2
2
1832 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Liêm - Mở đầu


Tôi đã kịp gạt đi giọt nước mắt trước khi hai vị khách du lịch phát hiện. Bình thường tôi rất ghét bị nhìn săm soi, nhưng cũng phải thông cảm cho họ. Không tò mò sao được, khi thấy một gã tóc tai rũ rượi ngồi thẫn thờ với một gói giấy mờ ám, ngay trên cầu thang chính dẫn lên cửa nhà thờ. Cũng có thể do tôi đang chắn đường họ, nhưng lúc bấy giờ ngay cả việc nhích người sang một phân tôi cũng không muốn làm. Hai vị khách quay sang rì rầm bàn tán thêm vài phút rồi vòng ra phía sau giáo đường, bằng lối đi xuyên qua khu vườn nhỏ bên tay trái.


Chuông nhà thờ gióng giả điểm vào bầu trời hoàng hôn năm tiếng. Vì ngồi ngay dưới lầu chuông nên tôi có cảm tưởng như những bậc thang đá dưới chân mình rung lên dữ dội theo từng hồi chuông, chực mủn ra và sụp đổ bất cứ lúc nào. Có lẽ ngay bây giờ, ở đâu đó trong một thị trấn xa xôi, ngôi giáo đường chìm giữa biển sương cũng đang đổ chuông. Thật lạ khi những vùng đất cách nhau nửa vòng đất nước vẫn có thể kết nối với nhau vào một khoảnh khắc bất chợt nào đó, bằng những thứ mỏng mảnh mơ hồ như âm thanh, mùi hương và kí ức.


Kí ức. Với tôi chúng chẳng khác nào thứ cà phê đen đắng nghét trong văn phòng mỗi sáng. Quá nhiều dễ khiến ta mụ mị nôn nao, với những luồng suy nghĩ lạ lùng không mời mà đến, quá ít thì làm ta thấy mông lung trống vắng, như vừa đánh rơi thứ gì đó mà không tài nào nhớ ra. Lúc khó chịu, lúc hưng phấn, lúc buồn bã, lúc hạnh phúc, và lúc tuyệt vọng tột cùng. Nhưng tôi không thể dứt bỏ thứ gây nghiện ấy. Vì nó là phương cách duy nhất, nơi chốn duy nhất để tôi có thể gặp lại họ.


Tôi chớp mắt. Lần thứ nhất. Thế giới quanh tôi nhoè đi, mọi màu sắc biến mất, và tôi thấy cậu trong bộ quân phục. Năm đó chúng tôi mười bảy. Cậu đang mỉm cười, hệt như trong tấm ảnh chụp chung trước khi rời trường. Cậu bảo sẽ viết thư cho tôi sớm. Nhưng lá thư đầu tiên cũng là lá thư cuối cùng. Cậu vĩnh viễn nằm lại ở thị trấn xa xôi mù sương nào đó khi còn chưa tròn hai mươi. Tôi vẫn còn giữ tập thơ hai đứa cùng viết thời trung học.


Tôi chớp mắt. Lần thứ hai. Khuôn mặt cậu tan vào trời chiều, thay vào đó tôi thấy mình đối diện với một khuôn mặt giàn giụa nước mắt, khi cô bé ấy ngược xuôi tìm cậu ở ga tàu, nhưng đã quá muộn. Tôi có gặp lại cô vài lần nữa, trong đám cưới với người chồng cô không yêu và khi cô rời khỏi thành phố đi tìm cậu - đúng hơn là những gì còn lại của cậu sau gần hai mươi năm. Vẫn là đôi mắt ấy, tràn ngập hoang mang, ráo hoảnh lẫn đau buồn, ngay cả khi cô đã trở thành một thiếu phụ, đeo cứng chiếc mặt nạ tỏ ra chai sạn với mọi khổ đau. Lần cuối tôi nghe tin về cô lại là qua mục tin tức trên báo. Họ viết rằng cô đã tự kết liễu đời mình một cách bí ẩn. Không, cả tôi lẫn cậu đều biết rõ, cô bé năm xưa đã chết từ lâu, khi cậu lên chuyến tàu sớm và dấn mình vào chiến trường đỏ lửa. Cô ấy gửi cho tôi một bưu phẩm vài ngày trước khi mất, chính là thứ tôi đang ôm trong lòng đây, và phía sau nó vẫn còn một câu chuyện khác dài hơn nữa.

