bởi An Tịnh

41
4
3589 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Triều đình bàn mưu đánh hai thôn Đường - Nguyễn


Thành Cổ Loa, đầu hạ năm Canh Tuất 950.

Tờ mờ sáng, gà còn chưa thôi tiếng gáy mà chúng quan lại đã tề tựu đông đủ trước chính điện. Ai náy cũng lo sửa soạn áo mũ sao cho chỉnh tề, vẻ mặt có chút sốt sắn, chờ đợi. Có kẻ còn ngái ngủ, lén dùng vạt tay áo che miệng mà ngáp dài. Cũng có kẻ tựa mình vào cột, đôi mắt lim dim trông thật mệt mỏi, chán chường.

Đã giữa giờ Mão, cửa điện vẫn đóng im lìm không một chút động tĩnh. Bốn tên lính gác vẫn đứng trang nghiêm, sắc mặt đá tảng, tay cầm chắc chuôi kiếm trong khi các quan thì như muốn ngã gục ra sân chầu mà đánh thêm một giấc. Chốc sau, tiếng trống chầu vang lên khiến các quan choàng tỉnh, hối hả lẫn nhau vào đội hình. Cửa đại điện mở ra chậm rãi trong khi tiếng trống thì lại dồn dập, hối hả. Tất cả đã bừng tỉnh, theo hàng mà thẳng lối nối nhau đi vào.

Phía bên trái là hàng của ban văn, bên phải là ban võ. Khi tất cả vào trong đã thấy Dương Bình Vương ngồi uy nguy bệ vệ trên ghế bằng vàng đặt giữa điện. Nét mặt rất nghiêm nghị. Theo lễ nghi, tất cả liền chắp tay bái kiến, đồng thanh hô vang "Bệ hạ vạn tuế" rồi quỳ mọp cúi đầu xuống đất.

Dương Bình Vương cất giọng trầm, đầy uy nghiêm:

- Bình thân!

Đợi bá quan đứng dậy ngay ngắn, Dương Bình Vương mới nói tiếp:

- Hôm nay chầu triều sớm là vì có việc hệ trọng cần các ông giúp ta nghĩ đối sách. Ai dâng kế hay sẽ được trọng thưởng.

Cả triều đường liền nhao nhao lên bàn tán xôn xao nhưng cả thảy bọn họ đều chỉ chăm chăm vào ca tụng, đoán mò phần thưởng, xem đấy là cái gì. Chẳng ai trong số họ mảy may một lời nào đề cập hay đoái hoài đến việc cấp bách ấy là gì.

Bình Vương ra hiệu cho tất cả im lặng. Gương mặt đang độ ngũ tuần ấy khẽ cau mày biểu lộ vẻ bực tức. Ông trách mắng đám quan lại chỉ biết đến lợi ích, tham lam vô độ. Ai náy mới sáng sớm còn chưa kịp tỉnh ngủ, cũng chưa được ăn một bữa sáng no nê thì đã phải căng tai mở mắt mà nghe lời trách tội của Bình Vương. Âu cũng là xứng đáng vì bao năm qua bọn họ chẳng mấy thật sự chăm lo, săn sóc đời sống của người dân. Chúng chỉ biết tranh thủ vơ vét, tìm cơ hội hà hiếp dân để tư lợi, đục khoét không ngơi tay. Nay mối họa trong ngoài cũng từ đó mà nổi lên như cỏ ngoài đồng.

Bình Vương vì cả giận mà tức ngực, ho khụ lên mấy tiếng chẳng còn tinh thần đâu mà nói được nữa. Ông ta liền ra hiệu cho võ tướng Cảnh Thạc thay lời. Tất cả im lặng lắng nghe Thạc tướng quân trình bày tình hình chiến loạn ở phương Bắc. Thạc kể đến đâu tất cả đều nín thở, mím môi đến đấy vì sự giằng co đầy kịch tính và khó lường của chiến loạn. Nếu chẳng may Nam Hán bị diệt thì Tĩnh Hải Quân sớm muộn cũng bị kéo vào.

Bỗng có một vị quan văn lên tiếng.

- Bẩm bệ hạ, chiến loạn phương Bắc khó lường đến vậy, thay vì lo sợ chi bằng chúng ta ở đây tranh thủ ổn định tình hình nội bộ. Trước mắt là cần ra tay tiễu trừ loạn đảng các nơi, thâu lại binh quyền và đất đai. Từ đó tăng tích trữ lương thảo, chiêu mô thêm binh lính, đúc thêm binh khí. Nội tình yên ổn cũng là để mạnh lên, ngày sau còn có thể đương cự với loạn ở bên ngoài tràn vào.

Triều đường liền trở nên sôi nổi, ai cũng đều gật gù cho là phải. Bình Vương trầm ngâm hồi lâu rồi mới hỏi thêm về kế sách. Cả hội ú ớ nhìn nhau, đá mắt cầu cạnh viên quan khi nãy hãy tiếp lời. Phát biểu rõ hùng hồn như thế nhưng kế sách thì chưa tường tận, ông ta chỉ biết ậm ừ tìm cách thoái lui. Dương Bình Vương nhìn một lượt dưới điện rồi thở dài bất lực, “hừ” lên một tiếng.

- Bẩm bệ hạ, theo ngu kiến của thần thấy việc trước mắt là phải lấy lại Tam Đái. Vùng này rộng lớn từ ngã ba Bạch Hạc trở xuống đến tả ngạn sông Nhị Hà, đất đai phì nhiêu màu mỡ, người đông mà đất bằng. Lấy được Tam Đái, ta không còn phải lo về vấn đề lương thảo, người ngựa. Chỉ đáng nói là Tam Đái đang do Nguyễn Khoan nắm quyền. Hai năm qua ông ta không ngừng tích trữ lương thực, xây dựng quân đội riêng, rõ là có ý làm phản. Tế tác của ta báo về binh lực Tam Đái hiện đã hơn sáu nghìn quân, địa thế cũng không hẳn là hiểm trở khó công. Chỉ e càng để lâu, hắn càng mạnh lên thì ta khó lòng dẹp trừ. Trong khi đó ở hữu ngạn sông Nhị Hà lại là địa bàn Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh chiếm đóng. Thế mạnh của hắn là thủy quân, chuyên đánh trên sông, chứ bộ binh kỳ thực không lấy làm sợ hãi. Vì vậy, thần nghĩ ta nên đánh hai nơi này trước, lúc lấy được rồi ta tiến gần hơn đất Phong Châu, vừa uy hiếp được Kiều Công Hãn lại vừa có trong tay một vùng đất đai rộng lớn, không sợ thiếu lương hụt binh. Tranh thủ thời cơ đó ta ra tay đánh xuống phía Nam, diệt Đằng Châu, đến Nam Sách. Có như vậy đại vương đã nắm trong tay cái thế vững chắc, từ từ chiêu dụ Trần Lãm, Kiều Công Hãn, đánh dẹp bọn giặc cỏ hiện đang nổi lên khắp nơi ở phía Nam. Đại cuộc sẽ sớm yên ổn.

Cả triều đường nghe xong đều cười huyên náo lên ca ngợi, cho là Ngô Xương Văn bàn luận chí phải. Bình Vương nghe thế chỉ khẽ nhíu mày, đôi mắt sắc lẹm nhìn Xương Văn một cách chăm chú, suy tư. Chợt có một vị tướng quân trông già dặn, râu tóc cũng đã lấm tấm bạc cười nhếch môi đầy sự khinh thường. Ông ta đứng ra giữa triều đường, chấp tay cung kính xin tâu rồi quay sang nhìn Xương Văn mà nói:

- Trách ngươi non dạ mà lại hiếu chiến, không biết khiêm nhường mà luận bàn thời cuộc. Ngoài kia người ta truyền miệng nhau rằng thằng Khoan ở Tam Đái nuôi binh mạnh như thú dữ, có thể sánh ngang với triều đình. Lương đủ cho quân với dân ăn trong hai năm cũng không hết. Lý nào ngươi nói muốn đánh là sẽ đánh được. Tam Đái một vùng đồng bằng rộng lớn từ Bạch Hạc đến tận bờ bắc Nhị Hà. Nếu mà ngươi dàn quân kéo đến vây thành, thằng Khoan ở trên gò Đồng Đậu đái xuống sợ cũng đủ làm ngươi mất mạng rồi huống chi là bắt giết nó.

