Lý ngư vọng nguyệt (2)
Gã bán cá thấy ranh con không đi, định vớ lấy con dao doạ nó nhưng cuối cùng vẫn thôi, nhìn thân hình gầy nhom, y phục rách rưới như thế kia chắc chẳng khấm khá hơn gã là mấy, thời buổi loạn lạc sống qua ngày đã là một chuyện khó khăn. Mặt trời vừa chạm đến đỉnh, chợ thì đã vãn quá nửa số người, muốn bán nữa xem ra không thể, thực lòng con cá dị dạng này gã cũng không muốn đem về.
Nghĩ thế, gã ngoắc ngoắc tay gọi tiểu hài tử đến gần: "Này" Tay gã chỉ vào con cá nằm ngay đơ, nửa sống nửa chết trong chậu.
"Cho ngươi" Nếu thế chi bằng cứ cho nó vậy.
Hai mắt nó sáng lên thấy rõ, kích động nhìn gã chủ tiệm xác nhận.
"Sao? Không muốn?"
Tiểu hài tử lắc đầu đây đẩy, nó nói vội sợ ông chủ đổi ý: "Muốn, cháu muốn!"
"Vậy để ta tìm sợi dây cho ngươi dễ xách nó" Thứ gã tìm chính là sợi dây chuối mà người ta hay dùng để xâu mang cá.
Lòng Kỳ Uyển kinh hách, xâu vào mang hẳn rất đau, nàng không muốn bị người ta xỏ xuyên đâu. Ở bên cạnh, tiểu hài tử nghe gã bán cá nói, dường như tâm ý tương thông với Kỳ Uyển sợ hãi kêu lên: "Đừng, cứ để cháu ôm nó về, cháu không muốn làm nó đau."
Gã bán cá giật mình, trố mắt ngạc nhiên. Nó thấy gã trợn mắt sợ gã đổi ý nên ngay lúc gã đứng người, nó đã nhanh nhẹn vớt nàng lên, không ngại nước dây vào quần áo mà ôm nàng vào ngực, nhanh thoăn thoắt chạy đi mất hút.
Trên thớt chỉ có một vài cục bạc vụn lẻ tẻ đang lăn do tiểu hài tử trước khi rời đi đã để lại, gã bán cá chỉ đành lắc đầu thở dài nghĩ, không biết ranh con sẽ định làm gì.
...
Tiểu hài tử luồn lách qua các ngõ trong trấn nhỏ, Kỳ Uyển cũng phải lắc lư theo, cả người mơ mơ màng màng như sắp say.
Không biết nó sẽ mang nàng đi đâu? Muốn bỏ nàng lên thớt để chặt khúc nấu canh hay gì? Chắc không, nàng tin tưởng nó rồi thì nên tin tưởng cho trót, nên hy vọng một chút thì hơn. Cuối cùng bước chân tiểu hài tử cũng chậm dần, thở hắt một hơi, nó cúi đầu âu yếm nói với nàng: "Đến nhà mới rồi!"
Nhà mới?
Đoạn nó buông lỏng tay, dòng chất lỏng mát rượi nhanh chóng bao lấy cơ thể Kỳ Uyển. Đập đập cái đuôi, nàng vội vàng rẽ sóng ngoi lên mặt nước xác định tình cảnh.
Theo phán đoán của nàng, đây có lẽ là một ngôi nhà sâu trong cánh rừng ở gần Thanh Bình trấn. Rừng trúc xanh mướt gió thổi nghe được tiếng lá chạm nhau kêu xào xạc, một phiến lá rơi quét nhẹ lên mặt nước của cái ao nằm sau mái nhà tranh mục nát.
Không sai, đây đích thực là một cái ao, lớn không bằng một góc của Vọng Nguyệt hồ. Kỳ Uyển đau khổ không thôi, sợ cả nửa ngày, cũng không nói thốt được một câu cảm thán nói lên tâm trạng hiện tại.
