.

Về mặt âm thanh, không chỉ có kỹ năng lồng tiếng, mà còn có các đoạn âm nhạc. Thật tình là không thể chê vào đâu được. Đây không phải là một bộ phim về âm nhạc nên các phân đoạn phối nhạc không nhiều, nhưng mỗi đoạn âm thanh đều được chọn lựa và ghép nối khéo léo. Dù bạn chỉ dùng đôi tai để lắng nghe thì vẫn nhận ra đây là một bộ phim hoạt hình Mỹ. Tính chất đậm màu hoạt hình này chính là điểm sáng thu hút người xem, cũng như góp phần tạo nên một bộ phim hoạt hình Pixar đúng nghĩa.

Điểm quan trọng nhất để xây dựng một bộ phim hoạt hình đúng chất Pixar là màu sắc và thiết kế hình ảnh. Mỗi bộ phim của Pixar đều mang một kiểu thiết kế khác nhau, song đều có những điểm chung nhất định. Các thiết kế đều sử dụng công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) và hình ảnh nhân vật thì theo khuôn mẫu của hoạt hình (nam thường có cằm rộng, còn nữ thì eo thon và hông to). Đồ họa của Inside Out khá đẹp mắt, hiệu ứng 3D có chiều sâu và tông màu mang phong cách đặc trưng mà chỉ cần nhìn qua biết ngay là của hãng phim nào. Nếu như các phim hoạt hình của DreamWorks, Fox hay Universal đều có màu sắc tươi sáng, rực rỡ thì các phim của Pixar dù trong tông màu tươi thì vẫn có những sắc trầm tượng trưng cho một phong cách hoạt hình “người lớn” hơn. Điều này có thể thấy rõ khi hình ảnh trong trí óc của Riley rất rực rỡ sắc màu, nhưng khung cảnh bên ngoài thực tế thì lại mang cảm giác trầm hẳn. Điểm này theo cảm nhận của bản thân tôi, có thể còn xem như là một chi tiết tâm lý tương phản giữa trí tưởng tượng của một đứa trẻ với cuộc sống bên ngoài.

Inside Out đánh dấu một sự trở lại đầy ấn tượng với nội dung sáng tạo của Pixar sau một khoảng thời gian xuống dốc của hãng. Trong một khoảng thời gian, danh tiếng của Pixar có dấu hiệu giảm hụt. Sau phần tiếp theo khá mờ nhạt “Monsters University” ra mắt vào năm 2013, mọi người bắt đầu tự hỏi có phải tất cả những ý tưởng lớn của Pixar đã bị sử dụng cạn kiệt. Nhưng khi bộ phim Inside Out được công chiếu, Pixar ngay lập tức giành lại những lời khen không ngớt như trước. Điều đáng để người xem vỗ tay thán phục nhất là sự đổi mới vô cùng xuất sắc đến từ đội ngũ biên kịch. Ý tưởng về các cảm xúc có linh hồn, và có cảm xúc, là rất thú vị và mang đến rất nhiều điểm để khai thác. Sau thế giới đồ chơi, thế giới quái vật, thế giới biển cả, và các robot không gian, Pixar tiếp tục mang đến một thế giới rộng lớn và ấn tượng không kém: đầu óc con người. Quả thật tôi thấy hãng đã xứng với danh “Ông hoàng” trong giới hoạt hình, gần như không có hãng phim nào khác có thể đánh bại được những ý tưởng đầy mới lạ của Pixar.

Nội dung bộ phim không chỉ sáng tạo đến bất ngờ, mà còn có thêm một chút nhí nhảnh và hài hước, nhưng cũng không bỏ quên tầng lớp ý nghĩa. Điểm đặc trưng của những bộ phim thuộc Pixar là luôn thúc đẩy ranh giới của phim hoạt hình truyền thống và pha trộn với những nội dung có ý nghĩa sâu rộng cùng yếu tố của một xã hội hiện thực, như hoàn cảnh của chú cá mồ côi mẹ trong “Finding Nemo”, hay cậu bé hướng đạo sinh thừa cân và bị tẩy chay trong “Up”. Inside Out gợi ra những tầng ý nghĩa về gia đình, về vai trò vô cùng quan trọng của Nỗi Buồn cũng như những cảm xúc khác trong cuộc sống con người. Bên cạnh đó, bộ phim còn muốn mang đến những thông điệp rằng mỗi đứa trẻ cần phải học cách nói lên vấn đề của chúng, và các bậc phụ huynh cần quan tâm đúng cách, để giúp con cái mình vượt qua đoạn đường khó khăn ấy. Chính những lớp ý nghĩa sâu sắc ấy đã khiến công chúng cũng như chính bản thân tôi phải đánh giá cao bộ phim.