Xương Văn nghe những lời bỉ bôi, xem thường mình thì giận lắm. Y toan cất lời cự lại liền bị ánh mắt uy nghiêm của Bình Vương nhìn trúng. Bình Vương ngồi thẳng dậy, khẽ phất tay áo rồi bình thản nói:

- Binh triều ta gần hai vạn, khí giới, ngựa chiến, lương thảo không thiếu. Thằng giặc Khoan không là gì cả. Có điều đánh Tam Đái lúc này e là thất sách. Ta thấy hay là chiêu hàng Tam Đái trước vậy?

Các quan còn đang lưỡng lự, bàn tán xem thế nào thì Xương Văn đã hối hả lên tiếng, quỳ rạp xuống tâu:

- Bệ hạ, thời cơ này chỉ có một! Đương vào đầu hạ, tranh thủ lúc nước sông chưa đầy ta phải đem quân đánh Đường Lâm thật nhanh, sau đó tận dụng thủy quân vượt sông tràn vào Tam Đái. Nếu kéo dài đến mùa mưa, nước sông Nhị Hà dâng cao, thuyền bè rất khó đi lại. Khi đó chưa kịp bỏ mạng vì mưa tên của Nguyễn Khoan, lại phải chết vì nước sông nhấn chìm mất.

Một vài viên quan cho là chí phải, đứng ra chấp tay bẩm tấu tán thành với ý kiến của Ngô Xương Văn. Bình Vương im lặng, dùng ánh mắt dò xét như khi nãy nhìn Xương Văn một lần nữa. Lúc này vẫn là vị tướng già đứng ra can ngăn.

- Khen cho ngươi cũng biết chút binh pháp, biết lựa thời cơ nhưng mưu kế vẫn còn non nớt thay. - Ông ta quay sang tâu với Bình Vương. - Bẩm bệ hạ, thần nghĩ cứ là nên chiêu hàng Tam Đái, ném cho chúng một chút lợi ích chúng sẽ như chó đói phải xương, thi nhau mà giành giật. Tự khắc nội bộ chia rẽ, ngay khi đó đánh vào cũng không muộn.

Bình Vương nghe được kế ly gián của Võ Tượng tướng quân hai mắt liền sáng lên, khẽ gật đầu công nhận. Nhưng Bình Vương tính vốn cẩn thận, mọi việc đều phải suy xét tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt bày ra hai kế sách, Bình Vương vẫn giữ nét mặt điềm tĩnh. Ông ta nhìn Xương Văn suy nghĩ giây lát rồi hỏi:

- Vậy theo ngươi, nếu phải đánh binh mã bao nhiêu là được? Đánh ra làm sao?

Xương Văn liền hồ hởi, nét mặt vui tươi mà gấp gáp trình bày kế sách.

- Bẩm bệ hạ, thần nghĩ chỉ cần sáu nghìn bộ binh và năm trăm thiết kỵ. Ta tiến đánh Đường Lâm trước là thượng sách. Lúc vào trận, xua thiết kỵ tiên phong đánh thị uy với địch và chia năm ngàn bộ binh làm hai hướng Đông, Nam tiến công vây đánh, một ngàn quân còn lại dùng thuyền ngược sông Nhị Hà đi lên phía Bắc Đường Lâm phòng khi quân Nguyễn Khoan tràn xuống giúp đỡ. Đại vương ở Cổ Loa cắt cử thêm hai ngàn quân tiến lên phía Bắc đóng quân gần biên với Tam Đái, ngày đêm chuyển binh qua lại làm xáo động quân địch, buộc Nguyễn Khoan phải phòng thủ chứ không dám chia quân xuống phía Nam giúp Khánh được.