Được rồi, nàng cũng không chấp nhất quá, phải học chấp nhận thực tại, có chỗ ở là được, nước cũng không quá đục, chỗ này dĩ nhiên tốt gấp vạn lần cái chậu khô khốc của gã bán cá ngu ngốc kia. Tạm thời ở đây có lẽ là nơi an toàn nhất, nàng không sợ bị người khác quấy rối hay phá hỏng quá trình hồi phục linh lực.
Tiểu hài tử ngồi xổm bên ao, chống má xem cá chép đang lạ lẫm nhìn quanh, nó thích thú bật cười nói: "Thích không, Tiểu Ngư Nhi? Xem ngươi ngạc nhiên tới nỗi không chớp được mắt kìa "
Kỳ Uyển dù có thoải mái đến đâu nghe thấy cái tên mới là Tiểu Ngư Nhi, vẻ mặt cũng dần đen lại, ba chữ Tiểu Ngư Nhi bắt đầu nối đuôi chạy ngang dọc. Nàng tên Kỳ Uyển chứ không phải cái tên ngu ngốc này, mà ngươi không biết rằng đã là cá thì không thể nhắm mắt sao?
Nước trong ao tung bọt trắng xoá, Kỳ Uyển đang nổi giận phản kháng. Nhưng tiểu hài tử lại làm lơ phản ứng của nàng, cho là nàng đang phấn khích quá độ vì cái tên mới đặt.
Mắt nó chớp chớp, nhoẻn miệng cười, ngây ngô nhìn Kỳ Uyển tức tới vẩy trắng biến hồng. Giống như nhớ ra điều gì, nó "a" lên một tiếng, vỗ mạnh một cái vào đầu.
"Ta là Tống Diễn." Nó gãi gãi tóc. "Nương hay gọi ta là Diễn, ngươi có thể gọi ta như thế cho ngắn gọn."
TIểu hài tử nhất định là đầu óc có vấn đề, xem đi, nhất định vậy, có ai lại nói chuyện với một con cá không? Tuy rằng bây giờ xếp nàng vào hàng cá bình thường có hơi khiên cưỡng nhưng sự thật phũ phàng, nàng có thể cử động lầm bầm mắng nhỏ vài câu là vẫn coi như khá may mắn, chắc nó không có hiểu được tiếng động vật bằng không mấy lời này đủ để nó bỏ nàng vào nồi làm lẩu mất.
Kỳ Uyển ngao ngán nhìn tiểu hài tử tên Diễn cái gì đó, nó đã thôi chống má, tiếp tục chuyển qua ôm đùi bó gối, hướng nàng nói chuyện tiếp.
"Ta sẽ kể cho ngươi nghe xem nhà ta như thế nào? Cái ao này vốn dĩ..."
"Diễn, con lấy bạc đi đâu cả buổi?" Giọng nói giận dữ là từ phía sau lưng Diễn phát ra, bất ngờ cắt ngang câu nói, nó vội vã đứng dậy trong phút chốc, rồi nhanh chóng quay phắt người lại.
"Nương, con..." Nó rũ mắt, lí nhí nói với người phụ nữ đang đứng trước cửa nhà trúc.
Đó là nương của Diễn, bà nghe nó nói, lập tức lăm lăm bước tới, trong tay cầm một nhánh trúc, tới gần Diễn bà hỏi.
"Con giải thích mau cho nương, con lấy bạc là để mua thứ này sao?"
Diễn cúi đầu, bà liền cầm nhánh trúc chỉ vào mặt, ánh mắt tức giận thoáng liếc qua Kỳ Uyển.
Kỳ Uyển liền thấy ẩn ẩn đau cái xương sống nhưng vẫn nàng bạo gan nhướn người khỏi bóng lưng nhỏ bé để nhìn nương Diễn. Bà ấy cũng ăn mặc như Diễn, dáng vẻ xanh xao gầy gò đủ thấy cuộc sống hai mẹ con chẳng dễ dàng là bao. Khoé mắt đầy vết chân chim là kết quả tất yếu của việc thức khuya dậy sớm nhưng chỉ có vết nhăn làm bà già nua hơn, còn về tổng thể Kỳ Uyển thấy người này có cái khí chất nói không nên lời. Quần áo chấp vá chỗ nọ chỗ kia nhưng vẫn gọn gàng không phải kiểu mặc qua loa, tóc tai được vấn lên rất có quy củ. Nếu không sinh ra vào thời ăn không đủ no thì hiện giờ bà hẳn là một người không phú thì quý.