 --------

Nhân bánh ngàn lớp ngon miệng

Inside Out mang đến cho người xem rất nhiều chi tiết đáng suy ngẫm, cũng như các bài học và thông điệp mà bộ phim muốn gửi đến cho chúng ta. Khi bạn phân tích mỗi chi tiết ấy, giống như việc thưởng thức và khám phá nhân bên trong của một cái bánh. Đối với phim này, đó là cái bánh với ngàn lớp nhân, mà mỗi tầng vị đều rất ngon và ngay cả khi hòa chung lại cũng được coi là tuyệt phẩm.

----

Năm lớp nhân chính – những lời nhắn nhủ chân thành

“Mọi việc đều có thể sửa chữa” – Hạnh phúc (Joy)

Joy là cảm xúc đầu tiên xuất hiện, và cũng là nhân tố quyết định tính cách của Riley. Joy giúp cô bé đối với mọi việc đều dùng thái độ lạc quan. Vậy nên ta có thể thấy những kí ức cốt lõi và hầu hết các kí ức đều là màu hạnh phúc. Đây cũng chính là mong ước của hầu hết chúng ta đối với thế giới này – tràn ngập hạnh phúc. Không chỉ thế, nhân vật Joy dù khó khăn thế nào vẫn cứ cố gắng không ngừng. Qua đây, Docter hẳn muốn nhắn nhủ chúng ta, đặc biệt là người trẻ, hãy luôn hướng về phía ánh sáng trong lúc gian nan và phải biết nỗ lực vượt qua thử thách

“… như thế thật không công bằng” – Tức Giận (Anger)

Anger là phần nóng tính của Riley và luôn bảo vệ cho sự công bằng của cô bé. Chúng ta cũng như vậy – ta thường hay nóng giận mỗi khi nghĩ rằng bản thân đang chịu đựng một sự bất công nào đấy. Khi Joy Sadness rời khỏi khu trung tâm, Anger chính là người nắm quyền, nhưng từ đó cũng gây ra nhiều sai lầm nặng nề và đến cuối cùng khi cậu muốn rút lại thì đã không kịp. Từ đó gửi đến một lời nhắn nhủ: đừng để “cả giận mất khôn”. Ta có thể tức giận nhưng phải kiềm chế và dùng lí trí mà bình tĩnh giải quyết vấn đề, đừng để khi mọi chuyện lỡ làng thì hối hận không kịp.

“Được rồi, ít nhất thì hôm nay chúng ta cũng chưa chết! Tôi cho đó là thành công tuyệt đối!" – Sợ hãi (Fear)

Fear hẳn là một cảm xúc không thể thiếu trong chúng ta, nếu đã là con người thì phải sợ một điều gì đấy. Nhưng chính cảm giác sợ hãi ấy lại giúp ta cẩn thận đối với mọi việc và đôi khi mang đến cảm giác đầy đủ. Hẳn nhà biên kịch muốn nói: Sợ không phải là thể hiện của sự yếu kém, mà thể hiện cho sự quan tâm của chúng ta. Từ đó nói rộng hơn thì có thể nghĩ: cuộc sống như thế nào là do cách chúng ta nhìn nhận, người bi quan thì thấy một ngày trôi qua nhàm chán, người lạc quan lại thấy một ngày trôi qua đều đáng trân trọng.

“Có vẻ là chúng ta không hề học được gì cả!" – Ghê tởm (Disgust)

Disgust là cảm xúc sinh ra cuối cùng, nhưng lại là nhân tố khách quan nhất. Không ai thực tế và lí trí bằng cô ấy, nhưng trong các chuỗi hành động của Riley thì dường như vai trò và ảnh hưởng của Disgust lại không cao. Ta có thể lí giải rằng lúc này Riley còn trẻ, cô bé nhìn thế giới chưa thực sự khách quan lắm. Tuy ít nhưng không phải là không có và hẳn đội ngũ biên kịch cũng muốn nói với người xem: tuy có thể bạn không quá lí trí nhưng ít nhất bạn cũng không thể thiếu điều này.

“Buồn ơi, Riley cần cậu”

Sadness trong bộ phim đóng vai trò quan trọng như Joy và còn có thể coi là nguồn gốc của cả câu chuyện. Mọi người hẳn đều không thích buồn bã nhỉ? Ai lại thích một cảm xúc tồi tệ đó và hầu hết đều ước mình chẳng có. Đánh giá hạ thấp nỗi buồn ấy là một sự sai lầm nghiêm trọng và đó cũng là sai lầm của Joy. Chỉ khi cảm nhận được nỗi buồn thì ta mới hiểu được hạnh phúc là như thế nào. Trong nhiều thử thách, Sadness chính là giải pháp tốt nhất và khi Joy hiểu được tầm quan trọng của Sadness thì khi đó mọi chuyện mới được giải quyết.

