Lá thư ở nơi giặc
Chiến tranh làm tan hoang một cõi sum vầy, tôi chẳng tìm thấy bóng người ở đâu, chỉ có mảnh đất phù sa đỏ chót màu máu mà tôi khó lòng lặng thinh. Rồi tiếng tôi hét lên giữa không gian ngủ quên, thôi thì đành ngậm ngùi chấp nhận âm thanh vỗ cánh của những chú chim là lời đáp trả.
“Ôi kháng chiến, kháng chiến.”
Thời gian đưa tôi đi thêm nghìn bước nữa rời khỏi đó mà hỏi thăm một chiến sĩ về sự tình.
“Ông là nhà khảo cổ à.” Cậu ta cười, lúc lắc ngọn giáo.
“Bọn chúng vừa nhào đến, nhưng như ông thấy đấy, quân ta chém hết rồi, hiện đang nghỉ ngơi trong thành.”
Đến bây giờ tôi vẫn không quen cách xưng hô này, thật tệ khi mình trẻ măng nhưng bị gọi là ông chú, nên chỉ gật gù cho qua. Theo lời cậu ta, tôi đi tiếp, qua những ngôi nhà nhỏ quanh cái thành trì to lớn. Nhìn vào ô cửa, tôi thấy người dân vẫn còn ôm con cái trong vòng tay ấm áp, nước mắt họ trải dài trên làn da đã mài mòn. Dòng nước mắt ấy, thật bi thương cho một giống loài từng thịnh vượng.
Đứng trước cổng thành, tôi đợi họ - hai con thú có bộ lông sần sùi - mở cánh cửa lớn đón tiếp tôi vào. Thoạt đầu, sau cánh cửa, chỉ là nụ cười hoan hỉ khắp nơi, sau đó trở thành trái táo và trái nho cạ vào răng từng con thú. Phần lớn quân lính là nguyên thú nhánh mèo chi hổ, cạnh họ có một nô tỳ quỳ gối dân rượu và một ả khác đang băng bó trong sự quát mắng. Đoạn, tôi bước đi, họ đưa mắt, hồ hởi trước một nhân loại phục vụ cho đại nguyên, đó là những người tựa hoàng gia, chỉ huy mọi việc. Không để ý lắm, tôi bỏ qua rồi tới chào hỏi một quân lính nguyên thú, hỏi gã về bọn kháng chiến.
“Ồ, chúng đến từ hướng di cư của loài chim, chắc còn sót lại trong khu rừng.” Gã ngồi đó, nói với tôi khi xoa đầu ả nô tỳ, chính hành động này khiến tôi tự tin hỏi gã thay vì mấy tên khác.
“Vậy chúng có giữ món đồ nào không nhỉ?” Tôi đáp lời gã.
“Chúng chắc chẳng có gì để khảo cổ đâu, nhưng khu rừng thì có, không rõ lắm.” Gã vuốt bộ râu hổ dưới cổ của mình vì gã làm gì có cái cằm như con người.
Tôi cười, khẽ hạ đầu. “Thế ở đây có quán ăn nào ngon không?”
“Ồ, nếu ăn uống thì dễ, ông đi tới đài rửa mặt đằng kia rồi theo đường có cái cây bự nhất, hình như thế phải không Phi?” Gã quay qua hỏi một tên hổ khác.
“Đúng rồi, quán đó có trứng gà ngon.”
Cảm ơn gã xong, tôi tiếp tục lên đường. Lúc đã đứng trước cái đài phun nước, tôi nhìn thấy quán ăn mấy con cọp đó nói. Sau khi mở cửa đi vào, chọn một phần trứng với rau, thưởng thức chậm rãi, tôi chờ đợi một vị khách. Bên trong quán ăn, vọng ra những tiếng rầy la, chắc nô tỳ nhà này lại làm gì đó sai trái. Các vị khách nguyên thú ngó vào nhìn, nhưng cửa đã đóng. Đằng kia, cái bàn nhỏ nhất quán, một gia đình nhân loại, hai đứa con gặm nhấm món rau quý giá, tiền thuế cao buộc bố mẹ hai đứa phải thèm thuồng nhìn.
Tới giờ hẹn, một cậu thanh niên từ đâu đó đi vào và ngồi xuống, tướng tá cậu ta cứ như bức tường ngoài kia vậy, cậu gục đầu tránh những ánh mắt dòm ngó. Trong khi tôi ăn nốt cọng rau rồi nhận lấy tờ giấy của cậu kẹp dưới đĩa.
“Chàng trai đu bám sinh mệnh trong bộ truyện đó sẽ làm gì tiếp theo?” Cậu hỏi bằng cái ngữ điệu giả dạng.