Dương Bình Vương nghe Xương Văn bàn mưu như vậy lòng liền có chút phấn khởi, nét vui hiện rõ ra trên mặt. Mọi hiềm nghi cũng tự nhiên biến mất, không còn mảy may một chút nghi ngờ với Xương Văn.

- Ngươi nghĩ gì về quân của Đường Lâm? - Bình Vương hỏi thêm.

- Bẩm bệ hạ, hai hôm trước thần nhận được tin tức của tế tác báo về, quân của Ngô Nhật Khánh chỉ chừng bốn ngàn đóng rải rác, lại gần quá nửa là thủy binh, chỉ mạnh trên sông nước. Ta dùng đại quân trấn áp địch ở trên bộ, chỉ cần bắt và diệt được đầu sỏ thì coi như đã thắng. Ta bắt binh lính Đường Lâm quy thuận triều đình, tự khắc trong tay đã có hơn ngàn thủy binh tinh nhuệ, thêm lính bộ ước chừng hai ngàn, hợp thành đại quân cũng đã gần một vạn người ngựa. Ta tranh thủ bắt cầu, dùng thuyền vượt sông, ấy là có cái thế áp đảo Tam Đái ở mặt Nam. Lại nói phía Đông Bắc còn có quân của ta đóng giữ, chỉ cần một hiệu lệnh, hai phía ập vào thì địch khốn đốn ngay.

Xương Văn đã gãi đúng chỗ ngứa của Bình Vương, khiến ông ta buông lỏng cảnh giác và tháo xuống mọi hiềm nghi trong lòng. Bao năm qua, điều mà Bình Vương muốn nhất là tiêu diệt hai nơi này vì những lợi ích mà chính Xương Văn cũng nhìn thấy. Bình Vương cười vang cả triều đường như vừa thắng một trận lớn. Chúng quan lại cũng cười hùa theo như thể được mùa. Ai ai cũng vui mừng, như rằng trận này đã thắng vậy. Chỉ có Võ Tượng tướng quân là không bằng lòng, hậm hực đứng trừng mắt nhìn Xương Văn. Ông đứng ra can ngăn Bình Vương thêm mấy lần nhưng đều bị gạt bỏ.

Võ Tượng không biết rằng Bình Vương vốn dĩ đã ôm lòng muốn đánh Đường Lâm và Tam Đái từ lâu. Cốt chỉ để chứng minh và phô trương sức mạnh trước sự phát triển ngày một lớn của các sứ quân. Nếu không đánh, e là bỏ lỡ thời cơ, lại nói bọn phản loạn sẽ cười nhạo triều đình hèn kém. Nếu đánh, thì nhất định phải đánh thắng. Thắng trận này Bình Vương sẽ vang danh thiên hạ, lấy lại được uy quyền để cai trị.

Triều đường trở nên ồn ào và sôi nổi. Hồi lâu cục diện được chia làm hai phe rõ ràng. Một bên muốn đánh, một bên lại muốn chiêu hàng giữ vững ổn định tình hình tránh binh đao khói lửa. Bình Vương bị đưa vào thế khó xử, dù thật tâm ông rất muốn xuất binh đánh trận ngay nhưng nếu quyết định vội, thì e rằng địch chưa bị ly gián mà nội bộ triều đình đã tan đàn xẻ nghé rồi.

Xương Văn chợt hiểu ý liền giả vờ e ấp rồi quỳ sụp xuống đất, tâu.

- Dạ bẩm... bẩm bệ hạ... thần vẫn còn việc muốn tâu. Mong bệ hạ không trách tội!

Bình Vương ngạc nhiên, nét mặt tò mò muốn nghe xem chuyện hệ trọng nào mà Xương Văn lại lo sợ bị quở trách như vậy.

- Chúng dân ở vùng Tam Đái bảo... bảo rằng là... - Xương Văn ngập ngừng khiến cả triều đường nín thở như muốn vỡ lồng ngực. - Sứ quân Nguyễn Khoan xứng đáng là... là vua...