Trực giác Kỳ Uyển nói người này có vấn đề.
"Nương, con...chỉ là muốn cứu nó thôi" Diễn cắn môi trả lời, hai góc áo bắt đầu bị tay nó giày vò. Nghe Diễn nói bà không những không xuôi cơn giận mà còn tức tối đánh vào chân nó.
"Con có biết số bạc đó để mua gạo ăn dè chừng không hả?" Nương Diễn nhăn mặt quát tháo. Bị roi trúc quất một cái, da thịt nó đã đỏ ửng. Nhìn nó cau mày, Kỳ Uyển cũng xót xa theo, tiểu hài tử trông đau sắp không nhịn được mà lã chã nước mắt nhưng nàng vẫn thấy nó cố kiên cường nói.
"Con biết."
"Nhưng nó đáng thương lắm, con muốn cứu nó."
"Cứu nó thì ai cứu chúng ta?" Bà thật sự không nói nổi hài tử của mình nữa. Kết quả là tiếp một trận roi giáng xuống, sau đó nương Diễn định bắt nàng nấu canh, Diễn liền tiếp tục liều ôm chân ngăn cản bà.
Qua một trận khóc lóc, nương của Diễn nhìn nó, không đành lòng quay gót vào nhà, Diễn ngồi thừ một lúc, có lẽ vì quá đau nhưng nó vẫn không quên an ủi nàng.
"Đừng lo lắng, ngươi sẽ không sao? Nương sẽ không bán ngươi đi đâu, ta đi xin lỗi, bà thương ta lắm sẽ tha cho ta ngay thôi" Nói xong, nó gắng chạy một mạch vào nhà đi xin lỗi.
Tâm trạng nàng theo bóng lưng nhỏ bé kia trong nhà kia trầm xuống, một đứa trẻ vì một người lớn như nàng mà bị đánh, dẫu chỉ là chuyện nhỏ của bậc phụ mẫu giáo huấn con cái nhưng tâm nàng nhịn không được, nảy sinh cảm giác áy náy.
Chưa bao giờ nàng thấy mình vô dụng như hiện tại, đến một phép trị thương nho nhỏ cũng làm không nổi. Tiểu hài tử này có sai, đáng trách hơn phải là nàng mới đúng. Lâu lắm mới có người vì nàng đấu tranh "tới cùng", nàng cũng muốn giúp nó nhưng chuyện đó là không thể.
Kỳ Uyển suy tư một hồi, trong khi gió mát nhè nhẹ thổi, thoáng một cái, ngày dài cuối cùng đã lặng lẽ trôi qua.
...
Từ sau lần mẫu thân của Diễn đòi nấu Kỳ Uyển, tối nào nó đều vác ghế ra ao trông chừng, chỉ sợ nương nó thịt mất Tiểu Ngư Nhi lúc nào không hay. Tuy là lần nào nó cũng ngủ quên mất nhưng mặc kệ nàng có hiểu hay không, trước khi ngủ mất, miệng nó luôn thì thầm một câu.
"Tiểu Ngư Nhi, ta hứa sẽ bảo vệ ngươi thật tốt!"
Lần này thật sự không nói nổi, Kỳ Uyển ghi nhận, nàng hiểu.
Đến lúc nó thiếp đi, một lát sau nương của Diễn sẽ ra ôm nó vào nhà còn không quên chán nản liếc nàng một cái mới lắc đầu đi vào nhà, không hề có ý định bắt trộm nàng để nấu nữa.
Có một người dịu dàng như thế làm mẫu thân thật tốt, nàng nghĩ. Không biết hồi xưa mẫu thân có ôm nàng một lần không? Nàng khi sinh ra chưa đầy một tuổi phụ mẫu đã độ kiếp thăng tiên rồi, vì thế nàn chẳng biết mặt mũi họ như thế nào, hẳn như Diễn, giống nương một chút, một phần giống người còn lại.