“Chàng ta chỉ muốn xem mấy cái kháng chiến nhảm nhí của nhân loại có thành công hay không thôi?” Tôi vừa sờ mó bộ râu quai nón của mình vừa nói.
“Nếu ông còn nhớ thì bọn đó thua rồi, thảm luôn.” Dù cố diễn cho tự nhiên nhưng cậu không thoát khỏi vẻ trầm ngâm của đôi mắt.
“Chắc nhiệm vụ gián điệp của chàng thành công lắm.” Vừa nói, tôi vừa lấy một cuốn sách nhỏ đưa cậu.
“Cảm ơn ông.” Nói rồi cậu rời đi, lề mề như tên ăn mày.
Khổ thân cậu ta, sống ở chỗ của bọn thú vật, phải ẩn mình mà đưa tin tức ra ngoài. Nếu để ý thì cuốn sách cậu vừa cầm, ghi một cái tên, “chiến binh thành trì”, đó là vô số bức thư từ khu kháng chiến gửi vào.
Dáng đi của cậu ta làm tôi nhớ mãi, luôn cố lôi lên từ ký vãng gương mặt bất ngờ khi biết tôi, một nhà khảo cổ phục vụ giặc lại quyết định giúp đỡ việc kháng chiến. Mới đầu tôi cũng lo lắm chứ, như lúc tôi đi trên tường thành, ngắm cảnh hoàng hôn nơi chiến trận, tưởng chừng sẽ té ngã, đập đầu vào lớp đá dày cộm dưới chân. Phần lớn những bức thư là chuyên cách mạng, có kèm theo tiền để cậu cố sống mà trả đủ thuế, bức thì nghe bảo từ người yêu gửi, thêm mấy tâm thư của bố mẹ. Cố nhiên là tôi không xem hết, tôi không bất lịch sự vậy, nên cũng chẳng rõ là thư ghi gì.
Xác chết hòa vào đất đai, có cả hạt lúa ươm mầm trong lòng bàn tay người lính (tôi đã thấy trên đường đi chứ nhìn từ đây làm gì rõ ràng đến thế). Rất lâu về trước, khi có được cơ thể già nua mà tôi đang giày vò - như cách cậu ta gọi tôi, chàng trai đu bám sinh mệnh - tôi đã bắt đầu tiếc thương cho đồng bào, dù có lẽ chúng tôi khác nhau vài thứ, nhưng vẫn là con người. Chẳng bao lâu tôi cũng nhận ra mình sẽ không thể trở thành anh hùng của đất nước này, nơi mà đến cái tên quốc gia cũng mất, nằm dưới tay những con thú dữ tợn phương Bắc. Chắc đã hơn năm mươi năm Bắc thuộc, kháng chiến càng ngày càng khó khăn, ví dụ như cậu to con vừa rồi, tôi nào biết tên cậu, nó bị chôn vùi dưới mảnh đất dựng lên thành trì, một khi tiết lộ là đầu lìa khỏi cổ!
Ngồi đây, ngồi lên tên và họ cậu thanh niên, trên cái bức tường tạo ra từ mất mát, từ bàn tay giặc, tôi vừa khóc vừa cười. Mắt tôi lờ mờ nước mắt nhìn một nông dân cày ruộng đến gù lưng, miệng tôi thì nhăn nhó nở rộ vì những câu chuyện của mấy con hổ đi bằng hai chân. Biểu cảm ấy, dán lên một cách méo mó vào gương mặt tàn nhan, râu tóc bạc phơ và gầy gò yếu đuối, hoặc do bản chất tôi làm nó trở nên như vậy.
Quả táo mọng nước của bầu trời đang chiếu vào đồng bào tôi, đẩy bóng họ ngả xuống đất phù sa. Khoảnh khắc đó, lúc màu đỏ của ánh sáng, màu đỏ của máu mủ ruột thịt và màu đỏ của trái tim tôi đều rỉ ra, từng giọt thấm đẫm. Hơn nữa còn làm ướt những tờ giấy tôi đang cầm, tờ đầu viết về chuyện trong thành, tôi để đó đem về cho quân cách mạng, tờ thứ hai lại khiến tôi nghẹn ngào, lý do cho dòng nước mắt nặng trĩu còn hơn ngắm nhìn người nông dân cực khổ. Giá như tôi có thể gửi một tờ giấy với những chữ viết nghèo nàn và xấu xí như thế này về cho mẹ, giống cậu ta, nhưng mẹ tôi cách xa tôi còn hơn cả vấn đề địa lý, nơi mẹ tôi ở đã là một thế giới khác, một Trái Đất yên bình.
Con nhớ mẹ. Nguyễn Anh Tuấn của mẹ.