 

Tôi chớp mắt. Lần thứ ba. Tôi quay lại cuộc gặp đầu tiên với hai tác giả trẻ trong quán cà phê vài năm trước. Tôi chưa bao giờ nghĩ họ là một cặp, dù có kha khá người đoan chắc điều đó, căn cứ vào sự thân mật bên ngoài cũng như những tác phẩm họ sáng tác chung. Văn họ chủ yếu viết về nỗi buồn và sự lạc lối. Không quá đặc sắc, nhưng không nhiều đồng tác giả có thể phối hợp hài hoà ăn ý như vậy, nên tôi thỉnh thoảng cũng châm chước cho họ. Tôi vẫn có cảm giác cậu con trai kia đang ghìm mình lại để đồng điệu cùng cô bạn. Nếu viết riêng có lẽ cậu có thể toả sáng hơn, dù theo kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi nghĩ đó sẽ là kiểu toả sáng như pháo hoa, rực rỡ một lần rồi tàn lụi. Chẳng khác nào cây vạn tuế chỉ trổ hoa một lần. Tôi đã đắn đo rất lâu, không biết nên khuyên cậu đường nào cho phải. Tôi vốn đã coi hai người như em trai em gái thân thiết của mình. Nhưng trong lúc tôi còn đang suy tính, cậu đã lặng lẽ bỏ đi, đến một thị trấn xa xôi mù sương nào đó. Để rồi tất cả những gì cậu để lại cho tôi - và cho cả thế giới bi ai này - là tập bản thảo viết riêng đầu tiên, cũng là cuối cùng. Tập bản thảo gói gọn trong bưu phẩm, chính là thứ tôi đang ôm trong lòng đây.


Tôi chớp mắt. Lần thứ tư. Bóng tối trong thế giới hiện thực phủ ập xuống tôi như dòng thác đen kịt, lạnh giá. Tôi có thể ngửi thấy mùi trầm phảng phất, hoà với mùi nhựa thông từ hàng cây thẳng tắp trong khu vườn nhỏ và mùi hoa ly dưới chân tượng Đức Mẹ. Tôi từng đến một thị trấn xa xôi mù sương, những ngọn đồi ở đó cũng nồng mùi nhựa thông. Nhưng tôi đã không đủ can đảm bước qua cửa ngõ vào thị trấn. Nếu tôi làm vậy, có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi - hoặc không. Tôi sợ cái vẻ tĩnh lặng ấy, sợ mùi hương tịch liêu của sương và mưa ấy, sợ cả những kí ức chất chứa trong nó, những con người với vết thương không liền sẹo tìm đến nó. Nó làm tôi nghĩ đến một cái bẫy tăm tối giăng ra mà không ai hay, một cái hố đen toả mùi hương dẫn dụ những con người muốn tìm chốn yên bình, tìm sự thanh thản và xoa dịu. Nhưng rốt cuộc sự biệt lập và cô độc chỉ đẩy họ vào bóng tối sâu thêm. Tại sao lại là nơi đó, mà không phải là bất cứ nơi nào khác trên đất nước này? Tôi đã tự hỏi không biết bao nhiêu lần, nhưng hồi đáp lại tôi chỉ có im lặng.