Đôi lúc thật cô độc làm sao!
Nhắc tới, không biết tại sao cha Diễn chưa xuất hiện?
...
Kỳ Uyển tạm thời ở lại trong cái vũng nước mà theo như nàng nói là chưa bằng một thước vuông. Mỗi ngày đều trôi qua cực kì buồn chán và tẻ nhạt, nhà ở trong rừng, cách xa trấn một chút vì thế nàng không thể hóng hớt náo nhiệt từ bên ngoài nhân gian. Ngoài việc tu luyện, thú vui duy nhất của nàng là nghe Diễn lảm nhảm trời trăng mây đất bên tai nàng.
Vừa vô bổ, vừa nhạt nhẽo sao tiểu hài tử có thể chịu khó tới thế nhỉ? Thực ra nàng cũng vui không ít, tu luyện bên Vọng Nguyệt hồ chỉ có sư phụ sẽ nói nàng đôi ba câu chưa có ai nói nhiều hơn nàng trong suốt ngàn năm qua.
Nó hay khoe những thứ lông gà vỏ tỏi mà nó cho là điều thú vị nhất, kể với nàng hết tất tần tật, từ đầu chí cuối.
"TIểu Ngư Nhi, hôm nay ta bán củi được rất nhiều bạc vụn." Nó xoè hai tay, trong đó đúng là có chút vụn bạc lẻ, có vẻ nhiều hơn số bạc hôm Diễn mua nàng.
"Tiểu Ngư Nhi ơi, ta được nương khen kìa!" Mặt mày nó vui ra trò, thanh âm cũng vui sướng hơn ngày thường.
"Tiểu Ngư Nhi à, ta vừa học lỏm được ít chữ, ta phát hiện đứng trên cây nhãn ngoài cửa không những có thể nghe được bài giảng còn nhìn được cả chữ nữa." Nguyên lai ngoài đầu làng có một cái nhà tranh nhỏ do dân trấn dựng lên để một ông thầy già khú đế dạy con bọn họ học. Ở cửa sổ có một cây nhãn cao, Diễn thường trèo lên đó nghe lỏm.
"Tiểu Ngư Nhi, ta bị phát hiện rồi, thầy đuổi ta đi." Giọng nó buồn hẳn, nước mắt nước mũi chảy tèm lem.
"Tiểu Ngư Nhi này, tuy ta không được thầy dạy nhưng nương của ta biết chữ, bây giờ ta mới biết, bà nói bà muốn dạy ta học." Nó vui sướng, hớn hở định giơ tay ra ôm lấy Kỳ Uyển, cho nàng xin, nàng sợ bị ôm đến khô lắm.
"Tiểu Ngư Nhi này, ta được nương dạy nhiều thứ lắm đó, ngươi xem" Lấy một cành trúc gần bên ao, nó viết mấy chữ lên mặt nước.
"Tiểu Ngư Nhi, ta muốn có thể tích cóp đủ bạc đi mua chút sách về binh pháp hay võ học gì đó, ta muốn mạnh hơn để bảo vệ nương." Nó giơ bắp tay gầy guộc lên làm thế võ, theo nó nói thì cái tư thế này rất oai, có thể doạ lui đám người xấu.
Nếu luận về võ học, Kỳ Uyển có thể giúp nó phần nào nhưng Kỳ Uyển ơi là Kỳ Uyển thân mình còn chưa lo nổi thì lo cho ai được. Nàng đành ở yên trong ao, không ngừng tu luyện không thì hàng ngày rảnh rỗi nghe Diễn nói nhảm.
Nói đến tu luyện, linh khí ở đây muốn hấp thu được thì cũng khá vất.
