Lời dẫn truyện
[Thất châu đại lục]
[Ngũ quốc phân tranh]
Sau thời kì Xá Đế sủng ái Phù Dung phu nhân để mất đại quốc chia thành mười ba bộ xứ quân, ngũ quốc được hình thành từ việc thôn tính và dùng liên hôn chính trị chia ra.
Chiêu Dương quốc nổi lên là quốc gia duy nhất thuộc dòng chính của Xá Đế chiếm lãnh thổ rộng lớn, tôn thờ Hỏa Thần. Biểu tượng là Xích Cửu Thiên Xà.
Long Phi Quốc, vốn là bộ tộc Đan Lai bị Xá Quốc thuần phục sau này chớp thời cơ tự lập quốc thổ riêng. Tôn thờ Thổ thần. Biểu tượng Nhưỡng Tinh Miêu.
Trường Hải quốc, quốc gia duy nhất không nằm trên đất liền. Không ai biết vùng đại hải họ có bao nhiêu đảo hay rộng lớn đến cỡ nào. Tiền thân vốn là hải tặc, sau này vì không muốn bị Tứ quốc áp đặt mà tự lập quốc. Tôn thờ Thủy Thần. Biểu tượng Lôi Nộ Chương.
Cửu Kim quốc, xuất thân là Thần tướng của Xá Quốc, sau khi Xá Đế chém đại tướng vừa dẹp loạn trở về chỉ vì xả giận cho Phù Dung phu nhân liền tạo phản chiếm lấy Định Châu. Tôn thờ Chiến thần. Biểu tượng Hoàng Kim Quy.
Thanh Lan quốc, vốn dĩ là một vùng đại ngàn kì bí. Thời kì Xá Đế chỉ có thương nhân đi qua, sau này đại thương nhân dùng tiền tài xây thành tự lập quốc gia. Tôn thờ Đại Tâm Thổ Lâm. Biểu tượng Đại Tâm Thổ Lâm.
***
Trăm năm phân chia, thế cục vốn từ Chiêu Dương quốc chuyển sang Cửu Kim quốc đứng đầu, lấy thế mạnh tài lực từ Định Châu mà gây ảnh hưởng lên tam quốc dần cô lập Chiêu Dương quốc.
Ba đời vua của Cửu Kim quốc đều là các bậc minh quân, hiềm nỗi đường nối dõi luôn ngặt nghèo. Đại Vương Vĩnh Tông có hai mươi ba người con gái nhưng chỉ có hai con trai, kế tục ngài Đại Vương Vĩnh Hi có tới ba mươi bà chúa nhưng lại chỉ có một ông hoàng, đời thứ ba Đại Vương Vĩnh Liễn chỉ có mười lăm công chúa nhưng không được như ông và cha mình, ngài chỉ có một đại vương tử phẩm chất bình thường.
Đây có thể coi là nỗi niềm lớn nhất của Đại Vương Vĩnh Liễn, hai đời trước dù độc đinh nhưng chính là rồng phượng trong biển người. Cả đời ngài anh minh chỉ có chuyện nối dõi là hổ thẹn với tổ tông.
Cầu Thần cầu phật mười năm, Vĩnh Liễn Vương chẳng còn mong ngóng điều gì, ngài chỉ cố sức xây dựng nền tảng tốt nhất duy trì vương quốc. Nhưng hơn ai hết ngài hiểu rõ nếu không có người thừa kế xứng đáng, thì có núi vàng núi bạc cũng không giữ được quốc thổ.
May thay, Thanh Lan quốc dâng lên cho Cửu Kim quốc một công chúa. Xứ thần thưa với ngài:
“Cửu công chúa của Thanh Lan quốc thật sự có duyên với Đại Vương, ngày công chúa ra đời cũng là ngày đại vương xưng vương, thừa kế đại nghiệp. Công chúa mang phượng mệnh trên người, ngọc bội của Thừa Thiên tiên hoàng hậu vốn là điềm gở hễ ai sở hữu liền gặp họa chết yểu vậy mà lại chấp nhận công chúa.”
Xứ giả khoe môi múa mép một hồi chỉ nhận được một nụ cười lạnh:
“Giác ngọc vốn là điềm gở, Thừa Thiên tiên hậu vốn là mẫu nghi mà lại lại để Phù Dung phu nhân lộng quyền. Sống không can gián được hoàng đế, nước mất lại không tự tuẫn với phu quân. Vậy có gì mà đáng để trẫm lưu lại.”
Vốn dĩ đây là nước cờ chết của Thanh Lan quốc, ai ngờ Vĩnh Liễn Vương sau một lần nhìn thấy bóng lưng của mĩ nhân liền nạp vào cung phong làm Cung Thận phu nhân. Thặt chặt tình hữu nghị hai nước.
Hơn hết, năm Vĩnh Liễn bốn mươi ba tuổi, Cung Thận phu nhân mang thai sinh ra một hoàng nam khỏe mạnh. Hậu cung vô chủ, đại vương vui mừng phong nàng làm Cung Thận vương hậu.
Nhị vương tử An Chương Tộ trời sinh thần lực, mới tám tháng tuổi đã biết nói biết đi. Hai tuổi đã học vỡ lòng, năm tuổi bắn được thần ưng đại mạc. Vĩnh Liễn Vương vui mừng phong làm Thế tử, chính sử có ghi lại đại vương quỳ trước tông miếu mà lạy:
“Tổ tông phù hộ, trời không diệt An gia ta.”
Thế tử không phụ lòng phụ quân mình, từ năm mười lăm tuổi đã dẫn quân dẹp loạn chư hầu. So với các vị tiên vương hay ngay cả phụ quân của ngài đều mạnh hơn một bậc. Nhưng cũng chính từ đây thế cục giằng co đã chuyển biến, thời kì của quái vật thời chiêu hòa kết thúc, ngũ quốc rục rịch chia lại quốc thổ.
Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng!