0
0
655 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mất mẹ, mất chốn bình yên đi về (P1)


Vài ngày nữa là trăm ngày của Mẹ. Một trăm ngày, con số thật nhỏ bé so với mười lăm ngàn ngày có Mẹ. Vậy mà những ngày qua, đối với tôi dài đăng đẳng.

Mỗi sáng thức dậy, yên ắng, tôi nhớ tiếng gậy lộc cộc Mẹ đi lại trong nhà. Lúc trước, cứ đúng sáu giờ sáng, Mẹ trở dậy bắt đầu một ngày của mình. Mẹ thức rất sớm, trăn trở vài lần rồi nằm lại, đến đúng giờ mới dậy để không ồn con cháu ngủ. Lâu dần, tiếng gậy lộc cộc của Mẹ trở thành chuông báo thức cho cả nhà. Những ngày Mẹ đi khỏi, đâu đó trong giấc mơ, trong tiềm thức, tôi vẫn nghe tiếng cộc lộc mà ngỡ Mẹ còn quanh quẩn đâu đây. Chiếc đèn hành lang luôn bật sáng để cho Mẹ nhìn thấy mỗi khi giật mình lúc nửa đêm, nay ánh sáng ấy vẫn chiếu rọi sáng lòa. Chỉ có thân ảnh của Mẹ là mờ ảo chỉ còn trong ký ức.

Con gái tôi, mỗi sáng rửa mặt, đổ xà phòng ra chà rửa cái bồn. Tôi hỏi: “Con làm gì vậy?” Bé trả lời: “Con bắt chước Ngoại, mỗi sáng rửa mặt sẽ rửa cho cái bồn.” Một hành động nhỏ thôi, nhưng là thói quen sạch sẽ lâu nay của Mẹ.

Ngày nào Mẹ cũng chăm chút cho mấy chậu rau, hoa trước hiên nhà. Chỉ có khoảng sân nhỏ, Mẹ vẫn thích trồng cây cỏ cho vui. Mẹ lo lắng cho từng cái lá, vạch tìm từng con sâu, con bọ bé tí, tỉ mỉ tưới cho chúng nước cơm khi vo gạo để dành lại. Mẹ có tay trồng hoa, mấy cây sứ nở bông rực rỡ, chậu lài Nhật dù trồng ở xứ nóng, thi thoảng vẫn bung nở khoe sắc tím dịu dàng, rồi chuyển sang màu trắng tinh khôi khi gần rụng. Lúc hoa nở, mười lần như một, Mẹ đem điện thoại ra, mày mò chụp lại, đến lúc rảnh rỗi mở ra nhìn. Tôi hay trêu: “Nhìn trên điện thoại nó đẹp hơn hay sao ha Mẹ?” Tôi biết, là Mẹ đang thưởng thức thành quả của mình, cảm giác nụ hoa hé nở, trái đơm trên cành, do chính mình chăm sóc, thật tuyệt.

Mẹ chăm được cây dâu tằm. Cây khẳng khiu mỏng manh chứ không xum xuê lắm, vậy mà ra trái đều đều, ăn rất ngọt. Sáng chiều Mẹ ra vào đều ngắm, xem nó chín chưa, màu đỏ thì còn chua, chuyển sang màu đen mới ngọt, có hôm để qua đêm, chim ăn mất, Mẹ tiếc nuối: “Không có cho con gà con của Ngoại ăn (chỉ đứa con gái của tôi).” Những ngày nằm viện, lúc còn nói chuyện được, Mẹ hỏi: “Cây dâu ở nhà sao rồi, còn ra trái không?” Nó như món quà Mẹ để lại, để theo đó phảng phất bóng hình của Mẹ.

Mẹ trồng được vài chậu rau, cẩn thận cắt từng ngọn nhỏ xíu, đem vô tự mình lặt, tự mình rửa. Mẹ nói: “Tụi bây lặt rửa phí lắm.” Loay hoay nấu nồi canh nóng hổi. Khi con gái tôi xì xụp ăn khen ngon, Mẹ hãnh diện: “Ngoại trồng đó.” Trồng được cây đinh lăng, Mẹ hái lá phơi khô, để dành, khi hòm hòm rồi cắt vải may gối. Chiếc gối lá phát ra âm thanh sột soạt vui tai, cộng với mùi hương thơm ngát như mùi hương quen thuộc của Mẹ.

Tôi không có tay trồng cây trái, có thể tôi không để tâm, cũng có thể tôi không tưới cho chúng bằng sự yêu thương như Mẹ, cây cối dưới bàn tay chăm sóc của tôi nó không xanh tốt như khi Mẹ trồng. Tôi chỉ biết tặc lưỡi: “Bọn mi ráng sống, đều là cây của Mẹ để lại.”

(Còn tiếp)