Có lẽ vì ám ảnh về thị trấn kì lạ ấy quá sâu đậm, nên khi một người bạn trong toà soạn ngỏ ý muốn chụp ảnh phong cảnh, tôi đã buột miệng giới thiệu nó với cậu ngay lập tức. Chẳng có lí do nào, mọi lời lẽ cứ tự động vuột ra không kiểm soát được. Sau này nghĩ lại, dường như đó là khao khát từ đáy sâu tâm thức tôi, muốn có thêm người chia sẻ nỗi ám ảnh cùng mình, về cái thị trấn tôi mãi không dám bước qua cửa ngõ để tìm người. Tôi nào hay biết chính niềm mong ước ích kỉ mơ hồ của mình đã đẩy cậu vào một câu chuyện dài rắc rối, mà kết thúc tốt đẹp là bất khả.


Sợi dây số mệnh của tôi và những con người mắc kẹt sau màn sương không hẹn mà gặp, mà đan xen chồng chéo lên nhau như mạng nhện. Để rồi giờ đây tấm mạng mong manh ấy đã rách toang, bỏ lại một đầu tơ trơ trọi cố bấu víu vào rìa thế giới.


Tôi ngửa mặt lên vừa lúc giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi.  Tôi từng có một giấc mơ, lặp đi lặp lại năm tôi tròn hai mươi. Tôi thấy mình chầm chậm thả bước trên một triền dốc mù sương xa lạ, với ai đó đang hối hả đuổi theo sau, hỏi tôi về nỗi đau, sự mất mát và nhà văn nào đó cùng tập bản thảo tôi chưa nghe tên bao giờ. Tôi luôn tỉnh giấc ngay khi những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi lên tóc mình. Cảm giác và mùi vị trong mơ rất thực, thực đến nỗi tận nhiều năm sau tôi vẫn tưởng như đó là trải nghiệm của mình, là chuyện đã từng diễn ra ở đâu đó trên dòng thời gian hỗn loạn.


Bị cuốn vào những suy nghĩ chất chồng nặng trĩu, tôi không biết mình vô tình thiếp đi bao lâu. Khi tôi mở mắt ra, đường phố xung quanh đã lên đèn sáng rực.


Màn mưa bụi giăng lất phất quanh tôi, không đủ làm ướt áo. Cổ tôi mỏi nhừ vì tựa vào tay vịn cầu thang. Kì lạ thay, tôi vừa mơ lại đúng giấc mơ đó. Nhưng lần này tôi đã quay lại, nhìn rõ người đuổi theo mình trên triền dốc là ai. Lần này khắc ghi vào tâm trí tôi không phải là cảm giác và mùi vị nữa, mà là cuộc đối thoại và cảnh trí, tất cả đều rõ mồn một, sắc nét như một đoạn phim. Tôi đột nhiên biết phải đến đâu để biến nó thành hiện thực. Có lẽ tập bản thảo định mệnh tôi đang giữ đã giúp mọi thứ trở nên sáng rõ.


Trong tôi dâng lên một nỗi thôi thúc mãnh liệt rằng phải đến đó. Phải bước qua lằn ranh mà tôi đã sợ hãi suốt bao năm. Bây giờ hoặc không bao giờ.


Tôi vẫn còn một người bạn mắc kẹt ở thị trấn xa xôi mù sương ấy, người tôi đã vô tình đưa cậu vào tấm mạng buồn bã kia. Trong lá thư nửa năm trước, cậu viết rằng mình không thể trở về thế giới của chúng tôi ngày trước nữa.


Tôi đứng dậy, bước khỏi cổng nhà thờ, hướng thẳng đến sân ga. Hành trang duy nhất tôi muốn mang theo chỉ có gói bưu phẩm này mà thôi.


Dù không thể đưa cậu trở về, tôi cũng phải đưa cậu khỏi mép vực cô độc mà cậu bước lên và đang chông chênh trên đó từng giây từng phút. Đây là tất cả những gì tôi có thể làm cho những con người chỉ còn sống trong kí ức. Một lời sám hối muộn màng và một nỗ lực sau cuối, nhưng tôi tin rằng nó sẽ không trở thành vô nghĩa.

Truyện cùng tác giả