bởi An Tịnh

61
4
1245 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Khởi đầu


LƯU Ý: "Các sự kiện, sự việc, nhân vật trong truyện đã được hư cấu hóa dựa trên lịch sử (được ghi chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và một số di chỉ, di tích lịch sử được công nhận), tác phẩm mang yếu tố tiểu thuyết, giả tưởng của tác giả, không mang tính chất học thuật và nghiên cứu".


Xưa nay thiên hạ có thái bình thịnh trị thì ắc sẽ có loạn lạc suy vong. Giống như đôi nhật nguyệt xoay vòng, như âm dương không ngừng luân chuyển. Ấy là đạo Trời, bất di bất dịch.

Kể từ khi họ Khúc khai mở nền tự chủ đầu tiên sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, đến đời Tiết độ sứ thứ ba - Khúc Thừa Mỹ, nhà Nam Hán có ý thâu tóm Tĩnh Hải Quân. Nhân lúc nhà họ Khúc suy yếu, vua Nam Hán sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đem quân sang xâm lược. Khúc Thừa Mỹ còn non nớt, chẳng mấy chốc đã bị bắt. Vua Nam Hán liền cử Lý Tiến làm Thứ sử Giao Châu, xem như đất của nhà Nam Hán. Nhận thấy mối nguy quay lại kiếp nô lệ cho giặc phương Bắc, Dương Đình Nghệ liền dấy binh khởi nghĩa, rất nhanh đã thắng lợi. Trước tình thế Lý Khắc Chính bị đánh bại, Lý Tiến bị vây hãm uy hiếp, nhà Nam Hán liền cử Trần Bảo sang chi viện nhưng rồi cũng phải bỏ mạng dưới lưỡi đao của Dương Đình Nghệ.

Chiến thắng vẻ vang, đoạt thành oanh liệt như vậy cũng là cơ hội để Dương Đình Nghệ có thể oai phong tự xưng làm Tiết độ sứ, nắm quyền cai quản Tĩnh Hải Quân. Nhưng thói đời lắm kẻ vô đạo, tám năm sau Dương Tiết độ sứ bị sát hại bởi nha tướng Kiều Công Tiễn. Chức Tiết độ sứ cũng rơi vào tay của hắn. Khắp nơi, các tướng cũ của Dương Đình Nghệ đều tức giận liền theo lời gọi của Ngô Quyền, kéo quân từ Ái Châu về Đại La hòng tiêu diệt kẻ phản phúc Kiều Công Tiễn.

Cùng lúc quân Nam Hán được Kiều Công Tiễn cầu viện đã sớm kéo sang bằng đường thủy. Lợi dụng thủy triều ở cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã cho quân đóng cọc chằng chịt xuống lòng sông làm bẫy, sau lại chỉ huy toàn quân quẫy sóng nước mà đánh cho quân Nam Hán một trận tan tát. Năm đó là Mậu Tuất 938. Tướng chỉ huy quân Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo phải vong mạng, đại binh Nam Hán dày xéo lên nhau mà bỏ chạy về. Sau chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, tự xưng là Ngô Vương, lập ra triều Ngô, vẫn giữ tên nước là Tĩnh Hải Quân.

Ở ngôi bốn năm, vua mất sớm. Ngô Vương để lại di chúc định rằng ngôi báu sẽ truyền cho con cả Ngô Xương Ngập, giao bộ tướng Dương Tam Kha theo phò tá. Nhưng tiếc thay lòng người khó đoán. Dương Tam Kha làm trái di chúc, đuổi đánh Xương Ngập, không những cướp ngôi tự lập làm vua mà còn nhận Ngô Xương Văn làm thừa tự. Ngô Xương Ngập không phục nhưng biết thế khó liền chạy trốn về Nam Sách nương nhờ Phạm Lệnh Công, một tướng cũ của Ngô Vương. Chỉ đợi ngày quay lại dấy lên một màn mưa máu gió tanh, đoạt lại thiên hạ.

