81
6
1512 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Người kể chuyện


Tên truyện: Người kể chuyện
Từ khóa: Sonder
Tác giả: Naria

EVENT HERSHEY’S

 -------

Cuộc đời của mỗi người tựa như một quyển sách. Mỗi câu chuyện bên trong trang giấy là độc nhất. Bạn có bao giờ “Sonder”? “Sonder” là khi bản thân nhận ra những người xa lạ xung quanh mình đều có một câu chuyện đặc biệt của chính họ. Có đôi khi bạn lật mở một quyển sách khác, đọc về câu chuyện của họ. Có truyện kể về chuỗi ngày theo đuổi mơ ước hay có truyện viết về một cuộc đời bi thảm.

“Tôi là Oralie Souffrance, cuộc đời tôi là những chuỗi ngày kì diệu và thú vị...”

Oralie đã nghe nhiều câu chuyện khác nhau và luôn mơ ước được viết chúng lên những trang giấy. Chỉ là vòng xoay định mệnh khắc nghiệt, cuối cùng khi cầm ngòi bút lên, cô đã viết về chính câu chuyện của mình. “Người kể chuyện” là tác phẩm về cuộc đời của cô gái ấy, về niềm mơ ước cháy bỏng và cả số phận bi thảm.

Một chén cháo trắng

Nhìn chung, tác phẩm như “một chén cháo trắng” – là một câu chuyện đọc được, nhưng lại không tạo nên sức hút nào đối với người đọc.

Sau lần đọc đầu tiên, khi mà suy nghĩ của tôi đối với câu chuyện là một “chiếc chén trống” thì tác phẩm không hề đọng lại một ấn tượng mạnh mẽ nào cả. Tác giả không mang đến cho tôi một điểm nào để khi nhắc đến cái tên “Người kể chuyện” thì liền có thể nhớ ra. Ấn tượng đối với một câu chuyện là điều rất quan trọng. Đó là dấu ấn khiến độc giả nhớ đến tác phẩm hay tác giả, mà không nhầm lẫn với một điều nào khác.

Tuy vậy, đây cũng không phải là một tác phẩm tệ: cháo trắng tuy không đặc sắc nhưng rất dễ ăn và thơm mùi gạo. Câu chuyện không hoàn toàn trôi sạch khỏi trí óc của tôi mà vẫn có đọng lại một ít “hương gạo”. Đó chính là tư tưởng nữ quyền mà tác giả muốn truyền tải thông qua tác phẩm. Ngoài ra, cách hành văn cũng không quá tệ. Tuy lời văn có hơi đứt đoạn vài chỗ nhưng nhìn chung vẫn khá suôn và không phá mạch cảm xúc. Câu văn cũng khá hình ảnh, nhưng cảm xúc đã cứu điểm này. Nội tâm nhân vật chính đã được tác giả khai thác sâu, đây có thể coi là phần tốt nhất. Tình tiết tuy có phần nhạt màu nhưng diễn biến khá đơn giản, dễ nắm bắt.

Trên là cái nhìn khái quát về tác phẩm, và tiếp theo đây, tôi sẽ mang đến một cái nhìn cụ thể hơn về “Người kể chuyện”.

Một chén cháo thập cẩm thiếu nguyên liệu

Trong việc xây dựng câu chuyện, tác giả đã dựng lên một cái khung ý tưởng rất tốt, nhưng lại không thể hoàn thành dáng vẻ toàn diện của tác phẩm. Việc đó giống như một bát cháo thập cẩm lớn nhưng chỉ lác đác vài miếng rau miếng thịt, người ăn nhìn sẽ biết đây là một bát cháo thập cẩm nhưng mùi vị thật sự lại không như vậy.

Trong việc xây dựng tuyến nhân vật, tác giả đã rất tinh ý trong việc đặt tên nhân vật. Oralie mang ý nghĩa là “ánh sáng đời tôi”, đúng với cá tính của cô - luôn hướng về những điều tươi sáng. Họ của cô lại là Souffrance“niềm đau khổ”, ví như cuộc đời đầy bi thương của nhân vật chính. Tên của người mẹ là Alethea, có nghĩa là “sự thật”, quả thật những lời người mẹ nói với con gái mình đều là hiện thực phũ phàng trong xã hội phong kiến ấy. Và cuối cùng, bá tước Cruel, như cái tên của mình, gã là một lãnh chúa độc ác, hung tàn bậc nhất.