- Ngông cuồng!

Bình Vương giật mình thét lớn, ấn thủ thật mạnh xuống tay vịn của ngai vàng. Cả triều đường đều quỳ sụp xuống run rẫy đầy sợ hãi. Không ai dám nói lời nào. Chỉ cần hé miệng ra, nói lời nào không phải là bay đầu như chơi. Về phần Xương Văn cũng tỏ ra sợ hãi, không dám ngẩn đầu lên. Bình Vương mắng lớn:

- Bọn giặc xằng bậy, có ý phản nghịch rõ như ban ngày vậy ư. Ta không đánh chúng nó sẽ nghĩ triều đình ta hèn yếu hay sao?

Xương Văn có chút lo sợ, mồ hôi túa ra trên mặt. Anh khẽ đưa vạt tay áo chấm mồ hôi rồi lấy bình tĩnh mà tâu.

- Bẩm bệ hạ, chính vì thế thần mới một lòng muốn đánh trận này. Vừa hay dạy dỗ chúng một bài học để biết rằng bệ hạ mới là vua ở đây, cũng là vừa giúp bệ hạ thâu lại binh quyền, sớm ổn định đại cuộc.

Bình Vương khẽ gật đầu thừa nhận, ánh mắt nhìn xa xăm, vẻ mặt đăm chiêu đầy suy nghĩ. Một số quan lại, tướng lĩnh phe cánh của Võ Tượng tướng quân liền đứng ra trình tấu, can ngăn Bình Vương nên suy xét chu toàn. Kỳ thực lúc này mà đem lòng nóng giận, sinh niềm háo chiến e rằng khó lường trước được thiệt hại. Xương Văn cũng tức tối ra mặt, bất chấp mà nói lớn tiếng:

- Bọn người các ông là lũ hèn nhát, sợ chết đến như vậy sao? Tình hình lúc này nguy cấp như thế nào rồi mà vẫn mang cái bộ dạng nhu nhược đớn hèn như thế? Nhìn xem, bốn bề Giao Châu, đâu đâu cũng là giặc. Ta ở đây không tỏ rõ thái độ thì chúng còn xem ta ra gì. Đợi bọn chúng đem quân đến đánh chó đuổi gà, giết cha hại mẹ, hiếp vợ bắt con của các người hay sao?

Đám quan già tức lắm, bị Xương Văn mắng cho một trận đến nổi đớ cả miệng không thốt ra được lời nào, ôm cái phẫn uất vào trong lòng mà thở gấp gáp. Bình Vương khẽ nhíu mày khó chịu vì sự vô lễ của thằng cháu, cũng là đứa con nuôi của mình. Ông liền nghiêm mặt, dõng dạc nói:

- Không cần bàn cãi nữa, trận này nhất định phải đánh! Lệnh cho Xương Văn làm thống soái, cùng với hai tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc dẫn sáu ngàn binh bộ và năm trăm thiết kỵ tiến đánh Đường Lâm. Giao cho Nguyễn Đại Hùng dẫn hai ngàn lính kéo lên mạn Bắc Giao Châu, hạ trại thị uy với địch, không có lệnh thì không tự ý xuất quân vào Tam Đái, còn nếu chúng xâm phạm, giết không tha!

Nghe mệnh lệnh của đại vương, chúng tướng “Dạ” rang rồi lập tức lui ngay để chuẩn bị. Các quan văn ở lại xì xào với nhau mấy lời rồi cũng bãi triều, ai về nhà nấy với tâm trạng u sầu, chán nản. Lúc đó mặt trời đã lên cao gần đứng bóng, giờ Ngọ hai khắc.

Tin tức triều đình Cổ Loa chuẩn bị tiến đánh Đường Lâm nhanh chóng vang xa, quân tế tác khắp nơi thay phiên nhau chạy trạm, la hét ỏm tỏi khắp nẻo đường để gửi tin báo về cho chủ tướng. Ai ai cũng đều ngạc nhiên, không tin triều đình lại chơi lớn đến vậy, việc quân cơ nhưng dân chúng lại dễ dàng tường tận, bàn tán sôi nổi khắp đầu chợ cuối xóm.