Các bộ tướng, thủ lĩnh địa phương khắp nơi đều bất bình trước hành động bất trung bất nghĩa, trái thiên nghịch địa của Dương Tam Kha cũng đành phải ngậm tức mà nhịn. Ngoài mặt tỏ vẻ quy thuận vì tự biết sức lực không bằng, tính chính danh cũng không đọ lại, nhưng bên trong không ngừng rục rịch mộ binh, tích trữ lương thảo, rèn đúc khí giới ngày đêm, đắp thành dựng lũy ráo riết. Vì lẽ đó mà nổi lên nạn tham nhũng, quan lại các địa phương thi nhau đục khoét, hành hạ trăm dân, nhà nhà sống trong cảnh nghèo đói khổ cực, giặc cướp theo thời mà mọc như nấm sau mưa. Lại nói đến triều đình Cổ Loa chỉ biết tranh thủ củng cố quyền lực và sức mạnh mà bỏ bê chăm lo đời sống người dân. Bọn quan lại ở bên dưới cũng thừa cơ làm loạn, đục khoét ở trên, hà hiếp ở dưới, mặc sức mà vơ quét không ngơi tay. Tình cảnh hỗn loạn vô cùng!

Tĩnh Hải Quân đứng trước nguy cơ sụp đổ vì nội bộ chia năm xẻ bảy. Từ quan lại đến tướng lĩnh, hào trưởng khắp nơi nổi dậy nắm quyền. Nổi bật là Ngô Nhật Khánh, giận chuyện cướp ngôi của Dương Tam Kha liền kéo quân về Đường Lâm cát cứ chiếm giữ, tỏ rõ thái độ chống đối triều đình. Cùng đó là Nguyễn Khoan, cũng dứt áo về thôn Nguyễn Gia Loan, chiếm giữ một vùng Tam Đái rộng lớn, màu mỡ. Nguyễn Khoan đặt cứ địa ở gò Biện Sơn, đóng đồn ở gò Đồng Đậu, chiêu mộ và huấn luyện dân binh, xây dựng lực lượng quân sự vô cùng khí thế. Ai ai cũng cho là thế lực mạnh nhất có thể sánh ngang triều đình. Ở Tây Bắc, ngay ngã ba sông Bạch Hạc là đất Phong Châu đương do Thứ sử Kiều Công Hãn nắm quyền. Trong khi đó phía Nam có Đằng Châu do Phạm Bạch Hổ chiếm giữ. Dưới Đông Nam Đằng Châu là Bố Hải Khẩu do Trần Lãm đóng quân. Và ở Nam Sách là địa bàn của Phạm Lệnh Công đang dung chứa Ngô Xương Ngập. Cái thế loạn hiện rõ mồn một, Dương Bình Vương giận lắm nhưng cũng không dám vội động binh đánh dẹp.

Suốt sáu năm từ Giáp Thìn 944 đến Canh Tuất 950, triều đình Cổ Loa án binh bất động, hết sức khẩn trương chấn chỉnh nội bộ. Dương Bình Vương ngoài việc nhiều lần thất bại khi sai quân xuống Nam tìm bắt Ngô Xương Ngập thì chỉ còn biết ra sức chuẩn bị cho chiến tranh dẹp loạn. Mỗi năm sưu thuế một tăng cao, tích cực gom lương tích thảo, đặt ra đủ điều luật nhằm hạn chế người dân dùng kim loại.... rõ là không còn thiết tha đến chăm lo đời sống của người dân bá tánh, đẩy họ đến cảnh khốn cùng phải rời bỏ kinh đô, hoặc trở thành trộm cướp hoặc đầu quân cho các hào trưởng, thủ lĩnh khắp nơi. Các sứ quân cũng tranh thủ thời gian đó mà làm giàu mạnh lực lượng, có người phô trương thanh thế, có kẻ lẳng lặng mà bàn mưu ủ sự hòng chờ thời.

Năm Canh Tuất 950, triều đình Cổ Loa cuối cùng cũng phát binh tiến đánh hai thôn Đường, Nguyễn của Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Khoan. Ngờ đâu đây lại là thời cơ mở trận cho màn mưa máu gió tanh sau này. Thiên hạ loạn ly, giặc dã nổi lên, kẻ mạnh phiên nhau cát cứ xưng là Sứ quân, cùng với triều đình Cổ Loa tranh hùng xưng bá.

Cuối cùng, thiên hạ sẽ thái bình hay là chìm trong khói lửa than tàn?