Linh khí ở nhân gian thật sự rất ít, đa số chúng đều tồn tại ở dạng vẩn đục, rất nhạt, nàng vốn dĩ quen hấp thu link khí thuần khiết, bây giờ miễn cưỡng hấp thu vào có khó khăn đôi chút. Nguyên thần của nàng bị lôi điện đánh khá nặng, dăm bữa nửa tháng thì không thể khôi phục ngay, nàng đã từng nghĩ, nằm không cũng trúng đạn là chuyện gì, Kỳ Uyển nàng đã nợ lão Thiên gia cái gì sao?
...
Loáng thoáng đã qua những ba bốn năm, mọi thứ ở đây dường như không có thay đổi gì nhiều, có phải hay không là tại nàng đã nhìn đến chai mắt, nhưng nếu vạch ra chút thay đổi thì không phải là không có.
Diễn đã lớn hơn một chút, năm đó nó có mười tuổi cao chạm nhánh trúc bên hồ mà Kỳ Uyển ngắm chơi, nhưng so với đám tiểu hài tử cùng tuổi có lẽ vẫn kém non nửa cái đầu người ta, mặt mày nhìn tươi tỉnh hơn, ngũ quan đã rõ nét, lộ ra được phần nào khí phách của thiếu niên. Lớn thế nhưng nó vẫn hay kể chuyện cho Kỳ Uyển nghe như cũ, nàng sẽ vui vẻ nghe lấy, khá vui tai bởi nàng không có việc gì làm cả ngoài tu luyện.
Nương của Diễn có vẻ đã vừa mắt cái con cá chép này hơn chăng? Đôi khi Diễn chưa về kịp, bà sẽ mang cho nàng chút cơm vụn quý giá, ánh mắt khi nhìn nàng đã hoà hoãn hơn trước. Điều này càng cho thấy nguy cơ sẽ vào nồi canh của nàng sẽ đang giảm dần xuống cho đến số không, tỉ lệ sống sót sẽ cao hơn.
Còn Kỳ Uyển an an ổn ổn sống qua ngày, mỗi ngày đều lặp đi lặp lại, nàng hấp thu linh lực vào cơ thể, rồi vận ngược vẩn đục ra ngoài, linh khí ít ỏi tích cóp trong thời gian qua, đã đủ để nàng hoá hình cao chạy xa bay.
Lão Thiên gia hẳn sẽ không phụ lòng nàng đâu, mà đền bù cho nàng gặp ngay cái thiên duyên để nàng khỏi đi tìm cho mất công, mất sức. Nhưng trước hết phải xem Diễn có tâm nguyện gì cần hoàn thành không? Kỳ Uyển vẫn đang nợ nó một mối ân tình.
Cá chép trắng bất an bơi vòng quanh hồ. Rốt cuộc tiểu tử đó có tâm nguyện gì ngoài việc giúp nương kiếm tiền. Để nàng hoá hình thử hỏi nó một lần xem sao? Vừa hay đúng thời cơ, linh lực đã trở về, chỉ là nguyên thần chưa khôi phục hẳn thôi.
Linh lực lập tức được Kỳ Uyển huy động, trong phút chốc bắt đầu theo kinh mạch chạy khắp thân thể, toàn thân nàng nóng dần lên. Nếu thành công, nàng nhất định sẽ hoá được hình người, có thể nghênh ngang bước đi rồi, không phải ngước nhìn nhân loại nữa.
Thời khắc này cực kỳ quan trọng, linh khí ở nhân gian được tinh lọc nhưng chưa ổn định, bị gián đoạn sẽ mất hết hoặc lại mất thêm vài ngày để hồi phục.
Trách Kỳ Uyển nàng quá xui, nói gì trúng đó.
"Tiểu Ngư Nhi, Tiểu Ngư Nhi..." Giọng nói từ xa làm nàng phân tâm, linh lực lập tức chạy tán loạn lung tung.
Kỳ Uyển thực sự muốn nhai ranh con này cho thoả, giờ này đâu phải giờ để kể chuyện tâm sự, ngươi nhầm giờ rồi, hại lão nương đây phải chậm lại vài ngày, chuyện gì quan trọng thì cũng nên để sau, ngươi nhằm đúng giờ để phá là thế nào?
_14/06_