Bài học lớn nhất từ bộ phim đó là mọi cảm xúc từ tiêu cực đến tích cực đối với con người đều vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể chỉ dùng niềm vui để đối với mọi việc xảy ra, đôi khi chúng ta cần buồn để thấu hiểu, cần tức giận để đứng lên, cần sợ hãi để an toàn và cần ghê tởm để phân rõ trắng đen. Có thể nói, bài học này của Inside Out được xem là vô cùng sáng tạo, không chỉ trong giới hoạt hình mà còn trong cả ngành phim ảnh.

----

Các tầng vị phụ - những bài học và thông điệp ý nghĩa

Bộ phim còn chứa đựng những bài học ý nghĩa khác mà chỉ thấy ở từng chi tiết nhỏ. Tựa như những lớp nhân mỏng xen kẽ mà ít ai để ý.

Có một chi tiết đau lòng mà tôi thấy đó là dụng ý tinh tế của Docter. Đó là lúc Bing Bong chấp nhận bản thân biến mất để đưa Joy quay về. Bing Bong là người bạn tưởng tượng đã đồng hành trong suốt tuổi thơ của Riley, có thể được xem là “biểu tượng” thời thơ ấu. Hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ tại sao biên kịch không để cả Bing Bong cùng Joy thoát khỏi? Dù sao đây cũng là một bộ phim hoạt hình thì cớ gì cần phải hi sinh một nhân vật nào? Nhưng tôi nghĩ đều đó là cần thiết, sự hi sinh ấy là một thực tế đáng buồn – kết quả của sự trưởng thành. Lúc này Riley đã là cô bé hơn 10 tuổi và đã sớm quên đi Bing Bong. Vậy nên việc cậu ấy biến mất cũng chỉ là sớm hay muộn thôi, nhưng Docter đã để cậu ấy biến mất bằng một hình thức cao đẹp. Chúng ta cũng như Riley, khi lớn dần lên thì có nhiều thứ của tuổi thơ ngày đó sẽ bị bỏ quên thôi, tuy vậy, những gì ngày trước đều là một phần kết quả của chúng ta sau này.

Một chi tiết mà người xem hẳn thấy rất vui nhộn – phân đoạn đi qua Vùng đất trừu tượng. Theo suy nghĩ của Bing Bong thì đó là “con đường tắt” an toàn, nhưng sự thật thì lại tương phản. Thật không may, "đường tắt" đã khiến họ mất thời gian hơn, thậm chí suýt "mất mạng". Đây là một bài học khôn ngoan. Bạn có thể thấy rằng đường tắt không phải lúc nào cũng tốt. Đường dài có lẽ gian nan hơn nhưng có thể lại là đường dẫn bạn tới thành công chắc chắn.

Như đã đề cập, Sadness không phải lúc nào cũng xấu, có một số vấn đề mà chỉ có cậu ấy mới hóa giải được. Một trong những vấn đề đó là đoạn phim khi Bing Bong trở nên ủ rũ và Joy đã cố gắng bày trò để Bing Bong vui lên nhưng vô ích. Lúc này, Sadness chỉ đơn giản là đến bên và lắng nghe Bing Bong trút bỏ nỗi lòng, nhưng cũng chính điều đó đã giúp tâm trạng Bing Bong tốt hơn. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần lắng nghe một cách chân thành, sự im lặng và thấu hiểu có thể mạnh hơn những trò vui nhiều.

Cuối cùng, Docter quả thật là một nhà biên kịch tinh tế và ấm áp – muốn nói với mỗi đứa trẻ đang không có bạn, bị bắt nạt hay xa lánh, rằng thật ra chúng không hề cô đơn. Pixar dường như là hãng phim dành cho những đứa trẻ cô đơn, bởi họ biến những thứ vô tri vô giác thành bạn bè của chúng. Trong Inside Out, các cảm xúc – giống như những người bạn thân thiết đã ở bên cạnh chúng suốt cuộc đời – sẽ luôn ở bên cạnh chúng và làm mọi thứ để chúng hạnh phúc.

--------

Lời kết

Mặc dù là một bộ phim hoạt hình, Inside Out vẫn đủ sức hấp dẫn đối những người trưởng thành chứ không phải chỉ mỗi trẻ em. Từ tình tiết diễn biến đến ý nghĩa nội dung đều không khiến bạn thất vọng. Bộ phim thật sự là một dấu mốc vàng giúp Pixar lại trở thành “Ông hoàng” của giới hoạt hình. Đừng bỏ lỡ!

Lời cuối, tôi xin chúc event thành công tốt đẹp!