bởi Mia NK

6
1
1893 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Là nhà nhưng không là tổ ấm


“Đúng là cái loại đã vô văn hóa còn mù thể thao!” Ông Đương làu bà làu bàu nói, tợp nốt hớp rượu trong cái chén mắt trâu men rạn rồi dằn mạnh chén xuống cạnh cái mâm cong cớn khiến mâm nảy lên một cái, bát đĩa trên mâm cũng bị rung lạch cà lạch cạch, mãi mới yên.

“Tôi vô văn hóa, tôi mù thể thao nhưng tôi không làm cái trò mèo mả gà đồng khốn nạn.” Bà Diên thấy thế cũng điên tiết lên vặc lại. “Ông có văn hóa mà không còn thiếu cái thứ gì.”

Thường thì ông Đương nghe đến đây là im miệng hoặc sẽ càu nhàu thêm vài tiếng rồi đứng dậy rời khỏi mâm cơm, ra ngoài gặp chó đá chó, gặp mèo chửi mèo, đá thúng đụng nia chán rồi lụng bụng lên giường đi ngủ. Thế nhưng hôm nay thì không. Không biết có phải tại cái thứ mà ông vừa mới nuốt trôi khỏi cuống họng xuống dạ dày là rượu rắn hổ mang hay không mà nghe bà vợ nói xong, hai mắt ông Đương long lên sòng sọc.

“Mả tổ nhà bà. Có mỗi cái chuyện mà nói ngày này qua tháng khác.” Ông Đương nghiến răng rít lên. “Không bữa cơm nào được yên.”

“Tôi còn nói nữa. Nói đến lúc ông chết mới thôi.” Bà Diên cũng rít lên, hai mắt bà cũng đã bừng bừng lửa giận. “Cái loại phản bội không xứng đáng được yên ổn.”

Câu chuyện quả thực là ngày nào cũng thế. Nỗi uất hận của người đàn bà bị phản bội không làm sao ngủ yên trong lòng bà Diên được. Đương nhiên chẳng phải là vì quá yêu nên mới sinh hận mà chỉ là bởi mụ đàn bà mà ông Đương lang chạ lại là mụ hàng xóm, không sát vách nhưng cũng chỉ cách có mấy bước chân. Khuất mắt trông coi thì đã đành. Đằng này mở mắt, nhắm mắt đều thấy mặt nhau nên nỗi uất hận cứ như cái gai trong mắt, như cái dằm trong thịt bà Diên, càng để lâu càng nhức nhối chứ không thể nào hết được.

Vợ chồng ông bà từ trước đã bảy ngày cãi nhau ba trận rồi chứ chẳng cơm lành, canh ngọt gì. Lý do cãi nhau thì chẳng lần nào giống lần nào nhưng chung quy lại đều tầm phào, dở hơi cả. Ví dụ như ông nói “cơm hôm nay bà nấu ít thế?”, bà sẽ nói “ông cứ ăn hết được đi đã”, ông lại nói “có cơm nguội cho chó chưa?”, bà sẽ nói “chưa, ông ăn còn thừa thì cho nó một tí”, thế là chữ vào tai trái, chữ ra tai phải, ông quy cho bà cái tội nói ông ăn hết cả phần của chó. Và thế là cãi nhau.

“Hôm nay ông chém chết mày. Chém nát mày ra. Không chôn cất gì hết. Ông đổ một tấn bê tông lên xác mày cho mày vĩnh viễn không được siêu sinh.” Ông Đương hằn học nói rồi đứng dậy đá tung mâm cơm khiến cơm canh văng ra khắp nền đất, bát đĩa cũng loảng xoảng vỡ nát.

“Ông chém đi, ông chém ngay đi.” Bà Diên cũng đứng phát dậy, chỉ tay vào mặt ông Đương. “Ông không chém được, tôi chém ông trước. Động tí lại dọa chém, dọa giết đâu. Loại người khốn nạn!”