Nói về Đường Lâm, thôn này nằm cách Cổ Loa khoảng ba mươi dặm đường, ngựa phi chừng một ngày là tới. Sứ quân Ngô Nhật Khánh là chủ tướng ở Đường Lâm, vừa hay tin liền bật cười khoái trá, cười mãi không ngớt khiến thủ hạ bên dưới khó hiểu, ngẩn người không dám nói lời nào.

- Coi bộ triều đình hết tướng tài rồi hay sao mà lại để thằng nhóc con này dẫn binh tiến lên đây đánh ta vậy? Thật là buồn cười quá đi mất. 

Nói rồi sứ quân lại cười. Chúng tướng cũng không dám nói gì, im lặng đợi lệnh.

- Sao nào? Ai đã có kế sách đối phó gì hay, mau mau nói cho ta cùng các tướng nghe xem.

Mọi người quay sang nhìn nhau xì xào bàn luận, bỗng một viên tướng người cao hơn bốn trượng, dáng vẻ uy nghiêm, to con sừng sững như cái cột nhà, y bước ra giữa nghị đường vòng tay cung kính mà tâu:

- Bẩm Sứ quân, Ngô Xương Văn là đứa trẻ khờ dại, tôi e là trận này y bị bắt ép phải nộp mạng sa trường. Âu cũng là để tên bất trung bất nghĩa Dương Tam Kha hoàn toàn yên lòng giữ vững ngôi vị.

Sứ quân gật gù ra vẻ tán thành ý bàn của Tổng quản Đỗ Nhất Bình.

- Thằng em họ này của ta quả thật là đáng thương hơn là đáng trách. Trách là trách thằng Ngập bất tài, trốn chui trốn nhủi cái xó nào biệt tích sáu năm nay không thấy bóng dáng. Cơ nghiệp của Ngô Vương cứ thế mà lại rơi vào tay họ Dương. Thật đau lòng! Cũng phải nói cái thế sự nói rối ren như tơ vò. Năm xưa Tĩnh Hải Quân vốn do họ Dương đoạt lại, sau biến cố Dương Tiết độ sứ bị sát hại, rồi đánh Nam Hán, Tĩnh Hải Quân mới vào tay họ Ngô ta. Ai ngờ nay lại về tay họ Dương. - Nhật Khánh tặc lưỡi tiếc nuối. - Ai cũng biết Dương Tam Kha là con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, bởi thế mà lòng người ba quân cũng cho là lẽ hợp tình mà theo. Nhưng đã làm phản cướp ngôi của họ Ngô ta thì vẫn là phường phản phúc, bất trung bất nghĩa. Tình với chả lý.

Sứ quân kể lể, giọng vừa tiếc thương lại vừa hậm hực, nói xong còn ném chén rượu xuống đất vỡ tan tành. Mọi người trong nghị đường cũng lặng thinh, hiểu rõ tình thế bây giờ.

- Đau đớn thay, phận con cháu như ta chỉ căm chỉ hận một nỗi không đủ sức đầy lực mà giành lại uy danh cho gia tộc. Phải nuốt hận mà trốn chạy về đây. Giờ thì, còn phải đợi người ta đến sinh chuyện.

Ngô Nhật Khánh ngã người ra ghế, có vẻ đã ngà ngà say, miệng không ngừng tuông ra những lời than thở đầy não nề.

- Chúng đến thì phải đánh, thưa sứ quân!

Trong hàng tướng lĩnh Đường Lâm bỗng phát ra một giọng nói điềm tĩnh, rất bình thản mà tràn đầy tự tin. Khiến Ngô Nhật Khánh đang sắp như ngã bật ra phía sau cũng phải vội vàng ngồi bật dậy nheo mắt nhìn xuống, rồi bật cười như điên như dại.