1
2
696 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mất mẹ, mất chốn bình yên đi về (Phần kết)


Lúc biết Mẹ bệnh không thể chữa khỏi, tôi khóc rất nhiều, sau đó cố gắng mạnh mẽ để động viên Mẹ, và không cho Mẹ biết bệnh tình để Mẹ vui vẻ những ngày còn lại. Những ngày nằm viện, mỗi lần bác sĩ khám, cho biết: “Tình hình của bà ngày một tệ, không còn bao lâu nữa”, nước mắt tôi lại tuôn rơi. Tôi chỉ lén khóc, không để cho Mẹ biết, sợ Mẹ suy sụp. Nhưng Mẹ cảm nhận được cơ thể của mình, Mẹ nói với anh tôi: “Con Thanh và bác sĩ giấu nhưng mẹ biết mẹ bệnh nặng.” Ngày cuối cùng còn tỉnh, Mẹ biết mình sẽ ra đi, căn dặn anh tôi đủ điều, nào là anh em thương nhau, vợ chồng hòa thuận… Đều là lo lắng cho con cháu, Mẹ không yêu cầu gì cho mình. Một đời của Mẹ, chỉ biết hy sinh, đến giây phút cuối cùng, cũng là nghĩ cho con cháu mà thôi.

Khi đưa Mẹ từ bệnh viện về đến lúc tang lễ, tôi không hề khóc. Tôi dặn mình phải mạnh mẽ để Mẹ ra đi thanh thản, nước mắt chỉ làm Mẹ vướng bận mà thôi. Nhưng khi đưa tiễn Mẹ về với cát bụi rồi, đối diện với nỗi quạnh hiu, cảm giác mất mát thật khổ sở. Từng ngày trôi qua, nhìn đâu đâu từ ngoài ngõ đến trong nhà đều thấy hình bóng của Mẹ, mà thân ảnh Mẹ đã không còn. Chiếc gậy Mẹ chống, giường chiếu Mẹ nằm, bàn chải, ly nước, chiếc nón lá, những món đồ Mẹ thường dùng vì thiếu hơi ấm của Mẹ mà trở nên chơ vơ, lạnh lẽo.

Tôi ngưỡng mộ những người sáu bảy mươi tuổi vẫn còn có mẹ. Lúc này tôi hiểu một điều, dù bao nhiêu tuổi, dù ở gần mẹ bao lâu cũng không đủ. Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi vô bệnh viện ngay lúc mẹ của đứa em vừa mất, nó đã gào khóc thê thảm: “Mẹ ơi, con mới mười chín tuổi, sao Mẹ lại bỏ con.” Lúc đó, dù đau lòng cho cảnh sinh ly tử biệt, tôi không biết được rằng, nỗi đau mất mẹ lớn như thế nào. Giờ đây, tự mình trải qua, tôi mới thấu hiểu.

Từ bao lâu rồi không rõ, Mẹ là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Mỗi khi mệt mỏi, về nhà thấy Mẹ, cùng Mẹ trò chuyện dăm câu khiến tôi nhẹ nhõm. Mẹ như kho kiến thức không bao giờ cạn. Mẹ nói: “Mẹ không được học hành nhiều”, nhưng những đạo lý, cách đối nhân xử thế của Mẹ, bao nhiêu sách vở không bằng được.

Người ta nói sau bốn mươi chín ngày có thể đem Mẹ lên bàn thờ tổ tiên gộp chung bát hương. Nhưng tôi vẫn đặt bàn thờ của Mẹ ở phòng khách. Để mỗi khi về nhà, mở cửa liền nhìn thấy nụ cười ấm áp hiền hậu của Mẹ, để đến thắp cho Mẹ nén hương, để kể với Mẹ vài câu chuyện vu vơ, để mỗi lần ra khỏi cửa vẫn chào Mẹ: “Con đi chút về” như thuở Mẹ còn.

Vừa rồi có người bạn hỏi: “Có về quê không?” Tôi ngơ ngác nhận ra rằng, quê gắn liền với Mẹ. Những ngày đi học, và mới đi làm, Mẹ ở quê, ngày nghỉ, lễ tết tôi tranh thủ về quê với Mẹ. Sau này Mẹ lên thành phố sống cùng tôi, những lần về quê là về cùng với Mẹ, đưa Mẹ về thăm người này người kia, thăm nhà cũ, ăn một món ăn mà Mẹ hay nghĩ tới “Ở quê bán ngon lắm” hay chỉ đơn giản là về quê để nhớ kỷ niệm, để khuây khỏa. 

Tôi không biết, bao lâu nữa tôi mới về lại quê, có thể là ngày giỗ, ngày này ngày nọ. Nhưng có một điều chắc rằng, sau này tôi về quê, cảm giác không giống như khi còn có Mẹ. Vì, một chỗ dựa, một chốn bình yên đã không còn.

 

Sài Gòn, 04.04.2023.

Hoàng Ngọc Thanh.