Nghe đến đây, ông Đương hùng hùng hổ hổ, quay trái quay phải định tìm thứ gì để ném vào mặt bà Diên. Ông từ trước đến giờ vẫn có cái thói thị uy ấy, nói không được là đập đồ đạc, vớ thứ gì cũng cầm ném thẳng vào mặt người ta. Bà Diên có lần bị ông ném cả cái ấm trà vào mặt, trên thái dương đến giờ vẫn còn vết sẹo lồi ngay dưới đường chân tóc. Trong phạm vi hai ba bước chân từ chỗ đang đứng, ông Đương không vớ được thứ gì nên tức tối bước lên vài bước, đá xoảng một phát nữa vào cái mâm khiến nó đã cong cớn lại càng cong cớn rồi hằm hằm ra ngoài. Vừa thấy ông bà cãi nhau, con chó đen đã biết thân biết phận trốn vào gầm chạn rồi mà cũng không thoát. Đuôi nó vẫn thò ra ngoài nên khi ông Đương vào giật bung cánh tủ tìm dao thì dẫm thẳng lên khiến con chó đau đớn kêu oẳng lên một tiếng. Dường như chỉ cần tìm một chỗ để trút giận, ông Đương không tìm dao nữa mà rút ngay cái gậy gỗ bên cạnh quất xuống túi bụi. Con chó trốn trong gầm không bị đánh trúng nhưng vì nó quá sợ hãi nên cũng không dám chạy ra, cứ co rúm nép sát vào góc tường. Tiếng oăng oẳng cũng run rẩy như chính thân thể nó.

Đáng chán rồi ông Đương quăng gậy ra sân, đứng thở hồng hộc sau đó giật bung cánh cổng, phóng xe đi đâu không rõ. Bà Diên đứng chống nạnh giữa nhà, chửi đổng một lúc nữa rồi cũng chán. Bà đảo mắt nhìn mâm bát vỡ nát, nhìn cơm canh vung vãi tứ tung mà lòng uất nghẹn. Nhưng rồi bà vẫn cầm chổi ra quét dọn, vừa quét vừa thở dài, thỉnh thoảng lại kéo tay áo quệt quệt khóe mắt.

Căm hận. Trong lòng bà chỉ toàn là căm hận. Bà chợt vung cán chổi quật mạnh xuống đống mảnh vỡ khiến mọi thứ lại vung vãi ra lần nữa rồi ngồi phịch xuống. Căn nhà thoáng chốc lại im ắng, chỉ có tiếng quạt điện chạy ro ro.

Con chó đen trốn trong gầm chạn rất lâu, đến khi không còn nghe tiếng động nào khiến nó giật mình thon thót nữa mới rón rén bò ra vòi nước, rón rén thè lưỡi ra liếm liếm giọt nước đọng ở đầu vòi. Từ tối hôm qua đến giờ nó vẫn chưa được ăn, bát nước để dưới vòi nước cho nó cũng đã bị nắng trưa hút cạn khô mà không ai mở vòi cho nó thêm một ít. Nó chỉ có thể thè lưỡi liếm lấy từng giọt nước đọng như thế thôi.

Bà Diên có lẽ ngồi thần người chán rồi lại đứng lên quét tước. Nghĩ đến con chó còn chưa được ăn gì mà ban nãy còn bị đánh một trận, bà cũng thấy mủi lòng bèn vét lấy ít cơm canh rồi mang ra đổ vào bát cho nó.

“Ki. Vào ăn cơm.” Bà Diên gọi một tiếng rồi mặc con chó có vào ăn hay không, bà thu cây gậy gỗ vứt giữa sân vào rồi ra đảo mẻ cá đang phơi trên đầu tường.

Bà đã nhiều lần trong lúc điên tiết nói sẽ bỏ ông Đương, để ông ấy sống một mình, ốm đau, bệnh tật ra đấy thì mới hả dạ. Bà cũng đã rất nhiều lần tưởng tượng đến cảnh bà thì sống vui vẻ, tự tại còn ông Đương sau bao năm đắm mình trong rượu chè, thuốc lá sẽ chỉ còn lại một tấm thân bệnh tật, khốn khổ, lúc ấy, dù ông Đương ăn năn hối lỗi đến thế nào, van vỉ đến thế nào thì bà cũng bỏ mặc ông ấy, coi như trả được nỗi hận bao năm bà vẫn mang trong lòng. Nhưng rồi vẫn là không nỡ. Nghĩ đến con, bà không nỡ.