Những cái tên này khi đặt cho mỗi nhân vật đều thể hiện rõ ý nghĩa của chúng, đặc biệt còn đại diện cho những phần tử ở phạm vi rộng hơn: Oralie – phụ nữ, Souffrance – số phận, Alethea – định kiến xã hội, Cruel – tầng lớp thống trị. Tác giả đã rất khéo léo khi đã thể hiện cái dụng ý chính của mình vào những cái tên. Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến từ khi sinh ra đã bị định mệnh trói buộc. Dù trong trái tim họ luôn hướng về tương lai tươi đẹp hơn nhưng không thể phủ nhận sự thật đau thương trước mắt. Chính những định kiến xã hội này, những sự áp bức từ kẻ nắm quyền đã hành hạ họ. Nhưng trong câu chuyện này, mơ ước đã không bị lụi tắt, ánh sáng tuy có yếu ớt đến đâu cũng không bị bóng tối bao trùm. Khi đào sâu vào tác phẩm, tôi đã thật sự tán thưởng điểm nhấn này của tác giả.

Bên cạnh những cái tên, một điểm sáng khác của tác phẩm là sự cố gắng của Oralie – tinh thần liều mình trốn chạy khỏi lồng giam hay sự kiên trì viết ra những tư tưởng của bản thân. Ở những phân đoạn này, cảm xúc của nhân vật đã được khai thác rất tốt. Đây có thể coi là điểm diễn đạt tốt nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nhưng nếu nói có thể chạm đến trái tim của người đọc thì còn thiếu một chút.

Tuy ý tưởng tác giả vẽ nên rất tốt, nhưng khi diễn đạt qua câu chuyện, thì khiến độc giả không cảm nhận được hết. Vấn đề ở đây đó là do tác giả còn thể hiện khá nông, vấn đề chỉ được gợi mở nhưng không được phát triển. Đồng thời, theo suốt chiều dài tác phẩm, không có một tình tiết nào đủ cao trào để lôi kéo cảm xúc của độc giả. Câu chuyện tựa như một bài hát chỉ có một nốt Đô vậy. Dù đây là oneshot, đồng thời cũng giới hạn lượng từ là 7000, nhưng tác phẩm hiện cũng chỉ gần 3000 và tôi nghĩ vẫn có thể khai thác thêm. Ví dụ về bá tước Cruel, tuy được nói qua y là một gã lãnh chúa tàn khốc, nhưng sau khi ép buộc bắt lấy Oralie thì lại chỉ giam cô mà chẳng làm gì. Tôi mong chờ được thấy bộ mặt ác độc của hắn – những trò hành hạ nặng nề hay những lời phỉ báng cay độc. Nếu tác giả có thể diễn ra nhiều thêm mặt tối, thì sẽ càng tôn lên mặt sáng của nhân vật chính.

Ngoài ra, tác giả cần làm cho tác phẩm mình có một sư tăng tiến nhất định và cần tạo ra phân đoạn cao trào. Như vậy sẽ dẫn dắt tốt cảm xúc của độc giả, cũng như khiến tác phẩm thêm cuốn hút. Thêm nữa, nếu để ý kĩ thì còn một số chi tiết nhỏ còn hơi thiếu logic. Một trong số đó là câu: “Tôi không phải là người hầu”. Oralie ở đây đang đại diện cho tầng lớp bình dân, và khi được mang về lâu đài cũng là một phu nhân. Cô không cần hầu hạ ai và cũng không xuất thân là một nô lệ. Vậy nên khi tác giả dùng “người hầu” thì lại có phần không đúng ở đây.

            SONDER

Tác phẩm lấy cảm hứng từ “Sonder”, tuy đã có hiện diện song lại không rõ. Oralie là một cô gái thích đọc sách, đọc về những câu chuyện của những con người xa lạ và cô mơ ước được viết về họ. Nhưng điều này lại chỉ nói qua hai ba câu đối thoại nho nhỏ giữa cô và mẹ, như vậy sẽ không khiến từ ấy được biểu lộ rõ ràng. Tôi nghĩ tác giả có thể viết nhiều hơn về khoảng thời gian Oralie ở tiệm sách. Khi đó, cô đã gặp những khách hàng xa lạ, nghe họ kể về câu chuyện của bản thân, nhiều chân thật hơn, nhiều cảm xúc hơn. Và nếu đó đều là những người phụ nữ thì sự hình thành tư tưởng của nhân vật chính lại càng thêm rõ nét.

Thêm nguyên liệu và gia vị

Cuối cùng, “Người kể chuyện” là một tác phẩm không quá tệ. Câu chuyện chứa đựng ý tưởng rất tốt, rất có sức bộc phá nhưng diễn đạt chưa đủ khiến nó có phần nhạt nhòa. Tác giả chỉ cần viết thêm, đào sâu hơn, phát triển dụng ý của bản thân thì tác phẩm sẽ là một câu chuyện rất hay.  Lời cuối, tôi xin chúc tác giả những ngày sau sẽ càng thành công hơn, đồng thời chúc event hoàn thành thuận lợi.