Từ khi con bà còn rất bé, vợ chồng bà đã thường xuyên xô xát, cãi cọ. Bà cũng đã từng dọn đồ về nhà mẹ nhưng rồi nghĩ thương con, bà lại quay về. Lúc ấy, đã có người xì xầm bàn tán kiểu đứa con không hợp với bố mẹ, đẻ nó ra là chẳng ngày nào được yên. Con bà lớn hơn một chút, vợ chồng bà vẫn thường cãi vã.

Cậu bé Trưởng cũng chán cảnh một tuần ba lần nghe bố mẹ cãi nhau nên mới lên tám, lên chín đã tự nói câu “bố mẹ không ở được với nhau nữa thì bỏ nhau đi”. Vợ chồng ông bà lúc ấy sững sờ một chút rồi lại đâu đóng đấy. Mấy bà hàng xóm rảnh việc lại ngồi đưa chuyện kiểu nếu không vì còn thương thằng con thì bố mẹ nó bỏ nhau lâu rồi.

Trưởng lên lớp chín, sắp thành người lớn rồi mà những cuộc cãi vã của ông bà vẫn không giảm đi chút nào, thậm chí còn nhiều hơn khiến bản thân cậu xấu hổ, chán nản, mệt mỏi. Thêm rất nhiều lần cậu gào lên bảo “bố mẹ bỏ nhau đi, không cần quan tâm đến con nữa”. Bố mẹ cậu đến lúc này vẫn nói chuyện với người ta là vì muốn thằng Trưởng có đủ bố, đủ mẹ chứ không thì cũng bỏ nhau thật.

Trưởng đã có vài lần nghĩ nếu như không có cậu thì có phải bố mẹ sẽ không cãi nhau không? Nếu cậu biến mất, không còn vướng bận nữa, liệu bố mẹ cậu có thôi cãi vã không? Hoặc là, có bỏ nhau không?

Trưởng học hết cấp ba, tần suất cãi vã của bố mẹ vẫn không giảm đi chút nào. Cậu từ lâu đã thờ ơ, mặc kệ, không còn khóc lóc cầu xin như lúc bé, không còn gào lên như lúc học cấp hai, cũng không can ngăn gì nữa. Bố mẹ cãi nhau là cậu bỏ lên phòng đóng chặt cửa lại hoặc sang nhà bạn. Thậm chí, nếu đang ăn cơm mà bố mẹ cãi nhau thì chỉ cần chưa ai hất đổ mâm bát, cậu vẫn điềm nhiên ngồi ăn cho xong rồi đứng lên dọn dẹp đàng hoàng.

Trưởng đi học xa, trừ dịp nghỉ tết, cậu chẳng mấy khi về nhà. Bởi lần nào cậu về cũng chỉ có một màn cãi vã đón đợi. Cậu không hiểu sao bố mẹ cậu có thể cãi nhau ngày này qua tháng khác chỉ bởi những lý do tầm thường, vụn vặt như thế. Cậu cũng không hiểu nổi bố mẹ cậu cứ cố sống cố chết giữ cái thứ gọi là “gia đình có đủ bố, đủ mẹ” làm gì khi mà cậu không hề yêu cầu, càng không hề cảm nhận được tí ti không khí “gia đình” nào cả. Để rồi bố mẹ dằn vặt nhau, dằn vặt cả cậu.

Dù đã cố không nghĩ tới nhưng vẫn không ít lần cậu nghĩ nguyên nhân là do cậu thật. Sinh ra đã không hợp với bố mẹ rồi nên suốt thời thơ ấu phải sống trong gia đình mặc dù có đủ mẹ cha nhưng chưa từng được vui vẻ. Người ta đi xa thì chỉ mong được quay về nhà, về tổ ấm, về chốn dừng chân, chốn mọi cơn bão đều phải dừng lại sau cánh cửa để được ăn bữa cơm nóng hổi, được nói cười, kể chuyện này chuyện khác, hoặc ấm ức, hoặc hả hê. Còn cậu lại chẳng lúc nào muốn về nhà. Bởi nhà cậu, chỉ đúng nghĩa là một ngôi nhà. Là nhà, không phải là tổ ấm. 

Truyện cùng tác giả